Người tham gia bảo hiểm xã hội mất thân nhân chỉ được quyền thừa hưởng không được thừa kế như tài sản

Người lao động hỏi: Bố tôi 59 tuổi vẫn đang công tác và tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (đóng BHXH được 14 năm). Tháng 06/2022, bố tôi bệnh nặng qua đời. Trước đó tháng 05/2022, bố tôi có lập di chúc, trong di chúc bố tôi để toàn bộ số tiền BHXH lại cho mẹ kế, hai anh em tôi không có tên trong di chúc. Tôi muốn hỏi về các chế độ, quyền lợi về BHXH đối với người thân được hưởng và hiệu lực của di chúc bố tôi chia thừa kế sau sau khi bố tôi mất?

 

Nguyễn Thị Hải

Phú Bình – Thái Nguyên

2-1671522763.jpg

Tham gia BHXH người lao động được hưởng 5 chế độ: Hưu trí, ốm đau, thai sản,tai  nạn lao động, bênh nghề nghiệp và tử tuất

Luật gia trả lời: Về chế độ được BHXH chi trả khi người lao động tham gia BHXH mất Luật sư Trần Đại Ngọc (Đoàn luật sư Hà Nội) tư vấn cụ thể như sau:

Đối với người hưởng lương khi tham gia BHXH bắt buộc khi mất thì sẽ được hưởng chế độ tử tuất. Chế độ tử tuất là một trong những chế độ của BHXH, bao gồm có trợ cấp mai táng, trợ cấp tuất hằng tháng, trợ cấp tuất một lần theo Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

Chế độ tử tuất là một trong các chế độ của bảo hiểm xã hội (BHXH) nhằm bù đắp phần thu nhập của người lao động dùng để đảm bảo cuộc sống cho thân nhân của họ hoặc các chi phí khác phát sinh do người lao động đang tham gia quan hệ lao động hoặc đang hưởng bảo hiểm xã hội bị chết.

Theo đó, người thân của người tham gia đóng BHXH sẽ được hưởng các quyền lợi của chế độ tử tuất bao gồm các khoản trợ cấp căn cứ theo Luật BHXH 2014:

1. Trợ cấp mai táng

Theo Khoản 1 Điều 66 Luật Bảo hiểm Xã hội 2014, khi người lao động chết, người lo mai táng sẽ được nhận trợ cấp mai táng nếu người lao động:

+ Đã đóng BHXH hoặc đang bảo lưu thời gian đóng mà đã đóng đủ từ 12 tháng trở lên.

+ Mất do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc mất do trong thời gian điều trị do tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN)

+ Đang hưởng lương hưu, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng đã nghỉ việc.

Đối với BHXH tự nguyện thì người lo mai táng sẽ được nhận trợ cấp mai táng nếu người lao động:

+ Đã đóng BHXH tự nguyện tối thiểu 60 tháng

+ Đang hưởng lương hưu của chế độ hưu trí.

Theo khoản 2, khoản 3 Điều 66 Luật Bảo hiểm Xã hội năm 2014, trợ cấp mai tháng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người lao động mất.

Hiện nay, mức lương cơ sở là 1,49 triệu đồng, như vậy, nếu người lao động mất thì người lo mai táng có thể được hưởng 14,9 triệu đồng.

Từ tháng 7/2023, mức lương cơ sở là 1,8 triệu đồng, như vậy, nếu người lao động mất thì người lo mai táng có thể được hưởng 18 triệu đồng.

2. Trợ cấp tuất hàng tháng

Hàng tháng, thân nhân của người lao động đã mất sẽ được hưởng khoản trợ cấp tuất hàng tháng nếu người lao động đáp ứng các điều kiện của trợ cấp mai táng và thuộc một trong những trường hợp sau:

+ Đã tham gia BHXH bắt buộc tối thiểu 15 năm và chưa từng hưởng BHXH một lần

+ Đang hưởng lương hưu của chế độ hưu trí

+ Qua đời vì tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp

+ Đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và tỷ lệ suy giảm khả năng lao động tối thiểu 61%.

Đối với người tham gia BHXH tự nguyện thì sẽ không được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng mà thay vào đó sẽ được hưởng trợ cấp tuất 1 lần.

Theo khoản 2 Điều 67 Luật Bảo hiểm Xã hội 2014, thân nhân người lao động được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng gồm:

+ Con chưa đủ 18 tuổi, con từ đủ 18 tuổi trở lên bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, con được sinh khi người bố chết mà người mẹ đang mang thai

+ Vợ từ đủ 55 tuổi trở lên hoặc chồng từ đủ 60 tuổi trở lên, vợ dưới 55 tuổi, chồng dưới 60 tuổi nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên

+ Cha/mẹ đẻ, cha/mẹ đẻ của chồng hoặc vợ và đủ 60 tuổi với nam, 55 tuổi với nữ mà người tham gia BHXH đang thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng thì qua đời.

+ Cha/mẹ đẻ, cha/mẹ đẻ của chồng hoặc vợ dưới 60 tuổi với nam, dưới 55 tuổi với nữ và bị suy giảm khả năng lao động (KNLĐ) ít nhất 81% mà người lao động đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng thì qua đời.

Lưu ý: Ngoại trừ con thì những thân nhân khác phải không có thu nhập hoặc có thu nhập hàng tháng thấp hơn mức lương cơ sở (thấp hơn 1,49 triệu đồng/tháng).

Theo Khoản 1 Điều 68 Luật Bảo hiểm Xã hội 2014, mức trợ cấp hàng tháng bằng 50% mức lương cơ sở của thời điểm người tham gia BHXH qua đời. Nếu thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức hưởng là 70% mức lương cơ sở.

Hiện mức lương cơ sở là 1,49 triệu, vậy mức trợ cấp tuất hàng tháng cho mỗi thân nhân là 745.000 đồng. Trường hợp không có người trực tiếp nuôi dưỡng là 1.043.000 đồng.

3. Trợ cấp tuất 1 lần

Thân nhân của người lao động đã mất sẽ được hưởng khoản trợ cấp tuất hàng tháng nếu người lao động đáp ứng các điều kiện của trợ cấp mai táng và thuộc các trường hợp sau:

+ Không thuộc diện hưởng trợ cấp hàng tháng (không thuộc Khoản 1, Điều 67 của Luật BHXH năm 2014).

+ Thuộc diện hưởng trợ cấp hàng tháng nhưng không có thân nhân để hưởng trợ cấp hàng tháng thì được hưởng trợ cấp một lần và thực hiện theo Luật thừa kế.

+ Thân nhân thuộc diện hưởng trợ cấp hàng tháng nếu có mong muốn hưởng trợ cấp một lần thì sẽ được hưởng, trừ trường hợp con dưới 06 tuổi, con hoặc vợ hoặc chồng bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

Đối với thân nhân của người đang tham gia BHXH hoặc đang bảo lưu thời gian đóng BHXH, mức hưởng trợ cấp tuất 1 lần sẽ căn cứ theo số năm đóng BHXH trước khi qua đời:

+ Trước năm 2014: trợ cấp giai đoạn này mỗi năm bằng 1.5 lần tiền lương bình quân đóng BHXH.

+ Từ 2014 trở đi: trợ cấp bằng 2 lần tiền lương bình quân đóng BHXH.

Mức trợ cấp sẽ tính bằng tổng hai giai đoạn trên nếu người tham gia trước năm 2014 có đóng BHXH. Trong đó, mức thấp nhất tính bằng 3 lần mức lương bình quân đóng BHXH.

Đối với thân nhân người đang hưởng lương hưu, mức trợ cấp 1 lần sẽ căn cứ vào thời điểm đã hưởng lương hưu:

+ Nếu 2 tháng đầu tiên hưởng lương hưu mà người hưởng qua đời thì thân nhân được hưởng trợ cấp một lần bằng 48 lần mức lương hưu đang hưởng.

+ Nếu sau 2 tháng đầu mà người hưởng lương hưu qua đời thì cứ hưởng thêm 1 tháng hưu thì mức trợ cấp một lần giảm đi 0.5 lần tháng lương hưu. Mức hưởng thấp nhất không được dưới 3 tháng lương hưu. Cụ thể, mức trợ cấp tuất 1 lần = 48 x lương hưu – 0,5x (số tháng đã hưởng lương hưu – 2) x lương hưu.

 4. Hiệu lực của di chúc về việc chia thừa kế tiền bảo hiểm xã hội

Pháp luật BHXH đang có hiệu lực quy định trợ cấp tử tuất là một chế độ bảo hiểm xã hội. Bên cạnh đó tiền BHXH không phải là di sản thừa kế nên bố bạn không có quyền để lại thừa kế. Do đó việc thừa kế tiền đóng góp BHXH là trái quy định pháp luật.

Căn cứ theo quy định tại Khoản 4 Điều 643 Bộ luật dân sự năm 2015:

“Điều 643. Hiệu lực của di chúc

2. Di chúc không có hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong trường hợp sau đây:

4. Khi di chúc có phần không hợp pháp mà không ảnh hưởng đến hiệu lực của các phần còn lại thì chỉ phần đó không có hiệu lực.”

Như vậy,  do di chúc của bố bạn có phần về việc chia tiền bảo hiểm xã hội không đúng với quy định pháp luật nên phần di chúc này không có hiệu lực pháp luật.

Chính vì thế đối với tiền BHXH thì anh em bạn và thân nhân vẫn được hưởng theo đúng quy định của pháp luật BHXH mà không căn cứ theo di chúc để lại.

CSPL

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin