Hội thảo có sự tham dự của nhiều nhà khoa học, giáo sư, tiến sĩ chuyên gia đến từ CHLB Đức và Việt Nam.
Về phía Hội Luật gia Việt Nam có sự hiện diện của TS Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam; ThS. Lê Thị Kim Thanh, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam; GS.TS Lê Hồng Hạnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam; Thẩm phán Hoàng Ngọc Thành, Chánh án Tòa Kinh tế, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội; Luật gia Nguyễn Văn Huệ, Trưởng Ban Nghiên cứu pháp luật, Hội Luật gia Việt Nam; TS. Hà Công Anh Bảo, Trưởng Khoa Luật, Đại học Ngoại thương Hà Nội. Cùng các đại diện đến từ Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, các trường đại học, trung tâm trọng tài và các công ty luật hàng đầu Việt Nam.
Về phía CHLB Đức có bà Anne Zimmermann, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế về pháp luật, Bộ Tư pháp Liên bang CHLB Đức; Bà Angela Schmeink, Trưởng Văn phòng phụ trách hợp tác khu vực Châu Á của IRZ; Luật sư Jan Schäfer, Trọng tài viên quốc tế đến từ Công ty Luật King & Spalding LLP, Frankfurt am Main; Tiến sĩ Ulrich Wessels, Chủ tịch Đoàn Luật sư CHLB Đức; Bà Swetlana Schaworonkowa, Cố vấn cao cấp của Đoàn Luật sư CHLB Đức.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS.Nguyễn Văn Quyền – Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cho biết, Luật Trọng tài thương mại được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 7 thông qua và có hiệu lực ngày từ 1/1/2011. Qua gần 14 năm thi hành, Luật đã thiết lập một khung pháp lý cho việc giải quyết tranh chấp thương mại ngoài tòa án, giúp các bên tranh chấp có thêm sự lựa chọn đáng tin cậy. Luật Trọng tài thương mại đã tạo ra những dấu ấn cho sự phát triển của thể chế trọng tài thương mại, góp phần tích cực vào công cuộc cải cách tư pháp của Việt Nam.
Với những kết quả đã đạt được, hoạt động trọng tài thời gian qua đã góp phần giảm tải hoạt động xét xử của Tòa án, nâng cao năng lực cạnh tranh trong tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam.
Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật cũng cho thấy bộc lộ những hạn chế, bất cập, đặc biệt là quy định về thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của trọng tài thương mại; vấn đề hủy phán quyết trọng tài; thi hành phán quyết trọng tài; các quy định về hình thức trọng tài, hình thức thỏa thuận trọng tài, thời hiệu khởi kiện, về quyền và nghĩa vụ của trọng tài viên, quy định về nội dung phán quyết trọng tài, vấn đề quản lý hoạt động trọng tài thương mại…
Đồng thời, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cũng cho rằng, qua sự chia sẻ của các chuyên gia dày dặn kinh nghiệm của Việt Nam, chuyên gia Đức cũng sẽ có những hiểu biết nhất định về pháp luật của chúng ta và từ đó có những ý kiến góp ý bổ ích cho việc xây dựng và thực thi pháp luật về trọng tài thương mại trong bối cảnh Việt Nam.
Phát biểu tại Hội thảo, Bà Anne Zimmermann - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế về pháp luật, Bộ Tư pháp Liên bang - CHLB Đức đánh giá cao những hoạt động chuyên nghiệp về chuyên môn của Hội Luật gia Việt Nam khi mời được những chuyên gia có nhiều kinh nghiệm của Đức để góp ý cho Việt Nam trong thời gian điều chỉnh Luật.
Bà Anne Zimmermann hi vọng trong thời gian diễn ra hội thảo cũng như sau này, hai bên sẽ tiếp tục có những trao đổi chuyên môn nhiều hơn nữa về các vấn đề được quan tâm.
Tham luận và trao đổi tại Hội thảo, các luật gia Việt Nam và chuyên gia đến từ CHLB Đức đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong xây dựng và thi hành pháp luật về trọng tài, đặc biệt là những nội dung liên quan đến việc đảm bảo tính độc lập, công bằng và minh bạch trong hoạt động trọng tài. Những bài học này không chỉ giúp Việt Nam giải quyết các bất cập hiện tại mà còn thúc đẩy sự phát triển của trọng tài thương mại trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.
Bên cạnh đó, các chuyên gia Việt Nam cũng đã chia sẻ cùng các chuyên gia Đức về những khó khăn, thách thức trong thực tiễn áp dụng Luật Trọng tài thương mại tại Việt Nam, đồng thời tham vấn kinh nghiệm của các chuyên gia về hoạt đồng trọng tài thương mại của CHLB Đức nhằm bổ sung, hoàn thiện dự thảo luật Trọng tài thương mại sửa đổi.
Hội thảo không chỉ là cầu nối hợp tác pháp luật giữa Việt Nam và CHLB Đức mà còn là dịp để Hội Luật gia Việt Nam và CHLB Đức chia sẻ kinh nghiệm xây dựng Luật trọng tài thương mại.
Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm của CHLB Đức về xây dựng và thi hành Luật Trọng tài thương mại”, là cơ hội để Việt Nam học hỏi kinh nghiệm từ một quốc gia có hệ thống trọng tài thương mại phát triển hàng đầu thế giới. Đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, việc hoàn thiện khung pháp lý về trọng tài thương mại đóng vai trò quan trọng giúp chúng ta nâng cao năng lực cạnh tranh và giải quyết kịp thời, hiệu quả các tranh chấp thương mại xảy ra.
Thành Chung