Nguy cơ thiệt hại nghìn tỉ… do ban hành Nghị định, Thông tư chậm, sai

(Pháp lý) - Thời gian qua, tình trạng chậm trễ trong ban hành văn bản chính sách pháp luật (cụ thể là Nghị đinh, Thông tư) còn diễn ra phổ biến; thậm chí có trường hợp ban hành văn bản quy định chi tiết còn bất cập, nội dung chưa đầy đủ, có sai sót, tạo lỗ hổng cho các doanh nghiệp hưởng lợi, gây thiệt hại rất lớn cho ngân sách. Tình trạng trên đã kéo dài nhiều năm, chậm khắc phục, gây nhiều hệ lụy…

Lỗ hổng trong chính sách thuế xăng dầu giai đoạn 2015 -2016 đã “tạo điều kiện” cho doanh nghiệp đút túi 3.500 tỉ (ảnh minh họa)
Lỗ hổng trong chính sách thuế xăng dầu giai đoạn 2015 -2016 đã “tạo điều kiện” cho doanh nghiệp đút túi 3.500 tỉ (ảnh minh họa))

Doanh nghiệp “đút túi” hàng nghìn tỷ đồng

Còn nhớ giai đoạn năm 2015 – 2016, dư luận đã hết sức bức xúc trước cơ chế tính thuế nhập khẩu xăng dầu bất hợp lý trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu bán lẻ trong nước, khiến người dân phải trả "oan" hàng nghìn tỷ đồng. Cũng chính từ lỗ hổng trong chính sách thuế nhập khẩu đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu nghiễm nhiên “bỏ túi” gần 3.500 tỷ đồng từ khoản chênh lệch thuế.

Cụ thể, từ ngày 1/1/2015, thuế nhập khẩu xăng từ ASEAN là 20% và dầu diesel là 5% theo Hiệp định Việt Nam đã ký và hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Thông tư số 165/2014/TT-BTC ngày 14/11/2014 và từ ngày 1/1/2016, thuế nhập khẩu các mặt hàng như diesel, mazut, dầu hỏa... từ ASEAN giảm về 0%. Riêng thuế nhập khẩu từ Hàn Quốc đối với xăng còn 10% và các loại dầu còn 5%.

Tuy nhiên, từ cuối tháng 5/2015 đến tháng 3/2016, liên Bộ Công thương - Tài chính lại áp dụng biểu thuế nhập khẩu trong Thông tư số 78/2015/TT-BTC ban hành tháng 5/2015 làm cơ sở tính giá xăng dầu bán lẻ trong nước, thuế với xăng là 20%, dầu diesel và mazut là 10%, dầu hỏa là 13%.

Như vậy, thực chất, doanh nghiệp vẫn được nhập khẩu với giá thuế 5% đối với dầu diesel nhưng giá bán cho người tiêu dùng vẫn là mức được tính thuế 10%. Vậy, người tiêu dùng đã mua dầu diesel phải trả khoản chênh thuế 5%. Từ ngày 1/1/2016, thuế nhập khẩu tất cả các loại dầu đều về 0% như vậy khoảng cách chênh lệch đã nâng lên 10%. Người dân mua dầu diesel đang phải trả thêm 10%.

Thời điểm đó, Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2015, tổng số thu thuế nhập khẩu xăng dầu đạt khoảng 35.000 tỷ đồng, nhưng đã phải hoàn thuế nhập khẩu xăng dầu khoảng 3.500 tỷ đồng, chủ yếu hoàn cho mặt hàng dầu có xuất xứ từ ASEAN do được hưởng thuế thấp. Khoản thuế được hoàn này đã rơi vào túi các doanh nghiệp đầu mối, dù giá xăng bán lẻ cho người tiêu dùng đã được tính cả khoản thuế này.

Kẻ gian lợi dụng phạm tội

Liên quan đến đại án thuốc giả VN Pharma, hồi giữa tháng 9 vừa qua, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra về việc cấp giấy phép nhập khẩu, giấy đăng ký lưu hành đối với 10 loại thuốc của Công ty Helix, cấp giấy phép hoạt động cho Công ty Helix và việc trúng các gói thầu cung cấp cho các Bệnh viện của Công ty Cổ phần VN Pharma. Kết luận thanh tra đã thẳng thắn chỉ ra những thiếu sót, vi phạm trong khâu cấp số đăng ký thuốc; khâu cấp phép nhập khẩu thuốc; khâu cấp phép hoạt động về thuốc, nguyên liệu làm thuốc cho doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam; công tác đấu thầu cung cấp thuốc cho các cơ sở khám, chữa bệnh.

Đáng chú ý, trong kết luận thanh tra còn nêu rõ những hạn chế thiếu sót trong việc ban hành các văn bản pháp luật chi tiết còn nhiều bất cập, thiếu sót, tạo kẽ hở chính sách cho những kẻ gian lợi dụng nhằm trục lợi. Cụ thể, theo kết luận thanh tra Bộ Y tế ban hành Thông tư số 22/2009/TT-BYT còn bất cập, nội dung chưa đầy đủ, đây là một trong những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý dẫn đến việc trong hồ sơ xin cấp số đăng ký có tài liệu bị làm giả nhưng không được phát hiện kịp thời.

Bên cạnh đó, việc thẩm định, cấp giấy phép nhập khẩu thuốc chưa có số đăng ký, quy định tại Thông tư số 47/2010/TT-BYT cũng còn nhiều hạn chế. Mặc dù nội dung này đã được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Y tế chịu trách nhiệm quy định chi tiết về hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu thuốc chưa có số đăng ký. Tuy nhiên, khi Bộ Y tế ban hành Thông tư số 47/2010/TT-BYT nội dung quy định còn bất cập, chưa đầy đủ.

Cụ thể, Bộ chưa quy định trong hồ sơ xin cấp phép nhập khẩu thuốc phải có giấy phép hoạt động về thuốc và nguyên liệu làm thuốc của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Thực tế, trong 3 năm (2012, 2013, 2014), Bộ Y tế đã cấp 607 giấy phép nhập khẩu thuốc chưa có số đăng ký cũng không yêu cầu doanh nghiệp nộp giấy phép hoạt động về thuốc và nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam, trong đó có 03 thuốc (H-Capita, H-Epra 40 và H-Lastapen 500mg).

VN Pharma nhập khẩu trót lọt hàng nghìn viên thuốc giả một phần “nhờ” bất cập trong các Thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế
VN Pharma nhập khẩu trót lọt hàng nghìn viên thuốc giả một phần “nhờ” bất cập trong các Thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế)

Theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ, Thông tư số 47/2010/TT-BYT của Bộ Y tế chưa đầy đủ chính là một trong những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý dẫn đến việc thuốc H-Capita được cấp giấy phép nhập khẩu ngày 30/12/2013. Thông tư số 47/2010/TT-BYT đã ban hành không đúng nội dung với Quyết định số 151/2007/QĐ-TTg dẫn đến việc cấp giấy phép nhập khẩu 200.000 hộp thuốc H-Capita và cho phép nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H-Capita vào Việt Nam là vi phạm Điều 5 Quyết định số 151/2007/QĐ-TTg.

Đặc biệt, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 47/2011/TT-BYT nội dung chưa đầy đủ, thiếu cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành trong nước và với cơ quan Y tế nước ngoài nơi sản xuất, xuất khẩu thuốc, v.v... dẫn đến tình trạng trong hồ sơ xin cấp phép hoạt động của Công ty Helix có tài liệu bị làm giả và Công ty Helix không tồn tại trên thực tế nhưng không kịp thời phát hiện dẫn đến cấp giấy phép hoạt động về thuốc và nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam cho Công ty này.

“Trách nhiệm này thuộc Lãnh đạo Bộ Y tế, Cục quản lý Dược thời điểm năm 2009 trong việc tham mưu, xây dựng và ban hành thông tư; đồng thời Lãnh đạo Bộ Y tế, Cục quản lý Dược thời kỳ 2011-2014 cũng chịu trách nhiệm chính trong việc thiếu sự quan tâm, chỉ đạo để sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh nội dung Thông tư số 22/2009/TT-BYT cho phù hợp. Bộ Y tế chậm sửa đổi Quy chế hoạt động của Hội đồng tư vấn và chuyên gia thẩm định thay thế quy chế cũ, đến ngày 14/11/2014, Bộ Y tế mới sửa đổi Quy chế hoạt động của Hội đồng tư vấn (Quyết định số 4773/QĐ-BYT)”, kết luận nêu rõ.

Nguy cơ thiệt hại ngân sách hàng tỷ đồng

Vừa qua, Chính phủ có Tờ trình đề nghị Quốc hội cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước. Nguyên nhân được cho là do việc Chính phủ chậm ban hành các Nghị định hướng dẫn các luật nêu trên.

Theo đó, Luật Khoáng sản năm 2010 được Quốc hội thông qua tháng 11/ 2010, có hiệu lực từ 1/7/2011. Còn Luật Tài nguyên nước được thông qua tháng 6/2012, có hiệu lực từ 1/1/2013.

Trong đó, có quy định về việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước và giao Chính phủ quy định chi tiết phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tài nguyên nước. Đây là chính sách lần đầu tiên được quy định trong Luật Khoáng sản năm 2010 và Luật Tài nguyên nước năm 2012 của Việt Nam.

Thế nhưng, đến ngày 28/11/2013, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 203/2013/NĐ-CP về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản có hiệu lực thi thành từ ngày 20/1/2014, chậm hơn 2 năm 6 tháng. Và mãi tới 4 năm 8 tháng sau khi Luật Tài nguyên nước có hiệu lực, ngày 17/7/2017, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 82/2017/NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.

Tại tờ trình gửi Quốc hội, Chính phủ cũng đã nêu ra nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan của việc chậm trễ này. Một trong số các lý do là, trong quá trình xây dựng các Luật, việc đánh giá tác động của các chính sách nêu trên đã được thực hiện nhưng còn chưa toàn diện, cụ thể. Do đó, Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo đã không lường trước được hết những khó khăn, phức tạp, nhất là các vấn đề liên quan đến kinh tế, các thông số kỹ thuật phức tạp.

Việc Chính phủ chậm ban hành các Nghị định hướng dẫn nêu trên đã làm cho các tổ chức, cá nhân phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước không có cơ sở thực hiện nghĩa vụ nộp tiền; các cơ quan quản lý nhà nước cũng không thu số tiền phải nộp.

Báo cáo thẩm tra về việc đề nghị Quốc hội cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trình bày trước Quốc hội chiều 21/10 chỉ ra việc Chính phủ chậm ban hành 2 nghị định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tài nguyên nước, có thể gây thiệt hại cho ngân sách gần 5.000 tỉ đồng.

Báo cáo sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2019 của Bộ Tư pháp, đã chỉ ra rằng tình trạng “nợ đọng” văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật, Pháp lệnh của các Bộ, ngành đã kéo dài nhiều năm, nhưng chưa được khắc phục hiệu quả.

6 tháng đầu năm, các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã ban hành được 31 văn bản (25 Nghị định, 06 Thông tư) quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các Luật, Pháp lệnh; số lượng văn bản “nợ đọng” còn 07 văn bản.

Đối với công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, các Bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra theo thẩm quyền 6.454 văn bản quy phạm pháp luật; qua kiểm tra, bước đầu phát hiện 122 văn bản trái nội dung, thẩm quyền, có 66/122 văn bản đã được xử lý.

Đinh Chiến

 

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin