Ngành Giáo dục – Đào tạo huyện Đan Phượng: “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới theo chiều sâu, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”

19/02/2024 11:10

Ngành giáo dục Đan Phượng đang từng bước khẳng định và nâng lên tầm cao mới tiếp cận toàn diện khi huyện trở thành quận. Toàn huyện có 55 trường công lập, 1.072 nhóm, lớp; 33 nhóm trẻ độc lập, tư thục với tổng số 40.006 học sinh. Toàn ngành cũng có 2.625 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn, trên chuẩn chiếm 95,5%. Đến nay, Đan Phượng có 54/55 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 60% trường đạt chuẩn mức độ 2 - dẫn đầu Thành phố về tỷ lệ trường chuẩn quốc gia. Nhiều trường mầm non đã ứng dụng phương pháp giáo dục tiên tiến như STEAM, Montessori, Reggio... trong phát triển chương trình, xây dựng kế hoạch, đổi mới hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục để tạo sự mạnh dạn, tự tin và các kỹ năng cho trẻ. Ở cấp tiểu học và THCS, các trường tổ chức hoạt động giảng dạy theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học. Đồng thời tăng cường hiệu quả các giờ lên lớp, đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh…Riêng đối với học sinh lớp 5 và lớp 9, ngoài việc kiểm tra theo quy định, Phòng GD&ĐT huyện Đan Phượng tổ chức khảo sát bằng hình thức coi chéo, chấm tập trung. Từ đó, thống kê, phân tích, xác định nguyên nhân, tổ chức hội thảo đánh giá, rút kinh nghiệm, tìm giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục học sinh. Kết quả thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT của huyện có nhiều khởi sắc. Với những nỗ lực không ngừng đó, năm học 2022 - 2023, Phòng GD&ĐT huyện Đan Phượng được Sở GD&ĐT Hà Nội xếp 8/13 tiêu chí đạt xuất sắc, 4/13 tiêu chí đạt tốt.

1-1708488569.jpg

Bà Bùi Thị Thu Hằng - HUV, Trưởng phòng GDĐT phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Với quan điểm lãnh đạo chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện “để phát triển kinh tế - xã hội, đối với GD&ĐT tập trung vào 3 nội dung chính gồm: tiếp tục rà soát mạng lưới trường học, ưu tiên quy hoạch diện tích đất cho giáo dục; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng trường học điện tử, lớp học thông minh tiến tới giáo dục thông minh; tăng cường quản lý Nhà nước về giáo dục đảm bảo đoàn kết, kỷ cương”. Huyện sẽ nghiên cứu cơ chế thu hút đội ngũ cán bộ quản lý và nhà giáo để có nhiều nhà giáo giỏi tâm huyết muốn gắn bó và cống hiến cho ngành. Bởi nhiều nhà giáo giỏi sẽ có nhiều học sinh giỏi, đội ngũ ngành giáo dục là then chốt trong phát triển kinh tế - xã hội và tạo ra sản phẩm giáo dục chính là thế hệ tương lai”.

Để thực hiện tốt những mục tiêu đề ra, bên cạnh những giải pháp đồng bộ, ngành giáo dục huyện cần triển khai phong trào thi đua “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý và giảng dạy”, hiện nay, 100% cán bộ giáo viên, nhân viên trong toàn ngành Giáo dục huyện có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin. Nhiều nhà giáo, đơn vị trường học tích cực tìm tòi, ứng dụng để công nghệ thông tin hỗ trợ đắc lực nhất trong các hoạt động của nhà trường. Đáng chú ý, hưởng ứng phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” do Bộ GD&ĐT phát động, các nhà trường hưởng ứng với khí thế sôi nổi. Tại Hội thi giáo viên dạy giỏi, hàng nghìn lượt giáo viên tham gia cấp trường, các đơn vị đã lựa chọn 169 giáo viên tham gia dự thi cấp huyện. Kết quả, Phòng GD&ĐT huyện Đan Phượng đã công nhận 16 giải Nhất, 30 giải Nhì, 64 giải Ba và 59 giải Khuyến khích. Bước vào Năm học 2023 – 2024, ngành giáo dục huyện sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng trong giáo dục mầm non; tập trung thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2006 đối với lớp 5, lớp 9 và chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1, 2, 3, 4 và lớp 6, 7, 8. Đồng thời đẩy mạnh đổi mới phương pháp giảng dạy, áp dụng các phương pháp dạy học tiên tiến, đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Học kỳ I (năm học 2023-2024) vừa qua, toàn ngành đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận; nổi bật là việc bồi dưỡng đội ngũ đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông 2018, các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chất lượng học sinh mũi nhọn, đặc biệt là tổ chức các hoạt động giáo dục đạo đức, pháp luật, trải nghiệm trong các nhà trường. Công tác đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị được UBND huyện quan tâm mang lại hiệu quả cao, duy trì dẫn đầu Thành phố về xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.

2-1708488577.jpg

Thời gian tới, ngành GD&ĐT huyện tập trung tăng cường công tác bồi dưỡng chính trị, tư tưởng, tiếp tục xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo. Đồng thời tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn, chất lượng dạy học môn Ngoại ngữ, Tin học, chú trọng giáo dục đạo đức, nếp sống cho học sinh trên cơ sở nền tảng văn hóa và nét đẹp của người Hà Nội. Cùng với đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực giáo dục, đẩy mạnh các hoạt động khuyến học, khuyến tài; phối hợp tốt 3 môi trường giáo dục: Gia đình - Nhà trường - Xã hội; huy động sức mạnh của toàn xã hội chăm lo cho công tác giáo dục.

PV
Bạn đang đọc bài viết "Ngành Giáo dục – Đào tạo huyện Đan Phượng: “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới theo chiều sâu, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”" tại chuyên mục Thông tin cần biết. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin