“Lùm xùm” xuất khẩu gạo và những bất cập khi thực thi Luật Dự trữ quốc gia, Luật Đấu thầu

(Pháp lý) - Nhiều doanh nghiệp trúng thầu cung cấp gạo cho Tổng cục dự trữ nhưng lại hủy hoặc từ chối ký hợp đồng bởi lợi nhuận là vấn đề cốt lõi nên họ sẵn sàng chấp nhận mức phạt để tiêu thụ ở thị trường khác với giá cao hơn.

Vấn đề là hiện nay pháp luật chưa có chế tài buộc doanh nghiệp phải ký hợp đồng đối với lượng gạo đã trúng thầu thì mới được xuất khẩu mà chỉ dừng lại ở việc thu lại toàn bộ số tiền bảo đảm để nộp ngân sách nhà nước. Chế tài và cơ chế ràng buộc trách nhiệm của DN khi bỏ thầu còn yếu và bất cập.

Doanh nghiệp: Không có gạo bán cho quỹ dự trữ quốc gia nhưng vẫn có gạo xuất khẩu ?

Theo thông tin từ ông Đỗ Việt Đức, Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ, từ ngày 12/3, đơn vị này đã mở thầu cung cấp 190.000 tấn gạo dự trữ quốc gia cho năm nay nhưng đến ngày 14/4, mới chỉ mua được 7.700 tấn gạo, bằng 4% kế hoạch được giao.

Khoảng 27 doanh nghiệp đã trúng thầu nhưng đến nay có hơn 20 đơn vị không ký hợp đồng hoặc từ chối ký hợp đồng cung cấp gạo dự trữ quốc gia là vi phạm quy định về đấu thầu. Thực tế này đang gây áp lực rất lớn cho việc phải mua đủ lượng gạo quốc gia của năm nay.

Qua rà soát số lượng doanh nghiệp đăng ký tờ khai xuất khẩu gạo vào ngày 12-4, Tổng cục Hải quan nhận thấy nhiều dấu hiệu bất thường. Cụ thể, trong danh sách đăng ký tờ khai xuất khẩu gạo tháng 4 này, cơ quan này phát hiện nhiều doanh nghiệp đã trúng thầu cung cấp gạo dự trữ nhưng lại hủy hoặc từ chối ký hợp đồng.

Có thể liệt kê ra một số doanh nghiệp như: Tổng công ty Lương thực miền Bắc, đơn vị này trúng thầu 4.500 tấn gạo nhưng đến nay chưa ký hợp đồng mà lại đăng ký xuất khẩu 8 tờ khai với số lượng 7.200 tấn; Công ty TNHH Phát Tài trúng thầu 17.940 tấn gạo dự trữ quốc gia và cũng đăng ký 5 tờ khai xuất khẩu với tổng khối lượng hơn 13.000 tấn.

Ngoài ra có hai đơn vị là Công ty CP Mỹ Tường và Công ty CP xuất nhập khẩu Thuận Minh cũng đăng ký tờ khai xuất khẩu trên 10.000 tấn gạo. Trong khi đó, cả hai doanh nghiệp này đều trúng thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia nhưng cũng chưa ký hợp đồng.

Về phía dư luận, có không ít ý kiến cho rằng: Dự trữ gạo là vì an ninh lương thực, sinh tồn của đất nước. Doanh nghiệp hủy hợp đồng với nhà nước để bán gạo cho nước ngoài vì lợi ích trước mắt nên đề nghị cho những doanh nghiệp này vào danh sách đen, không cho đấu thầu cung cấp gạo cho nhà nước, người dân cũng nên tẩy chay, không nên dùng sản phẩm của các công ty này.

Cần thiết tăng giá trị bảo đảm dự thầu đối với các gói thầu dự trữ quốc gia?

Trao đổi với Phóng viên Pháp lý về những vấn đề pháp lý xung quang vụ việc trên, luật sư Phạm Quang Biên (Hãng luật IMC – Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) phân tích: Theo Nghị định 94/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Dự trữ quốc gia thì Gạo thuộc Danh mục hàng dự trữ quốc gia do Tổng cục Dự trữ Nhà nước quản lý. Do đó, việc mua gạo dự trữ quốc gia có sử dụng vốn Nhà nước phải tuân theo trình tự pháp luật.

Luật sư Phạm Quang Biên cho rằng cần có thêm các chế tài khác đối với các doanh nghiệp tham gia đấu thầu cung cấp gạo nhưng vi phạm…

Căn cứ Điều 40, Điều 43 Luật Dự trữ Quốc gia thì việc mua gạo dự trữ quốc gia được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Hàng năm, căn cứ chỉ tiêu kế hoạch được cấp có thẩm quyền giao, các đơn vị được giao nhiệm vụ mua hàng dự trữ quốc gia xây dựng kế hoạch mua hàng dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật về đấu thầu trình cấp có thẩm quyền phê duyệt bằng văn bản để thực hiện.

Theo quy định của Luật đấu thầu thì có hai biện pháp bảo đảm đối với nhà thầu khi tham gia đấu thầu, đó là: Bảo đảm dự thầu và Bảo đảm thực hiện hợp đồng. Trường các công ty bán gạo là nhà thầu từ chối hoàn thiện hợp đồng sau khi trúng thầu. Theo quy định tại điểm a, khoản 3 Điều 11 Luật đấu thầu thì nhà thầu sẽ phải mất số tiền bảo đảm dự thầu (1-3% giá gói thầu). Nhiều doanh nghiệp cho rằng lợi nhuận là vấn đề cốt lõi nên họ sẵn sàng chấp nhận mức phạt trên để tiêu thụ ở thị trường khác với giá cao hơn.

Vấn đề là hiện nay cũng chưa có chế tài buộc doanh nghiệp phải ký hợp đồng đối với lượng gạo đã trúng thầu thì mới được xuất khẩu mà chỉ dừng lại ở việc thu lại toàn bộ số tiền bảo đảm để nộp ngân sách nhà nước.

Biện pháp bảo đảm dự thầu và biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng được áp dụng ở các giai đoạn khác nhau. Đối với biện pháp bảo đảm dự thầu thì thời gian thực hiện là trước thời điểm đóng thầu, trường hợp đấu thầu hai giai đoạn thì thực hiện biện pháp bảo đảm dự thầu trong giai đoạn hai (khoản 2, Điều 11 Luật đấu thầu). Còn đối với biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng thì thời gian thực hiện là trước thời điểm hợp đồng có hiệu lực (khoản 2, Điều 66 Luật đấu thầu).

Dự trữ lương thực là một trong những nhiệm vụ quan trọng của dự trữ Nhà nước. Thực tế hiện nay, hiện tượng nhà thầu trúng thầu nhưng không đến ký hợp đồng hoặc từ chối ký hợp đồng cung cấp gạo dự trữ quốc gia mà chuyển sang xuất khẩu sẽ làm phát sinh nguy cơ không bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, bảo đảm dự trữ quốc gia. Vì tính quan trọng của các gói thầu trên, nên theo tôi: Một mặt các cá nhân, tổ chức khi tham gia đấu thầu phải ý thức, nhận thức được trách nhiệm của mình. Đặc biệt, khi doanh nghiệp đã trúng thầu và đã ký hợp đồng với Tổng cục Dự trữ Nhà nước thì phải tuân thủ thực hiện đúng quy định. Ngoài ra, cần phải thiết chặt các chế tài hơn nữa đối với nhà thầu để đảm bảo thực hiện hợp đồng. Tuy nhiên cũng có những trường hợp bất khả kháng mà doanh nghiệp không dự liệu trước được, nên ngoài những quy định cứng thì Luật Đấu thầu cũng quy định mở để xử lý phù hợp.

“Theo tôi, thì cần thiết tăng trách nhiệm của các nhà thầu, nhất khi tham gia đấu thấu các gói thầu liên quan đến hàng dự trữ quốc gia, các gói thầu thiết bị y tế, thuốc bằng các cách thức như: Tăng giá trị bảo đảm dự thầu và tăng giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng đối với nhà thầu, tránh trường hợp nhà thầu vì lợi nhuận cá nhân không thực hiện hợp đồng sau khi trúng thầu; Có chế tài đối với doanh nghiệp trúng thầu mà từ chối kí kết, thực hiện hợp đồng bằng việc không cho phép các doanh nghiệp trên trong thời gian từ 3-5 năm tham gia đấu thầu với Tổng cục Dự trữ Nhà nước… Đối với hoạt động xuất khẩu gạo, buộc các doanh nghiệp phải ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ của Nhà nước khi đã tham gia đấu thầu trước khi được phép xuất khẩu gạo… đây là những chính sách phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam”, Luật sư Biên nhấn mạnh.

Ngoài phạt vi phạm thì có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại?

Ở một góc nhìn khác, Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật (Công ty Luật Hợp danh Đông Nam Á) thì cho rằng: Về bản chất, kết quả cuối cùng của việc đấu thầu là ký kết thực hiện hợp đồng nên đấu thầu cũng là sự thoả thuận của các bên trong hoạt động kinh doanh thương mại, trong đó có sự “thoả thuận và tự nguyện”. Dựa trên nguyên tắc này thì nhà thầu có quyền dừng (bỏ thầu, từ chối ký kết hay thực hiện hợp đồng) nếu điều kiện không đem lại lợi ích cho họ.

Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật cho rằng cần có chính sách ưu đãi, ưu tiên cho doanh nghiệp đã nghiêm túc thực hiện hợp đồng với nhà nước trong hoàn cảnh thiên tai, dịch bệnh.

Trường hợp đấu thầu mua gạo dự trữ quốc gia vừa qua không phải là trường hợp trưng mua, trưng dụng nên nhà thầu có quyền bỏ thầu, từ chối ký kết hay thực hiện hợp đồng. Đương nhiên, trong trường hợp họ tự ý bỏ thầu, từ chối ký kết hay thực hiện hợp đồng thì họ có thể bị mất tiền bảo đảm dự thầu hoặc tiền bảo đảm thực hiện hợp đồng, phạt và bồi thường thiệt hại tuỳ theo thời điểm họ dừng và thoả thuận trong hợp đồng.

Trước ý kiến cho rằng, cần phải tăng giá trị bảo đảm dự thầu và bảo đảm thực hiện hợp đồng, Luật sư Thuật cho rằng: Vì bản chất là quan hệ thỏa thuận, tự nguyện nên cả hai đều có quyền yêu cầu phạt lên 10 lần. Và nếu cơ quan nhà nước vi phạm thoả thuận cũng bị phạt lên 10 lần. Như vậy chưa chắc đã bảo đảm quyền lợi của hai bên. Cũng không thể áp đặt bất bình đẳng tuyệt đối (luôn có lợi cho cơ quan Nhà nước) được, vì nếu làm vậy các doanh nghiệp và người dân có thể sẽ “tẩy chay” khi giao dịch với cơ quan nhà nước. Do đó, việc tăng trách nhiệm khi đơn phương huỷ hợp đồng thì cần tuân thủ nguyên tắc công bằng, tương xứng cho cả hai bên.

Do đây không phải là “quyết định hành chính” trong việc trưng mua, trưng dụng nên việc nâng cao biện pháp bảo đảm dự thầu và ký kết thực hiện hợp đồng là cần thiết nhưng sẽ phải tuân thủ tính công bằng, tự nguyện. Tuy nhiên, cần lưu ý, chủ đầu tư ngoài việc bị phạt (mất khoản tiền bảo đảm dự thầu), thì có thể bị yêu cầu bồi thường nếu vi phạm hợp đồng như một số dự án xây dựng cầu đường, đường sắt gần đây.

Cần xiết các hoạt động xuất khẩu gạo bằng chính sách pháp luật phù hợp

Trong vụ việc mua gạo dự trữ trên, có nhiều có ý kiến cho rằng, cần truy trách nhiệm của các cơ quan như chủ đầu tư, các cơ quan có thẩm quyền khác (theo các điều 76, 77 của Luật Đấu thầu) bởi vì khi tổ chức đấu thầu họ chưa coi trọng các biện pháp bảm đảm dự thầu, bảo đảm thực hiện hợp đồng nên để cho các doanh nghiệp dễ dàng lách và phải chịu trách nhiệm quá nhẹ?.

Luật sư Phạm Quang Biên cho rằng: Trong vụ việc trên, chưa có căn cứ để chứng minh tổ chuyên gia, các cơ quan có thẩm quyền khác đã vi phạm quy định của Luật đấu thầu. Họ bị “bó” bởi các quy định của Luật Đấu thầu và do những thực tế khách quan khác…

Để khắc phục tình trạng trên, theo luật sư Phạm Quang Biên thì thời gian tới Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Tổng cục Hải quan cần tổng hợp lại toàn bộ tình hình thực hiện xuất khẩu gạo trong thời gian qua, báo cáo Chính phủ, các bộ, ngành và kiến nghị giải pháp để đảm bảo quản lý mặt hàng gạo xuất khẩu hiệu quả, chủ động, phù hợp bối cảnh kinh tế nước nhà. “Đối với hoạt động xuất khẩu gạo, buộc các doanh nghiệp phải ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ của Nhà nước khi đã tham gia đấu thầu trước khi được phép xuất khẩu gạo…”, Luật sư Biên nhấn mạnh.

Cũng về vấn đề này, Luật sư Thuật đề xuất: Để khắc phục những vấn đề tương tự như vụ việc trên thì giá thầu và điều kiện thầu nên phù hợp giá thị trường. Có chính sách ưu đãi, ưu tiên sau này (hồ sơ mời thầu các dự án thông thường khác, tại thời điểm xã hội ổn định) hoặc miễn giảm thuế (thu nhập doanh nghiệp, VAT) riêng cho các nhà thầu đã chấp nhận thực hiện hợp đồng với cơ quan nhà nước trong hoàn cảnh khó khăn (thiên tai, dịch bệnh…), cụ thể là các nhà thầu đã đồng ý kí hợp đồng cung cấp gạo cho nhà nước vì họ đã chấp nhận thiệt thòi vì cộng đồng.

Phan Tĩnh

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin