Những vấn đề pháp lý liên quan hoạt động chuyển giao bắt buộc ngân hàng thương mại

16/06/2023 09:32

(Pháp lý) - Tại báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế Quốc hội hồi cuối tháng 4, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết đến nay đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt (CBBank, OceanBank, GP Bank và ngân hàng Đông Á). Vậy chuyển giao bắt buộc ngân hàng thương mại được pháp luật quy định như thế nào, quyền lợi của các bên giải quyết ra sao?...

Ngân hàng Nhà nước hé lộ việc chuyển giao bắt buộc 4 ngân hàng yếu kém

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt

Quy định pháp luật về chuyển giao bắt buộc ngân hàng thương mại

Theo quy định Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, bổ sung 2017 (luật CTCTD), các tổ chức tín dụng khi lâm vào một trong 4 trường hợp: mất, có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc mất, có nguy cơ mất khả năng thanh toán theo quy định của Ngân hàng Nhà nước; số lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng lớn hơn 50% giá trị của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất; không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn quy định trong thời gian 12 tháng liên tục hoặc tỷ lệ an toàn vốn thấp hơn 4% trong thời gian 06 tháng liên tục; xếp hạng yếu kém trong 02 năm liên tục theo quy định của Ngân hàng Nhà nước sẽ được NHNN xem xét, quyết định đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt.

Khi tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt có thể được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc Ngân hàng Nhà nước quyết định cơ cấu lại theo một trong các phương án: phục hồi; sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp; giải thể; chuyển giao bắt buộc; và phá sản.

Trong đó phương án chuyển giao bắt buộc là phương án chủ sở hữu, thành viên góp vôn, cổ đông của ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt phải chuyển giao toàn bộ cổ phần, phần vốn góp cho bên nhận chuyển giao. (Khoản 38, Điều 4, Luật CTCTD)

Bên nhận chuyển giao là tổ chức tín dụng trong nước, tổ chức tín dụng nước ngoài, nhà đầu tư khác có đề nghị được nhận chuyển giao bắt buộc và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định được nhận chuyển giao bắt buộc. (Khoản 39, Điều 4, Luật CTCTD)

Theo quy định tại Điều 151 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 28 Điều 1 Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi 2017 thì việc chuyển giao bắt buộc ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt được quy định cụ thể như sau:

Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ quyết định chủ trương chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt là ngân hàng thương mại cho bên nhận chuyển giao theo quy định pháp luật khi có đủ các điều kiện: giá trị thực của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ âm; có đề nghị của bên nhận chuyển giao.

Trình tự, thủ tục quyết định chủ trương chuyển giao bắt buộc ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 147a.

Theo đó, trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày nhận được đề xuất của Ban kiểm soát đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt…

Ngân hàng Nhà nước ra quyết định chuyển giao bắt buộc sau khi phương án chuyển giao bắt buộc được phê duyệt. Bên nhận chuyển giao thực hiện quyền của chủ sở hữu, thành viên góp vốn, cổ đông tại ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc; thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt.

Ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt sau chuyển giao bắt buộc thực hiện thủ tục để chuyển đổi hình thức pháp lý (nếu có) của ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt; thủ tục thay đổi chủ sở hữu, thành viên góp vốn, cổ đông; thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt… (Điều 151b, Luật CTCTD)

Điều kiện đối với bên nhận chuyển giao được quy định tại Điều 151đ Luật CTCTD:

1. Bên nhận chuyển giao là tổ chức tín dụng phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Hoạt động kinh doanh có lãi trong ít nhất 02 năm liền kề trước thời điểm đề nghị nhận chuyển giao theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán độc lập;

b) Đáp ứng các tỷ lệ bảo đảm an toàn quy định tại Điều 130 của Luật này;

c) Có phương án chuyển giao bắt buộc khả thi, trong đó bao gồm nội dung chứng minh bên nhận chuyển giao có đủ nguồn vốn để thực hiện góp vốn theo phương án.

2. Bên nhận chuyển giao không phải là tổ chức tín dụng phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Là pháp nhân;

b) Đáp ứng các điều kiện quy định tại điểm a và điểm c khoản 1 Điều này.

Quyền lợi của các bên giải quyết ra sao?

Trao đổi với phóng viên, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh – chuyên gia tài chính cho biết, đối với các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc, theo quy định thì các ngân hàng này đã được Ngân hàng Nhà nước xác định từ trước và khi nhận chuyển giao họ cũng sẽ có được những ưu đãi như miễn giảm về thuế trong thời gian thực hiện nhận chuyển giao; ưu đãi về cơ cấu nguồn vốn, các hỗ trợ về thanh khoản cũng như quyền tổ chức tái cấu trúc, tái cơ cấu hoạt động ngân hàng được chuyển giao theo yêu cầu của họ; được Ngân hàng Nhà nước xem xét chỉ số về an toàn vốn…

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh

Cụ thể theo quy định tại Điều 151e, Luật CTCTD, trường hợp bên nhận chuyển giao là tổ chức tín dụng có các quyền như: được sở hữu 100% vốn điều lệ của ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc đối với trường hợp ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên;

Không thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính của ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc; được loại trừ ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc khi tính tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất; khoản vốn góp vào ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc không phải thực hiện trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư và được loại trừ khi tính giới hạn góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng nhận chuyển giao.

Được bán, phát hành cổ phần của tổ chức tín dụng nhận chuyển giao cho nhà đầu tư nước ngoài phù hợp với phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt; được áp dụng một hoặc một số biện pháp hỗ trợ quy định tại Điều 148b của Luật CTCTD theo phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt.

Trường hợp bên nhận chuyển giao không phải là tổ chức tín dụng có quyền sở hữu cổ phần, phần vốn góp của ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc vượt tỷ lệ giới hạn sở hữu cổ phần, phần vốn góp theo quy định tại Điều 55 về tỷ lệ sở hữu cổ phần và Điều 70 về thành viên góp vốn, nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên góp vốn.

Đối với ngân hàng bị chuyển giao, theo quy định thì kể từ thời điểm Ngân hàng Nhà nước ra quyết định chuyển giao bắt buộc, toàn bộ quyền và lợi ích của chủ sở hữu, thành viên góp vốn, cổ đông của ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc sẽ chấm dứt.

Mới đây, thông tin đến báo chí liên quan đến quyền lợi cổ đông của 4 ngân hàng sẽ bị chuyển giao bắt buộc, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, với 3 ngân hàng (Ngân hàng Xây dựng - CBBank, Ngân hàng Đại Dương - OceanBank, Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu - GP Bank) đã bị mua 0 đồng, quyền lợi của các cổ đông các ngân hàng này xem như đã chấm dứt. Còn quyền lợi của cổ đông DongABank sẽ chấm dứt nếu vốn chủ sở hữu của ngân hàng này bị âm tại thời điểm chuyển giao bắt buộc.

Đối với tiền gửi của khách hàng, theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, khi thực hiện chuyển giao, ngân hàng nhận chuyển giao sẽ tiếp nhận toàn bộ các quyền và nghĩa vụ của ngân hàng bị chuyển giao bao gồm cả tập khách hàng, các khoản cho vay, tiền gửi của khách hàng… ngân hàng nhận chuyển giao sẽ phải có trách nhiệm đối với các khoản tiền gửi và khoản vay mà ngân hàng bị chuyển giao vay của tổ chức tín dụng khác.

Đinh Chiến
Bạn đang đọc bài viết "Những vấn đề pháp lý liên quan hoạt động chuyển giao bắt buộc ngân hàng thương mại" tại chuyên mục Pháp lý và Kinh doanh. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin