Những chính sách mới về kinh tế, tài chính doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 9

(Pháp lý). Đó là loạt chính sách mới về : Quản lý tiền ký quỹ phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản; Quy định mua, bán ngoại tệ; Phương pháp lập giá bán điện bình quân; Nguyên tắc chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty TNHH MTV; Quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu về quản lý cán bộ của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;... .
1-1724827185.jpg

Ảnh minh hoạ

Hướng dẫn quản lý và sử dụng tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường

Hướng dẫn quản lý và sử dụng tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản và hoạt động chôn lấp chất thải tại Quỹ Bảo vệ môi trường được qui định tại Thông tư số 57/2024/TT-BTC của Bộ Tài chính

Theo Thông tư, Bên ký quỹ là tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác khoáng sản, hoạt động chôn lấp chất thải theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn có liên quan. Bên nhận ký quỹ là Quỹ Bảo vệ môi trường.

Tiền ký quỹ là khoản tiền bên ký quỹ gửi vào bên nhận ký quỹ để đảm bảo trách nhiệm thực hiện các hạng mục công trình cải tạo, phục hồi môi trường và xử lý rủi ro, nguy cơ ô nhiễm môi trường phát sinh từ hoạt động khai thác khoáng sản và hoạt động chôn lấp chất thải theo quy định của pháp luật và Thông tư này.

Bên nhận ký quỹ phải gửi toàn bộ tiền ký quỹ vào tài khoản ký quỹ riêng mở tại ngân hàng thương mại. Tài khoản ký quỹ là tài khoản độc lập với các tài khoản khác tại ngân hàng thương mại của bên nhận ký quỹ và theo dõi chi tiết tiền ký quỹ và tiền lãi phát sinh từ tiền ký quỹ của từng dự án, tổ chức, cá nhân ký quỹ...

Định kỳ 06 tháng (trước ngày 31 tháng 7 của năm báo cáo và ngày 31 tháng 03 của năm sau năm báo cáo), bên nhận ký quỹ phải gửi Thông báo số dư ký quỹ và tiền lãi ký quỹ phải trả cho bên ký quỹ tại thời điểm 30 tháng 6 và 31 tháng 12 của năm báo cáo theo Phụ lục 3 của Thông tư này và công khai trên trang thông tin điện tử hoặc tại Trụ sở của bên nhận ký quỹ. Đối với báo cáo năm, bên nhận ký quỹ phải gửi kèm theo Báo cáo tài chính đã được kiểm toán...

Thông tư trên có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/9/2024.

2-1724827194.jpg

Ảnh minh hoạ

Bổ sung yêu cầu chung với nhiệm vụ KH&CN (khoa học và công nghệ) cấp thiết địa phương sử dụng ngân sách nhà nước cấp quốc gia

Theo đó, Thông tư 05/2024/TT-BKHCN bổ sung thêm yêu cầu chung đối với nhiệm vụ KH&CN cấp thiết địa phương sử dụng ngân sách nhà nước cấp quốc gia như sau:

Thời gian tiến hành thủ tục phê duyệt thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp thiết địa phương kể từ khi Bộ KH&CN nhận được đề xuất nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố đến trước thời điểm ký kết hợp đồng thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp thiết địa phương không quá 01 (một) năm.

Sau 01 (một) năm mà nhiệm vụ chưa được ký hợp đồng thực hiện thì nhiệm vụ KH&CN cấp thiết địa phương cần đánh giá lại tính cấp thiết và tính mới của vấn đề KH&CN trước khi tiến hành ký kết hợp đồng thực hiện nhiệm vụ.

Để đánh giá lại tính cấp thiết và tính mới của nhiệm vụ, Bộ KH&CN có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, nơi phát sinh vấn đề KH&CN cấp thiết địa phương, khẳng định vấn đề KH&CN vẫn còn tính cấp thiết. Sau khi nhận được văn bản khẳng định tính cấp thiết của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, đơn vị quản lý chuyên môn của Bộ KH&CN tiến hành xin ý kiến tối thiểu 03 (ba) chuyên gia là thành viên Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ KH&CN của chính vấn đề KH&CN cấp thiết được đề xuất.

Trong số chuyên gia được xin ý kiến có Chủ tịch Hội đồng hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng. Nhiệm vụ KH&CN cấp thiết địa phương được tiếp tục thực hiện khi ý kiến của các chuyên gia thống nhất đề xuất cần tiếp tục thực hiện tại Phiếu xin ý kiến. Trong trường hợp các chuyên gia có ý kiến không thống nhất, Bộ KH&CN có văn bản thông báo dừng không triển khai nhiệm vụ.

Thông tư 05/2024/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 01/9/2024.

Sửa quy định mua, bán ngoại tệ giữa dự trữ ngoại hối chính thức với ngân sách nhà nước

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 43/2024/TT-NHNN ngày 9/8/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2014/TT-NHNN ngày 10/12/2014 hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước.

Thông tư 43/2024/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Điều 9 Thông tư 01/2014/TT-NHNN về việc mua, bán ngoại tệ giữa dự trữ ngoại hối chính thức với ngân sách nhà nước như sau:

- Mua ngoại tệ từ ngân sách nhà nước: Căn cứ vào kế hoạch bán ngoại tệ hằng năm của ngân sách nhà nước và văn bản đề nghị bán ngoại tệ của Bộ Tài chính và/hoặc các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước thực hiện mua ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước từ ngân sách nhà nước với tỷ giá quy định.

- Bán ngoại tệ cho ngân sách nhà nước: Căn cứ văn bản đề nghị mua ngoại tệ của Bộ Tài chính để đáp ứng nhu cầu ngoại tệ cho ngân sách nhà nước, Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước phối hợp với Vụ Chính sách tiền tệ xây dựng phương án cân đối bán ngoại tệ cho ngân sách nhà nước trình Thống đốc NHNN phê duyệt và thông báo với Bộ Tài chính.

Căn cứ vào phương án cân đối bán ngoại tệ đã được Thống đốc NHNN phê duyệt, Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước thực hiện việc bán ngoại tệ cho ngân sách nhà nước với tỷ giá quy định.

- Tỷ giá mua, bán ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước: Trường hợp mua, bán đô la Mỹ, tỷ giá mua và tỷ giá bán ngoại tệ bằng tỷ giá mua, bán giao ngay tại phương án can thiệp; nếu tại thời điểm thực hiện không có phương án can thiệp hoặc tại phương án can thiệp không có nội dung về tỷ giá giao ngay thì áp dụng tỷ giá mua và tỷ giá bán ngoại tệ bằng tỷ giá trung tâm do NHNN công bố áp dụng đối với ngày thực hiện giao dịch (*).

Trường hợp mua, bán ngoại tệ khác ngoài đô la Mỹ, tỷ giá mua và tỷ giá bán ngoại tệ được áp dụng trên cơ sở tỷ giá tính chéo của tỷ giá xác định tại điểm (*) nêu trên và tỷ giá bình quân của giá mua và giá bán giữa loại ngoại tệ được mua, bán và đô la Mỹ được niêm yết trên thị trường ngoại hối quốc tế thông qua hệ thống mạng thông tin Refinitiv hoặc Bloomberg trước 10 giờ sáng của ngày giao dịch.

Thông tư trên có hiệu lực từ ngày 23/9/2024.

Hướng dẫn phương pháp lập giá bán điện bình quân

Trước đó ngày 20/7/2024, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 09/2024/TT-BCT quy định tính toán giá bán điện bình quân. Thông tư 09/2024/TT- BCT hướng dẫn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tính toán giá bán điện bình quân theo quy định tại Điều 4 Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg ngày 26/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.

3-1724827194.jpg

Thông tư số 09/2024/TT-BCT quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân

Thông tư gồm 3 chương, 15 điều, áp dụng cho EVN và các đơn vị thành viên, các tổ chức, cá nhân có liên quan. Trong đó, Thông tư hướng dẫn chi tiết về phương pháp lập giá bán điện bình quân hằng năm và trong năm cũng như công thức tính toán để có kết quả giá điện cuối cùng.

Theo đó, giá bán điện bình quân hằng năm và trong năm được tính toán dựa trên các chi phí khâu phát điện, chi phí dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, chi phí mua các dịch vụ truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực, chi phí điều hành - quản lý ngành trong giá bán điện bình quân hằng năm/trong năm.

Để có cơ sở tính toán, Thông tư cũng hướng dẫn cụ thể phương pháp lập tổng chi phí của các khâu: Phát điện; truyền tải; dịch vụ phụ trợ hệ thống điện; dịch vụ phân phối - bán lẻ điện; dịch vụ điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực; chi phí điều hành - quản lý ngành và lợi nhuận định mức...

Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan báo cáo Bộ trưởng Bộ Công Thương việc kiểm tra, rà soát và giám sát phương án giá bán điện bình quân do Tập đoàn Điện lực Việt Nam xây dựng, điều chỉnh theo quy định tại Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg. Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm thực hiện các quy định tại Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg và quy định tại Thông tư này.

Thông tư có hiệu lực chính thức từ 14/9/2024.

Nguyên tắc chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty TNHH MTV

Được qui định cụ thể trong Nghị định 89/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/9/2024 . Theo đó, việc chuyển đổi phải được thực hiện theo các nguyên tắc sau:

* Nguyên tắc kế thừa quyền, nghĩa vụ:

- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên kế thừa toàn bộ quyền và lợi ích hợp pháp của công ty nhà nước hoặc công ty con chưa chuyển đổi; được sử dụng toàn bộ tài sản, lao động, diện tích đất do công ty được chuyển đổi đang quản lý để tổ chức sản xuất kinh doanh theo quy định pháp luật;

- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ của công ty nhà nước hoặc công ty con chưa chuyển đổi gồm: các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động, nghĩa vụ trong quản lý, sử dụng đất đai theo quy định pháp luật về đất đai, các nghĩa vụ và trách nhiệm khác;

- Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên kế thừa toàn bộ các quyền, nghĩa vụ của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của công ty nhà nước, công ty con chưa chuyển đổi.

4-1724827194.jpg

Ảnh minh hoạ

* Nguyên tắc kê khai và thực hiện đăng ký doanh nghiệp:

- Doanh nghiệp có nghĩa vụ kê khai hồ sơ đăng ký doanh nghiệp theo đúng các thông tin đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt tại Quyết định chuyển đổi công ty nhà nước, công ty con chưa chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (sau đây gọi tắt là Quyết định chuyển đổi). Cơ quan có thẩm quyền quyết định việc chuyển đổi chịu trách nhiệm về các thông tin đã phê duyệt tại Quyết định chuyển đổi.

Đối với các thông tin không có tại Quyết định chuyển đổi, doanh nghiệp chịu trách nhiệm về tính hợp pháp, trung thực và chính xác của các thông tin do doanh nghiệp tự kê khai.

- Doanh nghiệp không bắt buộc phải đóng dấu trong giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp. Việc đóng dấu đối với các tài liệu khác trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan;

- Người có thẩm quyền ký hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp quy định tại Quyết định chuyển đổi;

- Việc ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp thực hiện theo quy định của Nghị định về đăng ký doanh nghiệp.

* Nguyên tắc áp dụng giải quyết thủ tục đăng ký doanh nghiệp:

- Cơ quan đăng ký kinh doanh chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, không chịu trách nhiệm về những vi phạm pháp luật của doanh nghiệp xảy ra trước và sau khi đăng ký doanh nghiệp;

- Cơ quan đăng ký kinh doanh không giải quyết các tranh chấp nội bộ trong doanh nghiệp, giữa thành viên của doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp với tổ chức, cá nhân khác.

Sửa đổi quy định quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu về quản lý cán bộ của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ

Nghị định 97/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ 10/9/2024 sửa đổi, bổ sung Nghị định 10/2019/NĐ-CP thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước. Trong đó sửa đổi quy định quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu về quản lý cán bộ của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đối với kiểm soát viên như sau:

- Quyết định về quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, thôi việc, nghỉ hưu đối với Kiểm soát viên theo quy định của pháp luật.

- Căn cứ quy mô của doanh nghiệp, cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định thành lập Ban Kiểm soát có từ 01 đến 05 Kiểm soát viên. Trường hợp Ban kiểm soát chỉ có 01 Kiểm soát viên thì Kiểm soát viên đó đồng thời là Trưởng Ban kiểm soát và phải đáp ứng tiêu chuẩn của Trưởng Ban kiểm soát.

- Cơ quan đại diện chủ sở hữu lựa chọn, quyết định bổ nhiệm cán bộ, công chức do mình quản lý làm Kiểm soát viên và có trách nhiệm bố trí công việc phù hợp cho cán bộ, công chức khi thôi làm Kiểm soát viên.

Thành Chung (Tổng hợp)

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin