(Pháp lý) - Trước những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 đã và đang tác động đến tình hình sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân đặc biệt tại các khu vực TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh và nhiều tỉnh thành phía Nam…, thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành các Nghị quyết; Thông tư quy định về các chế độ, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân đang gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra. Đây là những chính sách cần thiết để giúp doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn hiện tại.
Giảm 30 loại phí, lệ phí từ ngày 01/7/ 2021
Thông tư 47/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo đó, có 30 loại phí, lệ phí được giảm từ ngày 01/7-31/12/2021, đơn cử như:
- Lệ phí cấp hộ chiếu, giấy thông hành, giấy phép xuất cảnh, tem AB, bằng 80% mức thu lệ phí quy định tại Mục I Biểu mức thu phí, lệ phí ban hành kèm theo Thông tư 25/2021/TT-BTC.
- Lệ phí cấp Căn cước công dân, bằng 50% mức thu lệ phí quy định tại Điều 4 Thông tư 59/2019/TT-BTC.
- Phí hải quan, bằng 90% mức thu phí, lệ phí quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư 194/2016/TT-BTC.
- Lệ phí cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng cho tổ chức và Lệ phí cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng cho cá nhân, bằng 50% mức thu lệ phí quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư 172/2016/TT-BTC.
- Lệ phí sở hữu công nghiệp, bằng 50% mức thu lệ phí quy định tại Mục A Biểu mức thu phí, lệ phí sở hữu công nghiệp ban hành kèm theo Thông tư 263/2016/TT-BTC.
Thêm đối tượng được hưởng phụ cấp đặc thù chống dịch
Tại Nghị quyết 58/NQ-CP ngày 08/6/2021, Chính phủ đồng ý áp dụng phụ cấp đặc thù với cán bộ y tế trực tiếp tiêm vắc-xin phòng COVID-19 trong Chương trình tiêm chủng miễn phí tại các cơ sở y tế công lập.
Cụ thể, Chính phủ thống nhất đồng ý áp dụng phụ cấp đặc thù với mức 7.500 đồng/liều tiêm (tối đa không quá 150.000 đồng/người/ngày) đối với cán bộ y tế trực tiếp tiêm vắc-xin phòng COVID-19 trong Chương trình tiêm chủng miễn phí tại các cơ sở y tế công lập.
Ngoài ra, Chính phủ đồng ý áp dụng chế độ trong thời gian tình nguyện tham gia phòng, chống dịch COVID-19 đối với học viên, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, học sinh các trường đào tạo hệ trung cấp khối ngành sức khỏe, người có chuyên môn y tế không hưởng lương ngân sách, như sau:
- Về chế độ bồi dưỡng chống dịch:
+ Được hưởng 300.000 đồng/người/ngày khi thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 16/NQ-CP ngày 08/02/2021;
+ Được hưởng 200.000 đồng/người/ngày khi thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Khoản 2 Điều 2 Nghị quyết 16/NQ-CP.
- Về chế độ hỗ trợ tiền ăn và chi phí phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong thời gian phải ở lại nơi tình nguyện: Được hưởng 120.000 đồng/người/ngày, gồm tiền ăn là 80.000 đồng (theo mức quy định tại Khoản 5 Điều 2 Nghị quyết 16/NQ-CP) và 40.000 đồng chi phí phục vụ nhu cầu sinh hoạt (theo mức quy định tại Điểm b Khoản 5 Điều 1 Nghị quyết 16/NQ-CP).
- Về số ngày hưởng: tính theo số ngày thực tế tham gia chống dịch theo phân công của cấp có thẩm quyền, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, Tết.
Khoản đóng góp Quỹ vắc xin Covid-19 được trừ khi tính thuế TNDN
Thông tư 41/2021/TT-BTC ngày 02/6/2021 hướng dẫn về tổ chức, hoạt động, quản lý, sử dụngvà kế toán, quyết toán, công khai tài chính Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 (Quỹ). Trong đó, hướng dẫn xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với các khoản tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện cho Quỹ như sau:
Các tổ chức, doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với các khoản tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện cho Quỹ theo quy định tại Nghị định 44/2021/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện về chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với các khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).
Theo Nghị định 44/2021, hồ sơ xác định khoản chi ủng hộ, tài trợ gồm có: Biên bản xác nhận ủng hộ, tài trợ theo mẫu ban hành kèm theo Nghị định 44/2021 hoặc văn bản, tài liệu (hình thức giấy hoặc điện tử) xác nhận khoản chi ủng hộ, tài trợ có chữ ký, đóng dấu của người đại diện doanh nghiệp là bên ủng hộ, tài trợ và đại diện của đơn vị nhận ủng hộ, tài trợ; kèm theo hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật của khoản ủng hộ, tài trợ bằng tiền hoặc hiện vật.
Chính phủ thống nhất giảm giá điện, giảm tiền điện đợt 3 do Covid-19
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 55/NQ-CP về phương án hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện (đợt 3) theo như đề xuất của Bộ Công Thương tại Báo cáo 283/BC-BCT ngày 27/5/2021. Trước đó, trong năm 2020, Chính phủ đã 02 lần đồng ý giảm giá điện, giảm tiền điện do Covid-19.
Giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tổ chức triển khai thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục và quy định pháp luật, bảo đảm chặt chẽ, đúng đối tượng, không để trục lợi chính sách; chịu trách nhiệm toàn diện về nội dung, số liệu báo cáo và đề xuất. Nghị quyết 55/NQ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02/6/2021.
07 thủ tục về BHXH, lao động - tiền lương, việc làm hỗ trợ khó khăn do Covid-19
07 thủ tục hành chính trong các lĩnh vực BHXH, việc làm, lao động - tiền lương nhằm hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19 được ban hành kèm theo Quyết định 777/QĐ-LĐTBXH ngày 09/7/2021 của Bộ LĐTB&XH.
Cụ thể, 07 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực BHXH, việc làm, lao động - tiền lương, trong đó có 03 thủ tục mới ban hành và 04 thủ tục được sửa đổi, bổ sung bao gồm:
(1) Thủ tục hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất do đại dịch COVID-19
(2) Thủ tục hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động do đại dịch COVID-19;
(3) Thủ tục hỗ trợ người lao động ngừng việc do đại dịch COVID-19;
Đây là những thủ tục hành chính mới ban hành.
(4) Thủ tục hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương do đại dịch COVID-19;
(5) Thủ tục hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp do đại dịch COVID-19;
(6) Thủ tục hỗ trợ hộ kinh doanh gặp khó khăn do đại dịch COVID-19;
(7) Thủ tục hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất do đại dịch COVID-19.
Đây là những thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung. “Việc ban hành các thủ tục hướng dẫn chi tiết chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động khó khăn do Covid-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg là rất kịp thời, góp phần nâng cao tỷ lệ giải ngân gói an sinh 26.000 tỷ đồng trong đợt dịch này".
Ngoài ra, bãi bỏ thủ tục hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm do đại dịch COVID-19. Đối với chính sách hỗ trợ lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do), Nghị quyết 68/NQ-CP giao các địa phương căn cứ vào điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách để xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ.
Dừng đóng BHXH bắt buộc vào Quỹ hưu trí, tử tuất với nhiều đối tượng
Chính phủ ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do COVID-19 , trong đó, có chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Cụ thể, người sử dụng lao động đã đóng đủ BHXH hoặc đang tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất đến hết tháng 4/2021 mà bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 dẫn đến phải giảm từ 15% lao động tham gia BHXH trở lên so với thời điểm tháng 4/2021 (kể cả lao động ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không hưởng lương) thì:
Người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất 06 tháng kể từ thời điểm nộp hồ sơ đề nghị.
Đối với trường hợp đã được giải quyết tạm dừng đóng theo Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 và Nghị quyết 154/NQ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ, nếu đủ điều kiện thì vẫn được giải quyết nhưng tổng thời gian tạm dừng đóng không quá 12 tháng.
Hiện hành, theo Luật BHXH 2014, mức đóng BHXH bắt buộc vào Quỹ hưu trí, tử tuất như sau: Người lao động đóng bằng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất; Người sử dụng lao động hằng tháng đóng bằng 14% quỹ tiền lương đóng BHXH
Thành Chung (T/h)