Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết 6 luật được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 4.
Cụ thể, để quy định chi tiết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng (có hiệu lực ngày 15/1/2018), Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì soạn thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về điều kiện, hồ sơ, trình tự đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo Nghị định về nghiệp vụ quản lý nợ công; Nghị định về phát hành đăng ký, lưu ký, niêm yết, giao dịch công cụ nợ của Chính phủ và Nghị định về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ để quy định chi tiết Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7/2018.
Bộ Ngoại giao chủ trì soạn thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Quy hoạch và Thông tư hướng dẫn về định mức kinh tế - Kỹ thuật lập, thẩm định, công bố và điều chỉnh quy hoạch.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì soạn thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Thủy sản 2017 và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định đối tượng thủy sản nuôi chủ lực.
Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì soạn thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp; Nghị định quy định về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp và Nghị định quy định về Kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo văn bản có trách nhiệm bảo đảm chất lượng, tiến độ xây dựng các nghị định trình Chính phủ, các quyết định trình Thủ tướng Chính phủ; ban hành các thông tư quy định chi tiết các nội dung được luật giao, bảo đảm có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật, không để tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu định kỳ ngày 20 hàng tháng và hàng quý, cơ quan chủ trì soạn thảo cập nhật thông tin điện tử về tình hình, tiến độ soạn thảo, gửi về Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ để tổng hợp, báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ.
Theo Congly