M&A tại Việt Nam trong kỷ nguyên Covid-19: Cơ hội để dẫn dắt các nhà đầu tư Mỹ

Ông Alex Feldman, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (US-ABC) từng nhận định, Việt Nam là một điểm sáng về đầu tư cho các doanh nghiệp nước ngoài vài năm trở lại đây, trong đó có các doanh nghiệp đến từ Mỹ.

Ảnh minh họa

Chờ đợi cơ hội từ các nhà đầu tư Mỹ

Giới đầu tư toàn cầu đang hồi hộp nín thở chờ đợi kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Thậm chí mọi kế hoạch đầu tư phải chững lại, đợi sau bầu cử khoảng 2 tháng mới nhìn thấy động tĩnh.

Tâm lý chung đó khiến thị trường M&A toàn cầu đang nghe ngóng, nhiều thương vụ thay đổi so với dự kiến ban đầu.

Thực tế, tình hình không đến mức quá trầm lắng, khi phần lớn các giao dịch được ký kết trước đại dịch Covid-19 đã diễn ra tốt đẹp. Một số dự án quan trọng, quy mô lớn tới vài tỷ USD thì người mua cân nhắc thương lượng lại giá cả, chờ cơ hội đàm phán được giá rẻ hơn.

Chẳng hạn, trường hợp của tập đoàn hàng hiệu LVMH (Pháp) và dự án mua lại hãng kim hoàn Tiffany (Mỹ) với giá 16 tỷ USD, dự kiến hoàn tất vào ngày 24/8. Tuy nhiên, sau một số lùm xùm, hai bên hoãn lại đến quý I/2021. Trong khi đó, ông chủ của chuỗi cửa hàng 7-Eleven (Nhật Bản) lại quyết định mua lại hệ thống trạm xăng Speedway (Mỹ) với giá 21 tỷ USD.

Dự án mua lại hãng kim hoàn Tiffany (Mỹ) với giá 16 tỷ USD bởi tập đoàn LVMH

Nằm chung trong diễn biến đó, giới đầu tư trong nước cho rằng, nếu Việt Nam biết nắm bắt cơ hội sẽ vươn lên nhanh chóng để đón dòng vốn trên toàn cầu thời gian tới, trong đó không hiếm các nhà đầu tư đình đám đến từ Mỹ.

Trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các nhà đầu tư nước ngoài không thể thực hiện hoạt động tìm hiểu hay xúc tiến cuộc đàm phán mua bán cổ phần trực tiếp với doanh nghiệp Việt Nam, mà chủ yếu họ theo dõi, phân tích các cơ hội đầu tư gián tiếp vào các doanh nghiệp lớn đã niêm yết trên sàn chứng khoán.

Cùng với gia tăng mua bán - sáp nhập, các doanh nghiệp Mỹ đang tích cực tìm cơ hội đầu tư trực tiếp ở những lĩnh vực có thế mạnh như công nghệ, thiết bị điện tử, dược phẩm…

“Đây là cơ hội cho các nhà đầu tư đang có mặt tại Việt Nam như chúng tôi”, ông Andy Ho, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư VinaCapital cho biết.

Có một thực tế, các quỹ đầu tư trong nước chỉ thực hiện những thương vụ trị giá dưới 100 triệu USD, còn lớn hơn thì sẽ luôn được dẫn dắt bởi các nhà đầu tư tư nhân lớn trên thế giới có nguồn gốc từ Mỹ như Warburg Pincus, Kohlberg Kravis Roberts (KKR) và Texas Pacific Group (TPG)…

Minh chứng, hồi tháng 6/2020, nhóm nhà đầu tư được dẫn dắt bởi KKR, trong đó có Temasek, những tổ chức đầu tư quen thuộc tại thị trường Việt Nam, chi hơn 15.000 tỷ đồng sở hữu 6% vốn điều lệ Vinhomes, trở thành cổ đông ngoại lớn thứ hai sau GIC.

Theo ông Andy Ho, nhà đầu tư Mỹ đều là những nhà đầu tư lớn, nguồn vốn rất dồi dào nên thường chỉ tập trung trao đổi về những cơ hội hay dự án lớn, như các lĩnh vực về kết cấu hạ tầng và các tập đoàn nhà nước đầu ngành trong lĩnh vực dầu khí, hàng không, năng lượng, công nghệ thông tin, dịch vụ tài chính ngân hàng. Đến thời điểm này, ngoài các ngành thế mạnh đó, thì nhà đầu tư Mỹ nhắm cả các ngành công nghiệp chế tạo, công nghiệp nhẹ, dịch vụ, y tế, nông nghiệp, 5G…

Tổ chức Euromonitor cho biết, động lực của các thương vụ M&A tại Việt Nam đến từ việc các doanh nghiệp phương Tây rút khỏi Trung Quốc để tránh những rủi ro đến từ thương chiến Mỹ - Trung. Việt Nam là một điểm đến tiềm năng nhờ vào thị trường tiêu thụ rộng lớn sau khi liên tục tham gia các hiệp định thương mại.

Vươn mình để trở thành điểm sáng đầu tư

“Khẩu vị” của nhà đầu tư thay đổi đáng kể do tác động của Covid-19, song đây là cơ hội tốt cho các bên khi tham gia thị trường M&A, tái cấu trúc và thay đổi mô hình kinh doanh.

Dữ liệu từ Euromonitor cho thấy, trong giai đoạn 2015 - 2019, Trung Quốc và Mỹ là hai thị trường M&A năng động nhất thế giới. Song, bối cảnh kinh tế mới của thế giới đang thay đổi, cũng như quá trình cải cách kinh tế, chính trị trong nước sẽ giúp khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam tăng trưởng về đầu tư, trở thành địa điểm hấp dẫn cho hoạt động M&A ngày càng gia tăng.

Euromonitor cũng đánh giá, Việt Nam trong nhóm các thị trường có triển vọng mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) tích cực cùng với Đài Loan, Ả rập Xê út, Philippines…Tổ chức này còn dự báo Việt Nam sẽ giữ vị trí trong Top 20 quốc gia có chỉ số đầu tư M&A cao nhất năm 2021.

Thực tế, môi trường M&A đã thay đổi trong suốt 5 năm qua, các thương vụ ghi nhận sự dịch chuyển trong cấu trúc và trọng tâm. Ông Alex Feldman, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (US-ABC) từng nhận định, Việt Nam là một điểm sáng về đầu tư cho các doanh nghiệp nước ngoài vài năm trở lại đây, trong đó có các doanh nghiệp đến từ Mỹ.

Ông cũng tiết lộ, hiện nhiều công ty công nghệ tại thung lũng Silicon đã có kế hoạch chuyển hướng đầu tư sản xuất thiết bị điện tử về Việt Nam, có thể bằng hình thức đầu tư trực tiếp hoặc thông qua bên thứ ba. Đây là lĩnh vực mà các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội trở thành đối tác M&A.

Điều kiện kinh tế ảm đạm trên toàn cầu đang cho những nhà đầu tư một lợi thế khi nhiều doanh nghiệp có kế hoạch M&A sẽ chấp nhận “bán mình” với giá phải chăng.

Rõ ràng, để thu hút các khoản đầu tư chất lượng từ Mỹ, Việt Nam còn nhiều việc phải làm nếu không muốn để vuột mất một cơ hội lớn.

Theo doanhnghiephoinhap.vn

Nguồn bài viết: http://doanhnghiephoinhap.vn/m-a-tai-viet-nam-trong-ky-nguyen-covid-19-co-hoi-de-dan-dat-cac-nha-dau-tu-my.html

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin