Phan Châu Trinh: Nhà nho đi trước thời đại

17/02/2016 04:14

(Pháp lý) - Khu lăng mộ và đền thờ cụ Phan Chu Trinh thật tĩnh lặng, sự tĩnh lặng lưu niệm một cuộc đời dông bão. Chẵn 90 năm trước, năm 1926, tại nơi đây, đám tang cụ Phan, nhà chí sĩ yêu nước, nhà “cách mạng tiền khu”, trở thành một phong trào yêu nước, tranh đấu mạnh mẽ, khiến thực dân Pháp phải run sợ…

“Cách mạng tiền khu”

Khu di tích cụ Phan Châu Trinh nằm trên con đường mang tên một đồng chí của Cụ là Phan Thúc Duyện (quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh). Bà Tư Sương (Lê Thị Sáu), cháu dâu cụ Phan, em dâu của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình là người giữ mộ, trông nom khu di tích. Khu di tích rộng rãi, cây cối hoa lá xanh tươi, ngay chính diện là tượng bán thân cụ Phan bằng đá trắng do quê hương Quảng Nam dâng tặng. Phía sau tượng là đền thờ, bên trái là lăng mộ, bên phải là nhà khách và phòng trưng bày những tư liệu, kỷ vật về cuộc đời cách mạng sôi động và gian nan của Cụ.

[caption id="attachment_135545" align="aligncenter" width="410"]Mộ cụ Phan Châu Trinh Mộ cụ Phan Châu Trinh[/caption]

Đền thờ cụ Phan được xây dựng năm 1993, mô phỏng theo ngôi đền cũ xây năm 1930, tại số 23 Nguyễn Huy Tự quận 1. Đền xây hình bát giác, mái ba tầng lợp ngói ống. Cô Tư Sương giới thiệu kiến trúc và nói “đầu đao mỗi góc mái tạo hình ba ngọn sóng, tượng trưng cho cuộc đời “ba đào” – sóng gió của Cụ”. Đền có cửa sổ mở ra nhiều phía nên thoáng đãng, ánh sáng chan hòa. Phía trên án thờ có bức hoành phi sơn son thếp vàng “Phan tiên sinh từ” – Đền thờ Phan tiên sinh. Tấm ảnh chân dung cụ Phan mặc Tây phục, thắt nơ đen, gương mặt cương nghị tựa vào bức đại tự sơn son thếp vàng được viết dọc như bức trướng, trên đó đề bốn chữ “Cách mạng tiền khu” tạm hiểu là “Nhà cách mạng đi trước”. Lạc khoản cho hay tấm biển được tạo tác tháng 5 năm Quý Dậu 1933, sau khi cụ Phan tạ thế 7 năm.

Có lẽ đây là chữ của cụ Nghè Huỳnh Thúc Kháng, người thấu hiểu cuộc đời cụ Phan. Chữ “tiền khu” cũng mang hàm nghĩa tương tự “tiền bối” hay “tiền phong” nhưng tác giả không dùng hai chữ này để ca ngợi cụ Phan. “Tiền” là “trước”, còn “Khu” có nghĩa là bôn ba, bôn tẩu. Quả thật, cụ Phan Châu Trinh là lớp người đầu tiên bôn ba vì cách mạng, vì muốn đổi thay non sông, đất nước, trong thời kỳ “mưa Âu, gió Mỹ”, dân tộc lầm than trong vòng nô lệ.

Trong đền thờ có treo bảng gỗ lớn, chữ vàng trên nền son ghi “Tiểu sử ông Phan Châu Trinh” bằng quốc ngữ do “Quốc dân đồng phụng lập” ngày 2 tháng 8 năm 1926, đó là văn bia do cụ Huỳnh Thúc Kháng soạn. Văn bia cho hay Phan Châu Trinh sinh năm 1872, tại Quảng Nam, ông nổi tiếng thông minh, nhưng do mẹ mất sớm nên năm 10 tuổi mới được đến trường. “Tiên sanh thông minh, khảng khái, học ở nhà bốn năm mới ra học ngoài, tới đâu nổi tiếng đó, gặp việc không kỳ lớn nhỏ, cứ lấy lẽ phải trái tranh biện, thục gia đều cho là người phi thường” – văn bia viết.

Khoa thi Hương năm Canh Tý (1900), Phan Châu Trinh đỗ cử nhân, năm sau, đỗ Phó bảng, đồng khoa với Ngô Đức Kế và Nguyễn Sinh Huy. Năm Quý Mão (1903) Phan Châu Trinh được bổ làm Thừa biện Bộ Lễ.

Kinh đô Huế bấy giờ là trung tâm của “Tân thư”, lưu truyền nhiều sách của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, sách của Nhật, sách của Montesquieu và Jean Jacques Rousseau qua bản dịch Hán văn. Những cuốn sách này thức tỉnh các nhà Nho yêu nước Việt Nam đang trong cơn bế tắc trước thất bại của phong trào Cần Vương. Những nhận thức mới khiến cho Phan Châu Trinh nhận ra rõ ràng hơn nguyên nhân hủ bại của nước nhà nên năm 1905 Cụ đã xin từ quan, rồi cùng với Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng vào Nam để xem xét dân tình, sĩ khí. Sau đó Phan Châu Trinh ra Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Hà Nội để gặp gỡ và hội ý với các sĩ phu tiến bộ như Lương Văn Can, Nguyễn Hiệt Chi, Đặng Nguyên Cẩn, Đào Nguyên Phổ… rồi lên căn cứ Đề Thám ở Phồn Xương, Yên Thế quan sát tình hình.

Niên biểu cuộc đời Cụ dày đặc những chuyến đi. Cụ bí mật sang Hương Cảng (Trung Quốc) gặp Phan Bội Châu, trao đổi ý kiến, rồi cùng sang Nhật Bản, tiếp xúc với Lương Khải Siêu và nhiều nhà chính trị khác. Năm 1906, về nước, Cụ gửi một bức thư cho Toàn quyền Paul Beau vạch trần chế độ quân chủ chuyên chế thối nát, yêu cầu nhà cầm quyền Pháp phải thay đổi thái độ và chính sách cai trị để giúp nhân dân Việt Nam từng bước tiến lên văn minh…

Cụ Huỳnh viết: “Than ôi, non sông nặng gánh, sắt son một lòng, trong 20 năm hết xứ này qua xứ khác, khỏi nạn nọ tới nạn kia, biết bao nhiêu nguy hiểm, đắng cay mà nghị lực, hùng tâm vẫn trước sau như một, đến lúc tóc bạc răng long còn muốn thiệt hành cái chủ nghĩa dân chủ để cứu vớt đồng bào”.

Bà Tư Sương hướng dẫn chúng tôi thắp hương tưởng niệm cụ Phan rồi thắp hương ở bàn thờ Phan phu nhân và năm người con trai, gái và con rể của Cụ. Cụ bà Lê Thị Tỵ sinh hạ ba người con là Phan Châu Dật, Phan Thị Châu Liên và Phan Thị Châu Lan. Bà Tư Sương giới thiệu chân dung một thanh niên tuấn tú trên ban thờ, đó là ông Phan Châu Dật. Thuở nhỏ thông minh, học giỏi có tiếng, ông đã theo cha sang Pháp vừa học vừa nuôi cha lâm bệnh. Tốt nghiệp Tú tài, nhưng ông mắc bệnh lao phải về nước rồi qua đời năm 1921, khi mới 24 tuổi. Kế bên trái là chân dung bà Phan Thị Châu Liên và chồng là ông Lê Ấm, thân sinh ra nhà văn Lê Khâm (Phan Tứ)… Bên phải là bà Phan Thị Châu Lan và chồng là ông Nguyễn Đồng Hợi, thân sinh của Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình và các em.

Trong tác phẩm “Gia đình, bạn bè và đất nước”, hồi ký của bà Nguyễn Thị Bình có viết: “Trong ký ức của tôi, từ lời mẹ kể, ông ngoại tôi là người bôn ba khắp nước từ khi còn trẻ, rồi vì hoạt động chống Pháp mà bị bắt. Nếu không có những người Pháp tiến bộ trong Hội Liên minh Nhân quyền Pháp tích cực bênh vực có lẽ Cụ đã bị xử chém… Sau thời gian ở tù Côn Đảo, khi được trả tự do, Cụ yêu cầu và được chính quyền thuộc địa cho sang Pháp, và đã ở đó 14 năm. Ý đồ của cụ là tìm cách dựa vào các lực lượng tiến bộ của Pháp để mưu cầu độc lập cho nước nhà”.

“Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”

Trong bối cảnh đương thời, Phan Châu Trinh là người thấy rõ nhất những nhược điểm của xã hội và con người Việt Nam. Muốn thay đổi phải thay đổi từ gốc, do đó, Phan Châu Trinh cùng Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp đi khắp Quảng Nam và các tỉnh lân cận để vận động cuộc Duy tân với phương châm "tự lực khai hóa". Khẩu hiệu được đề ra là: “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Phương thức hoạt động của phong trào là bất bạo động và công khai khai hóa, đề cao tinh thần tự chủ, phổ biến các giá trị của nền văn minh phương Tây như pháp quyền, dân quyền, nhân quyền, dân chủ, bình đẳng, bác ái...

[caption id="attachment_135546" align="aligncenter" width="410"] Án thờ cụ Phan Châu Trinh
Án thờ cụ Phan Châu Trinh[/caption]

Phong trào đưa ra những mục tiêu cụ thể như cải cách giáo dục, bỏ lối học từ chương lỗi thời, phát động phong trào học Quốc ngữ; mở mang công thương nghiệp; chấn hưng công nghệ; bỏ mê tín dị đoan, thay đổi tập quán, vận động cắt tóc ngắn, cắt ngắn móng tay... Hưởng ứng phong trào, ở Quảng Nam và các tỉnh lân cận, nhiều trường học, thư xã, thương hội, hội nghề nghiệp lần lượt được lập ra. Trong số 40 trường học đó có ngôi trường Dục Thanh ở Phan Thiết. Tháng 7 năm 1907, Phan Châu Trinh nhận lời mời ra Hà Nội tham gia diễn giảng mỗi tháng 2 kỳ ở Đông Kinh nghĩa thục, ngôi trường mà Cụ đồng sáng lập theo mô hình Khánh Ứng nghĩa thục của Nhật Bản.

Ngày nay chúng ta đã quen với các nguyên tắc xây dựng nhà nước pháp quyền, phân chia và kiểm soát quyền lực, nhưng cách đây 90 năm, trong bối cảnh thực dân phong kiến như thế mà cụ Phan Châu Trinh đã nói cho quốc dân hiểu rằng: “Chính phủ bên Pháp trong hai nghị viện (Hạ nghị viện, Nguyên lão nghị viện)... Nhưng quyền lực thì giao cho đảng nào chiếm số nhiều. Các quan chức về việc cai trị chỉ có quyền hành chính mà thôi, còn quyền xử đoán thì giao cho các quan án là những người học giỏi luật lệ có bằng cấp. Các quan án về một viện riêng gọi là viện tư pháp. Quyền tư pháp cũng như hành chính của chính phủ như quyền lập pháp của nghị viện đều đứng riêng ra không họp lại trong một người nào. Như vậy, quyền lợi và bổn phận của mọi người đều có pháp luật chỉ định rõ ràng. Xem vậy thì biết dân trị tức là pháp trị” (Lấy phép mà trị người).

Về nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật, cụ Phan Châu Trinh cho rằng: “Trong nước có Hiến pháp ai cũng phải tôn trọng Hiến pháp. Cái quyền của Chính phủ cũng bởi Hiến pháp quy định cho, lười biếng không được mà dẫu có muốn áp chế cũng không chỗ nào thò ra được. Vả lại khi có điều gì vi phạm đến pháp luật thì mọi người nào cũng như người nào, từ Tổng thống cho đến người nhà quê cũng chịu theo pháp luật như nhau... So sánh hai cái chủ nghĩa quân trị và dân trị thì ta thấy chủ nghĩa dân trị hay hơn chủ nghĩa quân trị nhiều lắm”.

Vì sự thức tỉnh về dân quyền, dân chủ như thế mà Trung Kỳ nổ ra vụ chống thuế rung trời chuyển đất năm 1908, khiến Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng bị lưu đày đi Côn Đảo, Trần Quý Cáp bị chém…
Đánh giá cao tư tưởng này của Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng viết: “Ông Phan Hy Mã đã đem hai chữ dân quyền hò hét trong nước như một tiếng sấm vang làm cho bao nhiêu giấc mơ phải tỉnh dậy mà dân ta từ nay dần dần mới biết mình có quyền”.

Thời gian càng lùi xa, hậu thế càng thấy vai trò “tiên khu” đặc biệt của Phan Châu Trinh. Học giả Hoàng Xuân Hãn nói rằng chỗ độc đáo và đặc sắc nhất của Phan Châu Trinh so với tất cả những người ưu tú nhất đương thời, là ông đã đi tìm và tìm thấy nguyên nhân mất nước, dân tộc sa vào vòng nô lệ bi thảm, ở trong văn hóa, trong sự lạc hậu nguy hiểm về văn hóa của Việt Nam, lạc hậu cả một thời đại, so với thế giới văn minh rộng lớn, toàn cầu, và Việt Nam từ nay không thể sống còn ngoài cái thế giới ấy, cái toàn cầu ấy, mà các tân thư đã mở mắt cho ông nhìn thấy.

“Vậy nên, tôi nghĩ có thể nói mà không hề sợ quá đáng, Phan Châu Trinh là nhà văn hóa tiên phong và lớn nhất của Việt Nam trong thế kỷ XX – và có thể cả thế kỷ sau đó nữa nhưng ta sẽ suy nghĩ thêm. Và bài học lớn nhất của Phan Châu Trinh để lại cho chúng ta là bài học về văn hóa”- Nhà văn Nguyên Ngọc nhận định.

“Quốc dân đồng kính tạo”

Mộ cụ Phan theo kiểu kiến trúc Âu – Á, có mái che. Đầu mộ viết chữ Hán: “Việt Nam chính trị cách mạng gia. Phan Châu Trinh tiên sinh chi mộ. Quốc dân đồng kính tạo”. Phía sau là tấm đá lớn ghi tiểu sử cụ Phan như trong đền thờ. Phía trên bia có ba hình tròn lồng vào nhau đề ba chữ Bắc Trung Nam. Hai bên là đôi câu đối chữ Hán “Trung học Mạnh Kha, Tây học Lư Thoa hướng nhi biểu / Tích Việt Nam cách mệnh chính trị chi đại gia”. Đôi câu đối cho thấy Cụ là người học theo Mạnh Kha, tức Mạnh Tử - đại biểu xuất sắc của Nho giáo thời Chiến Quốc, chủ trương “dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” ( dân là trọng nhất, xong mới đến xã tắc, cuối cùng mới đến vua), sau đó theo Tây học với tư tưởng Lư Thoa tức Jean Jacques Rousseau, nhà triết học Pháp đã đưa ra học thuyết “Khế ước xã hội”. Cụ là nhà cách mạng chính trị lớn của Việt Nam.

[caption id="attachment_135547" align="aligncenter" width="410"]Bà Tư Sương trò chuyện với tác giả Bà Tư Sương trò chuyện với tác giả[/caption]

Nội dung văn bia và mộ chí đều cho thấy quốc dân ba miền chung tay lo tang sự và lập mộ cụ Phan. Bà Tư Sương cho hay: Cụ Phan đi Pháp 14 năm khi trở về vào tháng 6 năm 1925 thì không có nhà cửa, cụ bà và con trai đã mất, hai con gái đã đi lấy chồng. Ông Nguyễn An Ninh mời cụ về ở khách sạn của gia đình là Chiêu Nam Lầu. Lúc đó Cụ đã bị bệnh, vẫn phải uống thuốc hàng ngày… Mặc dù đau yếu nhưng Cụ vẫn tổ chức diễn thuyết kêu gọi lòng yêu ước của nhân dân tại Sài Gòn với hai bài diễn văn rất nổi tiếng là "Quân trị chủ nghĩa và dân trị chủ nghĩa" và bài "Đạo đức luân lý Đông Tây", thu hút hàng ngàn người tham dự.
Do cố gắng hoạt động nên bệnh ngày càng nặng, Cụ tạ thế tại khách sạn đó vào ngày 24 tháng 3 năm 1926. Thi hài được quàn tại Bá Huê Lầu, 54 đường Pellerin (nay là Pasteur) để đồng bào điếu phúng trong 8 ngày, hàng chục ngàn người đã đến nghiêng mình vĩnh biệt Cụ. Về nơi an táng, may nhờ có gia đình điền chủ họ Hoàng, có nghĩa trang Gò Công tương tế này hiến tặng. Quốc dân đã xây mộ cụ cùng kiểu cách với ngôi mộ cụ Phạm Thị Quy, chánh thất của họ Hoàng, chủ nghĩa trang này. Bà Tư Sương dẫn chúng tôi qua thăm mộ cụ Phạm Thị Quy, bia mộ ghi cụ mất tháng 8 năm Quí Hợi (1923), trước cụ Phan ba năm. Sau này nghĩa trang được di dời hết các ngôi mộ để làm Đền thờ và di tích Phan Chu Trinh, gia đình xin giữ nguyên ngôi mộ cụ Phạm Thị Quy để tri ân, hương khói.

Đám tang cụ Phan Chu Trinh là một sự kiện chấn động lúc bấy giờ. Trong bộ sách “Lịch sử Việt Nam” của Viện Sử học mới xuất bản thì đám tang cụ Phan Châu Trinh, sáng ngày 4 tháng 4 năm 1926 có khoảng 14 vạn người tham dự. Trước đó, một cuộc lạc quyên diễn ra trong vài ngày đã thu được 100.000 đồng Đông Dương.

Bà Phan Thị Minh (Lê Thị Kinh), cháu ngoại cụ Phan (nguyên Đại sứ tại Italia), có viết: “Ngày đi chôn, dân chúng sắp hàng dài đi dọc đường Pellerin, qua Norodom, quẹo Paull Planchy đến Phú Nhuận rồi thẳng lên Tân Sơn Nhất. Hàng chục ngàn người nghiêm trang, tay đeo băng tang xếp hàng đi, có thanh niên của Đảng Jeune Annam giữ gìn trật tự suốt dọc đường. Một đám tang lớn chưa từng có ở Sài Gòn, đám tang thể hiện sự giác ngộ của quần chúng, đám tang là tấm lòng của đồng bào đối với nhà ái quốc suốt đời chỉ nghĩ đến dân”.

Bất chấp sự ngăn cản của chính quyền thực dân, phong trào làm lễ truy điệu và để tang Phan Châu Trinh được tổ chức rộng rãi ở khắp ba kỳ, cả Việt kiều ở Xiêm cũng tổ chức truy điệu, việc để tang Phan Chu Trinh trở thành một phong trào mạnh mẽ lúc bấy giờ, nhất là trong các trường học. Thực dân Pháp lo sợ tìm cách ngăn cản dẫn đến nhiều cuộc bãi công, biểu tình, bãi khóa liên tiếp nổ ra chống đàn áp.

Trong phòng trưng bày tại Khu di tích còn trưng bày một số hình ảnh về đám tang và đối trướng phúng viếng cụ. Cụ Phan Bội Châu có bức trướng viết: “Thương hải vi điền, tinh vệ hàm thạch/ Chung Kỳ ký một, Bá Nha đoạn huyền” nghĩa là “Biển thẳm lấp chưa bằng, tinh vệ còn đội đá/ Chung Kỳ đã mất, Bá Nha dứt dây đàn”. Chung Kỳ Phan Châu Trinh qua đời thì tâm sự của Bá Nha Phan Bội Châu biết chia sẻ cùng ai… Sinh thời, hai cụ Phan tuy chọn hai phương thức khác nhau nhưng cùng chung một mục tiêu giành độc lập cho dân tộc. Trong tác phẩm “Tự phán” cụ Phan Bội Châu viết: “Cụ chỉ muốn đánh đổ quân chủ mà vun trồng lấy nền tảng nhân quyền, hãy dựa vào Pháp để đánh đổ quân chủ. Còn ý tôi thì trước muốn đánh đổ người Pháp, chờ lúc nước nhà độc lập rồi mới bàn việc khác… Cụ với tôi vẫn đồng mục đích mà thủ đoạn thì khác nhau”.

[caption id="attachment_135548" align="aligncenter" width="273"]  Bức trướng Phan Bội Châu viếng Phan Châu Trinh
Bức trướng Phan Bội Châu viếng Phan Châu Trinh[/caption]

Cụ Nguyễn Sinh Huy có bức trướng viết “Nam quốc dân quyền tiên tổ chức/ Tây phương tĩnh thổ hậu siêu sinh”. Cụ Nguyễn Sinh Huy đã khẳng định cụ Phan Châu Trinh là người đầu tiên khởi xướng dân quyền cho Việt Nam. Phòng trưng bày có nhiều hình ảnh về đám tang cụ Phan 90 năm trước, và rất nhiều đối trướng điếu phúng biểu lộ sự ngưỡng mộ và thương tiếc Cụ. Đó là những tài liệu gốc vô giá về lễ quốc tang do chính quốc dân tổ chức cho nhà cách mạng, nhà chí sĩ yêu nước lỗi lạc, một đời vị nước vong thân của dân tộc mình.

May mắn hôm đó chúng tôi còn được ông Nguyễn Đông Hào, em trai của bà Nguyễn Thị Bình cùng bà Tư Sương trò chuyện trong phòng tư liệu của khu di tích. Giới thiệu cuốn sách “Tuyển tập Phan Châu Trinh” in lần thứ hai do TS Nguyễn Văn Dương biên soạn, tập hợp đến 90% tác phẩm của cụ Phan, ông Nguyễn Đông Hào kể về những gian nan của cụ Phan ở bên Pháp, việc gìn giữ tư liệu trong khi mật thám Pháp không ngừng săn lùng, nhờ những người bạn Pháp thân thiết mà Cụ vẫn giữ được hầu hết tư liệu để nhờ chuyển về nước. Sau khi Cụ tạ thế, ông bà Lê Ấm, Phan Thị Châu Liên và các con đã kỳ công bảo quản qua bao gian nan, loạn lạc để hôm nay mọi người có tuyển tập này…

Cầm cuốn sách 1262 trang có chữ ký tặng của hậu duệ cụ Phan, tôi thấy xúc động. Tuyển tập là những tư liệu quí giá để nghiên cứu về tư tưởng cũng như hoạt động của cụ Phan Châu Trinh, khiến Cụ trở thành ngọn cờ, “là niềm hi vọng của những tấm lòng son đỏ đối với vận mệnh dân tộc”. Tên tuổi của Cụ hội tụ khát vọng độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX. Càng đọc càng thấy tầm nhìn đi trước thời đại của cụ Phan Châu Trinh. Tư tưởng và nỗi lo âu của Cụ về trình độ mọi mặt, về tư cách của người dân Việt Nam đối mặt với thế giới, với toàn cầu hóa vẫn đang là vấn đề thời sự nóng bỏng hôm nay.

Nguyễn Phan Khiêm

Bạn đang đọc bài viết "Phan Châu Trinh: Nhà nho đi trước thời đại" tại chuyên mục Đọc chuyên sâu. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin