Ông Nguyễn Đức Kiên: Hợp đồng sân golf Tân Sơn Nhất vô hiệu

Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên, các đơn vị ký hợp đồng sử dụng đất quốc phòng làm sân golf tại Tân Sơn Nhất là sai luật. Hợp đồng vì thế vô hiệu.

Bên hành lang Quốc hội, trao đổi với Zing.vn, tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội cho rằng Hiến pháp đã quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân.

'Làm sai mục đích'

Trong khi đó khu vực sân bay Tân Sơn Nhất sau giải phóng, Nhà nước đã giao cho quân đội quản lý sử dụng vào mục đích quốc phòng. Tuy nhiên khi quân đội giao cho nhà đầu tư bên ngoài (Công ty Long Biên) khai thác để làm sân golf đã làm sai mục đích sử dụng đất quốc phòng an ninh, vi phạm Luật đất đai, Luật quản lý tài sản công.

 Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội. Ảnh: Công Khanh.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội. Ảnh: Công Khanh.)

Từ luận điểm trên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhìn nhận khi hợp đồng được ký kết sai thẩm quyền thì theo pháp luật, hợp đồng này vô hiệu.

Về câu hỏi cơ quan nào sẽ đứng ra thu hồi phần đất sân golf được làm trên phần đất quốc phòng, tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên cho rằng Luật đất đai đã quy định rõ.

Nói về trách nhiệm của các bên liên quan, Phó chủ nhiệm ủy ban Kinh tế cho hay tất cả sẽ căn cứ trên hợp đồng của đơn vị sử dụng đất quốc phòng với đơn vị quản lý. Ai là người ký kết hợp đồng sân golf người đó phải chịu trách nhiệm. Khi hai bên đều sai, nếu sân golf bị thu hồi, rủi ro kinh tế xảy ra cả hai bên đều phải chịu.

Sẵn sàng bàn giao đất quốc phòng để mở rộng sân bay
Chiều 12/6 tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc xem xét phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định vì mục đích mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Quốc phòng sẵn sàng bàn giao đất quốc phòng để làm việc này.

 Sân golf Tân Sơn Nhất, nằm sát sân bay. Ảnh: Lê Quân
Sân golf Tân Sơn Nhất, nằm sát sân bay. Ảnh: Lê Quân)

Kết luận cuộc họp,Thủ tướng đã giao Bộ trưởng Quốc phòng chỉ đạo dừng hoạt động xây dựng tất cả các công trình liên quan hạ tầng phụ trợ sân golf, như trường đào tạo năng khiếu golf, khu biệt thự, chung cư cao cấp cho thuê… để chờ các cơ quan tư vấn và các nhà khoa học xem xét trước khi quyết định.

Trước đó, trao đổi bên hành lang Quốc hội, thiếu tướng Lâm Quang Đại, Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân cũng khẳng định: “Bộ Quốc phòng có một quan điểm nhất quán là chỉ sử dụng đất quốc phòng nhàn rỗi để tăng nguồn ngân sách củng cố quốc phòng. Nếu có nhu cầu quốc phòng sẽ thu hồi vô điều kiện".

Dự án sân golf Tân Sơn Nhất được khai thác 50 năm

Công ty cổ phần Đầu tư Long Biên, đơn vị sở hữu 2 dự án sân golf Long Biên và Tân Sơn Nhất có vốn điều lệ ban đầu 200 tỷ đồng và từng được định giá 3.600 tỷ đồng.

Ngày 18/6/2007, Bộ Quốc phòng đã ra quyết định giao LOBICO làm chủ đầu tư 2 dự án sân golf và dịch vụ Long Biên, dự án sân golf và dịch vụ Tân Sơn Nhất. Thời gian khai thác của dự án là 50 năm.

Sân golf Tân Sơn Nhất có diện tích 158 ha nằm bên trong khu sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình, TP.HCM). Quy mô công trình gồm có sân golf 36 lỗ, khu biệt thự, khu căn hộ cao cấp và khu trường học.

Tới tháng 3/2014, LOBICO đã đầu tư vào đây 799 tỷ đồng trên tổng mức đầu tư dự kiến 5.443 tỷ đồng, thời gian hoàn vốn dự kiến 13 năm.

Theo Zing

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin