Nhiều nội dung mới trong Quy chế phối hợp giữa Văn phòng Chủ tịch nước và VKSND tối cao

Được sự nhất trí của Chủ tịch nước, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước và Viện trưởng VKSND tối cao vừa ký ban hành Quy chế phối hợp số 581 QCPH/VPCTN-VKSNDTC ngày 14/4/2022 giữa Văn phòng Chủ tịch nước và VKSND tối cao. Quy chế gồm 3 chương, 13 điều, có hiệu lực từ ngày ký, thay thế Quy chế số 22 QC/LT VPCTN-VKSNDTC ngày 11/1/2012 về phối hợp công tác giữa Văn phòng Chủ tịch nước và VKSND tối cao.

Quy chế áp dụng đối với Văn phòng Chủ tịch nước và các đơn vị trực thuộc Văn phòng Chủ tịch nước; VKSND tối cao và các đơn vị trực thuộc VKSND tối cao.

Về phạm vi điều chỉnh, Quy chế quy định về phối hợp công tác giữa Văn phòng Chủ tịch nước và VKSND tối cao trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan theo quy định của pháp luật để phục vụ Chủ tịch nước thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn đó là: Đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Viện trưởng VKSND tối cao; quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, cách chức Phó Viện trưởng VKSND tối cao, Kiểm sát viên VKSND tối cao; xét báo cáo công tác của Viện trưởng VKSND tối cao trong thời gian Quốc hội không họp; xét đơn xin ân giảm hình phạt tử hình; quyết định đặc xá; công tác tư pháp và cải cách tư pháp; đồng thời, phối hợp phục vụ Chủ tịch nước thăm và làm việc tại VKSND.

Theo Quy chế, việc phối hợp công tác giữa Văn phòng Chủ tịch nước và VKSND tối cao được thực hiện theo các nguyên tắc gồm: Bảo đảm tuân thủ đúng chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan theo quy định của pháp luật; bảo đảm tính chủ động, thường xuyên, chặt chẽ, kịp thời, tạo điều kiện hỗ trợ nhau thực hiện tốt nhiệm vụ; bảo đảm bí mật nhà nước, bí mật công tác theo quy định của pháp luật và quy định của mỗi cơ quan.

Về nội dung phối hợp, trước hết, hai cơ quan phối hợp phục vụ Chủ tịch nước trong việc đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Viện trưởng VKSND tối cao. Theo đó, Văn phòng Chủ tịch nước và VKSND tối cao có trách nhiệm phối hợp thực hiện các trình tự, thủ tục theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước để trình Chủ tịch nước quyết định đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Viện trưởng VKSND tối cao.

Đối với nội dung phối hợp phục vụ Chủ tịch nước trong việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, cách chức Phó Viện trưởng VKSND tối cao, Kiểm sát viên VKSND tối cao, hai cơ quan phối hợp thực hiện các công việc gồm: Viện trưởng VKSND tối cao thực hiện đầy đủ các quy trình, thủ tục theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và gửi hồ sơ, danh sách đề nghị bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, cách chức Phó Viện trưởng VKSND tối cao, Kiểm sát viên VKSND tối cao đến Văn phòng Chủ tịch nước để trình Chủ tịch nước quyết định.

Viện trưởng VKSND tối cao - Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên VKSND tối cao thay mặt Hội đồng báo cáo Chủ tịch nước hoạt động của Hội đồng định kỳ hằng năm hoặc đột xuất theo Quy chế hoạt động của Hội đồng; thông báo Chương trình hoạt động của Hội đồng trong từng năm cho Văn phòng Chủ tịch nước biết và mời đại diện Văn phòng Chủ tịch nước tham dự các phiên họp của Hội đồng. Trường hợp sửa đổi, bổ sung Quy chế hoạt động của Hội đồng cần tham khảo ý kiến của Văn phòng Chủ tịch nước trước khi ban hành. Văn phòng Chủ tịch nước thông báo ý kiến của Chủ tịch nước về các báo cáo để Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên VKSND tối cao thực hiện.

6-1654486063.jpg
 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương chứng kiến việc ký Quy chế phối hợp giữa Văn phòng Chủ tịch nước và VKSND tối cao (ngày 14/4/2022).

Trường hợp có đơn thư khiếu nại, tố cáo đối với Kiểm sát viên VKSND tối cao và đối với công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, cách chức Kiểm sát viên VKSND tối cao thì Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên VKSND tối cao có trách nhiệm xử lý, giải trình báo cáo Chủ tịch nước. Khi cần thiết hoặc khi Chủ tịch nước yêu cầu, Viện trưởng VKSND tối cao chỉ đạo Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên VKSND tối cao tổ chức đoàn kiểm tra có sự tham gia của Văn phòng Chủ tịch nước để kiểm tra, xác minh, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo đối với Kiểm sát viên VKSND tối cao hoặc người được đề nghị Chủ tịch nước bổ nhiệm làm Kiểm sát viên VKSND tối cao.

Bên cạnh đó, Quy chế cũng nêu rõ, trong thời gian Quốc hội không họp, Viện trưởng VKSND tối cao chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Chủ tịch nước. Báo cáo công tác của Viện trưởng VKSND tối cao được gửi qua Văn phòng Chủ tịch nước theo định kỳ (hằng quý, 6 tháng, 1 năm) hoặc theo yêu cầu của Chủ tịch nước.

Ngoài việc báo cáo công tác theo quy định trên, Viện trưởng VKSND tối cao có trách nhiệm báo cáo Chủ tịch nước trong các trường hợp có sự thay đổi tổ chức bộ máy (tách, nhập, thành lập mới, giải thể các đơn vị) của VKSND tối cao; công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, cách chức, kỷ luật các cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (trước khi trình Ban Bí thư, Bộ Chính trị cho ý kiến quyết định) và chức danh Kiểm sát viên VKSND tối cao (trước khi trình các ban của đảng Trung ương cho ý kiến thẩm định).

Đồng thời, báo cáo đối với việc xử lý, giải quyết các vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, dư luận xã hội quan tâm; vụ việc, vụ án có ảnh hưởng đến quan hệ đối ngoại của Nhà nước; lãnh đạo VKSND tối cao thăm, làm việc, ký kết, tham gia các thoả thuận quốc tế với các cơ quan tư pháp quốc gia khác hoặc tổ chức quốc tế.

Khi cần thiết, Chủ tịch nước yêu cầu Viện trưởng VKSND tối cao trực tiếp báo cáo về những vấn đề mà Chủ tịch nước quan tâm. Văn phòng Chủ tịch nước có trách nhiệm thông báo cho Viện trưởng VKSND tối cao biết trước 7 ngày để chuẩn bị nội dung báo cáo.

Trường hợp Viện trưởng VKSND tối cao đề nghị được trực tiếp làm việc với Chủ tịch nước, VKSND tối cao thông báo cho Văn phòng Chủ tịch nước biết trước 7 ngày để trình xin ý kiến Chủ tịch nước và sắp xếp lịch làm việc khi Chủ tịch nước đồng ý. Căn cứ ý kiến của Chủ tịch nước, Văn phòng Chủ tịch nước thông báo nội dung và ý kiến của Chủ tịch nước cho Viện trưởng VKSND tối cao để tổ chức thực hiện.

Về phối hợp phục vụ Chủ tịch nước trong công tác tư pháp và cải cách tư pháp, hai cơ quan phối hợp chặt chẽ trong việc phục vụ Chủ tịch nước thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương và nhiệm vụ được Bộ Chính trị phân công phụ trách công tác tư pháp đối với những nội dung liên quan đến VKSND. Tham gia cùng các cơ quan liên quan đề xuất với Chủ tịch nước chủ trương về công tác tư pháp và cải cách tư pháp; phối hợp trong công tác nắm thông tin, kiểm tra đối với công tác tư pháp và cải cách tư pháp báo cáo Chủ tịch nước.

Ngoài các nội dung trên, Quy chế còn đề cập đến công tác phối hợp giữa hai cơ quan phục vụ Chủ tịch nước trong việc xét đơn xin ân giảm hình phạt tử hình. Đồng thời, phối hợp phục vụ Chủ tịch nước trong công tác đặc xá. Theo đó, hai cơ quan cùng tham gia với các cơ quan hữu quan đề xuất chủ trương đặc xá; thống nhất về điều kiện, tiêu chuẩn, đối tượng, quy trình, hồ sơ đề nghị đặc xá; thực hiện công tác đặc xá theo thẩm quyền được giao; phối hợp trong công tác nắm thông tin, kiểm tra đối với công tác đặc xá và báo cáo Chủ tịch nước.

Theo baovephapluat.vn

Nguồn bài viết: https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/chinh-sach-moi/nhieu-noi-dung-moi-trong-quy-che-phoi-hop-giua-van-phong-chu-tich-nuoc-va-vksnd-toi-cao-123659.html

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin