Ngân hàng siết nợ dự án để xử lý nợ xấu, quyền lợi người mua nhà có bị thiệt?

Quyền lợi của người mua nhà sẽ được đảm bảo như thế nào khi dự án bị ngân hàng siết nợ?

Mới đây, trong thông báo gửi tới các khách hàng mua nhà, Ngân hàng Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) cho biết đã thu giữ tài sản đảm bảo là Dự án Tokyo Tower để xử lý nghĩa vụ tài chính theo quy định. Việc thu giữ đã được tiến hành với sự chứng kiến của chính quyền, cơ quan Công an và một số khách hàng mua nhà.

 

 Ảnh minh họa
Ảnh minh họa)

PVcomBank nói đã thu giữ toàn bộ tài sản còn lại của dự án, gồm quyền phải thu từ các hợp đồng mua bán căn hộ, sàn trung tâm thương mại đã ký; các căn hộ và sàn trung tâm thương mại chưa bán hoặc chưa cho thuê. Đồng thời, PVcomBank cũng thu giữ toàn bộ tài sản là quyền phát sinh từ các hợp đồng mua bán căn hộ chung cư giữa Công ty Thương mại Hoàng Vương và Công ty cổ phần Sông Đà 1.01.

Dự án Tokyo Tower là tòa nhà hỗn hợp đa năng và chung cư cao cấp với chiều cao 51 tầng nổi, trong đó có 5 tầng dành cho trung tâm thương mại, dịch vụ. Dự án này đã nhiều lần đổi tên, trước đó có tên là chung cư Vinafor hay Landmark 51, được chủ đầu tư giới thiệu là tòa nhà cao nhất quận Hà Đông và là tòa nhà cao thứ 3 tại Hà Nội, sau Landmark 72 và Lotte Center.

Chủ đầu tư Tokyo Tower là liên danh Tổng công ty lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) và Công ty cổ phần Sông Đà 1.01. Trước đó tháng 12/2015, Sông Đà 1.01 và PVcomBank đã ký hợp đồng bảo lãnh bán nhà ở hình thành trong tương lai của dự án này với giá trị bảo lãnh 1.000 tỷ đồng. Hội đồng quản trị Sông Đà 1.01 khi đó cho biết đã thế chấp toàn bộ dự án.

Liên quan đến quyền lợi của người mua nhà sẽ được đảm bảo như thế nào khi dự án bị ngân hàng siết nợ, PV đã trao đổi với luật sư Nguyễn Anh Tuấn ( giám đốc Công ty Luật Đại Nam – Đoàn luật sư TP Hà Nội) để làm rõ hơn vấn đề này.

Luật sư Tuấn cho biết, việc Ngân hàng đã thu giữ toàn bộ tài sản còn lại của dự án, gồm quyền phải thu từ các hợp đồng bán căn hộ, sàn trung tâm thương mại đã ký ... điều đó khẳng định chủ đầu tư không thực hiện đúng các nghĩa vụ đối với Ngân hàng và các căn hộ chưa đủ điều kiện để bàn giao, do đó, Ngân hàng đã thu giữ toàn bộ tài sản còn lại của dự án, trong đó có quyền phải thu từ các hợp đồng bán căn hộ cho các khách hàng (gồm cả các nghĩa vụ khác của khách hàng đối với chủ đầu tư).

Căn cứ vào khoản 1 Điều 56 Luật kinh doanh Bất động sản năm 2014: Hợp đồng mua bán giữa Khách hàng và chủ đầu tư phải được Ngân hàng đứng ra bảo lãnh. Trong trường hợp này, việc ngân hàng đứng ra thu giữ các tài sản của Chủ đầu tư, điều đó thể hiện Ngân hàng là đã đứng ra bảo lãnh đối với khách hàng. Đối với các khách hàng mua các tài sản hình thành trong tương lai. Vì vậy, việc căn hộ không có hoặc không được bàn giao theo đúng tiến độ gây các thiệt hại cho phía người mua; thì họ hoàn toàn có quyền yêu cầu phía Ngân hàng bồi thường các thiệt hại do không có căn hộ hoặc chậm bàn giao gây ra.

“ Điều 55. Điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh

1. Có giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải có Giấy phép xây dựng, giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án; trường hợp là nhà chung cư, tòa nhà hỗn hợp có mục đích để ở hình thành trong tương lai thì phải có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng của tòa nhà đó.

2. Trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, chủ đầu tư phải có văn bản thông báo cho cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh về việc nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho chủ đầu tư về nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua; trường hợp không đủ điều kiện phải nêu rõ lý do.

Điều 56. Bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai

1. Chủ đầu tư dự án bất động sản trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết với khách hàng.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố danh sách ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh trong kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai.

2. Phạm vi, điều kiện, nội dung và phí bảo lãnh do các bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm thực hiện trách nhiệm của bên bảo lãnh quy định tại khoản 3 Điều này và phải được lập thành hợp đồng. Chủ đầu tư có trách nhiệm gửi bản sao hợp đồng bảo lãnh cho bên mua, bên thuê mua khi ký kết hợp đồng mua, thuê mua.

Hợp đồng bảo lãnh có thời hạn cho đến khi nhà ở được bàn giao cho bên mua, bên thuê mua.

3. Trường hợp chủ đầu tư không thực hiện bàn giao nhà ở theo tiến độ đã cam kết và bên mua, bên thuê mua có yêu cầu thì bên bảo lãnh có trách nhiệm hoàn lại số tiền ứng trước và các khoản tiền khác cho khách hàng theo hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở và hợp đồng bảo lãnh đã ký kết.

4. Việc bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai thực hiện theo quy định tại Điều này và quy định của pháp luật về bảo lãnh.”

Theo congly.vn

Nguồn bài viết: https://congly.vn/phap-luat/tu-van-phap-luat/ngan-hang-siet-no-du-an-de-xu-ly-no-xau-quyen-loi-nguoi-mua-nha-co-bi-thiet-271984.html

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin