Pháp đình thấm đẫm tình người

Pháp luật không chỉ thể hiện tính nghiêm minh, răn đe cái ác, mà nhiều bản án tuyên còn thấm đẫm tình người, thể hiện sự khoan hồng của luật pháp cho những người lỡ một lần lầm đường, lạc lối.

Hơn 10 năm phụ trách mảng toà án, phóng viên từng chứng kiến nhiều phiên toà mang tính nhân văn như thế!

1. Ngồi lọt thỏm trước vành móng ngựa TAND TP Hồ Chí Minh một buổi sáng tháng 5-2017 là người phụ nữ trẻ cả thân thể đầy thương tích. Hậu quả của vụ phóng hoả đốt phòng trọ mà chị là bị cáo và cũng là nạn nhân của chính mình...

Trước Hội đồng xét xử (HĐXX) uy nghiêm, chị khai tên đầy đủ là Nguyễn Thị Hồng, 30 tuổi, quê ở Quảng Ngãi. Chị từng có chồng, con nhưng đã ly thân và họ đang sống ở quê. 7 năm trước, sau khi ly thân với chồng, chị rời quê vào TP Hồ Chí Minh tìm kế sinh nhai. Tại đây, chị gặp gỡ và nảy sinh tình cảm với anh P.V.H. (26 tuổi).

Cáo trạng thể hiện, chị (bị cáo Hồng) và anh H. có quan hệ tình cảm yêu đương từ tháng 10-2015. Cả hai cùng thuê phòng trọ sống chung với nhau tại phường Linh Trung, quận Thủ Đức.

Sau một thời gian chung sống, đến tháng 1-2016, anh H đặt vấn đề chia tay thì bị cáo tỏ thái độ bực bội, thất vọng vì cho rằng anh H không trân trọng tình cảm của mình.

Đêm 7-1-2016, khi anh H đến theo lời nhắn “sang ngủ với em đêm cuối trước khi về quê”, Hồng khoá cửa phòng trọ rồi đem chìa khoá đi giấu. Trong đêm, đợi anh H đã ngủ say, Hồng lấy xăng đổ lên quần áo của mình rồi châm lửa đốt phòng trọ. Hậu quả vụ án là anh H. bị thương tích 29%, còn Hồng thương tích lên tới 92%.

Với hành vi trên, Hồng bị Viện kiểm sát (VKS) truy tố về tội "Giết người" mang tính chất côn đồ theo điểm n khoản 1 Điều 93 BLHS.

Với thương tích khắp cơ thể, Hồng được tại ngoại trong suốt quá trình điều tra.

Tại toà, trả lời câu hỏi HĐXX vì sao lại nảy sinh ý định dại dột giết anh H., Hồng khai: Từng chịu nhiều đau khổ với người chồng ở quê (Hồng khai thời gian sống chung luôn bị chồng đánh đập -PV) nên khi quen anh H. bị cáo mong tìm được bến đỗ bình yên.

Lúc ban đầu, anh H nói "thương em, muốn cùng em đi đến cuối con đường...", bị cáo thấy H. hiền, lo làm ăn nên đồng ý. Vậy mà chỉ sau một thời gian ngắn sống chung, H. lại nói chỉ xem bị cáo như gái qua đường, khi nào cần thoả mãn sinh lý thì mới gặp. Khi Hồng nhắn tin đòi chết thì anh H. nói "muốn chết thì chết một mình đi".

Tự bào chữa cho mình, chị nói “vì lúc đó quá ức chế nên bị cáo mới hành động nông nổi như vậy..”.

 

 Quang cảnh một phiên tòa
Quang cảnh một phiên tòa)

Phiên toà vắng mặt anh H nên HĐXX không thể làm rõ thêm những lời khai của bị cáo Hồng. Tuy nhiên, quá trình điều tra, anh H đã nhận mình sai khi đùa giỡn với tình cảm với Hồng. Chính sự không trân trọng tình cảm chị của anh đã khiến chị trong lúc nông nổi gây nên tội lỗi. Vì lẽ đó, anh xin CQĐT không khởi tố Hồng bởi dù là hung thủ nhưng chị cũng là nạn nhân chính của vụ án.

