Nguyên Cục trưởng An ninh: Hội thánh Đức Chúa Trời biểu hiện trục lợi

“Khi đi tuyên truyền các đối tượng xưng là Hội thánh Đức Chúa Trời chỉ cần chiếc điện thoại có lưu các bài giảng. Nội dung tự các đối tượng làm ra để đi rao giảng chẳng thấy liên quan đến giáo lý, giáo luật”, Thiếu tướng Lê Đình Luyện, nguyên Cục trưởng Cục An ninh Xã hội (Tổng cục An ninh, Bộ Công an) nói khi trao đổi với Dân Việt.

Một buổi rao giảng của Hội thánh Đức Chúa Trời (ảnh Công an Hải Phòng).
Một buổi rao giảng của Hội thánh Đức Chúa Trời (ảnh Công an Hải Phòng).)

Thưa ông, thời gian gần đây xuất hiện hoạt động của Hội thánh Đức Chúa Trời gây ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội, là người từng làm công tác an ninh ông có nhìn nhận gì?

- Thời gian gần đây xuất hiện hoạt động của Hội thánh Đức Chúa Trời, nó đã lan ra khoảng chục địa phương. Hoạt động gần đây cho thấy nói có biểu hiện trục lợi, biến tướng của một số cá nhân xuất phát từ vai trò tổ chức chi hội ở các nơi. Hoạt động này vi phạm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân, vi phạm trật tự an toàn xã hội, xâm phạm sức khỏe, thân thể, tài sản, danh dự nhân phẩm của người khác. Tại sao nói như vậy, bởi đã có trường hợp người vợ đi theo tổ chức này đã bỏ cả nhà, bỏ con, bỏ chồng, rồi nhiều trường hợp tiêu cực khác.

Vừa qua tôi có hỏi một người cháu quê Nam Định, cô này nói có người em trai cũng theo tổ chức này, khi theo người em trai này đã bỏ hết các thứ, khi về nhà đòi bỏ cả bát hương thờ cúng tổ tiên.

Có thể thấy tất cả các hoạt động của tổ chức tự xưng nêu trên là trái pháp luật, gây hậu quả phức tạp ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, an toàn xã hội. Vừa qua các phương tiện thông tin đại chúng cũng đã nêu nhiều về hậu quả từ hoạt động của tổ chức này.

Khi đi tuyên truyền các đối tượng chỉ cần chiếc điện thoại có lưu các bài giảng. Nội dung tự các đối tượng làm ra để đi rao giảng chẳng thấy liên quan đến giáo lý, giáo luật.

Về góc độ trật tự an toàn xã hội, vừa qua lực lượng công an ở một số địa phương như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đã xử lý những đối tượng cầm đầu. Đây là những đối tượng đi từ nơi này sang nơi khác để rao giảng. Thực chất hoạt động của các đối tượng có dấu hiệu trục lợi biến tướng. Họ tuyên truyền những thứ không có như ngày tận thế, mất hết các thứ…

Trong đời sống xã hội hiện đại, tại sao có không ít người dân, đặc biệt có người là trí thức cũng bị các đối tượng lôi kéo dễ như vậy thưa ông?

Có hai thứ các đối tượng “đánh” vào tâm lý của một số người để lôi kéo họ tham gia. Thứ nhất đi sinh hoạt với tổ chức này sẽ có nguồn lợi, đó là trường hợp của những đối tượng cầm đầu; thứ hai là dùng sự tác động vào tâm lý mê tín dị đoan của những người thiếu tri thức. Số người có tri thức như đối tượng là sinh viên có chút lợi ích ở đó và muốn thể hiện mình là thủ lĩnh nên tham gia. Ở các địa phương có chi hội, các đối tượng sẽ bầu chi hội trưởng. Người được bầu chủ động đi rao giảng.

Với kinh nghiệm làm công tác an ninh, theo ông cần phải làm thế nào để ngăn chặn hoạt động của tổ chức này và mỗi cá nhân cần có cách phòng ngừa thế nào để không bị lôi kéo?

- Trước hết phải thông tin tuyền truyền mạnh mẽ về vấn đề này trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân hiểu. Thứ hai là chính quyền cấp cơ sở, đặc biệt là cơ quan quản lý Nhà nước về tôn giáo, Mặt trận và các đoàn thể các cấp phải vào cuộc mạnh mẽ, nói rõ thông tin về tổ chức này là gì. Nếu không vạch trần các thủ đoạn gian dối của các đối tượng thì người dân không biết. Đối với sinh viên, các nhà trường phải có giáo dục, xử lý nghiêm minh những đối tượng là sinh viên khi lôi kéo sinh khác tham gia.

Sau khi chúng ta tuyên truyền mạnh mẽ thì người dân sẽ thấy được bộ mặt thật của tổ chức này. Việc tuyên truyền không nên nói kiểu chung chung, phải có những ví dụ cụ thể về những trường hợp đi theo tổ chức này dẫn tới tan cửa, nát nhà để cảnh báo cho người dân. Để xử lý vấn đề này có thể phải lâu dài, nhưng cần kiên trì làm và làm đồng bộ. Đối với những trường hợp có hành vi vi phạm đã rõ cần phải xử lý nghiêm minh trước pháp luật.

Những dạng lợi dụng tôn giáo để hoạt động nếu không vì trục lợi kinh tế cũng là mục đích chính trị, ông nghĩ sao về trường hợp các đối tượng tự xưng Hội thánh Đức Chúa Trời?

- Có thể thấy các đối tượng tự xưng về Hội thành Đức Chúa Trời có biểu hiện nặng về vấn đề trục lợi kinh tế. Ở góc độ chính trị theo tôi đó cũng là dạng tập hợp lực lượng đến lúc nào họ tập hợp được số đông thì mới cài mưu đồ chính trị vào. Còn như hiện nay hoạt động của các đối tượng này mang dấu hiệu lừa đảo về kinh tế, tính trục lợi là chính. Theo tôi được biết ở nhiều quốc gia trên thế giới họ cũng dẹp, không thừa nhận kiểu hoạt động của tổ chức này. Trước đây chúng ta cũng gặp những tổ chức hoạt động có tính chất tượng tự và chúng đã bị ngăn chặn, dẹp bỏ.

Trả lời báo chí, ông Vũ Chiến Thắng, Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ cho biết, ở Việt Nam hiện nay có một số nhóm mang tên "Hội thánh Đức Chúa Trời", bao gồm cả các nhóm Tin lành đã được chính quyền chấp thuận đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung. Vì vậy các biểu hiện cực đoan mà báo chí phản ánh xảy ra ở thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Thái Nguyên,... liên quan đến tổ chức mang tên "Hội thánh Đức Chúa Trời" cần được kiểm chứng và phân biệt với các nhóm Tin lành khác có tên gọi tương tự, tránh đánh đồng với các tổ chức Tin lành nói chung.

Về phương diện quản lý nhà nước đối với các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, ông Vũ Chiến Thắng cho biết: Ban Tôn giáo Chính phủ và các cơ quan chức năng liên quan từ trung ương đến địa phương luôn quan tâm, chú ý tới các hoạt động của tổ chức mang tên "Hội thánh Đức Chúa Trời" này và đã có hướng dẫn, chỉ đạo kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật đối với những cá nhân có hành vi vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, xâm phạm trật tự an toàn, đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác theo quy định của Luật tín ngưỡng, tôn giáo.

Về nguồn gốc của tổ chức mang tên "Hội thánh Đức Chúa Trời" mà báo chí phản ánh, ông Vũ Chiến Thắng cho biết, Ban Tôn giáo Chính phủ đã nắm được, song vì những biểu hiện tiêu cực mà báo chí phản ánh cần thêm thời gian để kiểm chứng có hay không có vai trò của tổ chức chỉ đạo, điều hành hay chỉ là hành vi của một số cá nhân trục lợi, làm biến tướng, nên lúc này chưa đề cập.

Theo Danviet

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin