Nợ xấu thuộc doanh nghiệp lớn: Dấu hiệu xấu, lo tư lợi

26/05/2017 10:01

Phải xử lý những doanh nghiệp quy mô lớn sử dụng đồng vốn kém hiệu quả, nếu bơm thêm vốn coi chừng nợ chồng chéo.

Lo lợi ích nhóm

Liên quan đến câu chuyện nợ xấu chủ yếu nằm ở doanh nghiệp lớn, PGS.TS Nguyễn Hồng Thắng, Trưởng bộ môn Tài chính công, Đại học Kinh tế TP.HCM lý giải, đó là vì doanh nghiệp lớn dễ tiếp cận tín dụng hơn các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Hơn nữa, được giao cho vai trò "động lực" hoặc "nòng cốt" mà không cấp thêm vốn thì các doanh nghiệp lớn sẽ sử dụng nợ ngày càng nhiều để tài trợ cho hoạt động mở rộng và chắc chắn sẽ đề nghị được bảo lãnh tín dụng.

Những doanh nghiệp lớn của Nhật như Sanyo (2011), Sharp (2016) và gần đây là Toshiba có nền quản trị hùng mạnh và thương hiệu toàn cầu, còn gặp khó khăn và cần chính phủ Nhật tiếp sức, thì doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn là chuyện bình thường.

Khi điều hành kinh doanh không phải trên đồng vốn của bản thân và thiếu trách nhiệm giải trình cho các cơ quan quản lý nhà nước (hoặc có giải trình nhưng tổ chức nhận giải trình thiếu quan tâm sâu sát) thì ngoài nguy cơ như mọi doanh nghiệp khác còn gặp nguy cơ tư lợi hoặc nhóm lợi ích. Và đây là mầm mống làm suy yếu doanh nghiệp từ bên trong", PGS.TS Nguyễn Hồng Thắng nhận định.

 Dự án Đạm Ninh Bình, một trong 12 dự án nghìn tỷ yếu kém
Dự án Đạm Ninh Bình, một trong 12 dự án nghìn tỷ yếu kém)

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng khoa Kinh tế, Đại học Nông lâm TP.HCM cũng chỉ rõ, có thể số lượng doanh nghiệp lớn không nhiều nhưng họ lại vay một lượng vốn lớn, trong khi doanh nghiệp nhỏ và vừa thường vay ít vì khó vay.

Hiện nay, chủ lực sản xuất hàng hóa của Việt Nam vẫn là từ doanh nghiệp nhỏ và vừa, những "ông lớn" chiếm một lượng vốn lớn rồi sử dụng kém hiệu quả, gây dây chuyền nợ xấu cho hệ thống tín dụng Việt Nam. Chính vì thế, nếu nợ xấu nằm ở doanh nghiệp lớn thì đó là dấu hiệu xấu, là sự báo động cho nền kinh tế".

Cũng theo PGS Ngãi, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp, tập đoàn nhà làm ăn kém hiệu quả, không có khả năng trả nợ, trở thành nợ xấu trong ngân hàng.

Ông bày tỏ nỗi sợ đối với các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước bởi đây chính là nơi dễ xảy ra lãng phí lớn, sử dụng đồng vốn kém hiệu quả mà 12 đại dự án nghìn tỷ yếu kém là ví dụ điển hình.

"Theo báo cáo của Chính phủ tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, tổng tài sản của 12 dự án là 57.700 tỷ đồng trong khi tổng nợ phải trả là 55.000 tỷ đồng. 12 đại dự án yếu kém ấy đã ngốn bao nhiêu vốn nhà nước, đó là cảnh báo cho nền kinh tế.

Phải xử lý những doanh nghiệp quy mô quá lớn chưa sử dụng hiệu quả đồng vốn, bởi nếu bơm thêm, không khéo lại nợ chồng chéo.

Tôi cho rằng cơ quan pháp luật phải vào cuộc làm rõ vì sao doanh nghiệp nợ? Đầu tư kém hiệu quả do khách quan hay thất thoát? Mỗi doanh nghiệp có đặc điểm riêng, từng doanh nghiệp phải có giải pháp riêng giải quyết nợ xấu.

Để tái cấu trúc hệ thống tài chính-tín dụng của Việt Nam phải tái cấu trúc hệ thống doanh nghiệp lớn, nếu không được thì phải xóa. Không thể để một lượng vốn quá lớn chạy vào các doanh nghiệp đó mà kém hiệu quả.

Quốc hội đã yêu cầu tấn công quyết liệt nợ xấu, điều đó hoàn toàn đúng. Bởi nếu không xử lý, nó sẽ làm ảnh hướng tới hệ thống tài chính và cả nền kinh tế", PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi phân tích.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Hồng Thắng cho biết, theo quan đểm của WB và IMF, nên công khai thông tin về nợ xấu của doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước vì đó được tính vào nợ được chính phủ bảo lãnh.

"Mỗi doanh nghiệp là một pháp nhân. Đã là pháp nhân thì phải tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình, nếu không thì phá sản", ông nhấn mạnh.

Đừng khởi nghiệp tràn lan

Từ câu chuyện nợ xấu của doanh nghiệp lớn, các chuyên gia nhắc đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa, động lực chủ yếu của nền kinh tế Việt Nam.

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Thắng, có thể do quy mô doanh nghiệp vừa và nhỏ nên vừa tầm quản trị và linh hoạt thích ứng trước những biến động thị trường.

Ông dẫn chứng, lớn như Sanyo, Sharp và Toshiba còn gặp khó khăn thì các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam gặp khó là hiện tượng bình thường. Theo thống kê của Small Business Administration (Mỹ), 66% doanh nghiệp phá sản sau hai năm thành lập.

PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi nhận định, trong một đất nước đang phát triển, doanh nghiệp nhỏ và vừa chống chịu, xoay xở tốt hơn, hoạt động hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, để doanh nghiệp phát triển chắc chắn và bền vững, vị chuyên gia lưu ý đến vấn đề khởi nghiệp.

Theo đó, khởi nghiệp thời gian qua đã trở thành phong trào nhưng không phải ai cũng nên khởi nghiệp.

"Rất nguy hiểm nếu không đủ năng lực mà cứ mạnh ai nấy khởi nghiệp. Nếu có chính sách ưu tiên cho nhiều người khởi nghiệp vay vốn thì coi chừng chuyển nợ xấu chủ yếu ở doanh nghiệp lớn sang doanh nghiệp nhỏ.

Khi mở doanh nghiệp ra phải làm sao cho doanh nghiệp đó thật sự đủ năng lực để phát triển.

Dĩ nhiên trong quá trình kinh doanh luôn có rủi ro và có doanh nghiệp phải phá sản nhưng đừng để số lượng này quá nhiều, nếu không sẽ gây rối loạn xã hội, hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt là vấn đề nợ xấu", ông cảnh báo

Theo Bao Datviet

Bạn đang đọc bài viết "Nợ xấu thuộc doanh nghiệp lớn: Dấu hiệu xấu, lo tư lợi" tại chuyên mục Kinh doanh & Pháp luật. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin