Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an xác định ông Đinh La Thăng cùng các cựu lãnh đạo PVB đã có sai phạm trong dự án Ethanol Phú Thọ.
Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa đề nghị truy tố ông Đinh La Thăng, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và 9 đồng phạm về tội Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại Khoản 3 Điều 224 Bộ luật Hình sự.
Đây là vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí - PVB (Ethanol Phú Thọ).
Theo kết luận điều tra, ông Đinh La Thăng biết PVC chưa từng thực hiện dự án Ethanol nào và tình hình tài chính đang khó khăn; nhưng với vai trò cựu Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí kiêm Trưởng ban chỉ đạo triển khai các dự án nhiên liệu sinh học, ông Thăng vẫn chủ trì nhiều cuộc họp để định hướng thầu cho PVC tham gia dự án Ethanol Phú Thọ.
Cơ quan An ninh điều tra chỉ rõ trong thông báo ngày 1/8/2018 của PVN, ông Thăng đã cho phép ngành dầu khí ưu tiên giao thầu cho PVC các công trình chuyên ngành đặc thù.
Theo định hướng giao thầu, Đỗ Văn Quang (cựu Trưởng ban Kinh tế kế hoạch PVC) biết rõ đơn vị kém năng lực nhưng vẫn tham mưu, dự thảo để PVC gửi công văn trình PVN, PVB tham gia dự án Ethanol.
Nhận được văn bản, ông Đinh La Thăng đã bút phê chỉ đạo cấp dưới tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giải quyết theo chủ trương chỉ định thầu cho PVC.
Căn cứ chủ trương chỉ đạo của ông Thăng, các bị can dưới quyền đã soạn thảo, tham mưu, đề xuất cho liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T thực hiện gói thầu theo hình thức chỉ định thầu.
Tháng 6/2009, sau khi ông Thăng và cựu lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chỉ đạo quyết liệt, Công ty CP Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí đã không tổ chức đấu thầu mà ra quyết định chỉ định thầu cho liên danh PVC với trị giá gói thầu hơn 59 triệu USD.
Quá trình thực hiện, do liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T không đủ năng lực nên dự án Nhà máy Ethanol Phú Thọ phải dừng thi công từ tháng 3/2013.
Theo cơ quan điều tra, tính đến ngày khởi tố vụ án, PVB đã sử dụng hơn 1.460 tỷ đồng để thực hiện dự án. Đơn vị này vay của SeaBank và PVCombank tổng số tiền hơn 754 tỷ. Hiện, PVB đã trả lãi một phần, khoản nợ còn phải trả là 417 tỷ.
Kết luận điều tra xác định việc ông Đinh La Thăng và đồng phạm lựa chọn nhà thầu sai quy định đã gây thiệt hại cho Nhà nước 543 tỷ đồng.
Trong vụ án này, cơ quan điều tra kết luận ông Thăng biết rõ liên danh nhà thầu không đủ năng lực, kinh nghiệm nhưng vẫn chủ trì, chỉ đạo quyết liệt việc chỉ định thầu. Các bị can còn lại đã thực hiện theo chỉ đạo của ông Đinh La Thăng, tham mưu, dự thảo, đề xuất hoàn thiện hồ sơ chỉ định thầu dự án cho liên danh nhà thầu. Hành vi của 10 bị can gây thiệt hại đặc biệt lớn về kinh tế, gây bức xúc dư luận.
Trong vụ án này, 9 bị can còn lại bị truy tố tội Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, gồm: Vũ Thanh Hà (cựu Tổng Giám đốc PVB), Nguyễn Xuân Thủy (Phó trưởng phòng thuộc PVB), Phạm Xuân Diệu (cựu Tổng Giám đốc PVC), Nguyễn Ngọc Dũng (cựu Phó Tổng Giám đốc PVC), Đỗ Văn Quang (cựu Trưởng ban thuộc PVC).
Trần Thị Bình (cựu Phó Tổng Giám đốc PVN), Khương Anh Tuấn (cựu Phó phòng thuộc PVB), Lê Thanh Thái (Trưởng phòng thuộc PVB) và Hoàng Đình Tâm (cựu Kế toán trưởng PVB).
Ông Thăng liên quan 2 vụ án gồm Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế khiến PVN mất 800 tỷ đồng khi góp vốn vào Oceanbank và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại PVC liên quan Trịnh Xuân Thanh.
Bốn lần hầu tòa sau khi kháng cáo cả 2 bản án sơ thẩm, ông Thăng không được giảm án. Bị cáo lĩnh 13 năm tù trong vụ án PVN góp vốn vào Oceanbank và nhận mức 18 năm trong vụ án còn lại.
Theo baophapluat.vn
Nguồn bài viết: https://baophapluat.vn/tin-nong/ong-dinh-la-thang-tiep-tuc-bi-de-nghi-truy-to-494275.html