Kuwait, một trong những nước giàu nhất thế giới, sắp cạn tiền mặt trong vài tháng tới

Kuwait, thuộc nhóm mười quốc gia có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới, đối mặt với nguy cơ cạn kiệt tiền mặt trước việc giá dầu thô lao dốc và các tác động của đại dịch Covid-19. Kuwait khó có thể trả lương cho công chức nhà nước kể từ tháng 10 tới đây.

Nền kinh tế quá phụ thuộc vào dầu mỏ và chi tiêu ngân sách khổng lồ đang đánh gục nền kinh tế Kuwait (Ảnh: StepFeed)

Hãng tin Bloomberg cho biết Kuwait đang đối mặt với nguy cơ cạn kiệt tiền mặt. Với mức thu nhập bình quân đầu người khoảng 50.000 USD/năm, Kuwait hiện trong top 10 nước có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới và xếp thứ hai tại khu vực Vùng Vịnh, sau Qatar.

Trong năm 2016, Bộ trưởng Tài chính Kuwait lúc đó là ông Anas Al-Saleh cảnh báo rằng đã đến lúc Kuwait cần cắt giảm chi tiêu và chuẩn bị cho giai đoạn hậu dầu mỏ. Lời cảnh báo trên đã chìm nghỉm và bị chế nhạo bởi những người dân vốn được nuôi sống bởi nguồn tiền từ dầu mỏ dường như là vô hạn. Bốn năm sau, lời cảnh báo này dường như trở thành hiện thực.

Kuwait hiện đang phải vật lộn để duy trì qua ngày trong bối cảnh giá dầu thô lao dốc, kéo theo đó là những câu hỏi quan ngại về mô hình phát triển kinh tế của các quốc gia Vùng Vịnh vốn dựa nhiều vào dầu mỏ.

Thay thế vị trí Bộ trưởng Tài chính của ông Anas Al-Saleh là bà Mariam Al-Aqeel vào hồi tháng 1/2020. Nhưng bà Mariam Al-Aqeel cũng mất ghế Bộ trưởng chỉ 2 tuần sau khi bà đề xuất tái cấu trúc hệ thống lương của khu vực công – gánh nặng lớn nhất hiện nay của ngân sách quốc gia Kuwait. Trong tháng 8, người kế nhiệm bà Mariam Al-Aqeel là ông Barak Al-Sheetan lên tiếng cảnh báo Kuwait sẽ không đủ tiền mặt để trả lương cho các cán bộ công chức nhà nước kể từ tháng 10 tới đây.

Việc quá chậm chạp trong việc điều chỉnh thói quen chi tiêu trong bối cảnh nguồn thu từ dầu mỏ sụt giảm mạnh đang khiến các quốc gia Vùng Vịnh đối mặt với các thách thức nghiêm trọng và bất ổn trong tương lai khi các quốc gia này vốn “lấy lòng dân chúng” bằng ngân sách hào phóng trong nhiều thập kỷ.

Ông Fawaz Al-Sirri, giám đốc công ty tư vấn Bensirri nhận định “Sẽ có 1 ngày chúng ta thức dậy và nhận ra rằng tất cả tiền tiết kiệm đã biến mất, không phải vì chúng ta không thường xuyên kiểm tra tài khoản mà vì chúng ta nghĩ do ngân hàng lỗi, rồi sau đó đi mua chiếc đồng hồ Rolex mẫu mới nhất".

Mặc dù Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) bao gồm hầu hết các quốc gia xuất khẩu dầu lớn trong khu vực Vùng Vịnh đã cắt giảm mạnh sản lượng khai thác nhằm cứu giá dầu thô khỏi việc sụt giảm mạnh hồi đầu năm. Mức giá dầu thô khoảng 40 USD/thùng như hiện nay được coi vẫn là quá thấp đối với nhu cầu tài chính của các quốc gia Vùng Vịnh. Bên cạnh đó, các điều bất định về nhu cầu sử dụng dầu thô do đại dịch Covid-19 gây ra và xu hướng chuyển sang năng lượng tái tạo có thể khiến giá dầu thô tiếp tục suy giảm.

Ả-rập Xê-út, nước lãnh đạo khối OPEC, đã mạnh tay cắt giảm các chính sách phúc lợi đồng thời tăng thuế. Bahrain và Oman, vốn có tiềm lực tài chính yếu hơn, thì gia tăng các khoản vay và tìm kiếm trợ giúp từ những nước láng giềng có tiềm lực tài chính tốt hơn. Trong khi đó, Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) đang cố gắng đa dạng hóa nền kinh tế của mình với tham vọng biến Dubai thành 1 trung tâm logistics và tài chính.

Về phía Kuwait, nước này đang bị mắc kẹt trong 1 cuộc tranh luận chính trị. Các nhà lập pháp nước này đã trì hoãn kế hoạch tái phân bổ ngân sách và chặn những đề xuất về phát hành nợ. Điều này khiến Kuwait gần như cạn kiệt các tài sản có tính thanh khoản cao và không thể bù đắp thâm hụt ngân sách được dự đoán sẽ lên đến 46 tỷ USD trong năm nay.

Trong những năm 70 của thế kỷ trước, Kuwait từng nằm trong nhóm những nền kinh tế năng động nhất của vùng Vịnh với 1 quốc hội có tiếng nói, môi trường kinh doanh tốt và lao động tay nghề cao. Tuy nhiên, sự sụp đổ của thị trường chứng khoán phi chính thức vào năm 1982 tại nước này đã khiến kinh tế Kuwait chao đảo cùng lúc đó là bất ổn khu vực bùng phát vì cuộc chiến tranh kéo dài gần 10 năm giữa Iran và Iraq. Sau đó Kuwait đã buộc phải chi tiêu nhiều để kiến thiết đất nước sau cuộc chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991. Phải mất nhiều năm sau đó, nền kinh tế Kuwait mới thực sự phục hồi.

Hiện 90% nguồn thu ngân sách của Kuwait phục thuộc vào dầu mỏ và các lĩnh vực có liên quan đến dầu mỏ. 80% người lao động làm việc trong khu vực nhà nước với mức thu nhập vượt trội so với khu vực tư nhân. Trung bình các phúc lợi xã hội gồm nhà ở, xăng xe và thực phẩm mà 1 gia đình tại nước này được hưởng có thể lên đến 2.000 USD/tháng. Tiền lương và trợ cấp chiếm 75% chi ngân sách, trong khi ngân sách nước này đang tâm hụt năm thứ 7 liên tiếp kể từ khi giá dầu thô sụp đổ hồi năm 2014.

Tuy nhiên, Kuwait vẫn còn nhiều tài sản giá trị vốn đang được giữ trong quỹ đầu tư quốc gia Future Generations Fund. Đây là quỹ đầu tư quốc gia lớn thứ 4 thế giới với trị giá khoảng 550 tỷ USD. Tuy nhiên việc sử dụng nguồn tài chính từ quỹ Future Generations Fund là một vấn đề gây nhiều tranh cãi khi mục đích của quỹ này là nhằm đảm bảo duy trì thịnh vượng sau khi dầu mỏ cạn kiệt.

Một số người dân Kuwait tin rằng đây là thời điểm thích hợp để sử dụng quỹ đầu tư quốc gia nhưng nhiều người phản đối và cảnh báo nếu không đa dạng hoá nền kinh tế và tạo ra việc làm thì số tiền trong quỹ đầu tư cũng chỉ đủ dùng từ 15 – 20 năm.

Quỹ Future Generations Fund đã mua hơn 7 tỷ USD tài sản trong những tuần gần đây. Trong khi đó, Quốc hội Kuwait vừa thông qua kế hoạch ngừng chuyển 10% nguồn thu từ dầu mỏ (tương đương 12 tỷ USD) vào quỹ này trong những năm ngân sách thâm hụt. Tuy nhiên việc này vẫn không đủ để cứu Kuwait, nước này cần tăng cường đi vay nhưng sau khi phát hành trái phiếu Eurobond vào năm 2017 thì Luật nợ công của nước này cũng đã hết hiệu lực.

Bộ trưởng Tài chính Al-Sheetan đang nỗ lực thuyết phục các nhà lập pháp Kuwait thông qua kế hoạch vay thêm 65 tỷ USD. Giới quan sát nhận định việc này không mấy khả quan trong bối cảnh có nhiều vụ bê bối tham nhũng nổ ra. Kể từ năm 2006 đến nay Kuwait đã trải qua 16 đời chính phủ, 7 cuộc bầu cử và thay Bộ trưởng Tài chính 4 lần.

Sự bế tắc khiến niềm tin của nhà đầu tư bị xói mòn nghiêm trọng. Trong tháng 3/2020, hai hãng xếp hạng tín dụng S&P Global Ratings và Moody’s cảnh báo hạ mức xếp hạng tín nhiệm của Kuwait xuống tiêu cực. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng "cánh cửa cơ hội để Kuwait giải quyết các thách thức đang dần thu hẹp".

Theo tapchicongthuong.vn

Nguồn bài viết: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/kuwait-mot-trong-nhung-nuoc-giau-nhat-the-gioi-sap-can-tien-mat-trong-vai-thang-toi-74722.htm

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin