Nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), Người Đưa Tin (NĐT) đã có cuộc trao đổi với TS. Trần Công Phàn, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký hội Luật gia Việt Nam, ĐBQH khoá XV xoay quanh các chính sách kinh tế được Quốc hội thông qua cũng như vai trò của Hội Luật gia Việt Nam trong việc tư vấn, phản biện chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thời gian qua.
NĐT: Thưa ông, hiện nay khi đất nước ta càng tham gia sâu vào hội nhập, khát vọng vươn lên càng lớn, thì nền kinh tế càng phải độc lập, tự chủ. Nền kinh tế độc lập, tự chủ phải gắn với xu thế thời đại, bảo đảm hài hòa lợi ích phát triển. Xin ông đánh giá về vai trò cũng như những đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của nước ta?
Phó Chủ tịch Trần Công Phàn: Đến nay, sau thời gian chống dịch, cả nước cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, duy trì được đà tăng trưởng kinh tế; đảm bảo các cân đối lớn; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ; hoạt động đối ngoại tiếp tục được tăng cường.
Trong thành tựu chung đó có sự đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đã vượt qua khó khăn, thách thức, vươn lên phát triển, vị trí, vai trò của doanh nghiệp ngày càng được nâng lên, khẳng định rõ ràng, đầy đủ hơn.
Đại hội XIII của Đảng xác định, phát triển doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh trở thành nòng cốt của kinh tế đất nước. Đó là đòi hỏi nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
NĐT: Vậy theo ông, nền tảng của nền kinh tế độc lập, tự chủ hiện nay là gì?
Phó Chủ tịch Trần Công Phàn: Tôi cho rằng, yếu tố quyết định độc lập, tự chủ của nền kinh tế thị trường trong nước phải là doanh nghiệp Việt, thực lực của các chủ thể kinh tế Việt Nam. Lực lượng doanh nghiệp Việt phải thực sự mạnh và có sức cạnh tranh quốc tế.
Có nghĩa là phải chủ động cải cách bên trong, tăng cường nội lực. Cải cách, đổi mới, mở cửa ra bên ngoài được coi là hai động lực mạnh nhất của nền kinh tế chuyển đổi.
NĐT: Đối với các dự án Luật đã được Quốc hội thông qua như: Luật Đấu thầu; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật Giá… theo ông các dự án Luật này có ý nghĩa như thế nào đối với người dân, doanh nghiệp? Cùng với đó, Hội Luật gia Việt Nam là cơ quan nghiên cứu, xây dựng và phản biện các văn bản pháp luật. Xin ông cho biết, Hội đã xây dựng, đóng góp các văn bản luật trong việc cải cách thể chế nhằm phát huy nội lực kinh tế trong nước như thế nào?
Phó Chủ tịch Trần Công Phàn: Vừa qua, Quốc hội đã thông qua nhiều dự án Luật quan trọng nhằm gỡ những vướng mắc trong thực tiễn thi hành luật, như đối với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, luật thông qua được kỳ vọng sẽ bảo vệ được người tiêu dùng khi thị trường hàng hóa rất đa dạng, cùng với đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh với mục tiêu hướng về người tiêu dùng, bảo vệ người tiêu dùng.
Hay như Luật Đấu thầu cũng đã giúp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đấu thầu. Với những điểm mới được hoàn thiện, bổ sung trong Luật Đấu thầu tôi tin tưởng và hy vọng rằng, lĩnh vực đấu thầu trong thực tế sẽ triển khai đáp ứng phù hợp với thực tế trong nước và thông lệ quốc tế, tạo điều kiện để doanh nghiệp hoạt động nhưng trong khuôn khổ, không vượt rào...
Hội Luật gia Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội- nghề nghiệp, đội ngũ hội viên của Hội rất đông đảo và có trình độ từ Đại học trở lên, đã và đang công tác trong cơ quan pháp luật nên Hội luôn chủ động trong việc tập hợp, lấy ý kiến và tham vấn pháp lý trong việc xây dựng các luật, văn bản pháp luật, bám sát chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội để có những góp ý cụ thể vào từng dự án luật.
Cụ thể, trong năm 2022 Hội đã tổ chức góp ý kiến đối với 20 dự thảo văn bản trong đó có: Luật đất đai, Luật tài nguyên nước, Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật thanh tra (sửa đổi), Luật khám, chữa bệnh (sửa đổi), Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Cảnh sát cơ động; Luật sở hữu trí tuệ; Luật thi đua, khen thưởng; Luật kinh doanh bảo hiểm…
Cùng với đó, Hội tiếp tục cử cán bộ tham gia vào các ban soạn thảo, tổ biên tập nhiều dự án luật và các chương trình, đề án của Chính phủ và các Bộ, ban, ngành. Đặc biệt, đã thành lập Ban chỉ đạo tổ giúp việc thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030”, nhất là những nội dung mà đề án giao cho Hội Luật gia thực hiện hoặc phối hợp thực hiện.
NĐT: Được biết, Hội Luật gia Việt Nam thường xuyên nhận được các văn bản đề nghị, tư vấn pháp luật của các doanh nghiệp. Vậy, ông nhận thấy vấn đề doanh nghiệp vướng nhất hiện nay đó là gì?
Phó Chủ tịch Trần Công Phàn: Doanh nghiệp họ không chuyên về pháp luật, nhưng lại có trách nhiệm làm đúng pháp luật, vì thế trong quá trình thực hiện nếu doanh nghiệp có vướng mắc về vấn đề pháp luật thì Hội Luật gia có thể hỗ trợ, cùng doanh nghiệp nghiên cứu tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, nhất là những vướng mắc từ phía pháp luật. Qua đó, có thể đề xuất để hoàn thiện pháp luật, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho các doanh nghiệp hoạt động.
Ngoài ra, Hội Luật gia Việt Nam được giao nhiệm vụ xây dựng Báo cáo nghiên cứu, rà soát Luật Trọng tài thương mại. Thực hiện nhiệm vụ nói trên, Hội Luật gia Việt Nam đã thành lập Ban Biên tập, ban hành Kế hoạch xây dựng báo cáo; tổ chức các hoạt động nghiên cứu, thu thập tài liệu; tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm. Báo cáo đã được lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia, nhà khoa học, các Trung tâm Trọng tài thương mại, trọng tài viên và các cơ quan, tổ chức hữu quan.
Hiện nay, Trung ương Hội Luật gia Việt Nam đang xây dựng hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Trọng tài Thương mại. Dự kiến vào Quý IV năm 2023 sẽ báo cáo các cơ quan có thẩm quyền, Ban chỉ đạo cải cách tư pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Chúng tôi kỳ vọng việc sửa đổi, bổ sung Luật Trọng tài thương mại sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng, thuận lợi hơn trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại.
NĐT: Theo ông, các cấp, các ngành cần phải làm gì để gỡ vướng cho các doanh nghiệp Việt, giúp cho doanh nghiệp Việt ngày càng phát triển, đạt được mục tiêu tăng trưởng như Chính phủ đã đề ra?
Phó Chủ tịch Trần Công Phàn: Thực tế trong những năm gần đây, tuy điều kiện thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng tương đối tốt, vị thế của Việt Nam trên thế giới đã thực sự thay đổi. Việt Nam được quốc tế đánh giá cao về việc đổi mới mô hình tăng trưởng, luôn nằm trong nhóm những nước có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, là hình mẫu trong xóa đói giảm nghèo… Điều đó có sự nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp, cùng với đó là sự quan tâm của Đảng và Nhà nước.
Từ đầu năm đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt, tập trung chỉ đạo, ban hành nhiều cơ chế, chính sách trên tất cả các lĩnh vực, nỗ lực duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, tháo gỡ các điểm nghẽn của nền kinh tế.
Đơn cử, về chính sách tài khóa, tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất, miễn giảm thuế, phí, lệ phí với tổng quy mô khoảng 200.000 tỷ đồng; quy định chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) trong 6 tháng cuối năm.
Tôi cho rằng, mọi chính sách phải hướng đến người dân, doanh nghiệp, có những chính sách đúng tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp để họ có điều kiện thuận lợi nhất vừa phát triển kinh tế vĩ mô vừa giữ được bình ổn. Do đó, để doanh nghiệp Việt ngày càng phát triển, đạt được các mục tiêu tăng trưởng, theo tôi cần:
Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô. Tiếp tục triển khai các giải pháp, chính sách kích cầu tiêu dùng, phát triển mạnh thị trường trong nước, tăng cường kết nối cung - cầu hàng hóa; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng hơn, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm…
Tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành; khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong giải quyết công việc.
Sớm hoàn thiện các quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; có cơ chế, chính sách xử lý các trường hợp các bộ đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm.
Đồng thời, cần rà soát lại những vướng mắc, khó khăn từ chính sách, pháp luật. Nếu tốt thì cần phát huy còn vướng thì bổ sung, sửa đổi để tạo cơ sở pháp lý cho các doanh nghiệp hoạt động thuận lợi nhất.
NĐT: Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV tới đây, dự kiến sẽ thông qua Luật Đất đai (sửa đổi). Với việc thông qua dự án Luật này, ông có kỳ vọng thế nào trong việc gỡ vướng chính sách cho các doanh nghiệp phát triển?
Phó Chủ tịch Trần Công Phàn: Phó Chủ tịch Trần Công Phàn: Có thể nói rằng, những năm gần đây nhiều tranh chấp, nhiều vụ án dân sự, kinh tế, hình sự có nguyên nhân từ đất đai. Tại kỳ họp thứ 4, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV đã bàn đến dự án Luật Đất đai (sửa đổi), dự kiến sẽ thông qua dự án Luật này tại kỳ họp thứ 6.
Trong chương trình hành động tranh cử ĐBQH khóa XV tôi cũng rất quan tâm đến việc sửa đổi Luật Đất đai. Vì thế, tôi cũng dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu, đề xuất những nội dung liên quan đến sửa đổi, bổ sung.
Sắp tới đây, khi Luật Đất đai được thông qua sẽ khắc phục được những vấn đề bất cập, hạn chế. Đồng thời, giải quyết được những vướng mắc, khó khăn về phía cộng đồng doanh nghiệp.
NĐT: Như ông chia sẻ, mọi chính sách đều hướng đến người dân và doanh nghiệp, dành những lời chúc đến cộng đồng doanh nghiệp Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam ông muốn nhắn nhủ điều gì?
Phó Chủ tịch Trần Công Phàn: Doanh nghiệp là lực lượng rất quan trọng trực tiếp làm ra của cải vật chất, đóng góp vào sự phát triển chung của kinh tế đất nước. Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, thay mặt giới luật gia những người làm công tác pháp luật, xin chúc cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục phát triển kinh doanh theo đúng tinh thần pháp luật. Bên cạnh đó, luôn luôn có sự năng động, sáng tạo để phát huy tạo ra nhiều của cải, vật chất, tạo công ăn việc làm cho người lao động... Với vai trò của Hội Luật gia, nếu doanh nghiệp gặp khó khăn, vướng mắc chúng tôi luôn sẵn sàng chia sẻ, đóng góp để cùng doanh nghiệp tháo gỡ.
NĐT: Xin trân trọng cảm ơn ông!