Cụ thể, ngày 25/6, NHNN đã ban hành Thông tư số 08/2024/TT-NHNN quy định về việc quản lý, vận hành và sử dụng Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng Quốc gia. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 8 năm 2024.
Thông tư này quy định việc quản lý, vận hành và sử dụng Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng Quốc gia để thực hiện việc thanh toán và quyết toán giữa các đơn vị tham gia hệ thống thanh toán này bằng đồng Việt Nam (VND), Đô la Mỹ (USD), Đồng tiền chung châu Âu (EUR) và các loại ngoại tệ khác do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước) quyết định trong từng thời kỳ.
Đối tượng áp dụng là các thành viên, đơn vị thành viên của Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng Quốc gia, Đơn vị vận hành Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng Quốc gia, Thành viên chủ trì hệ thống bù trừ điện tử (sau đây viết tắt là BTĐT), các đơn vị liên quan của Ngân hàng Nhà nước.
Tiếp đến, ngày 28/6, NHNN ban hành 5 Thông tư số 09-10-11-12-13.
Cụ thể, Thông tư số 09/2024/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động, hệ thống kiểm soát nội bộ của tổ chức tín dụng, chi nhánh nước ngoài. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.
Thông tư 09 sửa đổi, bổ sung quy định về tổng mức dư nợ cấp tín dụng; đầu tư trái phiếu doanh nghiệp; quản lý cấp tín dụng; ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có nguy cơ mất, mất khả năng chi trả; mua đầu tư trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh; lợi nhuận chưa phân phối,...
Thông tư 09 cũng sửa đổi, bổ sung quy định về đầu tư trái phiếu doanh nghiệp; quản lý cấp tín dụng; tổ chức tín dụng phi ngân hàng có nguy cơ mất khả năng chi trả; mua đầu tư trái phiếu Chính phủ; trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh; lợi nhuận chưa phân phối,...
Thông tư số 10/2024/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 22/2018/TT-NHNN hướng dẫn về thủ tục, hồ sơ chấp thuận danh sách dự kiến nhân sự của ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phi ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.
Trong đó, Thông tư 10 bổ sung Điều 5a vào sau Điều 5 Thông tư số 22/2018/TT-NHNN về đánh giá có đạo đức nghề nghiệp đối với nhân sự dự kiến bầu, bổ nhiệm làm thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng Giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Thông tư số 11/2024/TT-NHNN ngày 28/6/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2021/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 12 tháng 8 năm 2024.
Thông tư 11 yêu cầu doanh nghiệp phát hành phải gửi cho tổ chức tín dụng thông tin về người có liên quan theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng trước thời điểm tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp. Tổng số dư mua trái phiếu doanh nghiệp (bao gồm cả trái phiếu do doanh nghiệp và người có liên quan của doanh nghiệp đó phát hành) được tính vào tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng, đối với một khách hàng và người có liên quan theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng và quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng.
Thông tư số 12/2024/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.
Trong đó, Thông tư quy định tổ chức tín dụng xem xét, quyết định cho vay khi khách hàng có đủ các điều kiện sau đây: Khách hàng là pháp nhân có năng lực pháp luật dân sự theo quy định của pháp luật. Khách hàng là cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật hoặc từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật
Nhu cầu vay vốn để sử dụng vào mục đích hợp pháp;
Có khả năng tài chính để trả nợ;
Có phương án sử dụng vốn khả thi. Điều kiện này không bắt buộc đối với khoản vay cho vay có mức giá trị nhỏ. Khoản vay có giá trị nhỏ được quy định tại Thông tư nay là khoản cho vay theo quy định tại khoản 2, Điều 102 Luật Các tổ chức tín dụng và không vượt quá 100 triệu đồng Việt Nam.
Thông tư số 13/2024/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 32/2015/TT-NHNN ngày 31/12/2015 quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân nhằm hướng dẫn các điều, khoản quy định của Luật Các TCTD được Quốc hội thông qua tháng 1/2024. Thông tư 13/2024/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 12/8/2024.
Thông tư này quy định về các hạn chế, giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân bao gồm: Tỷ lệ an toàn vốn; Tỷ lệ khả năng chi trả; Tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn; Hạn chế, giới hạn cho vay; Tỷ lệ tổng mức nhận tiền gửi so với vốn chủ sở hữu.