Luật sư. TS. Phan Trung Hoài: Tâm thế của một người hành nghề Luật...

(Pháp lý) - Luật sư. TS. Phan Trung Hoài - Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam được biết đến không chỉ là Luật sư nổi tiếng, mà ông còn được biết đến là tác giả của nhiều cuốn sách, bút ký, bài báo lắng đọng trong lòng nhiều bạn đọc về hành trình tiếp cận công lý, bảo vệ cho những người yếu thế. Ngưỡng mộ, cảm phục ông từ lâu, nhiều lần hẹn gặp ông đều chưa thành bởi ông luôn bộn bề công việc. Rất may mới đây, tôi đã có dịp trò chuyện khi ông vừa trở về từ phiên toà ở vùng Đất mũi Cà Mau. Cuộc trò chuyện tuy ngắn ngủi, nhưng lắng đọng những tâm tư về thân phận con người và những trăn trở của Luật sư với nền tư pháp nước nhà…

Luật sư. TS. Phan Trung Hoài trong buổi trao học bổng cho sinh viên Luật học giỏi
Luật sư. TS. Phan Trung Hoài trong buổi trao học bổng cho sinh viên Luật học giỏi)

Phóng viên: Đọc những bài viết của ông được đăng tải trên báo, tôi nhận thấy ông luôn đau đáu với những số phận con người khi vướng vào lao lý. Xin ông có thể chia sẻ phần nào cảm xúc vui buồn với những thân chủ đặc biệt của mình?

LS Phan Trung Hoài: Thật ra, tôi nghĩ luật sư là một nghề đặc biệt, luôn gắn bó với những số phận của con người. Trong quá trình tham gia tố tụng nhiều vụ án, tôi có cơ hội được tiếp xúc, trải nghiệm với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, phần nhiều là nỗi buồn khi khách hàng của mình phải đối diện với tù tội, vướng mắc về pháp lý, hay đứng trước sự đổ vỡ cuộc sống gia đình, những rủi ro, thiệt hại trong thương trường... Tôi luôn phải đối diện giữa tâm thế của một người hành nghề luật cần đòi hỏi sự tỉnh táo, bản lĩnh trước những áp lực để cố gắng trợ giúp cho khách hàng, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cho họ, với cảm xúc của một con người khi chứng kiến những nỗi đau, sự tan vỡ từ bên trong. Mỗi khi tiếp xúc với một khách hàng, điều khiến tôi suy nghĩ nhiều nhất chính là tâm trạng của họ, bởi chính cảm nhận được tâm trạng của khách hàng sẽ là yếu tố quyết định đến sự dấn thân của luật sư trong hành trình tìm kiếm sự thật khách quan.

Trong quá trình hành nghề gần ba mươi năm, điều khiến tôi xúc động nhất là đa phần khách hàng đều gắn bó và trở thành bạn bè, người thân thiết lúc nào không biết, từ ông Nguyễn An Trung trong vụ án 118 ô tô tay lái nghịch, cho đến bà Trần Thu Hồng trong vụ án Công ty Lương thực thành phố. Tôi nhớ khi làm luật sư bào chữa trong vụ án Nông trường Sông Hậu, chính tôi được truyền lửa trước tấm lòng ấm áp và nhân hậu của bà Ba Sương với biết bao kỷ niệm vui buồn trong chặng đường tố tụng nhiều trắc trở, cho đến ngày bà Ba Sương thoát vòng lao lý, vụ án được đình chỉ. Bà Ba Sương cũng như nhiều khách hàng, đã dành cho tôi một đặc ân là được quyền sử dụng tư liệu, hình ảnh liên quan đến cá nhân của bà để có thể truyền tải qua những trang viết bút ký luật sư hay tư liệu giảng dạy nghề luật…

Không như nhiều Luật sư khác, ông rất nặng lòng với thân chủ. Vậy làm thế nào để giải “bài toán” giữa một bên là yêu cầu của khách hàng và một bên là sự thật khách quan của vụ án, sự tuân thủ pháp luật? Và làm thế nào để có thể duy trì sợi dây liên kết giữa Luật sư và khách hàng trong một khoảng thời gian dài như thế?

Giải quyết bài toán giữa yêu cầu của khách hàng với bảo đảm sự tôn trọng sự thật khách quan, tôn trọng pháp luật và quy tắc ứng xử nghề nghiệp đúng là điều khó khăn với nhiều Luật sư. Trong điều kiện môi trường pháp lý chưa hoàn thiện, cách nhìn của xã hội về nghề luật sư còn nhiều khác biệt, điều quan trọng vẫn phải là cố gắng ý thức được vị thế nghề nghiệp của mình. Đó chính là sự dấn thân, rất cần bản lĩnh để bước vào cuộc đấu tranh vì sự thật khách quan, góp phần bảo vệ công lý, không đầu hàng trước bất cứ một áp lực hay quyền lợi nhỏ nhoi nào để làm tổn hại đến lương tâm và trách nhiệm nghề nghiệp.

Về ứng xử với khách hàng, ở đây không có bí quyết nào cả, bởi chỉ có sự chân thành mới là yếu tố quyết định thành bại trong quan hệ với khách hàng. Để có thể duy trì sợi dây liên kết với khách hàng, tôi nghĩ quan trọng nhất chính là sự cảm thông và chia sẻ, biết lắng nghe những điều tâm sự và hoàn cảnh của họ để có thể nói lên được nguyên nhân, bối cảnh xảy ra vụ án, các tình tiết chứng minh sự vô tội hay giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho họ. Ở thời điểm hiện nay, tôi nghĩ khách hàng dù là một quan chức, đại gia, tri thức hay một người nông dân chân lấm tay bùn, ít học, họ đều có cách đánh giá về một luật sư thông qua cách thức ứng xử và sự tận tâm bảo vệ quyền lợi cho họ như thế nào…

Luật sư Phan Trung Hoài tham gia bào chữa cho thân chủ tại một phiên tòa hình sự Tòa án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh
Luật sư Phan Trung Hoài tham gia bào chữa cho thân chủ tại một phiên tòa hình sự Tòa án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh)

Được biết, ông vẫn luôn trăn trở với những vấn đề của nền tư pháp nước nhà. Trong điều kiện chủ trương cải cách tư pháp đang được thúc đẩy mạnh mẽ, xin ông cho biết vị thế của đội ngũ luật sư hiện nay so với trước đây? Giữa các quy định pháp luật, chính sách của nhà nước và thực tế thực thi có khác xa nhau không? Theo ông, cần làm gì để kéo gần khoảng cách đó?

Là người “sống” trong thể chế và sự vận hành của hệ thống tư pháp, tôi hiểu một cách sâu sắc và có niềm tin mạnh mẽ vào chủ trương cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước đang ngày càng được thể hiện trong thực tiễn đời sống. Mặc dù trong thực tế vẫn còn khoảng cách giữa pháp luật và đời sống, vẫn còn những khó khăn và cản ngại cho việc hành nghề của luật sư, nhưng quá trình hoàn thiện pháp luật, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho luật sư thực hiện chức năng xã hội cao quý của mình là không thể đảo ngược được.

Tôi chỉ xin lấy một ví dụ chứng minh: Trước đây, khi tranh luận tại phiên toà, chúng tôi thường viện dẫn một ý quan trọng nêu trong Nghị quyết 08 ngày 2/01/2002 của Bộ Chính trị là đề cao vai trò của người bào chữa, phán quyết của Toà án phải xuất phát từ kết quả tranh tụng tại phiên toà. Từ thực tiễn và sự dấn thân của cả đội ngũ luật sư thông qua việc tranh tụng tại phiên toà trong các vụ án hình sự nhiều năm qua đã tạo cơ sở cho việc thể chế hoá vào trong Điều 26 của Bộ luật tố tụng hình sự 2015 là “bản án, quyết định của Tòa án phải căn cứ vào kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa”.

Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm với quy định rõ ràng nêu trên đã mở ra cơ hội cho các bên tham gia tố tụng được bình đẳng trong việc thu thập, kiểm tra, sử dụng và đánh giá chứng cứ, Toà án có cơ hội thật sự trở thành chủ thể thực hiện quyền tư pháp với vai trò trọng tài phân định đúng sai dựa trên kết quả tranh tụng đó. Những điểm mới, tiến bộ trong Bộ luật Hình sự 2015 và Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 bắt đầu có hiệu lực từ 01/01/2018 sẽ tạo cơ sở cho việc thực thi các quy định của Hiến pháp 2013 liên quan đến việc bảo đảm quyền con người, quyền và tự do cơ bản của công dân.

Trong quá trình hành nghề, tham gia nghiên cứu, góp ý xây dựng và hoàn thiện pháp luật hình sự, chúng tôi nhận thấy để có thể rút ngắn, thu hẹp khoảng cách giữa pháp luật “trên giấy tờ” và pháp luật “trong đời sống”, điều quan trọng nhất chính là nhận thức một cách đúng đắn về vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các chủ thể thực hiện các chức năng cơ bản của tố tụng hình sự. Quan trọng hơn là cần mở rộng phạm vi tham gia ngày càng sâu hơn của đội ngũ luật sư trong việc lành mạnh hoá các quan hệ xã hội, góp phần thúc đẩy sự phát triển dân chủ trong đời sống và tố tụng, tạo cơ hội và khả năng tiếp cận công lý của công dân, tổ chức. Liên đoàn Luật sư Việt Nam sau khi được thành lập từ tháng 5/2009, đến nay đã trở thành ngôi nhà chung của 11.607 luật sư chính thức và trên 4.000 người tập sự hành nghề luật sư, đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền, xây dựng xã hội dân chủ, công bằng và văn minh.

Cuốn sách: “Những điểm mới về chế định bào chữa trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015” của Luật sư. TS. Phan Trung Hoài, được Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia xuất bản tháng 6/2016
Cuốn sách: “Những điểm mới về chế định bào chữa trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015” của Luật sư. TS. Phan Trung Hoài, được Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia xuất bản tháng 6/2016)

Trước đây, trong một lần chia sẻ với đồng nghiệp Phóng viên Pháp lý, tôi rất nhớ câu nói của ông: “Gắng giữ tâm an trong dòng chảy tư pháp”. Xin hỏi, bây giờ ông còn phải “gắng” như vậy nữa không? Theo ông ở giai đoạn hiện nay, Luật sư hành nghề đối diện với những vụ án nhạy cảm, làm sao giữ được tâm thế hay sự an toàn khi dấn thân ?

Đó là tiêu đề bài phỏng vấn được đăng trên Tạp chí Pháp lý cách đây hơn mười năm. Vâng, sau chừng ấy năm hành nghề, tôi nghiệm ra một điều là giữa muôn vàn áp lực của nghề nghiệp, ta cần chọn lấy cho mình một con đường để cho dù giông bão bủa vây khắp nơi, tâm mình vẫn thanh thản để hành nghề. Khó khăn nhất là mấy chục năm qua, dường như lúc nào mình cũng như đang đi trên dây, với chiếc gậy làm thăng bằng chòng chành giữa các cơn gió tạt qua, thổi lại. Bên cạnh việc đối diện những thử thách vô cùng khắc nghiệt của đời sống và hành trình đi tìm công lý cho thân chủ cứ từng giây, từng phút áp vào cuộc sống của mình, mỗi luật sư khi bước vào nghề đều tự nhận thức mục tiêu và sứ mệnh nghề nghiệp cao quý mà mình theo đuổi.

Đến tận bây giờ, đứng trước các vụ án phức tạp hay nhạy cảm, tôi chắc nhiều luật sư cũng suy nghĩ như tôi là muốn có được sự an lành trong tâm, cốt lõi nhất vẫn phải giữ được niềm tin vào công lý, tôn trọng pháp luật và sự thật khách quan, duy trì lòng yêu thương đối với con người. Như quy luật của tự nhiên, cuộc đời mỗi người bắt đầu là đường thẳng, qua năm tháng đường thẳng ấy có thể có những đường rẽ ngang, dù lưỡng lự thế nào thì anh cũng phải chọn lấy một con đường, đi theo điều tử tế hay tích tụ sự bất an, cũng do chính mình quyết định lấy mà thôi…

Xin trân trọng cảm ơn ông đã dành thời gian cho Phóng viên Pháp lý để có cuộc trò chuyện thú vị này!

Phan Tĩnh (thực hiện)

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin