Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Năm 2023, tăng trưởng tín dụng từ 14-15%
Chỉ thị xác định 7 nhóm mục tiêu và nhiệm vụ tổng quát của ngành năm 2023 bao gồm:
Một là, điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát mục tiêu năm 2023 bình quân khoảng 4,5%, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ trưởng kinh tế hợp lý. Năm 2023, định hướng tín dụng tăng khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Hai là, kiểm soát tăng trưởng tín dụng hợp lý nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Triển khai với nỗ lực cao nhất các nhiệm vụ của ngành Ngân hàng tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia.
Ba là, triển khai quyết liệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”; đẩy mạnh công tác xử lý, thu hồi nợ xấu, nợ đã sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh nhằm bảo đảm tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức dưới 3%; tập trung triển khai chỉ đạo các cấp có thẩm quyền về việc cơ cấu lại, xử lý các TCTD yếu kém, bảo đảm ổn định tình hình hoạt động và hỗ trợ các TCTD này từng bước phục hồi. Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý đối với các TCTD.
Trong đó, tập trung chỉ đạo TCTD tăng cường minh bạch trong hoạt động, khắc phục tình trạng sở hữu cổ phần giới hạn quy định, rà soát, xử lý và ngăn ngừa tình trạng sở hữu chéo tại các TCTD. Tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác thanh tra, giám sát đối với các TCTD.
Bốn là, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng gắn với đảm bảo an ninh, an toàn; tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện cho việc cung ứng các mô hình kinh doanh mới, sản phẩm, dịch vụ tiện ích, an toàn đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Năm là, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật thị trường trong việc chấp hành chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc NHNN và các quy định trong hoạt động ngân hàng.
Sáu là, cải cách mạnh mẽ quy định, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Bảy là, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chiến lược tài chính toàn diện Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; các Chương trình/Kế hoạch hành động và các Đề án của Ngành đã ban hành.
Năm 2023, định hướng tín dụng tăng khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. (ảnh minh hoạ)
Loạt giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2023
Trên cơ sở các mục tiêu và nhiệm vụ tổng quát trên, Thống đốc NHNN yêu cầu các đơn vị thuộc NHNN Trung ương tham mưu cho Thống đốc, chủ động triển khai các giải pháp theo chức năng, nhiệm vụ được giao, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm:
Về điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, ngoại hối và vàng: Bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ (CSTT), nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo định hướng đề ra.
Điều hành nghiệp vụ thị trường mở phù hợp với diễn biến thị trường, hỗ trợ ổn định thị trường tiền tệ. Điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu CSTT; khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay. Điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát,…
Điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Thông báo và định kỳ rà soát, xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng TCTD trên cơ sở tình hình hoạt động, năng lực tài chính và khả năng tăng trưởng tín dụng lành mạnh; trong đó căn cứ một số tiêu chí cơ bản như kết quả xếp hạng TCTD, mức độ tập trung tín dụng, lãi suất, việc tham gia hỗ trợ xử lý TCTD yếu kém, tình hình thực tiễn thị trường,...
Thống đốc NHNN chỉ đạo TCTD tăng trưởng tín dụng trong cả năm với tốc độ hợp lý, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Trong đó, chú trọng triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ, các chương trình tín dụng chính sách thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội.
Triển khai cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu: Triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo phân công tại Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng triển khai thực hiện Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 ban hành kèm Quyết định số 1382/QĐ-NHNN ngày 12/8/2022 của Thống đốc NHNN; Chỉ đạo, theo dõi, giám sát các TCTD xây dựng, triển khai thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025.
Đối với các TCTD, Thống đốc NHNN yêu cầu tổ chức triển khai các giải pháp về tiền tệ, tín dụng, ngoại hối; chấp hành nghiêm các quy định, chỉ đạo của NHNN về tiền tệ, ngoại hối và hoạt động ngân hàng và các chỉ tiêu kế hoạch được giao; Xây dựng và thực hiện kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính năm 2023 bám sát các giải pháp điều hành CSTT, tín dụng, hoạt động ngân hàng của Chính phủ, NHNN.
Chỉ đạo toàn hệ thống triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ của ngành ngân hàng tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm kịp thời, minh bạch, đúng đối tượng. Tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp; cắt giảm chi phí hoạt động, khuyến khích trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính và khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế, ổn định mặt bằng lãi suất thị trường.
Thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát và xử lý nợ xấu; Thực hiện nghiêm và thường xuyên giám sát, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật, NHNN về: (i) lãi suất, phí cho vay, trong đó kiểm soát chặt chẽ lãi suất tiền gửi để giữ ổn định mặt bằng lãi suất thị trường; (ii) các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng, đặc biệt là các tỷ lệ về an toàn vốn và khả năng thanh khoản.
Kịp thời phát hiện các vi phạm để có biện pháp xử lý phù hợp trên cơ sở phân định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân; (iii) các quy định về kiểm soát nội bộ tại Thông tư 13/2018/TT-NHNN để phòng ngừa, phát hiện, xử lý các rủi ro có thể phát sinh, đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả. Chủ động triển khai, tăng cường hoạt động kết nối ngân hàng – doanh nghiệp bằng hình thức phù hợp; Chấp hành các quy định về chế độ báo cáo, cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật và yêu cầu của NHNN.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật ngân hàng
Chỉ thị cũng nêu rõ, tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật ngân hàng; chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, quy định pháp luật về hoạt động ngân hàng phù hợp với thực tiễn, trọng tâm là: Trình Chính phủ, Quốc hội dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); ban hành, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022.
Nghiên cứu, rà soát Luật NHNN, Luật Bảo hiểm tiền gửi để đề xuất sửa đổi, bổ sung (nếu cần thiết) và nghiên cứu, báo cáo việc xây dựng Luật Các hệ thống thanh toán; rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về cơ cấu lại và xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng và hoạt động thanh tra, giám sát, các quy định an toàn hoạt động ngân hàng… theo hướng chặt chẽ, an toàn hơn và phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế.
Hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách cho hoạt động thanh toán và chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng; Rà soát, hoàn thiện chính sách quản lý ngoại hối phù hợp với lộ trình và cam kết hội nhập quốc tế của Việt Nam; Hoàn thiện các quy định về quản lý, giám sát tài chính của chủ sở hữu nhà nước tại các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính và doanh nghiệp do NHNN quản lý; Tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, cơ chế chính sách quy định về ổn định tài chính, chính sách an toàn vĩ mô và các công cụ an toàn vĩ mô…
Đẩy mạnh hoạt động thanh tra, giám sát
Chỉ thị cũng nêu rõ, tăng cường công tác giám sát an toàn vi mô và vĩ mô; nâng cao khả năng phát hiện, phân tích, cảnh báo sớm và đề xuất các biện pháp phòng ngừa rủi ro, khủng hoảng có nguy cơ ảnh hưởng đến mức độ an toàn, ổn định của hệ thống ngân hàng.
Theo dõi, giám sát, kiểm tra chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, đảm bảo dòng vốn hướng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; cảnh báo kịp thời, xử lý nghiêm các vi phạm đối với việc cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng trong các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro, hạch toán lãi dự thu...
Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thanh tra, giám sát, trong đó chú trọng khai thác có hiệu quả các cơ sở dữ liệu hiện có. Xử lý nghiêm các tổ chức tín dụng để xảy ra các hành vi vi phạm đã được cảnh báo, tổ chức tín dụng chậm khắc phục sai phạm. Đẩy mạnh công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, xử lý sau thanh tra, giám sát để bảo đảm các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc các kết luận, kiến nghị và quyết định xử lý. Công tác thanh tra hành chính đối với đối tượng là NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố cần tập trung thanh tra việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với các tổ chức tín dụng trên địa bàn.
Đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong ngành ngân hàng, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, tiêu cực; triển khai thực hiện Kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập trong ngành ngân hàng theo hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ và quy định pháp luật. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền, đặc biệt là việc phân tích, xử lý các báo cáo giao dịch đáng ngờ. Tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin với các cơ quan chức năng trong công tác thanh tra, giám sát; phòng, chống tham nhũng và tội phạm; phòng, chống rửa tiền…