Phát huy vai trò của Hội Luật gia Việt Nam trong hoạt động bảo vệ môi trường

15/12/2022 15:35

Các cấp Hội Luật gia Việt Nam đã đạt được kết quả nhất định trong hoạt động bảo vệ tài nguyên, môi trường, góp phần xây dựng môi trường sống trong sạch.

Kết quả nổi bật trong bảo vệ môi trường

Ngày 14/12, tại Hà Nội, Hội Luật gia Việt Nam tổ chức Hội thảo “Phát huy vai trò của Hội Luật gia Việt Nam trong công tác bảo vệ môi trường”.

TS. Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam; TS. Trần Công Phàn, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam dự và chủ trì Hội thảo.

Tham dự hội thảo còn có các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, đại diện Hội Luật gia các tỉnh, thành phố.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho biết, bảo vệ môi trường (BVMT) là vấn đề rất nóng không chỉ ở Việt Nam mà còn ở trên thế giới. Thực hiện Chương trình phối hợp công tác số 03/CTPH-BTNMT-HLG ngày 5/10/2018 giữa Hội Luật gia Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường; trên cơ sở đề xuất của Hội Luật gia Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thủ tướng Chính phủ đã Quyết định giao Hội Luật gia Việt Nam thực hiện nhiệm vụ “Tuyên truyền, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng bảo vệ môi trường cho đội ngũ cán bộ, hội viên của Hội Luật gia các cấp”.

1-1671008820.jpg

TS. Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo

Trong năm 2021 và 2022, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, song Hội Luật gia Việt Nam đã chủ động lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Trung ương Hội và Hội Luật gia các tỉnh, thành phố, các Chi hội luật gia ở các bộ, ngành Trung ương phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ Tài nguyên và Môi trường và hệ thống các cơ quan tài nguyên và môi trường ở các địa phương thực hiện bước đầu và đạt được kết quả nhất định trong hoạt động bảo vệ tài nguyên, môi trường, cảnh quan thiên nhiên, góp phần xây dựng môi trường tự nhiên, môi trường sống trong sạch, nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Theo Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền, việc thực hiện nhiệm vụ trên đã có một số tác dụng nhất định:

Một là, giúp cho các luật gia là báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, tư vấn viên pháp luật và hòa giải viên được nâng cao kiếnthức pháp luật và năng lực giám sát thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường;

Hai là,các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong quá trình tổ chức thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường cần đến sự tư vấn, hỗ trợ của đội ngũ luật gia.

Ba là, người dân được nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường; được luật gia hỗ trợ pháp lý, hỗ trợ bảo vệ quyền lợi khi quyền được sống trong môi trường trong lành, an toàn của người dân bị xâm phạm.

Bốn là, đội ngũ luật gia tham gia giám sát xã hội, phòng, chống vi phạm pháp luật về môi trường sẽ giúp nhận thức của cộng được tăng cường, góp phần tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật bảo vệ môi trường, đặc biệt là sớm phát hiện hoặc hạn chế hành vi vi phạm cũng nhưhậu quả của hành vi vi phạm môi trường gây ra khó có thể khắc phục.

2-1671008829.jpg

Quang cảnh Hội thảo

Chính vì lẽ đó, Hội Luật gia Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính đã tiếp tục đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ tiếp tục giao nhiệm vụ năm 2023 với quy mô nhiệm vụ lớn hơn những năm vừa qua.

Để nhìn nhận, đánh giá thực chất hiệu quả nhiệm vụ “Tuyên truyền,tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng bảo vệ môi trường cho đội ngũ cán bộ, hội viên của Hội Luật gia các cấp” năm 2021 và 2022, đồng thời thảo luận, cho ý kiến nhằm hoàn thiện hơn về nội dung, hiệu quả hơn về phương pháp thực hiện nhiệm vụ năm 2023, Hội Luật gia ViệtNam tổ chức Hội thảo tham vấn với chủ đề “Phát huy vai trò của Hội Luật gia Việt Nam trong công tác bảo vệ môi trường” để nghe ý kiếntrực tiếp từ các chuyên gia, Hội Luật gia các tỉnh, thành phố, đánh giá những kết quả đã đạt được và cơ sở định hướng cho việc hoàn thiện nội dung, chương trình triển khai nhiệm vụ năm 2023.

Tại Hội thảo, Ủy viên Ban thường vụ Trung ương Hội, Trưởng Ban Nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật, Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Huệ báo cáo đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, tập huấn nâng cao kiến thức, năng lực bảo vệ môi trường cho đội ngũ cán bộ, hội viên của Hội Luật gia các cấp 2021-2022.

3-1671008829.jpg

Ông Nguyễn Văn Huệ - Ủy viên Ban thường vụ Trung ương Hội, Trưởng Ban Nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật, Hội Luật gia Việt Nam

Ông Nguyễn Văn Huệ đưa ra phương hướng tiếp tục phát huy vai trò của Hội Luật gia Việt Nam trong công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2023-2026 như:

Đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc bảo vệ tài nguyên và môi trường, nhất là các chủ đề môi trường hàng năm sâu rộng trong đội ngũ cán bộ, hội viên và nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và thông qua các hoạt động của Hội Luật gia.

Cùng với đó, triển khai tập huấn nâng cao kiến thức pháp luật và năng lực giám sát thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường cho cán bộ, hội viên là báo cáo viên, tuyên truyền viên, tư vấn viên và hòa giải viên của Hội Luật gia các cấp;

Tiếp tục triển khai các hội nghị tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực môi trường cho cán bộ, hội viên Hội Luật gia các cấp;

Thí điểm công tác Hội Luật gia Việt Nam tham gia giám sát thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường ở một số địa phương, từ đó nhân rộng các mô hình Hội Luật gia các cấp vận động nhân dân tham gia bảo vệ tài nguyên và môi trường;

Đồng thời, tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa Hội Luật gia và ngành Tàu nguyên và Môi trường các cấp trong việc nâng cao kiến thức, nhận thức và vai trò của hội viên Hội Luật gia các cấp trong công tác bảo vệ tài nguyên và môi trường; bên cạnh đó, tổ chức một số hội thảo chuyên sâu về các chủ đề bảo vệ môi trường.

Hội thảo đã nghe đại diện lãnh đạo Hội Luật gia các tỉnh Bắc Ninh, Quảng Bình, chi hội Luật gia phường Bưởi… tham luận về phát huy vai trò của Hội Luật gia Việt Nam trong công tác bảo vệ môi trường; tổng kết thí điểm tuyên truyền phổ biến Luật Bảo vệ Môi trường 2020 và thực hiện giám sát phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình.

Thúc đẩy công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường

Tại Hội thảo, cho ý kiến về thực hiện lồng ghép phổ biến giáo dục pháp luật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn vào hoạt động tư vấn pháp luật, TS. Hoàng Quốc Lâm, chuyên gia thuộc Trung tâm truyền thông, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, để thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo Luật BVMT 2020 và quy định về xử phạt vi phạm hành chính khi không thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn được thực thi hiệu quả, điều quan trọng nhất có thể thấy rất rõ, đó là ý thức của con người, yếu tố quyết định và vai trò quan trọng của giáo dục trong thay đổi nhận thức, hành vi phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn không khó, vướng mắc lớn nhất hiện nay, không gì khác, chính là vấn đề nhận thức và tư duycủa cộng đồng.

Để thay đổi nhận thức và tư duy của người dân, TS. Lâm cho biết có nhiều cách thức, tuy nhiên ông muốn thực hiện lồng ghép phổ biến giáo dục pháp luật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn vào hoạt động tư vấn pháp luật của Hội Luật gia các cấp.

“Khi lồng ghép phổ biến, giáo dục pháp luật về BVMT nói chung, về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn nói riêng vào hoạt động tư vấn pháp luật sẽ góp phần tăng thêm hiệu quả, ý nghĩa xã hội của hoạt động tư vấn pháp luật của Hội Luật gia các cấp.

Bởi vì, khi đó tư vấn pháp luật không chỉ phục vụ một người mà là phục vụ nhiều người cùng lúc. Kết quả là một lời khuyên đúng đắn không chỉ được áp dụng trong một trường hợp mà được nhân lên nhiều trường hợp, được sử dụng nhiều lần thay vì một lần”, TS. Lâm nhấn mạnh.

Hơn nữa, theo TS. Lâm đây cũng là một cách thức hữu hiệu để thúc đẩy công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về BVMT phát triển, đa dạng hóa các kênh tuyên truyền pháp luật về BVMT.

Ông Lâm chỉ ra hoạt động tư vấn lồng ghép phổ biến, giáo dục pháp luật về phân loại chất thải rắn sinh hoạttại nguồn trên thực tế có thể thông qua hoạt động tư vấn pháp luật của Hội Luật gia các cấp theo các phương thức như: Lồng ghép thông qua quá trình xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai kế hoạch và cơ chế phối hợp, hỗ trợ thực hiện; lồng ghép thông qua các hoạt động tư vấn pháp luật trực tiếp của các Trung tâm tư vấn pháp luật, luật sư, tổ tư vấn pháp luật, cán bộ đoàn thể;

4-1671008829.jpg

TS. Hoàng Quốc Lâm, chuyên gia thuộc Trung tâm truyền thông, Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại Hội thảo

Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật về BVMT, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn cho đội ngũ luật gia, luật sư, cán bộ tư vấn pháp luật; biên soạn và phát hành các ấn phẩm tuyên truyền về BVMT, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn mang tính phổ thông, kết hợp hỏi đáp về những vấn đề pháp luật cụ thể gắn liền với đời sống hàng ngày (tờ rơi, tờ gấp, sách bỏ túi …).

Năm 2025 là thời điểm Luật BVMT 2020 và các điều khoản về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo quy định tại Nghị địnhsố 45 có hiệu lực. Vì vậy, TS. Lâm nhấn mạnh: “Việc thay đổi thói quen của người dân trong việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn là việc làm không phải thực hiện được một sớm, một chiều nhưng với sự quan tâm, đẩy mạnh truyền thông về thực hiện pháp luật về BVMT của các cấp Hội Luật gia và các cấp chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, khi người dân nắm rõ các quy định của pháp luật, họ sẽ thực hiện đúng các quy định của pháp luật về BVMT. Qua đó, góp phần bảo vệ môi trường sống”.

Cũng tại Hội thảo, thống nhất với các phương hướng để tiếp tục phát huy vai trò của Hội Luật gia Việt Nam trong công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2023-2026, đa số các đại biểu đều khẳng định bảo vệ môi trường là việc làm cấp bách, là trách nhiệm của toàn xã hội. Đồng thời, các đại biểu cho rằng cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về Bảo vệ môi trường để người dân hiểu rõ và thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách, chương trình, kế hoạch bảo vệ môi trường; hiểu rõ các quy định quyền lợi, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân theo quan điểm “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, “người hưởng lợi từ môi trường phải chi trả”. Từ đó, góp phần quan trọng vào công tác bảo vệ môi trường.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền đề nghị Ban Nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại hội thảo. Từ đó, xây dựng và có hướng dẫn cụ thể để các địa phương thực hiện triển khai công tác bảo vệ môi trường một cách tốt nhất. Chủ tịch Hội Luật gia cũng mong muốn trong năm tới các cấp Hội sẽ phát huy được vai trò của mình trong công tác bảo vệ môi trường.

Bạn đang đọc bài viết "Phát huy vai trò của Hội Luật gia Việt Nam trong hoạt động bảo vệ môi trường" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin