(Pháp lý) - Trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay, nhiều hồ sơ được cơ quan Kiểm toán, cơ quan Thanh tra chuyển đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương, đến Cơ quan điều tra để giải quyết theo thẩm quyền.
Kiểm toán chuyển 41 hồ sơ
Trong báo cáo gửi Quốc hội khóa XIV tại Kỳ họp thứ 8 về công tác năm 2019 của Kiểm toán Nhà nước (KTNN), cơ quan này cho biết đã cung cấp 41 bộ hồ sơ cho các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban kiểm tra Trung ương, Tòa án, cơ quan điều tra để giám sát, thực hiện tố tụng và chuyển hồ sơ hai vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự sang Cơ quan Cảnh sát điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật qua kết quả kiểm toán tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Vụ việc thứ nhất xảy ra tại Công ty Cổ phần tập đoàn Thái Hòa Việt Nam. Theo đó, doanh nghiệp này có dấu hiệu lập khống hồ sơ mua bán hàng hóa giữa Công ty mẹ và Công ty con để hợp thức hóa hồ sơ vay vốn ngân hàng nhằm đảo nợ các khoản vay sử dụng cho mục đích khác dẫn đến không trả được nợ gốc và lãi vay đến 30/4/2019 là 342,7 tỉ đồng.
Một vụ việc khác là vụ việc Công ty TNHH Xây dựng Phúc Hưng có dấu hiệu làm giả hồ sơ vay vốn để được giải ngân và sử dụng vốn vay cho mục đích khác dẫn đến không trả được nợ gốc và lãi vay đến 30/4/2019 là 32 tỷ đồng (Công ty đã ngừng hoạt động từ năm 2011 đến nay).
Đối với 2 vụ chuyển hồ sơ nêu trên, ngày 12/9/2019, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã có Văn bản số 1298/ANĐT-P4 thông báo việc tiếp nhận, xem xét, giải quyết nội dung kiến nghị của Kiểm toán nhà nước.
Trong năm 2018, KTNN đã hoàn thành 14 cuộc thanh tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quản lý, điều hành đơn vị và việc tổ chức thực hiện hoạt động kiểm toán; 05 đoàn thanh tra đột xuất. KTNN đã chuyển hồ sơ 5 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan cảnh sát điều tra để làm rõ, xử lý theo quy định pháp luật.
Những vụ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra bao gồm: Vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật của Cục Hải quan TP. Đà Nẵng trong việc giải quyết cho thông quan 30 xe ô tô từ nước ngoài về Việt Nam không đúng quy định pháp luật; Vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật của Công ty một thành viên Dệt 19/5 Hà Nội (nay là Công ty cổ phần Dệt 19/5 Hà Nội) trong việc quản lý tiền thu từ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước có dấu hiệu gây thất thoát hơn 319 tỷ đồng.
Trong danh sách còn có "Vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật của Ban Quản lý dự án Công trình Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn về hành vi để ngoài sổ sách trên 22 tỷ đồng;" Vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật tại Sở Y tế Bình Dương làm chủ đầu tư trong đấu thầu thuốc và vật tư y tế thực hiện năm 2017.
Vụ còn lại là "vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về chủ trương đầu tư, khảo sát thiết kế, nghiệm thu thanh toán khối lượng xây dựng tại Dự án Đầu tư xây dựng công trình Thủy Lợi Đắk Ngo (giai đoạn 2, huyện Tuy Đức, tỉnh Đăk Nông.)…
Chuyển hồ sơ theo chức năng, nhiệm vụ
Có thể thấy, trong những năm qua, nhiều vụ việc sau khi KTNN, Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra, kiểm toán đã được chuyển hồ sơ sang Ủy ban Kiểm tra Trung ương hoặc Cơ quan điều tra để các cơ quan này xử lý theo thẩm quyền, thúc đẩy công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng có những chuyển biến tích cực. Việc chuyển hồ sơ này dựa trên căn cứ pháp lý là chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan.
Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015 quy định đối tượng kiểm toán của KTNN là việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán.
KTNN có chức năng đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Báo cáo kiểm toán của KTNN sau khi phát hành và công khai có giá trị bắt buộc phải thực hiện đối với đơn vị được kiểm toán về sai phạm trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Báo cáo kiểm toán của KTNN là căn cứ để Quốc hội sử dụng trong quá trình xem xét, quyết định và giám sát việc thực hiện: mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội dài hạn và hằng năm của đất nước; chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia; chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia; quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế; quyết định phân chia các khoản thu và nhiệm vụ chi giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; mức giới hạn an toàn nợ quốc gia, nợ công, nợ chính phủ; dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước; Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức, cơ quan khác của Nhà nước sử dụng trong công tác quản lý, điều hành và thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của mình...
Trong trường hợp KTNN trong quá trình kiểm toán phát hiện thấy những dấu hiệu của vi phạm pháp luật, của tội phạm thì theo khoản 12 Điều 10 Luật Kiểm toán Nhà nước 2015, hồ sơ đó phải chuyển cho cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân và cơ quan khác của Nhà nước có thẩm quyền xem xét, xử lý.
Điều 65 của Kiểm toán nhà nước 2015 cũng quy định rằng cơ quan điều tra và Viện kiểm sát nhân dân “có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết theo thẩm quyền các vụ việc có dấu hiệu của tội phạm, do Kiểm toán nhà nước phát hiện và kiến nghị”.
Một số trường hợp đã được chuyển hồ sơ đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương, bởi lẽ Điều 11 của Luật Kiểm toán nhà nước, quy định KTNN có quyền hạn “Kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý những vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân đã được làm rõ thông qua hoạt động kiểm toán”. Và một trong những cơ quan, tổ chức đó là Uỷ ban Kiểm tra Trung ương.
Uỷ ban Kiểm tra Trung ương là cơ quan kiểm tra, giám sát chuyên trách của Ban Chấp hành Trung ương, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được quy định trong Điều lệ Đảng; tham mưu, giúp Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng.
Trực tiếp tổ chức thực hiện các nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng do Điều lệ Đảng quy định. Trong đó cơ quan này giám sát tổ chức đảng và đảng viên (kể cả Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương, Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư), cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và tổ chức đảng cấp dưới về việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và về đạo đức, lối sống theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương… Quyết định kỷ luật khiển trách, cảnh cáo cấp uỷ viên tỉnh uỷ, thành uỷ và đảng uỷ trực thuộc Trung ương (kể cả bí thư, phó bí thư, uỷ viên ban thường vụ), đảng viên là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý nhưng không phải là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương. Quyết định các hình thức kỷ luật đối với các trường hợp khác theo quy định của Điều lệ Đảng. Báo cáo các vụ kỷ luật, giải quyết tố cáo, khiếu nại kỷ luật thuộc thẩm quyền xem xét, quyết định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Vì vậy, khi có những đảng viên thuộc đối tượng trong thẩm quyền xử lý kỷ luật và đề xuất kỷ luật của Ủy ban Kiểm tra Trung ương thì cơ quan Thanh tra, Kiểm toán chuyển hồ sơ để xử lý theo quy định của Đảng, tiếp đó là các cơ quan tố tụng giải quyết theo thẩm quyền nếu các đối tượng có hành vi phạm tội, mà mới đây Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; hai nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn là những ví dụ nhiều người quan tâm.
Thái Đăng