Bản án hôm ấy đã được những người tham dự phiên toà nhẹ lòng khi xét Hồng phạm tội lần đầu, hậu quả vụ án xảy ra không đáng kể, bản thân bị cáo đã phải chịu thương tích nặng do chính hành vi vi phạm pháp luật của mình gây ra nên chỉ tuyên phạt Hồng mức án 3 năm tù treo.

2. Khác với người phụ nữ từng một lần dang dở trong hôn nhân và đắng chát trong cuộc tình thứ hai như Hồng, hơn 9 tháng tạm giam đến ngày ra toà, cô gái trẻ Trần Kim Ngân (24 tuổi, ngụ tỉnh Bạc Liêu) vẫn chưa khỏi bàng hoàng vì những gì đã xảy ra với mình. Cô không ngờ lần đi chơi đầu tiên với người đàn ông quen hai tháng trước trên mạng xã hội đã đưa cô vào chốn lao tù...

Theo nội dung vụ án, gần một năm trước, Ngân quen biết với anh Lương Địch Lân (27 tuổi, ngụ TP Hồ Chí Minh) qua mạng xã hội Zalo. Sau hai tháng quen biết, ngày 30-11-2016, Ngân được anh Lân hẹn đi chơi.

Tối cùng ngày, Lân chở Ngân đến bãi đất trống phía sau chùa Huệ Nghiêm, phường Bình Khánh, quận 2 tâm sự. Tại đây, Ngân đã bị bạn trai mới quen dùng dao khống chế để cưỡng bức. Trong lúc giằng co, Ngân đã giật được con dao đâm anh Lân hai nhát rồi bỏ chạy.

Ra đến đường, Ngân gặp một người đàn ông và kể lại sự việc và nhờ người này vào xem anh Lân thế nào. Còn anh Lân, sau khi bị đâm, người này lấy xe bỏ đi được một đoạn rồi té ngã và tử vong ngay trên đường.

Qua điều tra, ba hôm sau, Ngân đã bị Công an bắt giữ. Khám nghiệm hiện trường, CQĐT thu giữ được chiếc vòng vàng của Ngân gãy làm nhiều khúc khi xô xát với anh Lân.

Với hành vi phạm tội nêu trên, Ngân bị VKS truy tố về tội "Giết người".

Tại phiên toà, Ngân khóc sướt mướt khai lại diễn biến hành vi phạm tội. Ngân khai, bị cáo không có ý định giết anh Lân, chỉ vì bị nạn nhân tấn công và khống chế bằng dao nên trong lúc chống cự bị cáo đã vô tình đâm trúng...

Lắng nghe từng lời khai của Ngân, người mẹ già mất con (mẹ anh Lân) lặng thinh. Thế nhưng, khi được HĐXX gọi lên cho ý kiến, bà bất ngờ xin HĐXX xem xét giảm nhẹ tội cho cô gái.

“Tôi không biết sự việc diễn ra sao nhưng hôm nay nghe cô ấy trình bày, xin Toà giảm nhẹ tội cho cô ấy... Con tôi dù sao cũng đã chết rồi, cô ấy thì còn quá trẻ, cả tương lai còn phía trước...”. Nghe những lời rút ra từ tâm can của bà, Ngân khóc ngất. Ba mẹ Ngân ngồi phía dưới nhìn sang bà với ánh mắt hàm ơn.

Thực hành quyền công tố tại toà, đại diện VKS đã đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo với mức án từ 7-8 năm tù.

Bào chữa cho bị cáo, vị luật sư đã đưa nhiều chứng cứ thuyết phục HĐXX để chứng minh Ngân không cố ý giết bị hại. Theo luật sư, qua nghiên cứu hồ sơ, hiện trường, lời khai của bị cáo, nhân chứng, diễn biến vụ án cho thấy bị cáo gây án trong tình trạng bị bị hại xúc phạm nghiêm trọng.

Giữa đêm khuya, lại ở nơi vắng vẻ nên ngoài sự tự vệ của bản thân, bị cáo không thể nhờ ai giúp đỡ. Bị cáo gây án trong tình trạng đang giằng co với nạn nhân quyết liệt, điều này thể hiện khi khám nghiệm hiện trường, Công an thu được chiếc vòng vàng của bị cáo bị gãy làm nhiều khúc rớt lại hiện trường...

Từ đó, luật sư đề nghị HĐXX xem xét bị cáo phạm vào tội khác nhẹ hơn tội danh VKS đã truy tố.

Sau khi xem xét toàn bộ nội dung vụ án, lời khai bị cáo, bào chữa của luật sư, HĐXX hôm ấy nhận định hành vi của bị cáo chỉ cấu thành tội “giết người trong trạng thái tinh thần kích động mạnh” và tuyên án bằng thời gian tạm giam (9 tháng 16 ngày tù).

Bản án hôm ấy không chỉ làm Ngân và gia đình mừng rơi nước mắt, mà còn khiến những người dự toà, trong đó có những phóng viên như tôi cảm động và tin rằng, ngoài những bản án răn đe đối với tội phạm vẫn cần có những bản án tình người cho những người lỡ một lần lầm đường lạc lối như hai bị cáo Hồng và Ngân, để họ có cơ hội làm lại cuộc đời...

3. Hơn 20 năm với cương vị là thẩm phán và xét xử hàng ngàn vụ án, ông Vương Văn Nghĩa (nguyên thẩm phán TAND TP Hồ Chí Minh), chia sẻ: Có những vụ án hành vi phạm tội đã rõ, HĐXX chỉ cần xem xét tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ hình sự, vận dụng các điều luật pháp luật để tuyên các bị cáo một mức án hợp tình, hợp lý. Tuy nhiên, cũng có những vụ án mà khi đọc hồ sơ, ông đã “lợn cợn”, “băn khoăn” về hoàn cảnh, nguyên nhân phạm tội của bị cáo...

Nếu chỉ chiếu theo luật quy định, tuyên bị cáo mức án như điều luật quy định thì không có gì khó nhưng lương tâm ông sẽ cắn rứt. Hơn 10 năm trước, ông nhận hồ sơ vụ án N.V.T. (19 tuổi) phạm tội “Phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia”. Tội danh nghiêm trọng nhưng khi đọc hồ sơ của T. ông đã rơi nước mắt. T. quê ở Hà Tĩnh, bị tai nạn giao thông nên cụt mất một chân. Bảy tháng trước khi gây án, T. vào TP Hồ Chí Minh với ý định kiếm sống bằng nghề ăn xin.

Sau mấy ngày lang thang ở bến xe miền Đông, T. lượm được cây kìm bỏ túi. Một buổi tối, trời mưa đói, T. lang thang trước cổng Bệnh viện Gia Định thì thấy sợi dây tiếp điện (dài 2,5 mét) nên nảy sinh cắt đem bán lấy tiền mua cơm ăn. Khi T đang cắt thì bị hai tài xế xe ôm phát hiện báo Công an đến bắt...

Với hành vi này, T. bị truy tố ở khung hình phạt từ 3 đến 7 năm tù. Ngày ra toà, T cụt một chân nên một tay vịn vào vai các anh công an dẫn giải nhảy lò cò từng bước mới ngồi được trước vành móng ngựa. Nhìn cảnh này, không chỉ thẩm phán Nghĩa, mà cả các vị hội thẩm, những thành viên của HĐXX ai nấy đều đau lòng.

Tại toà, sau khi lắng nghe T. trình bày nguyên nhân, hoàn cảnh và động cơ phạm tội, sau khi nghị án và được các thành viên trong HĐXX đồng ý, ông đã mạnh dạn tuyên bị cáo bằng thời gian tạm giam hơn 6 tháng tù.

Sau khi tuyên án, ông không quên dặn dò bị cáo “sau khi làm thủ tục ra trại xong, bị cáo hãy đón xe thẳng về quê...”, đồng thời ông đưa cho các đồng chí dẫn giải số tiền nhỏ mà cả HĐXX gom góp trong giờ nghị án nhờ đưa lại cho T. sau phiên toà để làm lộ phí đi đường...

Trầm ngâm sau khi kể lại câu chuyện về T., thẩm phán Nghĩa nói tiếp, kết thúc phiên toà hôm ấy, ông cảm thấy người nhẹ nhõm nhưng hơn 10 năm nay ông vẫn còn đau đáu về số phận của T., không biết bây giờ em ấy sống ra sao, có vượt qua được cạm bẫy cuộc đời hay không...

Theo CAND

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin