Những vấn đề pháp lý nhìn từ 12 dự án nghìn tỷ bị thua lỗ ( Bài 1 )

(Pháp lý) - Thời gian qua, người dân cả nước không khỏi xót xa khi nghe báo cáo của Bộ Công thương về 12 dự án nghìn tỷ bị thua lỗ nặng nề. Mặc dù Chính phủ vẫn đang tích cực chỉ đạo, đôn đốc việc rà soát, thanh tra và xử lý các dự án thua lỗ, song song với việc làm rõ trách nhiệm các tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm. Nhưng dư luận vẫn không khỏi băn khoăn: trách nhiệm của các cá nhân/tập thể gây ra thua lỗ sẽ thế nào? Chính sách, pháp luật hiện hành liệu có “lỗ hổng”, bất cập gì ? Và làm thế nào để thời gian tới không còn những dự án nghìn tỷ thua lỗ ?

Những băn khoăn này cũng chính là điều Pháp lý muốn làm rõ trong hai bài viết sau đây.

Bài 1: Phác họa về 12 dự án nghìn tỷ “sa lầy”

Trong danh sách 12 dự án thua lỗ nặng nề, kém hiệu quả của Bộ Công thương thì có 4 dự án của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), 5 dự án thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và 2 dự án có “bóng dáng” Tổng Công ty Thép Việt Nam (Vnsteel). Trong đó có những dự án chưa hoàn thành nhưng phải tạm dừng thi công do thiếu vốn, có những dự án bị dừng hoạt động sản xuất hoặc vẫn đang vận hành sản xuất nhưng đều bị thua lỗ nặng nề.

6 dự án bị thua lỗ nặng nhưng vẫn đang vận hành sản xuất kinh doanh

Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình, DAP Lào Cai, DAP Hải Phòng, Nhà máy đóng tàu Dung Quất và Nhà máy thép Việt Trung là 6 dự án đang ở giai đoạn vận hành sản xuất nhưng bị thua lỗ nặng.

Trong danh sách nói trên, có 4 dự án thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), đó là: Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình, DAP Lào Cai, DAP Hải Phòng.

Nhà máy Đạm Hà Bắc được hình thành từ năm 1960 và đến năm 2010 được cải tạo, mở rộng với tổng vốn đầu tư 568 triệu USD. Hiện nay nhà máy đang điêu đứng khi lỗ tới 585 tỷ đồng vào năm 2015, lỗ 124,69 tỷ đồng vào năm 2016. Nợ vay của Đạm Hà Bắc hiện đã lên tới trên 7.000 tỷ đồng.

Dự án Nhà máy đóng tàu Dung Quất của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đang phải gánh khoản lỗ lũy kế hơn 3.674 tỷ đồng.
Dự án Nhà máy đóng tàu Dung Quất của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đang phải gánh khoản lỗ lũy kế hơn 3.674 tỷ đồng.)

Nhà máy Đạm Ninh Bình có tổng vốn đầu tư ban đầu lên tới 667 triệu USD (khoảng 12.000 tỷ đồng) và bắt đầu hoạt động vào năm 2012 nhưng liên tiếp gặp khó khăn. Tổng mức lỗ tới tháng 9/2016 đã lên tới trên 2.700 tỉ đồng.

DAP Hải Phòng (còn gọi là DAP Đình Vũ) là dự án nhà máy sản xuất phân bón hỗn hợp của Vinachem: Tính đến cuối tháng 9/2016 đang có khoản lỗ lũy kế gần 321 tỷ đồng, nợ vay tài chính đang ở mức 817 tỷ đồng, gồm gần 682 tỷ đồng nợ ngắn hạn và gần 135,4 tỷ đồng nợ vay dài hạn. (Nhà máy này có tổng mức đầu tư hơn 172 triệu USD).

Dự án thứ tư bị thua lỗ của Vinachem là DAP Lào Cai (DAP số 2 – Vinachem). Đây là công ty sản xuất các sản phẩm phân bón Diamon Photphat, tính đến tháng 6/2016 cũng đã lỗ 281 tỷ đồng.
2/6 dự án còn lại thì 1 của ngành dầu khí, 1 của ngành gang thép:

Dự án Nhà máy đóng tàu Dung Quất của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đang phải gánh khoản lỗ lũy kế hơn 3.674 tỷ đồng, trong đó lỗ phát sinh giai đoạn từ 1/7/2010 – 30/6/2016 là 2.438,9 tỷ đồng.
Nhà máy thép Việt Trung là dự án liên doanh giữa đối tác mỏ Quý Sa và Nhà máy gang thép Lào Cai, có vốn đầu tư gần 7.000 tỷ đồng do Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt – Trung làm chủ (đây là công ty liên doanh giữa Tổng Công ty Thép Việt Nam, Công ty Khoáng sản Lào Cai và Tập đoàn Gang thép Côn Minh, Trung Quốc). Cuối năm 2014, Nhà máy này đi vào hoạt động nhưng đến nay ước tính lỗ 650 tỷ đồng.

3 dự án bị dừng thi công do thiếu vốn

Do chi phí tăng cao và thiếu vốn, dự án sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ, dự án mở rộng giai đoạn II nhà máy gang thép Thái Nguyên và dự án bột giấy Phương Nam đã bị dừng thi công.

Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam (chủ đầu tư hiện nay là Tổng Công ty Giấy Việt Nam - Vinapaco) được đầu tư vào năm 2003 với số vốn ban đầu là 1.487 tỷ đồng, mức đầu tư ở giai đoạn hai là 3.409 tỷ đồng. Tuy nhiên đến 2014, dự án vẫn tắc nghẽn sau nhiều lần chạy thử không thành công. Theo đó, tổng số vốn giải ngân cho dự án đã lên đến 2.999 tỷ đồng. Đến nay, Bộ Công thương đã đề nghị Chính phủ cho phép Vinapaco dừng đầu tư dự án và tiến hành xử lý. Phương án bán Nhà máy bột giấy Phương Nam với giá 0 đồng như “hàng” kèm theo khi tiến hành cổ phần hóa Vinapaco cũng đã được tính tới.

 Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam đang nằm “đắp chiếu” và chờ bị bán với giá 0 đồng.
Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam đang nằm “đắp chiếu” và chờ bị bán với giá
0 đồng.)

Dự án Nhà máy xăng sinh học ethanol Phú Thọ do Công ty CP Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB) – là công ty con của PVN làm chủ đầu tư, nhà thầu là Tổng CTCP xây lắp dầu khí (PVC). Dự án có tổng mức đầu tư là 1.317 tỷ đồng sau đó bị đội lên thành 2.484 tỷ đồng. Khởi công từ năm 2008 nhưng do không đạt được sự thống nhất của các bên tham gia về chi phí phát sinh, đến tháng 11/2011 dự án đã tạm dừng thi công khi chưa hoàn thành. Tuy nhiên cho đến nay chủ đầu tư vẫn mất hàng trăm tỷ đồng để trả lãi vay và quản lý dự án “treo” này.

Dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn II do Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (Tiso) làm chủ đầu tư từ năm 2007 với quy mô 8.104 tỉ đồng. Sau gần một thập kỷ xây dựng, hiện nhà máy đang “đắp chiếu” do gặp vướng mắc lớn về tài chính và nhà thầu là Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc (MCC) đã bỏ về nước. Cũng do đầu tư, hoạt động dở dang và kém hiệu quả nên hiện chi phí ngân hàng của dự án này đã lên tới 1.200 tỷ đồng, trong đó mỗi ngày chủ đầu tư phải trả khoảng 1 tỷ đồng tiền lãi vay.

3 dự án bị dừng sản xuất do thua lỗ lớn

Ba dự án còn lại đang bị dừng sản xuất do giá thành cao, thua lỗ lớn đều thuộc PVN, đó là nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học (ethanol) Dung Quất (Quảng Ngãi), nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học (ethanol) Bình Phước và nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ – Hải Phòng.

Trong giai đoạn năm 2007 - 2009, ngoài dự án ethanol Phú Thọ, còn có 2 dự án ethanol Dung Quất và ethanol Bình Phước được PVN quyết định chủ trương đầu tư. Đến cuối năm 2014, các dự án tại Bình Phước và Quảng Ngãi đã thực hiện xong nhưng đều trong tình trạng hết sức bi đát, không thể đi vào vận hành thương mại bởi nếu hoạt động sẽ lỗ lớn. Cụ thể, dự án Nhà máy ethanol Dung Quất được PVN giao cho Công ty CP sinh học dầu khí (PCB) làm chủ đầu tư với tổng vốn được phê duyệt là hơn 1.886 tỷ đồng nhưng đã bị đội vốn lên hơn 2.124 tỷ đồng, làm tăng chi phí khấu hao tài sản cố định và chi phí vốn vay, dẫn đến tăng giá thành sản phẩm. Năm 2014, dự án này lỗ khoảng 164 tỷ đồng.

Vào năm 2011 các lãnh đạo PVN và Nhà máy sản xuất xơ sợi polyeste Đình Vũ – Hải Phòng đón lô sản phẩm đầu tiên của Nhà máy. Và giờ đây dự án Nhà máy này đang “đắp chiếu” với khoản lỗ 2.700 tỷ đồng.
Vào năm 2011 các lãnh đạo PVN và Nhà máy sản xuất xơ sợi polyeste Đình Vũ – Hải Phòng đón lô sản phẩm đầu tiên của Nhà máy. Và giờ đây dự án Nhà máy này đang “đắp chiếu” với khoản lỗ 2.700 tỷ đồng.)

Dự án ethanol Bình Phước có tổng mức đầu tư 1.492 tỷ đồng, sau đó đã bị đội vốn lên hơn 1.742 tỷ đồng do Công ty TNHH nhiên liệu sinh học Phương Đông làm chủ đầu tư theo chỉ đạo của PVN. Tính đến tháng 3/2013, nhà máy hoàn thành nhưng chỉ hoạt động ngặt nghèo và đến nay nhà máy này hầu như không vận hành thương mại, có thể nói là tắc nghẽn. Dự tính mỗi năm dự án bị lỗ khoảng 200 tỷ.
Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ – Hải Phòng là dự án có vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng, Chỉ sau 2 năm đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, tính đến tháng 9/2016, nhà máy đã thua lỗ hơn 1.700 tỷ đồng và đang trong cảnh “đắp chiếu”.

Ngoài 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ ở trong nước nói trên, cũng cần phải nhắc đến những “sa lầy” của PVN vào một số dự án đầu tư ra nước ngoài trong giai đoạn 2006 - 2011. Trong đó có việc mất trắng hơn 532 triệu USD (hơn 11.000 tỷ đồng) tại siêu liên doanh 1,8 tỉ USD vốn góp khai thác dầu tại Venezuela. Không chỉ sai phạm về việc tuân thủ các quy trình, thủ tục đầu tư; ký hợp đồng khi chưa được các cấp có thẩm quyền cho phép (đặc biệt là không xin chủ trương của Quốc hội trong khi theo quy định của pháp luật, đây là trường hợp bắt buộc phải có chủ trương của Quốc hội trước khi quyết định triển khai)…, tiến trình thực hiện dự án còn cho thấy rằng, PVN đã báo cáo sai sự thật về kết quả thăm dò, về đánh giá trữ lượng, bỏ qua các cảnh báo rủi ro, làm mất mát một lượng vốn khổng lồ của nhà nước. Người dân và dư luận đặt câu hỏi: Những ai sẽ phải chịu trách nhiệm trước dân, trước pháp luật về những dự án nghìn tỷ thua lỗ và “sa lầy” này ?

Tuệ Lâm (tổng hợp)

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin