Bài 2: Nợ xấu tăng cao do lỗi chủ quan phải có chế tài xử lý nghiêm, kể cả truy trách nhiệm hình sự

(Pháp lý) – Như Pháp lý đã thông tin, nghiên cứu các báo cáo 6 tháng đầu năm của các ngân hàng cho thấy top 10 ngân hàng có nhiều nợ xấu nhất tính đến cuối quý II/2021 bao gồm Agribank, BIDV, VietinBank, VPBank, Sacombank, SCB, VIB, LienVietPostBank…..Đáng lưu ý, số dư nợ xấu của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) qua 6 tháng đầu năm 2021 chạm mức cao. Còn BIDV thì nhiều năm liên tiếp, tình trạng nợ xấu tăng mà chưa có biện pháp mạnh để cải thiện. 

>>  Bài 1: Chuyên gia pháp lý, tài chính nhận định và khuyến cáo gì về nợ xấu tăng cao của nhiều ngân hàng?

Khi Phóng viên Pháp lý trao đổi vấn đề trên với một số chuyên gia luật, đều cho rằng, đối với các ngân hàng thương mại, xảy ra nợ xấu xuất phát từ cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Tuy nhiên, khách quan và thẳng thắn nhìn nhận, dịch covid ảnh hưởng hơn năm nay, trong khi số liệu nợ xấu của một số ngân hàng cao từ nhiều năm trước, trong đó có phần nhiều do nguyên nhân chủ quan – đó là việc quản lý yếu kém. Và để xảy ra nợ xấu nợ tăng quá cao, có khả năng mất vốn cao nếu do nguyên nhân chủ quan thì theo pháp luật, lãnh đạo ngân hàng phải chịu trách nhiệm và phải bị xử lý nghiêm.

171-1630905697.jpg
 Tổng nợ xấu tại 27 ngân hàng đến thời điểm 21/06/2021 chiếm 97,252 tỷ đồng dư nợ, tăng 8.4% so với đầu năm.

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Nợ xấu tăng quá cao, lo lắng đối với dòng tiền của các ngân hàng 

Theo Tổng Cục Thống kê, tính đến thời điểm 21/06/2021, tổng phương tiện thanh toán tăng 3.48% so với cuối năm 2020 (cùng thời điểm năm 2020 tăng 4.59%). Huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 3.13% (cùng thời điểm năm 2020 tăng 4.35%). Tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 5.47% (cùng thời điểm năm 2020 tăng 2.45%).

Cơ cấu tín dụng tiếp tục hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, các dự án BOT, BT giao thông, chứng khoán. Tuy nhiên nợ xấu của nhiều ngân hàng vẫn tăng. Tổng nợ xấu tại 27 ngân hàng chiếm 97,252 tỷ đồng dư nợ, tăng 8.4% so với đầu năm.

Đáng lưu ý, số dư nợ xấu của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) qua 6 tháng đầu năm 2021 chạm mức cao. Hết năm 2020, tổng nợ xấu của VietinBank là 9.518tỷ đồng. Nhưng theo báo cáo đến hết quý II năm 2021, nợ xấu của ngân hàng này bất ngờ tăng vọt lên mức 14.476 tỷ đồng. 

Riêng BIDV trong vài năm gần đây luôn dẫn đầu trong danh sách những ngân hàng có dư nợ xấu cao. Thậm chí còn lọt Top 10 chỉ đứng sau Agribank.  Xét về quy mô, top 10 ngân hàng có nhiều nợ xấu nhất tính đến cuối quý II/2021 bao gồm Agribank, BIDV, VietinBank, VPBank, Vietcombank, SHB, Sacombank, SCB, VIB và LienVietPostBank. Dù rằng bản thân BIDV đã tích cực xử lý nợ xấu nhưng tại sao số dư nợ vẫn cao chót vót như vậy (?).

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, tỷ lệ nợ xấu theo sổ sách của các ngân hàng hiện nay chưa thể hiện một cách thực chất. Bởi, cần lưu ý là Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước ban hành thay thế cho Thông tư 01 đã cho phép ngân hàng không chuyển nhóm nợ, giữ nguyên nhóm nợ, do đó nợ xấu tại nhiều ngân hàng không tăng, trong khi dư nợ cho vay tăng cao hơn, dẫn đến tỷ lệ nợ xấu có thể giảm. Nhưng về thực tế, số tuyệt đối nợ xấu lại tăng. 

Đồng thời, lợi nhuận của ngân hàng cũng bị thổi phồng. Vì, theo quy định đối với nợ xấu, ngân hàng phải trích lập dự phòng rủ ro (Nhóm 3 là 20%, nhóm 4 là 50% và nhóm 5 là 100% dư nợ). Do đó, nếu không chuyển nhóm nợ, ngân hàng không phải trích lập dự phòng rủ ro dẫn đến chi phí hoạt động giảm… TS. Nguyễn Trí Hiếu phân tích.

Đánh giá về tình hình hiện tại, Tiến sĩ Hiếu tỏ ra hết sức lo lắng đối với dòng tiền của các ngân hàng. Theo ông, hiện tỉ lệ bao phủ nợ xấu (dự phòng rủi ro cho nợ xấu trên tổng dư nợ xấu) nhiều ngân hàng hiện nay đang rất cao, có ngân hàng lên đến vài trăm phần trăm như vậy về mặt sổ sách là rất tốt. Nhưng thực tế, các ngân hàng khi cho vay ra đều muốn dòng tiền sẽ quay trở lại với ngân hàng để rồi xoay vòng trả lại cho người gửi tiền tạo thành một vòng tròn khép kín. Trong trường hợp người vay không thể trả nợ, vòng tròn đó bị đứt đoạn, mà mặt khác, người gửi tiền lại vẫn có nhu cầu rút tiền về, ngân hàng khi đó sẽ đối mặt với rủi ro mất thanh khoản.

Chuyên gia pháp lý và tài chính: Nợ xấu tăng cao do khách quan và do chính năng lực quản trị của ngân hàng

Theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến nợ xấu gồm nguyên nhân khách quan như sự bất ổn chính trị và kinh tế trên thế giới, doanh nghiệp Việt Nam hoạt động phụ thuộc nhiều vào tình hình kinh tế Thế giới, các chính sách kinh tế, đặc biệt chính sách vĩ mô  còn thiếu tính ổn định, hệ thống một số các cơ chế chính sách về xử lý tài sản còn bất cập, sự chây ỳ của khách hàng …

Với tình hình như hiện nay, nợ xấu của nhiều ngân hàng … cũng không thể tránh khỏi xu hướng tăng cao bởi những nguyên nhân khách quan nêu trên.

Nhiều chuyên gia tài chính cho rằng, mặc dù ngân hàng nhà nước đã ban hành thông tư 01 năm 2020 và Thông tư 03 năm 2021, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Theo đó, cho phép ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, không phải tất cả các khoản nợ đều được cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ mà chỉ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ đáp ứng đầy đủ các điều kiện gồm: Các khoản nợ phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính; phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi trong thời gian từ 23/1/2020 đến 31/3/2021; khách hàng không có khả năng trả nợ gốc, lãi theo hợp đồng, thỏa thuận cho vay, cho thuê tài chính đã ký do doanh thu, thu nhập giảm bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19…

Cùng với đó, việc xem xét việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữa giữa nguyên nhóm nợ…thuộc thẩm quyền của các ngân hàng. Do đó, để đảm bảo an toàn các ngân hàng sẽ căn cứ vào khả năng sức khoẻ tài chính và tình hình khách hàng để chủ động phân loại lại nợ của khách hàng có thể gặp khó khăn trong tương lai, đồng thời tăng khoản trích lập dự phòng. 

Hay nói cách khác ngân hàng có quyền xem xét đánh giá khả năng của khách hàng để quyết định giữ lại nhóm nợ hay chuyển nhóm nợ. Ngân hàng sẽ giữ nguyên nhóm nợ nếu khách hàng có khả năng phục hồi. Nếu không có khả năng phục hồi, ngân hàng sẽ phải chuyển nhóm nợ để trích lập dự phòng rủi ro theo duy định luật tổ chức tín dụng.

Cùng quan điểm PGS TS. Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cũng chỉ ra rằng, nguyên nhân mà nợ xấu các ngân hàng tăng vọt trong thời gian vừa qua là do đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh của rất nhiều chủ thể trong nền kinh tế, chuỗi cung ứng như đứt gãy khiến cho rất nhiều người vay tiền không trả cho ngân hàng.

Khi Phóng viên trao đổi vấn đề trên với một số chuyên gia luật, đều cho rằng, đối với các ngân hàng thương mại, xảy ra nợ xấu xuất phát từ cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Tuy nhiên, khách quan và thẳng thắn nhìn nhận, dịch covid ảnh hưởng hơn năm nay, trong khi số liệu nợ xấu của một số ngân hàng cao từ nhiều năm trước, trong đó có phần nhiều do nguyên nhân chủ quan – đó là việc quản lý yếu kém. Và để xảy ra nợ xấu nợ có khả năng mất vốn cao thì theo pháp luật, lãnh đạo ngân hàng phải chịu trách nhiệm và cần bị xử lý nghiêm.

image002-1630905762.jpg
 Xảy ra nợ xấu nếu xuất phát từ chủ quan, phải xử lý nghiêm, kể cả việc truy trách nhiệm hình sự

Theo đó, đại diện Công ty Luật Đông Nam Á đã thẳng thắng chỉ ra rằng, bên cạnh những nguyên nhân khách quan nói trên thì để xảy ra nợ xấu còn có cả nguyên nhân chủ quan về chính bản thân ngân hàng. Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là do năng lực quản trị rủi ro của ngân hàng còn quá yếu kém. Quy trình tín dụng, quản lý rủi ro của nhiều ngân hàng chưa chặt chẽ, chưa đầy đủ… đặc biệt lỗ hổng trong khâu thẩm định hồ sơ vay.

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan hơn, nhiều chuyên gia pháp lý lại cho rằng chúng ta không thể đổi hết lỗi cho nguyên khách quan mà nên thẳng thắn nhìn nhận cả nguyên nhân chủ quan về phía chính bản thân ngân hàng: cả về mặt con người lẫn cơ chế quản lý yếu kém... Bởi nợ xấu là vấn đề nhức nhối, đã tồn tại nhiều năm nay trong ngành ngân hàng chứ không phải mới xảy ra từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện.

Cũng theo vị đại diện cty Luật Đông Nam Á phân tích, dù mỗi ngân hàng đều có quy trình, quy chế thẩm định khách hàng khắt khe về tư cách khách hàng, khả năng tài chính, phương án vay vốn… Song thực tế khi thực hiện quy trình thẩm định thì không ít vụ việc lại rất sơ xài, khiến cho hàng nghìn tỷ đồng của các ngân hàng đắm chìm trong những dự án treo, kém hiệu quả, thậm chí liên quan các đại án kinh tế. 

Dẫn chứng, tại Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO II) đang "đắp chiếu", cùng với ngân hàng phát triển (VDB) khu vực Bắc Cạn – chi nhánh Thái nguyên, Vietinbank là 2 ngân hàng đang mắc kẹt hàng nghìn tỉ đồng.. Vietinbank còn đầu tư vốn cho nhiều dự án thuộc lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng GTVT như Dự án BOT, BT. Đáng nói là nhiều dự án bị chậm tiến độ nhiều năm khiến hàng nghìn tỷ đồng nằm “bất động” tại đây như số tiền 2.500 tại dự án BOT mở rộng Xa lộ Hà Nội (TP.HCM) khởi công 10 năm vẫn chưa xong…Gần đây là khoản vay nợ khổng lồ của Tập đoàn Đèo Cả. Viettinbank Hà Nội cho TĐ Đèo Cả vay dài hạn lên tới hơn 19.600 tỉ đồng.

Cũng theo đại diện công ty Luật Đông Nam Á, thực tế, không hiếm trường hợp cán bộ ngân hàng thẩm định còn đẩy giá tài sản bảo đảm lên gấp nhiều lần so với thực tế, tạo những hồ sợ đẹp để được phê duyệt… Thậm chí có trường hợp lãnh đạo cấp cao của ngân hàng còn can thiệp sâu vào nghiệp vụ tiếp tay cho sai phạm, từ việc phê chuẩn những tín dụng cho các bên liên quan, cho các công ty con, công ty liên quan của các thành viên hội đồng quản trị cho đến lập chứng từ khống để cho vay…  Điều này đã khiến không ít cán bộ ngân hàng vướng vòng lao lý như trong một số vụ án ngân hàng thời gian qua. 

Điển hình nhất phải kể đến vụ án  "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng" của cha con ông Trần Bắc Hà cùng đồng phạm tại Ngân hàng BIDV. Trong thời gian giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV, ông Trần Bắc Hà cùng các bị cáo nêu trên đã lợi dụng chức vụ, chỉ đạo cấp dưới cho Công ty Bình Hà và Công ty Trung Dũng - là công ty sân sau của Trần Bắc Hà không đủ điều kiện cấp tín dụng vay trái quy định, gây thất thoát gần 1.700 tỉ đồng cho BIDV…

Và còn một loạt những đại án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB), Đông Á … làm rúng động ngành ngân hàng trong thời gian qua. Đáng nói, những vụ này đều cho thấy sự can thiệp sâu các lãnh đạo cấp cao của ngân hàng vào nghiệp vụ; cấu kết tiếp tay cho sai phạm… dưới góc độ quản lý nhà nước đã bộc lộ sự thiếu chặt chẽ, chưa sâu sát trong quản lý, dẫn đến hiệu quả quản lý yếu kém gây thất thoát ngàn tỉ cho ngân hàng.

172-1630905837.jpg
Các bị cáo trong vụ án xảy ra tại BIDV đứng nghe HĐXX phúc thẩm công bố bản án

Quản lý yếu kém để xảy ra nợ xấu, cần truy trách nhiệm lãnh đạo và chế tài xử lý nghiêm

Theo chuyên gia pháp lý, về nguyên tắc quản lý nhà nước khi để doanh nghiệp nhà nước hoạt động yếu kém, lãnh đạo phải chịu trách nhiệm. Và chắc chắn đối với các ngân hàng thương mại, đặc biệt là ngân hàng có vốn nhà nước, việc quản lý yếu kém để xảy ra nợ xấu nợ có khả năng mất vốn cao thì lãnh đạo phải chịu trách nhiệm và phải bị xử lý. Trừ khi nếu những khoản vay dẫn đến nợ xấu do những nguyên nhân khách quan như do môi trường kinh doanh gặp nhiều khó khăn, tình hình dịch bệnh dẫn đến kinh doanh và tài chính của các doanh nghiệp suy giảm… mà ngân hàng không thể chủ động đối phó. Còn nếu khoản vay dẫn đến nợ xấu xuất phát từ việc cho vay sai quy định, sai nguyên tắc thì trách nhiệm chính thuộc về lãnh đạo của các ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước và cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường việc thanh tra, kiểm tra hoạt động cho vay của các ngân hàng thương mại… để có phương án xử lý kịp thời những ngân hàng cố tình vi phạm quy định hoặc để nợ xấu tăng đột biến

Nhìn thẳng tồn tại trong hoạt động cho vay của ngân hàng hiện nay, trước những lo ngại nợ xấu tăng cao, các chuyên gia cho rằng để từng bước xử lý nợ xấu một cách bền vững, hạn chế nợ xấu gia tăng nhằm khơi thông dòng vốn trong hệ thống các ngân hàng, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và hỗ trợ vốn tích cực cho nền kinh tế thì về phía bản thân các ngân hàng, cần có những biện pháp để hạn chế tình trạng gia tăng nợ xấu.

Về phía Ngân hàng Nhà nước và cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường thanh tra, kiểm tra kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động tín của các ngân hàng, không để xảy ra tình trạng cho vay sai quy định, sai nguyên tắc dẫn đến nợ xấu. Đồng thời cần cảng báo sớm, xử lý nghiêm các sai phạm.

 Ngoài ra, cơ quan chức năng cần rà soát các quy định liên quan đến xử lý nợ xấu, đặc biệt cần sớm xây dựng và ban hành Luật xử lý nợ xấu. Trong đó quy định cụ thể các vấn đề xử lý tài sản đảm bảo thu hồi nợ, sàn mua bán nợ, các quy định liên quan hoạch toán nơ, quy định chế tài để xử đối với các hành vi vi phạm gây cản trở trong việc xử lý nợ xấu… tạo hành lang pháp lý hoàn thiện giúp cho ngành ngân hàng và các cơ quan liên quan phối hợp xử lý nợ xấu hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó sửa đổi Bộ luật Hình sự theo hướng tăng nặng hơn các chế tài đối với tội phạm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và sửa các qui định tố tụng hình sự nhằm giúp các cơ quan tố tụng có biện pháp ngăn chặn , thu hồi dòng tiền thất thoát từ các đại án xảy ra trong ngành ngân hàng

La Sơn – Nam Kiên
 

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin