Minh bạch báo cáo tài chính: bài học pháp lý cho các doanh nghiệp niêm yết

23/12/2023 17:28

(Pháp lý) – Theo dõi thị trường chứng khoán thời gian qua cho thấy, không ít trường doanh nghiệp niêm yết thiếu minh bạch trong thông tin báo cáo tài chính (BCTC) bị tổ chức kiểm toán không chấp nhận kiểm toán, từ chối đưa ra ý kiến hoặc có ý kiến kiểm toán ngoại trừ… dẫn đến việc doanh nghiệp bị phạt thậm chí bị huỷ niêm yết bắt buộc.

1-1663250362.png
 

Báo cáo tài chính thiếu minh bạch, doanh nghiệp có thể bị huỷ niêm yết bắt buộc.

Báo cáo tài chính của không ít doanh nghiệp niêm yết bị kiểm toán soi ra lỗi

Điển hình như trường hợp công ty kiểm toán AASCS đưa ra ý kiến ngoại trừ đối với BCTC Công ty cổ phần Đầu tư và công nghiệp Tân Tạo (mã chứng khoán: ITA) liên quan đến khoản uỷ thác đầu tư giữa Tân Tạo và Chủ tịch Hội đồng quản trị Đặng Thị Hoàng Yến.

Trong báo cáo Công ty cổ phần Đầu tư và công nghiệp Tân Tạo mới công bố ngày 14/9, AASCS đưa ra ý kiến ngoại trừ về hai khoản mục liên quan đến vấn đề này.

Thứ nhất, khoản tiền 314 tỷ đồng được Tân Tạo ghi nhận vào mục "đầu tư góp vốn vào đơn vị khác" theo dạng uỷ thác cho bà Yến là chưa phù hợp vì không có đầy đủ bằng chứng và bà Yến cũng chưa xác nhận đã nhận tiền.

Thứ hai, khoản uỷ thác đầu tư cho bà Yến phát sinh trong sáu tháng đầu năm nay được chi bằng tiền mặt 223 tỷ đồng nên kiểm toán không đủ cơ sở kiểm chứng nghiệp vụ này.

Đáng lưu ý trước đó, Công ty cổ phần Đầu tư và công nghiệp Tân Tạo từng bị  Ernst & Young Việt Nam - một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu, từ chối ký hợp đồng kiểm toán vì những vấn đề lùm xùm liên quan đến khoản uỷ thác đầu tư giữa Tân Tạo và Chủ tịch Hội đồng quản trị Đặng Thị Hoàng Yến.

Cụ thể, trong BCTC được phát hành vào cuối tháng 7, Tân Tạo hạch toán khoản chi tạm ứng hơn 1.900 tỷ đồng cho bà Đặng Thị Hoàng Yến - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo - để tham gia dự án tại Mỹ. Đây là dự án mà Tân Tạo tham gia đầu tư khu công nghệ và dược phẩm.

Nhưng, sau đó hơn một tuần, Tân Tạo lại đính chính số liệu trên BCTC, cho biết đã "hạch toán sai". Trong bản báo cáo mới, Tân Tạo cho biết chỉ cho bà Yến tạm ứng với số tiền 633 tỷ đồng, không phải 1.936 tỷ đồng như đã công bố trước đó (thấp hơn 1.304 tỷ đồng).

2-1663250370.jpg
 

Hậu kiểm toán bán niên 2022, nhiều doanh nghiệp niêm yết đã chứng kiến sự thay đổi lớn về lợi nhuận, có doanh nghiệp còn chuyển từ lãi thành lỗ (Ảnh minh hoạ)

Đáng lưu ý, nhiều trường hợp BCTC sau kiểm toán lợi nhuận bị giảm thậm chí có doanh nghiệp còn chuyển từ lãi thành lỗ, cùng với đó doanh nghiệp còn bị kiểm toán nghi ngờ về khả năng tiếp tục hoạt động như trường hợp của CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS). Cụ thể, sau soát xét, BCTC bán niên năm 2022 cho thấy lợi nhuận sau thuế (LNST) của SHS nửa đầu năm âm 68,2 tỷ đồng, giảm 649 tỷ đồng so với cùng kỳ là 580,8 tỷ đồng, trong khi BCTC tự lập có mức lãi gần 32,2 tỷ đồng. Theo đó, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã loại cổ phiếu SHS khỏi danh sách được giao dịch ký quỹ (margin) và cắt margin từ ngày 23/8.

Tương tự, sau soát xét, CTCP Cung ứng và Dịch vụ Kỹ thuật Hàng Hải (MAC) cũng ghi nhận doanh thu thuần giảm 18% so với cùng kỳ, đạt hơn 36,7 tỷ đồng và lỗ ròng hơn 4,4 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ hơn 5,4 tỷ đồng), trong khi báo cáo tự lập lãi gần 130 triệu đồng. Qua đó, nâng tổng lỗ lũy kế đến ngày 30/6/2022 lên hơn 30 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tại BCTC soát xét bán niên 2022 của MAC, đơn vị kiểm toán đã đưa ra ý kiến ngoại trừ liên quan đến kết quả hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa công ty với CTCP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Motachi.

Đơn vị kiểm toán cũng lưu ý trong kỳ kế toán kết thúc ngày 30/6/2022, doanh nghiệp tiếp tục bị lỗ hơn 4,4 tỷ đồng và lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 3,5 tỷ đồng.

Ngoài ra, tại ngày 30/6, MAC đang có lỗ lũy kế hơn 30 tỷ đồng. Những điều kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty…

Thực tế, tình trạng chênh lệch lớn giữa số liệu trên BCTC tự lập và sau kiểm toán một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng tới tính minh bạch của thị trường chứng khoán, đây luôn là vấn đề nóng trên thị trường chứng khoán sau mỗi kỳ BCTC kiểm toán của các doanh nghiệp niêm yết được công bố.

Theo nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán, việc chênh lệch số liệu BCTC trước và sau kiểm toán có thể do vô tình sai sót, nhưng cũng có thể do cố tình gian lận số liệu trên báo cáo tự lập nhằm đạt một mục tiêu nào đó như để phát hành cổ phiếu, huy động vốn vay, hoặc vì lợi ích tổ chức, cá nhân có liên quan.

Giá trị của Báo cáo kiểm toán ?

Theo quy định tại Điều 7 Luật Kiểm toán độc lập thì Báo cáo kiểm toán có giá trị: đánh giá tính trung thực và hợp lý của BCTC, phù hợp với chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ban hành; đánh giá việc tuân thủ pháp luật, quy chế, quy định trong quản lý, sử dụng tiền, tài sản và các nguồn lực khác của đơn vị được kiểm toán; đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý, sử dụng tiền, tài sản và các nguồn lực khác của đơn vị được kiểm toán.

Báo cáo kiểm toán được sử dụng để: Cổ đông, nhà đầu tư, bên tham gia liên doanh, liên kết, khách hàng và tổ chức, cá nhân khác có quyền lợi trực tiếp hoặc liên quan đến đơn vị được kiểm toán xử lý các quan hệ về quyền lợi và nghĩa vụ của các bên có liên quan; Cơ quan nhà nước quản lý điều hành theo chức năng, nhiệm vụ được giao; Đơn vị được kiểm toán phát hiện, xử lý và ngăn ngừa kịp thời sai sót, yếu kém trong hoạt động của đơn vị.

Các loại ý kiến được đưa ra trong báo cáo kiểm toán gồm: Ý kiến chấp nhận toàn phần; Ý kiến chấp nhận từng phần; Ý kiến từ chối (hoặc không thể đưa ra ý kiến); Ý kiến không chấp nhận (hoặc ý kiến trái ngược).

Hệ lụy của BCTC thiếu minh bạch và bài học đắt giá cho doanh nghiệp niêm yết

Trên thị trường chứng khoán, BCTC dùng để cung cấp thông tin về tình hình tài chính, tình hình kinh doanh, các luồng tiền… của doanh nghiệp để đáp ứng  nhu cầu tiếp cận thông tin của các nhà đầu tư, từ đó đưa ra quyết định đầu tư.

Tuy nhiên, thực tế có nhiều trường hợp BCTC của một số doanh nghiệp có sự chênh lệch lớn giữa số liệu lợi nhuận trước và sau kiểm toán gây ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư vào tính minh bạch của doanh nghiệp niêm yết.

Đáng lưu ý, không ít trường hợp doanh nghiệp rơi vào tình thế khó khăn sau kiểm toán, khi phải điều chỉnh giảm lợi nhuận so với BCTC tự lập khiến doanh nghiệp đối diện với khả năng bị phạt thậm chí bị huỷ niêm yết bắt buộc gây thiệt hại cho chính doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Trên thị trường chứng khoán, đã có không ít trường hợp doanh nghiệp bị xử phạt thậm chí bị hủy niêm yết bắt buộc vì những vấn đề thuộc phạm vi BCTC. Điển hình như mới đây nhất, Công ty cổ phần Louis Land (HNX: BII) đã bị phạt tới 200 triệu đồng hay Công ty CP One Capital Hospitality (HNX: OCH) cũng bị phạt 150 triệu đồng do công bố thông tin sai lệch trong BCTC tự lập với báo cáo soát xét.

Trong quá khứ, hàng loạt các doanh nghiệp do lập BCTC sai lệch so với báo cáo kiểm toán cũng đã phải nộp phạt như Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HNG), Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (HOSE: CII), Công ty CP Camimex Group (HOSE: CMX)...

Theo quy định pháp luật về chứng khoán hiện hành, một công ty niêm yết có thể bị hủy niêm yết bắt buộc nếu như tổ chức kiểm toán không chấp nhận kiểm toán, có ý kiến trái ngược, từ chối đưa ra ý kiến hoặc có ý kiến kiểm toán ngoại trừ trong ba năm liên tiếp.

Điều đáng nói, doanh nghiệp thiếu trung thực trong BCTC tự lập có thể bị tổ chức kiểm toán đưa ra các ý kiến bất lợi trong báo cáo kiểm toán như có ý kiến trái ngược, từ chối đưa ra ý kiến hoặc có ý kiến kiểm toán ngoại trừ… điều này sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của chính doanh nghiệp niêm yết.

Thậm chí doanh nghiệp niêm yết còn có thể bị tổ chức kiểm toán từ chối kiểm toán khiến doanh nghiệp rơi vào tình thế vô cùng khó khăn. Điển hình như trường hợp của Công ty cổ phần Đầu tư và công nghiệp Tân Tạo bị  Ernst & Young Việt Nam, một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu, từ chối ký hợp đồng kiểm toán khiến doanh nghiệp này liên tục phải đệ đơn lên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM để xin gia hạn thời nộp BCTC có kiểm toán.

3-1663250370.jpg
 

Tập đoàn Tân Tạo từng bị Ernst & Young Việt Nam - một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu, từ chối ký hợp đồng kiểm toán vì những vấn đề lùm xùm liên quan đến khoản uỷ thác đầu tư giữa Tân Tạo và Chủ tịch Hội đồng quản trị Đặng Thị Hoàng Yến.

Không chỉ riêng Tân Tạo bị công ty kiểm toán từ chối, trước đó một loạt công ty liên quan đến Tập đoàn FLC cũng không thể nộp BCTC do công ty kiểm toán từ chối kiểm toán.

Tính đến nay, 7 công ty liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết đều bị xử lý vi phạm về công bố thông tin. Trước đó, HoSE huỷ niêm yết cổ phiếu ROS của Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros từ ngày 5/9. Cơ quan quản lý thị trường sau đó đình chỉ giao dịch cổ phiếu FLC của Tập đoàn FLC và HAI của Công ty cổ phần Nông dược HAI, đồng thời cảnh báo cổ phiếu GAB của Công ty cổ phần Đầu tư khai khoáng và quản lý tài sản FLC.

Mới đây nhất, sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) sáng nay thông báo đưa cổ phiếu AMD của Công ty cổ phần Đầu tư và khoáng sản FLC Stone vào diện cảnh báo từ ngày 21/9. Lý do là doanh nghiệp này chậm nộp BCTC bán niên đã soát xét.

Tương tự, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) hôm qua cũng đưa cổ phiếu ART của Công ty cổ phần Chứng khoán BOS và KLF của Công ty cổ phần Đầu tư thương mại xuất nhập khẩu CFS vào diện cảnh báo.

Trong văn bản giải trình gửi HoSE, lãnh đạo các công ty này cho biết đang "nỗ lực hết sức" để khắc phục vi phạm. Họ cùng đối mặt khó khăn là đã liên hệ, thuyết phục nhiều đơn vị kiểm toán nhưng đều bị từ chối hợp tác "vì lý do khách quan liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, điều tra về việc thao túng thị trường chứng khoán".

Khuyến cáo đối với các doanh nghiệp niêm yết

Việc minh bạch thông tin BCTC là yêu cầu bắt buộc đối với mọi doanh nghiệp chứ không chỉ riêng doanh nghiệp niêm yết. Việc BCTC thiếu minh bạch, sai sót sẽ khiến doanh nghiệp rơi vào tình thế khó khăn, bị phạt thậm chí bị huỷ niêm yết bắt buộc gây thiệt hại cho cho chính doanh nghiệp gây ra xáo trộn trên thị trường chứng khoán và nếu không sớm được khắc phục, xử lý sẽ làm mất niềm tin của nhà đầu tư vào tính minh bạch của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán.

Do đó, để hạn chế những sai sót trong BCTC và tránh những bất lợi cho chính doanh nghiệp đòi hỏi các nhà quản lý doanh nghiệp cần nâng cao hơn nữa nhận thức về vai trò của chất lượng thông tin BCTC; am hiểu và kiểm soát được thông tin tài chính của đơn vị mình; xây dựng một môi trường văn hóa chú trọng đến sự liêm chính, đạo đức nghề nghiệp; kế toán trong các doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm các quy định, chuẩn mực kế toán để vận dụng một cách hợp lý vào thực tế công tác kế toán tại doanh nghiệp.

Đồng thời, nâng cao hiệu quả hệ thống kiểm soát nội bộ trong doanh nghiệp thông qua hoàn thiện môi trường kiểm soát; đánh giá rủi ro; thiết lập hệ thống thông tin, truyền thông và thực hiện giám sát, đánh giá chất lượng kiểm soát nội bộ nhằm đảm bảo việc kiểm soát được triển khai, điều chỉnh và cải thiện liên tục góp phần gia tăng chất lượng thông tin BCTC.

Tình trạng sai sót BCTC còn có thể do cố tình gian lận số liệu trên báo cáo nhằm đạt một mục đích nào đó như để phát hành cổ phiếu, huy động vốn… thậm chí là lừa đảo. Do đó, để ngăn chặn trường hợp cố tình gian lận đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường hoàn thiện hệ thống pháp lý về kế toán, kiểm toán, công bố thông tin theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế, cũng như đẩy mạnh các hoạt động thanh, kiểm tra, nhằm nâng cao chất lượng BCTC đấu tranh có hiệu quả với hành vi gian lận BCTC.

Đặc biệt, cần hoàn thiện khuôn khổ pháp luật kiểm toán, tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả, chất lượng của kiểm toán độc lập. Có chế tài xử phạt nghiêm khắc với những doanh nghiệp  có hành vi vi phạm về công bố thông tin BCTC không trung thực và cả công ty kiểm toán mà BCTC họ kiểm toán bị phát hiện không trung thực.                                Nếu kiểm toán viên vi phạm pháp luật (như cố ý làm sai qui định, thông đồng bao che cho người phạm lỗi, dùng thủ thuật nghiệp vụ để che dấu sai sót, nhận hối lộ, báo cáo kiểm toán thiếu khách quan trung thực...) thì tuỳ theo mức độ nặng nhẹ có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán, chứng chỉ kiểm toán viên, Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán, đình chỉ đăng ký hành nghề hoặc cấm tham gia hoạt động kiểm toán độc lập. (Điều 60, Luật Kiểm toán độc lập).

Đinh Chiến - Bùi Lộc
Bạn đang đọc bài viết "Minh bạch báo cáo tài chính: bài học pháp lý cho các doanh nghiệp niêm yết" tại chuyên mục Kinh nghiệm pháp lý. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin