Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV sẽ họp tập trung trong 21 ngày làm việc, khai mạc vào sáng ngày 20/10 và bế mạc vào chiều ngày 15/11. (Ảnh minh hoạ)
Ngày 17/10, tại Nhà Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội tổ chức họp báo trong nước quốc tế về dự kiến Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Chủ trì buổi họp báo có Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Phạm Thái Hà...
Quốc hội sẽ xem xét thông qua 7 Luật, cho ý kiến 7 dự án Luật
Tại buổi Họp báo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Phạm Thái Hà cho biết, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV sẽ họp phiên trù bị và khai mạc trọng thể vào ngày 20/10/2022. Theo dự kiến chương trình, Quốc hội sẽ họp tập trung trong thời gian 21 ngày (dự kiến bế mạc vào ngày 15/11/2022).
Về công tác lập pháp, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 7 dự án Luật, 3 dự thảo Nghị quyết, gồm: Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Tại kỳ họp này Quốc hội cũng tiến hành cho ý kiến 7 dự án Luật quan trọng gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự.
Xem xét nhiều vấn đề quan trọng của đất nước
Tại kỳ họp lần thứ 4 Quốc hội khóa XV, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến, thông qua các nội dung:
Xem xét các báo cáo về: đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2022; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 (trong đó có quyết định kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước; xem xét Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2023-2025; tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2022, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2023 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý).
Xem xét các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về: công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án năm 2022 (trong đó có nội dung về công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam).
Xem xét việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV; Báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Ngoài ra Quốc hội cũng sẽ tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”; xem xét, quyết định công tác nhân sự; xem xét, thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV và xem xét, quyết định vấn đề quan trọng khác (nếu có).
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại buổi họp báo về dự kiến Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Đề xuất 6 nhóm vấn đề chất vấn
Đặc biệt tại kỳ họp Quốc hội lần này, hoạt động chất vấn sẽ diễn ra từ chiều 3/11 đến hết ngày 5/11. Dự kiến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Quốc hội đề xuất 6 nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 4, bao gồm:
Nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực nội vụ gồm: việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ. công chức, viên chức và việc triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ công chức viên chức. Công tác tuyển dụng đào tạo bồi dưỡng đánh giá xử lý vi phạm của cán bộ, công chức và giải pháp nâng cao chất lượng ngũ cán bộ công chức. Nguyên nhân, giải pháp trước tình trạng công chức viên chức nghỉ việc gia tăng trong thời gian gần đây, nhất là lĩnh vực vị trí địa bàn đông dân cư chịu nhiều áp lực công việc (như viên chức y tế)... Việc đảm bảo đảm biên chế cho ngành giáo dục đáp ứng yêu cầu dạy - học. Giải pháp giải quyết những vấn đề khó khăn bất cập của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn tổ dân phố (về số lượng người làm việc, về chế độ, chính sách...) nhất là công chức cấp xã dôi dư sau sắp xếp.
Nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực xây dựng gồm: thực trạng giải pháp nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý phát triển đô thị của Việt Nam, nhất là ở các thành phố lớn. Việc di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô thành phố Hà Nội. Quản lý thị trường bất động sản, việc xử lý các tổ chức cá nhân vi phạm pháp luật trong hoạt động giao dịch huy động vốn kinh doanh bất động sản. Công tác quy hoạch và xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, công nhân lao động nhất là tại các khu công nghiệp và các thành phố lớn. Trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng trong xây dựng ban hành thực hiện các đơn giá, định mức trong xây dựng cơ bản. Việc kiểm soát giá nguyên vật liệu xây dựng, bảo đảm nguồn nguyên vật liệu để xây dựng các công trình dự án, nhất là các dự án quan trọng quốc gia.
Nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông gồm: ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước, xây dựng chính phủ, số chính quyền số. Công tác xây dựng kết nối, chia sẻ, khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia. Việc tiếp cận thông tin và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Việc quản lý khác thuê bao đầu số của các nhà mạng, công tác kiểm tra quản lý các trang mạng trang thông tin điện tử và các nền tảng trực tuyến khác. Việc xử lý các cá nhân tổ chức có hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các trang thông tin điện tử, thu thập mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân.
Nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ gồm: chiến lược phát triển khoa học công nghệ quốc gia, giải pháp đẩy mạnh ứng dụng và triển khai những thành tựu sản phẩm khoa học công nghệ tiên tiến vào cuộc sống. Ứng dụng công nghệ cao vụ phát triển kinh tế xã hội, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Việc bố trí, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước chi cho nghiên cứu khoa học thời gian qua. Hoạt động nghiên cứu khoa học. chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học ra thị trường của các đơn vị nghiên cứu, viện, trường, đơn vị sự nghiệp công lập. Cơ chế chính sách khuyến khích tư nhân đầu tư nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ.
Nhóm vấn đề thứ năm thuộc lĩnh vực thanh tra gồm: nâng cao hiệu lực hiệu quả trong hoạt động thanh tra, kịp thời phòng ngừa ngăn chặn vi phạm pháp luật, biện pháp xử lý, thu hồi tài sản sau thanh tra, việc xử lý đối với tập thể cá nhân vi phạm nhất là những nơi để xảy ra vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Công tác tuyên truyền giáo dục về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, giải pháp tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra. Giải pháp ngăn chặn xử lý nghiêm và thu hồi tài sản tham nhũng để tạo lòng tin trong nhân dân. Công tác phối hợp và giải pháp khắc phục chồng chéo trung lập trong hoạt động thanh tra, kiểm tra.
Nhóm vấn đề thứ sáu thuộc lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp gồm: việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, các giải pháp đảm bảo tiến độ chất lượng và hồ sơ thủ tục các đề án, dự án Chính phủ trình Quốc hội. Giải pháp khắc phục tình trạng chậm ban hành và những thiếu sót, sai phạm trong việc ban hành văn bản quy định chi tiết luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh nghị quyết của ủy ban thường vụ Quốc hội. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật của người dân. Hạn chế, bất cập trong công tác thi hành án dân sự, giải pháp khắc phục.
Về quy trình chọn nhóm vấn đề chất vấn, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Kỳ họp thứ 4 sẽ chuẩn bị sớm nhóm nội dung chất vấn. Việc lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn căn cứ vào ý kiến của đại biểu Quốc hội, các Đoàn Đại biểu Quốc hội; căn cứ thống kê hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến nay; căn cứ vào kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4; căn cứ vào những vấn đề nổi lên trong báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; căn cứ vào báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…
Từ đó, lựa chọn 6 nhóm vấn đề thuộc 6 lĩnh vực. Sau khi xin ý kiến Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, 6 nhóm vấn đề chất vấn sẽ được báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lựa chọn 5 vấn đề; tiếp đó xin ý kiến đại biểu Quốc hội chọn 4 nhóm vấn đề chất vấn. Trong quá trình xin ý kiến, nếu có vấn đề khác mới hơn có thể sẽ thay đổi.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường khẳng định, việc chuẩn bị sớm các nội dung chất vấn để đại biểu, các bộ ngành nghiên cứu, xem xét nghiên cứu kỹ, đảm bảo chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn sâu hơn, góp phần nâng cao chất lượng kỳ họp.