“Kinh tế giãn cách & khởi nghiệp sáng tạo 5.0”

02/02/2021 15:19

Các sinh vật trên Trái Đất đã trãi qua thời kỳ đồ đá, đồ đồng, đồ sắt, đồ nhựa và nay là đồ "vi-rút", thật sự đáng lo âu cho những thách thức phát triển những ngày tới. Các cuộc cách mạng công nghiệp, từ lò hơi nước (1.0), đến điện năng (2.0), điện tử và công nghệ thông tin (3.0), và nay bước sang tự động hóa sản xuất IR 4.0, được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ đám mây (cloud computing), sẽ đưa chúng ta về đâu khi chúng ta không quan tâm đến môi trường sinh sống?

Phong trào “khởi nghiệp” trong nước thời gian qua được hô hào cổ động, trăm hoa đua nở, nhưng thực tế cho thấy, “tưng bừng khai trương và âm thầm dẹp tiệm”.

“97% các công ty khởi nghiệp thất bại ngay trong những năm đầu tiên. Chỉ 3% các startup có thể duy trì qua năm thứ 2 và thành công trong thực tế. Thị trường ngày càng khó khăn, những người khởi nghiệp quả thực có thể gọi họ là người hùng vì con đường khởi nghiệp rất chông gai, là cuộc chiến gian nan…”.
(www.cafef.vn)

“Khởi nghiệp” không có gì là mới lạ, hàng nghìn năm qua, sĩ-nông-công-thương đều làm “business”. Từ cái cày xới đất trồng trọt cho đến bánh xe lăn tròn quay đều quay đều, từ các mộc bản cho đến máy in, từ cái tủ lạnh cho đến máy vi tính, tất cả là những phát minh đem lại sự tiện ích cho người tiêu dùng đều từ khởi nghiệp. Tất cả các phát minh thay đổi theo ngày tháng luôn nhắm vào lợi ích cho khách hàng. Vì tựu chung, khách hàng là người đem lại doanh thu và đặt ra các chỉ tiêu và tiêu chí cho doanh nghiệp. Không phải doanh nghiệp muốn gì, nhưng là khách hàng cần gì.

Tại sao các doanh nghiệp trẻ VN gần đây thua lỗ khi tham gia phong trào “Startups”? Thấy người bạn bán trà đá thành công, ta cũng bắt chước; thấy bán phở đông khách, ta cũng bán phở, nhưng thêm phở hải sản cho khác biệt, và chấp nhận thua lỗ sau đó. Người tiêu dùng quen ăn phở bò tái nạm gầu gân, thay đổi khẩu vị với phở hải sản cao cấp, thì làm sao cạnh tranh được với hủ tíu hải sản của các tiệm Hoa kiều? Thấy bạn làm “apps”, cũng hăng hái làm, và cha mẹ gồng gánh trả nợ.

Thiếu sáng tạo, thiếu đột phá, và đem đến phá sản, nợ chồng chất.

“Dục tốc bất đạt”, khởi nghiệp thành công hay không, tùy thuộc vào nghiên cứu thị trường, phân tích “PEST” (political, economic, social, technological) và lên mô hình kinh doanh (business model). “Khởi nghiệp sáng tạo” (Innovative Startup) không phải là một sáo ngữ, nhưng là một hành trình đòi hỏi tư duy phân tích, phản biện và sáng tạo. Sáng tạo (innovation) là sự kết hợp giữa “phát minh” (invention) và “thương mại hóa” (commercialization). Ý tưởng dầu có hay bao nhiêu nhưng không thương mại hóa được, không có kế hoạch (business plan) chỉ là một giấc mơ, hoang tưởng, và trở thành ác mộng.

Thời buổi Covid, “kinh tế tuần hoàn” (circular economy) được đề cập nhiều trên các mạng xã hội và thông tin đại chúng. Thật ra, người nông dân Việt Nam đã áp dụng xưa nay. Lấy thí dụ, “vài sào đất trồng lúa nếp, nếp nấu rượu, hèm cho heo ăn, phân heo xả xuống hồ cho cá béo mập, bán heo bán cá, và có rượu uống lai rai”. Vệ sinh các bao cao su găng tay, đưa ra thị trường “second hand”, kinh tế tuần hoàn? Nhưng đó không phải là tư duy sáng tạo, “kinh tế tuần hoàn” không phải là “tái chế” hay “khép kín”, nhưng là những phương thức đột phá nhằm bảo vệ môi trường càng ngày càng bị con người hủy hoại, mục đích chính là bảo vệ thiên nhiên và con người.

“Kinh tế giãn cách” (Low touch economy) là cơ hội để phát triển tốt nhất. Chúng ta nay tìm lại được sự yên tỉnh, có thời gian tư duy tích cực, lên những mô hình kinh doanh “hậu Covid”, và sửa soạn chương trình đề phòng cho các viruses X-Y-Z…. sẽ đến, và chắc chắn lại sẽ đến….

Mô hình kinh doanh sáng tạo không phải chỉ từ ý tưởng cá nhân ích kỷ, nhưng với sự tham gia của tập thể, “Team”, ý tưởng phải được thương mại hóa, sau đó triển khai bản quyền sở hữu trí tuệ (Intellectual Property), gọi vốn, marketing, mà đa số doanh nghiệp trong nước xưa nay đều thờ ơ khi tham gia cộng đồng doanh nghiệp quốc tế.

Chiều ý khách hàng, cũng phải có giới hạn, đốn cây đốn củi để sưởi ấm vài cá nhân, xây dinh thự, để rồi sạt lỡ đất núi, trách nhiệm sẽ về ai?

“Kinh tế giãn cách” (Low touch economy) sẽ còn kéo dài và sẽ là một nền kinh tế mới cho những thập niên đến, chống chọi với những viruses mà con người đã gây ra qua những cách mạng công nghiệp, đã và đang phá hủy môi trường thiên nhiên.

“Khởi nghiệp sáng tạo quốc gia” (National innovative startups) nên tập trung vào các sự đổi thay cần thiết và đáp ứng các nhu cầu của xã hội và cộng đồng, bảo vệ thiên nhiên, và chấp nhận giãn cách hiện thời để tìm đến các cơ hội phát triển với tư duy tích cực cho những ngày sắp đến.

Khởi nghiệp sáng tạo rất cần thiết! Innovation = Invention + Commercialization nhằm mục đích giảm thiểu ô nhiễm và tàn phá môi trường sinh sống, giao hưỡng với các công nghệ hiện đại, đón đường cho “5.0”, cách mạng công nghiệp bảo vệ môi trường đẻ đón chào thời đại mới. Tư duy sáng tạo sẽ thành công khi quan tâm đến tình hình xã hội, nghiên cứu phát triển, tôn trọng pháp luật, và dùng công nghệ tiên tiến phục vụ an sinh nhằm bảo vệ môi trường trong sạch, đó là hướng đi của các cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam trong thời gian giãn cách, phát triển tư duy cá nhân, triển khai các dự án, thích hợp với kinh tế xã hội trong và ngoài nước.

“Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, nhưng khó vì lòng người ngại núi e sông” - Câu nói của Nguyễn Bá Học.

Theo doanhtri.net

Nguồn bài viết: http://doanhtri.net/tin----kinh-te-gian-cach---khoi-nghiep-sang-tao-5-0-----br--lg--ts--ngo-anh-cuong-d68606.html

Bạn đang đọc bài viết "“Kinh tế giãn cách & khởi nghiệp sáng tạo 5.0”" tại chuyên mục Lăng kính Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin