Nhận diện thủ đoạn của tội phạm trong hoạt động đấu giá, đầu thầu và kiến nghị hoàn thiện qui định pháp luật liên quan

26/04/2024 10:00

(Pháp lý). Nghiên cứu từ thực tế cho thấy công tác đấu giá, đấu thầu tài sản và các quy định pháp luật có liên quan còn có sơ hở, bất cập, bị các đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật để trục lợi. Tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm trong lĩnh vực đấu giá, đấu thầu thời gian qua vẫn diễn biến rất phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, khó khăn, thách thức, tác động tiêu cực đến công tác đảm bảo ANTT.

1-1701334206.png

Ảnh minh hoạ

1. Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đấu giá, đấu thầu hiện nay

Thời gian qua, cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội thì hoạt động đấu giá, đấu thầu diễn ra phổ biến trên tất cả các lĩnh vực, ngành nghề, địa phương. Trong giai đoạn 2016-2020, tổng mức vốn đầu tư công là 02 triệu tỷ đồng, tương đương 86,2 tỷ đô la Mỹ với tổng số 11.100 dự án cho các bộ ngành, địa phương. Theo kế hoạch đầu tư công, tổng mức vốn ngân sách Nhà nước thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 2,87 triệu tỷ đồng. Với giá trị nguồn vốn dành cho đầu tư công rất lớn (chiếm gần 50% GDP hàng năm), cùng với ngân sách chi hàng năm cho hoạt động mua sắm tài sản công đều phải tiến hành quy trình, thủ tục đấu thầu, đấu giá tài sản dưới nhiều hình thức theo Luật Đấu thầu và Luật Đấu giá tài sản.

Thực tế cho thấy công tác đấu giá, đấu thầu tài sản và các quy định có liên quan còn có sơ hở, bất cập, bị các đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật để trục lợi; tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm trong lĩnh vực đấu giá, đấu thầu thời gian qua vẫn diễn biến rất phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, khó khăn, thách thức, tác động tiêu cực đến công tác đảm bảo ANTT. Các sai phạm trong hoạt động đấu thầu, đấu giá diễn ra rất phức tạp ở hầu hết các lĩnh vực; sai phạm không chỉ xảy ra ở các dự án trong lĩnh vực xã hội giao thông, xây dựng, thông tin – truyền thông... mà ở cả lĩnh vực nhạy cảm như y tế, giáo dục, mua sắm tài sản công; sai phạm không chỉ xảy ra ở cấp trung ương, tại các bộ, ban, ngành mà còn diễn ra đến tận cấp tỉnh, thành phố, thậm chí đến cả cấp quận, huyện.

Một số vụ án điển hình xảy ra trong thời gian qua là: (1) Vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh, đã khởi tố 15 bị can; (2) Vụ án vi phạm trong hoạt động đấu giá đất tại huyện Đông Anh, TP Hà Nội, đã khởi tố 08 bị can; (3) Vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “Vi phạm các quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”... xảy ra tại Công ty cổ phần công nghệ Việt Á và CDC các tỉnh, thành phố; (4) Vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Sở Y tế tỉnh Sơn La, đã khởi tố 08 bị can.

Nếu những hành vi vi phạm trong hoạt động đấu giá, đấu thầu kéo dài, sai phạm trở nên phổ biến ở các bộ, ngành, địa phương sẽ dẫn đến không đảm bảo tính công bằng, minh bạch và cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động đầu tư, làm suy giảm động lực phát triển kinh tế, làm méo mó chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; không phát huy hết được vai trò của các thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Những sai phạm này gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm suy giảm niềm tin của người dân vào hiệu lực quản lý của Nhà nước, làm mất cán bộ, đảng viên, trong đó có nhiều cán bộ có chuyên môn tốt, nhiều chuyên gia, cán bộ, bác sỹ trong nhiều lĩnh vực do có trách nhiệm liên quan đến hành vi sai phạm trong lĩnh vực đấu thầu; thậm chí còn tạo điều kiện cho các thế lực thù địch, phản động tăng cường lợi dụng chống phá Đảng và Nhà nước ta.

2-1701334206.jpg

Ảnh minh hoạ

2. Nhận diện một số phương thức, thủ đoạn của tội phạm trong hoạt động đấu giá, đầu thầu nổi lên trong thời gian qua

2.1. Phương thức, thủ đoạn của tội phạm trong hoạt động đấu thầu

- Đối với trường hợp đấu thầu mua sắm trang thiết bị, tài sản công: (1) Gian lận trong quy trình chỉ định thầu: Chủ đầu tư thông đồng với nhà thầu, thuê đơn vị thẩm định giá phát hành chứng thư thẩm định giá không đảm bảo tính khách quan, độc lập, dẫn đến chủ đầu tư tiến hành xây dựng, phê duyệt giá dự toán cao hơn thực tế; (2) Chủ đầu tư “bật đèn xanh” cho các công ty tham gia gói thầu thực hiện hành vi mua bán lòng vòng qua nhiều công ty trung gian nhằm nâng giá, chuyển giá, giảm chi phí. Đối với thủ đoạn này, phải có sự thông đồng cấu kết, móc ngoặc của 3 nhóm đối tượng gồm: Chủ đầu tư, nhà thầu, công ty thẩm định giá hoặc Cơ quan quản lý nhà nước được giao nhiệm vụ thẩm định, duyệt giá, Công ty tư vấn lập hồ sơ mời thầu...

- Đối với khâu thông báo, mời thầu, đóng hồ sơ thầu và mở thầu: (1) Chủ đầu tư thông đồng với nhà thầu xây dựng hồ sơ mời thầu, đưa ra các điều kiện về kỹ thuật, kinh nghiệm, năng lực tài chính theo hướng có lợi cho nhà thầu đã sắp đặt và đặt ra các điều kiện là rào cản “kỹ thuật” để loại các nhà thầu khác ở phiên đấu thầu (cài thầu); (2) Bên dự thầu cố ý cung cấp các thông tin không trung thực trong hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu đầu tư. Những thông tin không trung thực thường liên quan đến năng lực tài chính, kinh nghiệm, khả năng cung cấp hàng hóa, dịch vụ của nhà thầu; (3) Tiết lộ thông tin về các gói thầu cho các nhà thầu “thân hữu, sân sau” trái quy định về đấu thầu như: Tiết lộ thông tin hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu trước thời điểm phát hành... Thủ đoạn này tập trung vào các đối tượng là chủ đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước được giao sử dụng vốn ngân sách thực hiện việc mua sắm tài sản.

- Đối với khâu tổ chức chấm thầu, lựa chọn nhà thầu, thủ đoạn phổ biến là: (1) “Cài thầu”, cài cắm các tiêu chí bất hợp lý, gây hạn chế cạnh tranh, tạo điều kiện để “nhà thầu thân hữu”, “sân sau” trúng thầu với giá trúng thầu bằng hoặc thấp hơn giá dự toán không đáng kể; (2) Yêu cầu hàng mẫu đối với hàng hóa thông dụng, gây khó khăn cho việc nhà thầu nộp hàng mẫu, đánh giá hàng mẫu thiếu khách quan, làm giảm tính cạnh tranh, hiệu quả trong đấu thầu; (3) Lập thang điểm chấm thầu bất hợp lý để chỉ có nhà thầu “thân hữu”, “sân sau” mới có thể đáp ứng; (4) Nhà thầu chính “cấu kết”, “dàn xếp” với chủ đầu tư và các nhà dự thầu khác để trúng thầu; chủ đầu tư chỉ sử dụng các nhà thầu khác với vai trò “quân xanh, quân đỏ”... Thủ đoạn này tập trung vào đối tượng là chủ đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước được giao sử dụng vốn ngân sách, kết toán trưởng... trong thực hiện các dự án đầu tư công, mua sắm tài sản công, đồng thời có sự câu kết, móc ngoặc với các nhà thầu chính, nhà thầu khác khác có vai trò “quân xanh”, “quân đỏ”...

3-1701334206.jpg

Ảnh minh hoạ

2.2. Phương thức, thủ đoạn của tội phạm trong hoạt động đấu giá

- Đối với trường hợp đấu giá tài sản (chủ yếu là đất đai, cổ phần, vốn, trang thiết bị, máy móc, vật tư....):

(1) Thủ đoạn dùng “quân xanh, quân đỏ” để thông đồng dìm giá tại các phiên đấu giá, lót đường cho một nhà đầu tư đã định sẵn trúng với giá rẻ, giá trị thực của tài sản bị dìm xuống;

(2) Cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan có tài sản đấu giá thông đồng, móc ngoặc với người đấu giá và đơn vị thẩm định giá phát hành chứng thư thẩm định giá không đảm bảo tính khách quan, độc lập, làm giảm mức giá khởi điểm thấp hơn nhiều lần so với giá trị thực tế để trúng được đấu giá tài sản;

(3) Sử dụng các đối tượng “xã hội đen”, có tiền án, tiền sự để đe dọa, khống chế, hành hung những người tham gia đấu giá khiến cho họ sợ hãi bỏ cuộc, rút hồ sơ hoặc ép buộc không cho người đấu giá bỏ giá hoặc đứng ra “đàm phán” để họ bỏ giá thấp, không còn đối thủ cạnh tranh... Thủ đoạn này khiến tình hình ANTT tại địa phương thêm phức tạp, gây tâm lý hoang mang cho người tham dự đấu giá, không dám đấu giá, bỏ cuộc;

(4) Thành lập nhiều pháp nhân, doanh nghiệp độc lập, không ràng buộc về mặt pháp lý, hạch toán độc lập để tham gia các cuộc đấu giá tài sản với mục đích dìm giá, “lót đường” cho một pháp nhân trúng đấu giá;

(5) Lợi dụng những quy định của Luật đất đai và các văn bản dưới luật để giao chỉ định quyền sử dụng đất mà không qua việc đấu giá.

4-1701334207.jpg

Trong hoạt động đấu giá tài sản có tình trạng “thông đồng, dìm giá”, “quân xanh, quân đỏ”, “cò mồi, đe dọa, cưỡng ép” xảy ra khá tinh vi, có xu hướng ngày càng phức tạp… 

3. Một số sơ hở, thiếu sót, bất cập trong hệ thống pháp luật và công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đấu giá, đấu thầu

- Quy định về “chỉ định thầu” theo Luật đấu thầu năm 2013 còn tồn tại nhiều kẽ hở dễ tạo ra “lợi ích nhóm”, dẫn đến nhiều sai phạm. Cụ thể: Tại điểm a khoản 1 Điều 22 Luật đấu thầu thì trong trường hợp cấp bách, chủ đầu tư được phép chỉ định thầu. Tuy nhiên, việc thực hiện chỉ định thầu lại không phải chịu bất cứ điều kiện, ràng buộc nào như phải có quyết định đầu tư được phê duyệt, kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt, phải có tên trong cơ sở dữ liệu về nhà thầu của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu… Đây chính là kẽ hở lớn để các đối tượng phạm tội lợi dụng, áp dụng quy định này trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát kéo dài ở các tỉnh, thành trên cả nước.

Bên cạnh đó, việc quy định về “hạn mức chỉ định thầu” được quy định tại Điều 54 Nghị định 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu cũng dễ nảy sinh tình trạng chia dự án thành nhiều gói thầu, gói nhỏ để “lách” quy định đấu thầu.

Về công tác đấu thầu trong lĩnh vực y tế: Thiết bị y tế khác với các loại hàng hóa thông dụng khác. Đây là loại hàng hóa đặc thù, đòi hỏi tính chuyên môn cao và liên quan đến sức khỏe con người. Tuy nhiên, thông tin, quy trình lựa chọn nhà đầu tư thiết bị, vật tư y tế theo hình thức xã hội hóa chưa được công khai, minh bạch, nhiều nơi không tổ chức lựa chọn nhà đầu tư cạnh tranh; giá cả phó mặc cho nhà cung cấp, đơn vị thẩm định giá. Từ đó tạo ra kẽ hở cho các bên dễ dàng bắt tay nâng khống giá để trục lợi, lạm thu của người bệnh.

- Các tội phạm liên quan đến đấu giá, đầu thầu theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 như: Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 222); Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng vốn đầu tư công hậu quả nghiêm trọng (Điều 220); Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí (Điều 219); Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản (Điều 218)... đều quy định hậu quả thiệt hại về mặt vật chất (tội phạm cấu thành vật chất). Để chứng minh vi phạm cần làm rõ yếu tố “thông đồng” dẫn đến sự chêch lệch về giá. Trong khi đó, việc định giá, khảo sát giá trên thị trường đối với hàng hóa là đối tượng mua bán trong gói thầu thường rất khó khăn do chủng loại đa dạng, hàng hóa trong các vụ việc có dấu hiệu “cài thầu” thường là “hàng dự án” nên không có sẵn trên thị trường; một số loại hàng hóa mang tính độc quyền, không có sản phẩm tương đương nên khó có cơ sở so sánh, thẩm định giá (sản phẩm là máy móc, trang thiết bị y tế, sản phẩm là phần mềm, thiết bị khoa học, công nghệ, giải pháp công nghệ, chế phẩm sinh học...). Do đó, để làm rõ hậu quả của hành vi vi phạm về đấu giá, đấu thầu thì việc chứng minh sự chêch lệch về giá là rất khó khăn, nhất là trong gia đoạn điều tra trinh sát.

- Tại khoản 1 Điều 111 Luật Đất đai năm 2013 quy định để thực hiện đấu giá quyền sử dụng thì phải đáp ứng điều kiện: Đất có kế hoạch sử dụng đất hàng năm, đất đã được giải phóng mặt bằng, đất có tài sản gắn liền với đất mà tài sản thuộc sở hữu nhà nước. Tại khoản 3 Điều 118 Luật Đất đai năm 2013 cũng quy định: Trường hợp đất đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 1 Điều này mà không có người tham gia hoặc trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá hoặc đấu giá ít nhất là 02 lần nhưng không thành thì Nhà nước thực hiện việc giao đất, cho thuê đất mà không phải đấu giá quyền sử dụng đất. Đây là “lỗ hổng” để các đối tượng phạm tội lợi dụng bỏ qua khâu đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất doanh nghiệp

- Thị trường doanh nghiệp thẩm định giá trong những năm gần đây phát triển về số lượng nhưng không đi kèm với chất lượng, tốn kém chi phí và tạo khó khăn trong công tác quản lý nhà nước. Xuất hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh về giá dịch vụ, nhiều vụ việc thẩm định giá chất lượng dịch vụ thấp ảnh hưởng đến lợi ích của khách hàng và người sử dụng kết quả thẩm định giá; một số doanh nghiệp thẩm định giá và các thẩm định viên hành nghề thiếu kinh nghiệm, chưa chủ động cập nhật, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn dẫn đến những sai phạm về chuyên môn nghiệp vụ.

5-1701334207.png

Nghề thẩm định giá là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đòi hỏi tính chuyên môn cao trong khi Luật giá hiện hành không còn phù hợp với giai đoạn phát triển theo hướng nâng cao chất lượng của nghề thẩm định giá. Cụ thể, theo quy định hiện hành tại Điều 39 về cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá; Điều 41 quy định về chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá, doanh nghiệp thẩm định giá chỉ cần tối thiểu 03 thẩm định viên, chi nhánh của doanh nghiệp thẩm định giá chỉ cần tối thiểu 02 thẩm định viên để kinh doanh dịch vụ thẩm định giá.

Theo Điều 29 và Điều 42 Luật giá năm 2012 quy định: Doanh nghiệp có chức năng thẩm định giá được quyền cung cấp dịch vụ thẩm định giá, nhận thù lao dịch vụ thẩm định giá, hoạt động theo nguyên tắc độc lập về chuyên môn nghiệp vụ và chỉ chịu trách nhiệm trước khách hàng về tính chính xác, trung thực, khách quan của kết quả thẩm định giá. Tuy nhiên, hiện nay lại chưa có cơ chế, quy định pháp luật để giám sát các doanh nghiệp thẩm định giá, chưa có quy định cơ quan nào, cấp nào có quyền hậu kiểm kết quả thẩm định của doanh nghiệp; giám sát, kiểm tra quy trình thực hiện của thẩm định viên có bảo đảm tuân thủ pháp luật hoặc hỗ trợ tạo điều kiện cho thẩm định viên hoạt động độc lập về chuyên môn, không chịu sự chi phối hay sức ép từ bất cứ bên nào. Từ đó dẫn đến tình trạng chủ đầu tư cấu kết, móc ngoặc với doanh nghiệp thẩm định để “nâng giá, dìm giá”, thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Theo quy định tại Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn: Thẩm định viên về giá có vi phạm có thể bị phạt đến 70 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Thông đồng với chủ tài sản, khách hàng, người có liên quan khi thực hiện thẩm định giá nhằm làm sai lệch kết quả thẩm định giá; làm sai lệch hồ sơ tài sản thẩm định giá dẫn tới sai lệch kết quả thẩm định giá sẽ bị xử phạt đến 70 triệu đồng. Ngoài ra có thể chịu hình thức xử phạt bổ sung là tước Thẻ thẩm định viên về giá có thời hạn cao nhất đến 90 ngày (Điều 19 Nghị định 109/2013/NĐ-CP).

Đối với doanh nghiệp thẩm định giá, nếu có hành vi thông đồng với chủ tài sản, khách hàng thẩm định giá, người có liên quan khi thực hiện thẩm định giá, làm sai lệch kết quả thẩm định giá sẽ bị phạt tiền đến 220 triệu đồng. Nếu có hành vi làm sai lệch hồ sơ tài sản thẩm định giá hoặc sai lệch thông tin liên quan đến tài sản thẩm định giá, sẽ bị phạt tiền lên đến 260 triệu đồng. Ngoài ra có thể bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá (Điều 18 Nghị định 109/2013/NĐ-CP).

Có thể thấy, dù những sai phạm trong thẩm định giá gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng, gây thiệt hại, thất thoát tài sản Nhà nước hàng trăm thậm chí hàng nghìn tỉ đồng nhưng chế tài đối với hành vi sai phạm không tương xứng với hậu quả gây ra. Điều này khiến nhiều thẩm định viên, doanh nghiệp thẩm định giá sẵn sàng chấp nhận bị phạt, thông đồng cấu kết với chủ tài sản, khách hàng thẩm định giá, người có liên quan khi thực hiện thẩm định giá làm sai lệch kết quả thẩm định giá để đổi lại những khoản lợi ích bất hợp pháp lớn hơn nhiều so với tiền phạt.

- Công tác phối hợp, cung cấp thông tin của cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán về việc chấp hành pháp luật trong hoạt động đấu giá, đấu thầu còn rất hạn chế, nhiều trường hợp đã phát hiện ra các sai phạm, vi phạm cụ thể những không kịp thời chuyển Cơ quan điều tra, thậm chí không chuyển Cơ quan điều tra. Nhiều trường hợp phải đợi đến khi có kết luận và ý kiến của lãnh đạo cấp có thẩm quyền mới chuyển hồ sơ, dẫn đến khó khăn trong công tác nắm tình hình, thu thập thông tin, tài liệu do đối tượng đã có thời gian tẩu tán, tiêu hủy tài liệu.

- Kết quả thanh tra, kiểm tra đã chỉ ra hàng loạt sai phạm trong đấu thầu nhưng chỉ kiến nghị xử lý sai phạm liên quan đến khâu lựa chọn nhà thầu. Đa phần chỉ đề nghị xử phạt hình chính, hủy thầu, thay đổi chủ đầu tư và “kiểm điểm, rút kinh nghiệm”, trong khi đó, theo quy định của pháp luật về đấu thầu, các chủ thể vi phạm về đấu thầu, ngoài việc bị phạt tiền còn bị cấm tổ chức và tham gia hoạt động đấu thầu, Tình trạng trên dẫn đến có nơi, có lúc tồn tại sai phạm về đấu thầu kéo dài, gây bất bình trong cộng đồng doanh nghiệp.

4.  Một số kiến nghị, đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đấu giá, đấu thầu

Thứ nhất, hệ thống pháp luật quy định cần chặt chẽ, đầy đủ đối với hoạt động đấu thầu. Luật Đấu thầu cần có những sửa đổi, bổ sung các điều khoản chú trọng nhu cầu cạnh tranh, công bằng, minh bạch cao hơn nữa trong hoạt động đấu thầu. Cụ thể theo hướng:

(1) Cần sửa đổi các quy định về tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu theo hướng chủ đầu tư xem xét mức độ đáp ứng về kinh nghiệm, năng lực của nhà thầu so với công việc yêu cầu. Cần có văn bản hướng dẫn cụ thể để xây dựng các tiêu chuẩn và phương pháp đánh giá cụ thể hồ sơ dự thầu, tránh việc đánh giá mang nặng tính chủ quan của bên mời thầu;

(2) Cần sửa đổi Luật Đấu thầu theo hướng nâng cao công khai, minh bạch trong hoạt động đấu thầu mua sắm công thông qua tăng cường sử dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, công khai kết quả lựa chọn nhà thầu và hợp đồng, kết hợp sử dụng tối đa và tối ưu đấu thầu qua mạng trong các hoạt động tổ chức, quản lý đấu thầu;

(3) Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nhà thầu theo hướng yêu cầu công khai tất cả các thông tin trong đấu thầu nhằm nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình của các bên có liên quan, hạn chế tình trạng gian lận, làm cơ sở loại bỏ các nhà thầu không có uy tín, hàng hóa không bảo đảm chất lượng hoặc không đáp ứng được nhu cầu sử dụng thực tế.  

(4) Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định về hình thức chỉ định thầu, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt nhằm tạo điều kiện thuận lợi để áp dụng đối với các gói thầu có các điều kiện đặc thù hoặc cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện, nhưng đồng thời cũng phòng ngừa được những trường hợp lợi dụng chỉ định thầu để vi phạm pháp luật.

(5) Bổ sung quy định về các trường hợp người có thẩm quyền được phép đình chỉ, không công nhận kết quả lựa chọn nhà thầu, quyết định vô hiệu đối với các quyết định của chủ đầu tư, bên mời thầu trong trường hợp phát hiện có sai phạm trong hoạt động tổ chức lựa chọn nhà thầu nhằm nâng cao giá trị, hiệu lực pháp lý của việc xử lý vi phạm trong đấu thầu.

6-1701334207.png

Thứ hai, trong thời gian tới, cần kiến nghị đến cấp có thẩm quyền về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Giám định tư pháp, trong đó xem xét bổ sung một số quy định mang tính nguyên tắc như: (1) Về thời hạn giám định, theo đó quy định trách nhiệm của các bộ, ngành quản lý lĩnh vực giám định trong việc ấn định thời hạn giám định cụ thể đối với từng loại việc giám định, bảo đảm tính đồng bộ, tương thích các quy định pháp luật về tố tụng; (2) Quy định về phân cấp trong tiếp nhận trưng cầu và thực hiện giám định ở cấp Trung ương và cấp tỉnh, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trong tiếp nhận và thực hiện giám định ở nhiều địa phương và bộ, ngành chủ quản; (3) Bổ sung quy định về trách nhiệm của các cơ quan trưng cầu, cơ quan tiến hành tố tụng, khắc phục những bất cập hiện nay về giám định tư pháp, chẳng hạn như lạm dụng hoạt động giám định tư pháp để gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tố và xét xử; (4) Đề xuất quy định về xác định đơn vị đầu mối ở từng bộ, ngành quản lý lĩnh vực giám định tư pháp để tiếp nhận, phân công và giám sát hoạt động giám định, định giá để đẩy nhanh tiến độ giám định, định giá trong điều tra các vụ án; (5) Nghiên cứu, xây dựng, bổ sung những quy định cho phép và tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức chuyên môn có đủ năng lực ngoài khu vực nhà nước có điều kiện phát triển, đáp ứng được nhu cầu, đòi hỏi của thực tiễn công tác giám định, định giá đang đặt ra hiện nay.

Thứ ba, trong thời gian tới, cần sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật giá và Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013, trong đó xem xét, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật theo hướng: (1) Hạn chế sự lạm quyền của thẩm định viên và các tổ chức hoạt động về thẩm định giá; (2) Bổ sung quy định chặt chẽ hơn về tiêu chuẩn đào tạo, tuyển dụng và cấp giấy phép hoạt động và chứng chỉ hành nghề; (3) Bổ sung quy định về thẩm định viên phải chịu trách nhiệm chính về kết quả thẩm định giá được ban hành tại Chứng thư và Báo cáo kết quả thẩm định giá; (4) Bổ sung cơ chế giải quyết tranh chấp về kết quả thẩm định giá khi có khác biệt lớn giữa các doanh nghiệp thẩm định giá cùng tham gia thẩm định giá một loại tài sản có thông số kỹ thuật và điều kiện tương đồng; (4) Xây dựng cơ chế đánh giá tín nhiệm đối với thẩm định viên, công ty thẩm định giá và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về các tiêu chí đánh giá, phương pháp và kết quả đánh giá hàng năm; (5) Cân nhắc bổ sung thêm quy định về các hình phạt bổ sung, tăng nặng mức hình phạt đối với đối với các hành vi vi phạm của thẩm định viên, doanh nghiệp thẩm định giá.

Thứ tư, kiến nghị Bộ Tài chính, Thanh tra chính phủ, Kiểm toán nhà nước... tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật trong thẩm định giá; chấn chỉnh hoạt động của các tổ chức, cá nhân hành nghề thẩm định giá để đánh giá lại năng lực, điều kiện kinh doanh hoạt động thẩm định giá, công khai những trường hợp vi phạm và kịp thời đình chỉ hoạt động hoặc xem xét cấm hành nghề vĩnh viễn đối với các doanh nghiệp không đủ năng lực, điều kiện hoặc có vi phạm trong hoạt động thẩm định giá. Về dài hạn, tiếp tục rà soát, hoàn thiện Hệ thống tiêu chuẩn thẩm định giá, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, các tiêu chuẩn thẩm định giá quốc tế và khu vực; hoàn thiện việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá làm cơ sở tham chiếu khi thực hiện định giá và thẩm định giá.

Thứ năm, các Bộ, ngành, địa phương cần tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát, theo dõi việc thực hiện quá trình lựa chọn nhà đầu tư để kịp thời phát hiện những vi phạm, xử lý theo đúng quy định, chấn chỉnh hoạt động lựa chọn nhà đầu tư trong lĩnh vực, ngành, địa bàn mình quản lý; đồng thời, tổng hợp các bất cập trong công tác này để phản ánh tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, tổng hợp trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng ở địa phương cần chú trọng tới chất lượng giải quyết các vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp tham gia đấu thầu thông qua thiết lập các cơ chế giải quyết kiến nghị.

Thứ sáu, cần đẩy mạnh toàn diện về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đấu thầu, đấu giá nói riêng và quản lý đầu tư công nói chung. Qua đó, cơ chế giám sát và đánh giá đầu tư công sẽ được tinh gọn, hữu hiệu; giúp đơn giản hóa thủ tục giám sát, đánh giá đầu tư công khai, minh bạch; giảm thiểu thất thoát, lãng phí. Xây dựng hệ thống chia sẻ thông tin, kết nối giữa Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia với các Cổng thông tin điện tử, Hệ thống khác (hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống quản lý đăng ký về doanh nghiệp, hệ thống kê khai thuế, hệ thống xuất nhập khẩu hàng hóa, thiết bị của Hải quan…) nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch, ngăn chặn các hành vi thông đồng, gian lận trong đấu thầu và phục vụ cho công tác phòng ngừa, phát hiện tội phạm trong hoạt động đấu thầu, đấu giá.

Đại úy Nguyễn Bá Huy (Học viện Cảnh sát nhân dân)
Bạn đang đọc bài viết "Nhận diện thủ đoạn của tội phạm trong hoạt động đấu giá, đầu thầu và kiến nghị hoàn thiện qui định pháp luật liên quan" tại chuyên mục Khoa học Pháp Lý. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin