Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV: Những vấn đề cử tri mong Đại biểu Quốc hội chất vấn và giám sát

04/06/2019 06:23

(Pháp lý) - Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, theo dự kiến hoạt động chất vấn sẽ được tổ chức vào các ngày 4/6, 5/6, 7/6 và được truyền hình trực tiếp. Dưới đây là một số vấn đề cử tri đặc biệt quan tâm, đề nghị ĐBQH chất vấn và tiếp tục giám sát sau kì họp, bởi lẽ đây là những vấn đề nóng bỏng, không dễ giải quyết trong một sớm, một chiều.

Quang cảnh kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV
Quang cảnh kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV)

Vấn nạn ma túy gia tăng

Thời gian gần đây, ở nhiều tỉnh thành có đường biên giới, tội phạm ma túy hoạt động rất phức tạp. Chỉ thống kê trong 6 tháng đầu năm 2019, liên tiếp lực lượng cảnh sát đã bắt được những vụ ma túy cực lớn. Đầu tháng 4/2019, qua quan sát camera giao thông, CSGT TP. Hồ Chí Minh phát hiện 3 ôtô đậu sai quy định. Trong đó, 2 xe tải đấu đuôi nhau còn ôtô 7 chỗ đỗ bên cạnh. Trên các xe tải có nhiều thùng giấy bên trong có một số loa thùng di động màu đen hiệu Temeisheng và nặng bất thường. Khi kiểm tra thì phát hiện 1,1 tấn ma túy đá. Số ma tuý này được mang từ nước ngoài về Việt Nam, đưa đến TP HCM để xuất đi nước khác và cả tiêu thụ nội địa.

Địa bàn Nghệ An, Hà Tĩnh được xem là điểm nóng về các vụ ma túy khủng. Ngày 23/1 vừa qua tại Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, các lực lượng chức năng bắt quả tang đối tượng Nguyễn Văn Anh (huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) về hành vi vận chuyển trái phép ma túy, tang vật thu giữ gồm 120 bánh heroin. Tiếp đến vào ngày 17/2/2019, tại huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), các lực lượng chức năng tiếp tục bắt quả tang đối tượng Vangchueyang Briacher (Sn 1994), trú tại bản Vàng Ban, huyện Xay Chăm Phon, tỉnh Bôlykhamxay ( Lào) đi trên xe du lịch 9 chỗ ngồi, vận chuyển trái phép 294 kg ma túy tổng hợp dạng đá.

Vấn nạn ma túy gây nhiều hệ lụy lớn cho xã hội. Cử tri lo ngại, Việt Nam trở thành điểm trung chuyển ma túy trong khu vực. Tội phạm ma túy hoành hành kéo theo nhiều loại tội phạm phức tạp khác. Nhiều vụ án mạng nghiêm trọng xảy ra (con giết cha, chồng giết vợ, cháu giết ông bà) là do sử dụng ma túy. Cử tri mong muốn đại biểu chất vấn về quá trình ngăn ngừa, kiểm tra, xử lý đối với loại tội phạm này. Trách nhiệm của cơ quan quản lý ở đâu? Làm thế nào để ngăn chặn hiểm họa ma túy hiện nay?

Vấn đề tăng giá điện và hỗ trợ với nhóm khách hàng “yếu thế”

Ngày 20/3, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã kí quyết định điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện. Theo đó, mức giá bán lẻ điện bình quân áp dụng từ ngày 20/3/2019 là 1.864,44 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế Giá trị gia tăng). Mức giá này cao hơn giá bán lẻ bình quân hiện hành là 143,79 đồng/kWh, tăng tương đương 8,36%.

Không chỉ giá điện tăng, giá xăng trong tháng 4, 5 vừa qua cũng tăng khiến nhiều người dân lo ngại. Chúng sẽ tạo cộng hưởng khiến giá hàng hóa "té nước theo mưa" điều đó tác động trực tiếp đến cuộc sống người dân. Bởi vậy, trong kỳ họp lần này, cử tri mong mỏi đại biểu giám sát vấn đề tăng giá điện. Dư luận quan tâm là giá điện có phải gánh lỗ cho các dự án của EVN hay không? Cử tri đề nghị đại biểu tiếp tục giám sát, làm rõ những vấn đề này. Cử tri mong mỏi đại biểu đề xuất được cơ chế thích hợp để giám sát việc lãi, lỗ của ngành điện vì đây là ngành kinh doanh còn độc quyền và chịu sự quản lý của nhà nước.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu trước Quốc hội
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu trước Quốc hội)

Vấn đề bảo vệ phụ nữ và trẻ em

Thời gian gần đây, xảy ra nhiều vụ việc xâm hại trẻ em gây bức xúc lớn và lo lắng trong dư luận xã hội. Ngay khi Quốc hội đang họp, một bé gái 13 tuổi đi chụp X Quang bị một nhân viên y tế xâm hại ngay trong phòng chụp X Quang. Trước đó, ngày 18/3, Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) xử phạt hành chính ông Đỗ Mạnh Hùng do có hành vi sàm sỡ, cưỡng ép và ôm hôn cô gái trong thang máy chung cư Golden Palm ở phường Nhân Chính, với số tiền phạt là 200.000 đồng. Vụ việc thầy giáo sờ mông sờ đùi nhiều học sinh lớp 5 xảy ra ở Bắc Giang gây bức xúc xã hội và cha mẹ học sinh là thế, nhưng cơ quan chức năng đã kết luận rằng chưa đủ căn cứ chứng minh thầy giáo có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi. Tiếp đến vào tháng 4/2019, mạng xã hội xuất hiện đoạn video khoảng 1 phút, được trích xuất từ camera an ninh trong thang máy ghi lại cảnh ông Nguyễn Hữu Linh (61 tuổi, ngụ quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) - cựu Phó Viện trưởng Viện KSND TP Đà Nẵng - có dấu hiệu dâm ô bé gái trong thang máy chung cư Galaxy 9 trên đường Nguyễn Khoái (phường 1, quận 4, TP.HCM). Ông Linh hiện đã bị truy tố trước pháp luật.

Vụ việc ngày 14/5, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Bình Tân, TP.HCM bắt khẩn cấp, tạm giữ hình sự ông Ngô Ngọc An (63 tuổi, ngụ P. Bình Trị Đông, Q. Bình Tân) để điều tra về hành vi dâm ô trẻ em dưới 16 tuổi. Vụ việc ngày 16/5, Công an huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) khởi tố vụ án, khởi tố bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Nguyễn Ngọc Phác (79 tuổi) - nguyên Chủ tịch UBND xã, Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Phong, huyện Cẩm Thủy - để điều tra về tội "dâm ô đối với người dưới 16 tuổi".

Số vụ việc xâm hại phụ nữ và trẻ em ngày một tăng, đáng báo động. Theo số liệu thống kê từ Bộ Công an, năm 2018 có 1.547 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện với 1.669 đối tượng, xâm hại 1.579 em; trong đó số vụ án xâm hại tình dục trẻ em là 1.269 vụ, chiếm 82% tổng số vụ. Riêng những tháng đầu năm 2019, những vụ việc quấy rối, xâm hại phụ nữ, trẻ em liên tiếp xảy ra trong thời gian ngắn nhưng chưa được xử lý kịp thời, mức xử phạt chưa nghiêm, chưa đủ tính răn đe, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Trước đó, hàng loạt những vụ việc nghiêm trọng xảy ra nhưng cơ quan thi hành pháp luật phải “bó tay” bởi những hạn chế về mặt pháp luật. Một số vụ việc khác là do sự chậm trễ, nhiêu khê, bao che của các cơ quan thi hành pháp luật.

Cử tri mong mỏi từ việc giám sát những vụ việc trên, Đại biểu đưa ra tiếng nói, góp ý vào việc xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để pháp luật nghiêm minh, chặt chẽ nhằm bảo vệ hiệu quả sự an toàn của trẻ em và phụ nữ nói chung.

Vấn đề an ninh giáo dục

Vụ gian lận điểm thi ở các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang đã gây chấn động dư luận trong thời gian qua. Hiện tại, cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với 16 bị can về các tội danh khác nhau liên quan tới vụ gian lận thi cử tại 3 tỉnh thành, trong đó Sơn La có tám người, Hòa Bình có ba người và Hà Giang có năm người. Tổng số thí sinh bị phát hiện gian lận là 222 thí sinh, trong đó có 114 thí sinh ở Hà Giang (đã bị trả về điểm thật trước mùa tuyển sinh năm 2019; 64 thí sinh ở Hòa Bình (một thí sinh của năm 2017) và 44 thí sinh ở Sơn La. Trong số này có sáu thủ khoa, á khoa các trường Đại học lớn được nâng từ 15 đến 27 điểm; vẫn còn 37 thí sinh sửa điểm chưa được xác định. Sau khi gian lận điểm, các thí sinh trên đã nhập học vào các trường quân đội, công an, Đại học Y Hà Nội... Hiện nay, đa số đã bị buộc thôi học.

Cử tri mong muốn Luật được ban hành ra sát thực tiễn và đi vào cuộc sống
Cử tri mong muốn Luật được ban hành ra sát thực tiễn và đi vào cuộc sống)

Đa số cha mẹ của các thí sinh được nâng điểm đều là quan chức, công chức, viên chức. Sau Bí thư Tỉnh ủy, Phó Giám đốc Sở, doanh nghiệp lớn ở Hà Giang, những chức danh quyền lực của các phụ huynh Sơn La có con được nâng điểm cũng được công khai như: Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, Chi cục trưởng Chi Cục thuế, Giám đốc VNPT tỉnh, Phó Chánh Thanh tra tỉnh, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, các Phó Chủ tịch UBND TP Sơn La, huyện Quỳnh Nhai... Theo lời khai ban đầu của bị can ở Sơn La, giá mỗi trường hợp được nâng điểm trung bình là 1 tỉ đồng.

Trước sự việc gian lận điểm thi vừa qua, dư luận đặc biệt lo ngại về các vấn đề an ninh giáo dục. Cử tri mong mỏi đại biểu chất vấn để làm rõ trách nhiệm quản lý của ngành giáo dục? Trách nhiệm pháp lý của các quan chức có con nâng điểm thi? Ngành giáo dục sẽ có những giải pháp gì để ngăn ngừa những sai phạm tương tự trong thời gian tới? Làm thế nào để chặn được nạn mua điểm, gian lận thi cử của ngành giáo dục nói chung? Cử tri cho rằng đã có người nhận hối lộ thì tới đây, cần phải khởi tố điều tra làm rõ danh tính những người đưa hối lộ. Đề nghị ĐBQH giám sát tới cùng đại án gian lận thi cử chấn động này.

Các giải pháp cụ thể cho vấn đề ô nhiễm môi trường

Ô nhiễm môi trường đang ngày càng trở nên đáng báo động. Cử tri ở nhiều thành phố lớn của nước ta rất băn khoăn về vấn đề ô nhiễm không khí nói riêng và ô nhiễm môi trường sống nói chung. Nguyên nhân của tình trạng trên là do việc phát triển kinh tế ồ ạt chưa quan tâm đến việc bảo vệ môi trường đầy đủ. Đồng thời, các quy định về kiểm soát ô nhiễm môi trường còn thiếu sót và hạn chế gây ảnh hưởng đến hiệu quả kiểm soát ô nhiễm môi trường ở Việt Nam. Theo các chuyên gia về môi trường, Việt Nam hiện vẫn thiếu các quy chuẩn kỹ thuật môi trường và quy chuẩn môi trường trong nhà đối với một số yếu tố cấu thành của môi trường; thứ hai, các chính sách về ưu đãi liên quan đến sự tham gia của tổ chức, cá nhân vào kiểm soát ô nhiễm môi trường còn quy định chung chung, chưa rõ ràng; ba là, các chính sách, quy định về phát triển bền vững ưu tiên lĩnh vực thân thiện môi trường được quy định khá rõ ràng, nhưng thực tiễn áp dụng pháp luật lại chưa hiệu quả. Đồng thời việc thực thi pháp luật về môi trường còn yếu kém, xử lý vi phạm ô nhiễm môi trường mới dùng đến các công cụ hành chính. Đồng thời, chúng ta chưa có chính sách khuyến khích thúc đẩy thực hiện trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp; Các công cụ kinh tế đã được sử dụng để kiểm soát ô nhiễm môi trường có, nhưng vẫn chưa đạt được hiệu quả mong muốn.

Ô nhiễm môi trường cũng là 1 trong 5 nhóm vấn đề mà cử tri quan tâm gửi gắm đến Trung ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, mong muốn các đại biểu bàn thảo, chất vấn trong kỳ họp này. Cử tri mong mỏi Quốc hội giám sát, yêu cầu các cơ quan chức năng đề ra giải pháp tối ưu trong phân loại, xử lý rác thải; ứng dụng công nghệ hiện đại trong xử lý rác thải; tích cực tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân để bảo vệ môi trường; quan tâm đầu tư cho ứng phó với biến đổi khí hậu để môi trường sống được cải thiện trong thời gian tới.

Phòng, chống tham nhũng trong quản lý đất đai, tài sản công

Tổng diện tích đất đô thị (chỉ tính các phường, thị trấn và các đô thị mới) là 1,4 triệu ha. Trong đó, diện tích đất nông nghiệp chiếm gần 60%, diện tích đất phi nông nghiệp chiếm hơn 37% (gồm đất ở 152.000 ha; đất chuyên dùng 281.000 ha...). Việc sử dụng đất tại đô thị còn một số hạn chế, bất cập, như: Cơ cấu sử dụng đất chưa hợp lý, tỷ lệ đất dành cho phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thấp (chiếm hơn 11% diện tích đất đô thị) so với yêu cầu phát triển.

Bên cạnh đó, tại một số đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM xảy ra tình trạng thiếu đất cho phát triển các công trình phúc lợi công cộng như giáo dục, y tế, vui chơi giải trí, giao thông tĩnh. Trong khi nhiều công trình, dự án được giao đất đã nhiều năm nhưng không sử dụng hoặc chậm tiến độ xây dựng, gây lãng phí đất đai. Gần đây hiện tượng tham nhũng, thất thoát, lãng phí đất đai khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, chuyển đổi tài sản công, được dư luận nêu lên và cảnh báo. Đồng thời, việc quản lý, sử dụng đất đô thị cũng tồn tại nhiều bất cập như: Việc lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và thực hiện quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị còn bất cập, hạn chế; có tình trạng xây dựng không tuân thủ quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc; chưa có chính sách hữu hiệu để hạn chế, xử lý tình trạng đầu cơ đất đai; Việc xác định giá đất cụ thể trong một số trường hợp còn chậm, chưa đáp ứng kịp thời tiến độ thu tiền sử dụng đất, thuê đất, tính bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất...
Từ thực tiễn trên, cử tri mong muốn Quốc hội nhanh chóng xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai và các Luật có liên quan như: Đầu tư, Đầu tư công, Doanh nghiệp, Đấu thầu, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, Xây dựng, Quy hoạch đô thị, Xử lý vi phạm hành chính... Trong thời gian chưa sửa kịp thời Luật Đất đai và pháp luật khác có liên quan, đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm để xử lý một số nội dung liên quan đến quản lý đất đai, quy hoạch đô thị như: tập trung, tích tụ đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn; định giá đất theo mô hình vùng giá trị; ban hành Nghị quyết về cơ chế quản lý, sử dụng đất quốc phòng vào hoạt động sản xuất, xây dựng kinh tế quốc phòng của quân đội để đáp ứng yêu cầu quản lý, sử dụng giải quyết những khó khăn, bất cập hiện nay. Đồng thời kiến nghị ĐBQH và Quốc hội tiếp tục giám sát chặt chẽ những vấn đề phát sinh khi quản lý, sử dụng đất để giảm thiểu tham nhũng, thất thoát trong lĩnh vực đất đai.

Cử tri mong muốn Luật được ban hành ra đi vào cuộc sống

Đáng chú ý, những vấn đề mà cử tri quan tâm trên gắn liền với những dự án luật mà Quốc hội đang bàn thảo như Luật Giáo dục (sửa đổi), Luật Phòng chống tác hại rượu bia; Luật Đầu tư công; Luật Đất đai; Luật Quản lý thuế; Bộ Luật Lao Động (sửa đổi); Luật Công chức; Luật viên chức, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Tổ chức Chính phủ… Cử tri mong muốn, làm sao để luật đi vào cuộc sống, có hiệu lực thì phải có tuổi thọ lâu dài.

Minh Minh

 

Bạn đang đọc bài viết "Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV: Những vấn đề cử tri mong Đại biểu Quốc hội chất vấn và giám sát" tại chuyên mục Sự kiện nổi bật. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin