Miễn nhiệm chức danh lãnh đạo Tập đoàn kinh tế tư nhân “soi chiếu” với Luật Doanh nghiệp

(Pháp lý) - Năm 2015, là thời điểm bắt đầu xảy ra những mâu thuẫn trong nội bộ Trung Nguyên Group với việc kiện ly hôn của vợ chồng nhà sáng lập thương hiệu cà phê nổi tiếng thế giới. Một năm sau đó quyết định miễn nhiệm chức danh Phó tổng giám đốc điều hành của bà Lê Hoàng Diệp Thảo được ông Đặng Lê Nguyên Vũ ký với tư cách Chủ tịch Hội đồng quản trị. Xen kẽ giữa hàng loạt vụ kiện về tranh chấp quyền lực, hai vợ chồng vua cà phê còn đối đầu với nhau ở rất nhiều phiên tòa khác như ly hôn, tranh đoạt con dấu, nhà máy… Đến nay các vụ kiện này vẫn chưa có hồi kết.

Vụ tranh chấp, kiện tụng của hai vợ chồng “vua cà phê” Trung Nguyên kéo dài hơn  3 năm nay chưa có hồi kết
Vụ tranh chấp, kiện tụng của hai vợ chồng “vua cà phê” Trung Nguyên kéo dài hơn 3 năm nay chưa có hồi kết)

Hy hữu vợ kiện chồng vì bị “miễn nhiệm” quyền điều hành Tập đoàn

Đỉnh điểm của vụ việc là ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã tổ chức các cuộc họp Hội đồng quản trị và đưa ra quyết định miễn nhiệm chức danh Phó Tổng Giám đốc điều hành của bà Lê Hoàng Diệp Thảo.

Chức danh Phó Tổng Giám đốc thường trực là chức danh quản lý quan trọng của Công ty được bà Thảo nắm giữ liên tục từ ngày 08/5/2006. Với chức danh này, bà Thảo đã thay mặt Tổng Giám đốc thực hiện việc quản lý điều hành Tập đoàn Trung Nguyên.

Bản án sơ thẩm được TAND TP.HCM tuyên ngày 22/9/2017 đã nhận định: Quyết định bãi nhiệm bà Thảo do ông Đặng Lê Nguyên Vũ ký với tư cách Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trung Nguyên không theo quy định của Luật Doanh nghiệp cũng như Điều lệ Tập đoàn Trung Nguyên, không có điều khoản nào quy định Chủ tịch Hội đồng quản trị có thẩm quyền miễn nhiệm, bãi nhiệm đối với các cán bộ quản lý quan trọng của Công ty (Căn cứ điểm h, khoản 2 Điều 108 Luật Doanh nghiệp năm 2005 và khoản 23.2 Điều 23 Điều lệ Tập đoàn Trung Nguyên quy định Hội đồng quản trị mới có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Giám đốc (Tổng Giám đốc) và cán bộ quản lý quan trọng khác của Công ty...). Từ đó, TAND TP.HCM kết luận Quyết định bãi nhiệm số 01 do ông Vũ ký ngày 13/4/2015 với tư cách Chủ tịch Hội đồng quản trị là trái với các quy định của pháp luật.

Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm đã buộc Tập đoàn Trung Nguyên không được ngăn cấm, cản trở bà Thảo tham gia điều hành, quản lý Công ty với tư cách là một thành viên Hội đồng quản trị và thành viên Ban điều hành Tập đoàn Trung Nguyên. Cũng tại bản án sơ thẩm nói trên, HĐXX chấp nhận một phần yêu cầu của bà Lê Hoàng Diệp Thảo và tuyên hủy bỏ quyết định bãi nhiệm chức danh Phó Tổng Giám đốc thường trực của bà Lê Hoàng Diệp Thảo do ông Đặng Lê Nguyên Vũ ký với tư cách Chủ tịch HĐQT của CTCP Tập đoàn Trung Nguyên; khôi phục lại chức danh Phó Tổng Giám đốc thường trực của bà Thảo.

Sau đó, tháng 9/2018 vừa qua, HĐXX cấp phúc thẩm đã tuyên y án sơ thẩm.

Luật sư phân tích các khía cạnh pháp lý của vụ kiện

image003Trong diễn biến mới đây nhất, ngay trong ngày 21/09/2018 – thời điểm sau khi phiên tòa phúc thẩm bác đơn kháng cáo của Tập đoàn Trung Nguyên và ông Đặng Lê Nguyên Vũ, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã lấy tư cách Tổng Giám đốc ký Quyết định số 06/2018/QĐBN-TGĐ về việc “Bãi nhiệm chức vụ Phó Tổng Giám đốc thường trực Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên của bà Lê Hoàng Diệp Thảo”. Theo Tập đoàn Trung Nguyên, Quyết định này được ký căn cứ theo Luật Doanh nghiệp năm 2014 (nhưng không nói rõ căn cứ Điều, Khoản nào) và căn cứ vào quyền và nghĩa vụ của chức danh Tổng Giám đốc của ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Như vậy, điểm khác biệt của Quyết định này so với Quyết định lần trước là, ông Vũ ký với tư cách Tổng Giám đốc. Trong khi đó, bản án của tòa chỉ yêu cầu “hủy bỏ quyết định bãi nhiệm chức danh Phó Tổng Giám đốc thường trực của bà Lê Hoàng Diệp Thảo do ông Đặng Lê Nguyên Vũ ký với tư cách Chủ tịch HĐQT của CTCP Tập đoàn Trung Nguyên.”

Phân tích các khía cạnh pháp lý của vụ kiện, Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật (Giám đốc Công ty Luật hợp danh Đông Nam Á) thông tin: đây là vụ kiện không mới (trước đó đã có không ít các vụ kiện tranh chấp trong nội bộ các Công ty được Tòa án thụ lý giải quyết). Nhưng vụ kiện ở Trung Nguyên được xã hội quan tâm nhiều bởi nguyên đơn và bị đơn đều là những người nổi tiếng trên thương trường.

“Soi” các khía cạnh pháp lý của hai quyết định do ông chủ Trung Nguyên ký, Luật sư Thuật phân tích, để có thể đánh giá tính đúng sai của các quyết định này, cần căn cứ Điều lệ hợp pháp của Công ty Trung Nguyên và Luật Doanh nghiệp có hiệu lực tại thời điểm ban hành Quyết định.

Trong Điều lệ Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên phải có quy định các chức danh quản lý, thẩm quyền bầu, bổ nhiệm, bãi nhiệm hay miễn nhiệm…

Việc ông Vũ tiếp tục lấy tư cách Tổng Giám đốc miễn nhiệm chức vụ bà Thảo có đúng pháp luật không khi bản án phúc phẩm có hiệu lực pháp luật, chúng ta cần xem xét Điều lệ Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên xem người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp này là người nào, giữ chức vụ gì, vì theo Điều 13, Điều 134 Luật Doanh nghiệp 2014 thì Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc/Tổng Giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty hoặc cả hai cùng là người đại diện theo pháp luật của Công ty (Điều 116 Luật Doanh nghiệp 2005).

Tiếp theo căn cứ Điều lệ Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên xác định xem ai, chức danh nào trong Công ty có thẩm quyền bầu, miễn nhiệm chức danh Phó Tổng Giám đốc Công ty. Nếu Điều lệ Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên không có quy định khác luật, thì:

- Căn cứ khoản 2 Điều 149 Luật Doanh nghiệp 2014, Hội đồng quản trị có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, ký hợp đồng, chấm dứt hợp đồng đối với Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc và người quản lý quan trọng khác do Điều lệ Công ty quy định.

- Hoặc căn cứ điểm đ khoản 3 Điều 157 Luật Doanh nghiệp 2014, Giám đốc/Tổng Giám đốc Công ty có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức danh quản lý trong Công ty, trừ các chức danh thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị.

Luật sư Thuật phân tích sâu hơn: hiểu một cách đơn giản, nếu Điều lệ Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên không có quy định khác luật và không quy định chức danh Phó Tổng Giám đốc là “người quản lý quan trọng khác” theo Điều 149 Luật Doanh nghiệp 2014 thì thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm chức danh Phó Tổng Giám đốc của bà Thảo thuộc thẩm quyền của Giám đốc/Tổng Giám đốc Công ty.

Theo thông tin trên báo chí, Quyết định miễn nhiệm bà Lê Hoàng Diệp Thảo của Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên nhân danh Hội đồng quản trị đã bị Toà án huỷ do sai thẩm quyền. Cũng theo thông tin báo chí mới nhất thì bà Thảo lại bị miễn nhiệm, quyết định miễn nhiệm sau này do Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên ký và nếu Điều lệ của họ không có quy định khác luật, khi đó theo quan điểm của tôi, Quyết định mới phù hợp điểm đ khoản 3 Điều 157 Luật Doanh nghiệp 2014.

Đánh giá chung vụ việc, Luật sư Thuật nêu quan điểm: việc bà Thảo đấu tranh để bảo vệ chức danh Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên là bất khả thi vì Tập đoàn, cụ thể là Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên có quyền và có thể liên tục đưa ra các quyết định phù hợp Điều lệ và Luật Doanh nghiệp.

Thành Chung

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin