Kiến nghị hoàn thiện chính sách thuế riêng với hoạt động chứng khoán phái sinh

09/08/2023 16:19

(Pháp lý) – Từ vụ việc của Cty Yến Sào Hubnest xuất hoá đơn 34.000 tỷ cho giao dịch chứng khoán phái sinh, cho thấy bất cập trong chính sách thuế đối với hoạt động này. Do đó, cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu hoàn thiện nhằm khắc phục những bất cập khuyết thiếu của chính sách, góp phần tăng thu cho ngân sách, đồng thời phòng ngừa những gian lận, tiêu cực trong kinh doanh….

1-1691572775.png

Hiện có 02 loại chứng khoán phái sinh giao dịch trên thị trường chứng khoán phái sinh (Ảnh minh họa)

Từ việc C.ty yến sào Hubnest xuất hoá đơn hàng chục nghìn tỷ cho chứng khoán phái sinh

Vừa qua, thông tin Công ty TNHH yến sào Hubnest (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) xuất 6 hóa đơn với doanh thu hơn 34.574 tỉ đồng trong vòng 7 ngày khiến dư luận và cơ quan thuế không khỏi "hoài nghi".

Khi kiểm tra, ngành thuế phát hiện chỉ có 40 triệu đồng hóa đơn kinh doanh yến, còn lại là hóa đơn xuất vào thị trường chứng khoán.

Theo giải thích từ công ty, do vòng quay vốn lớn và đặc trưng của hoạt động chứng khoán phái sinh là tỷ lệ đòn bẩy rất lớn, gấp nhiều lần vốn dẫn đến doanh thu cao. Chẳng hạn, doanh nghiệp (DN) có thể sử dụng 25 triệu đồng tiền ký quỹ (tương đương 25%) để giao dịch một hợp đồng tương lai 100 triệu đồng và lặp lại giao dịch mua bán nhiều lần trong ngày.

Sau khi xác minh, Lãnh đạo Cục Thuế TPHCM cho biết Hubnest không vi phạm về hóa đơn thuế, hoạt động giao dịch chứng khoán của Hubnest là hoạt động bình thường, nhưng do giá trị hóa đơn lớn nên cơ quan thuế đưa doanh nghiệp vào diện giám sát chặt chẽ, thường xuyên.

2-1691572783.jpg

Công ty yến sào Hubnest xuất hóa đơn 34.000 tỷ trong 7 ngày (ảnh minh hoạ)

Mặc dù cơ quan chức năng đã khẳng định Hubnest không vi phạm về hóa đơn thuế, hoạt động giao dịch chứng khoán của Hubnest là hoạt động bình thường. Vấn đề gây khó hiểu ở đây là mục đích xuất hóa đơn hơn 34,000 tỷ đồng của Hubnest để làm gì? Điều này khiến dư luận không khỏi đặt ra những nghi vấn bất thường.

Trước tiên chúng ta hãy cùng tìm hiểu qui định pháp luật về hoạt động chứng khoán phái sinh và chính sách thuế với hoạt động này.

Về Chứng khoán phái sinh

Theo quy định của Luật Chứng khoán, Chứng khoán phái sinh là công cụ tài chính dưới dạng hợp đồng, bao gồm hợp đồng quyền chọn, hợp đồng tương lai, hợp đồng kỳ hạn, trong đó xác nhận quyền, nghĩa vụ của các bên đối với việc thanh toán tiền, chuyển giao số lượng tài sản cơ sở nhất định theo mức giá đã được xác định trong khoảng thời gian hoặc vào ngày đã xác định trong tương lai. Chứng khoán phái sinh có giá trị tùy thuộc vào giá của tài sản gốc là chứng khoán, hàng hóa, hay chỉ số tài chính., và các hợp đồng phái sinh được giao dịch trên thị trường chứng khoán phái sinh.

Hợp đồng chứng khoán phái sinh được sử dụng để bảo vệ nhà đầu tư khỏi rủi ro giá, đồng thời cũng cung cấp cơ hội kiếm lời từ biến động giá của tài sản gốc. Các loại hợp đồng chứng khoán phái sinh phổ biến bao gồm hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn và hợp đồng kỳ hạn.

Về chính sách thuế đối với hoạt động chứng khoán phái sinh

Đối với nhà đầu tư cá nhân, theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Luật thuế TNCN đã được sửa đổi bổ sung tại Điều 16 Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính thì cá nhân (không phân biệt cá nhân cư trú hay không cư trú) có thu nhập từ chuyển nhượng HĐTL trên thị trường chứng khoán phái sinh áp dụng tỷ lệ thuế 0,1% trên giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần.

Đối với doanh nghiệp trong nước, căn cứ quy định tại Khoản 1 điều 7 và Khoản 2 Điều 15 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành Luật thuế TNDN, trường hợp doanh nghiệp có thu nhập từ giao dịch HĐTL thì khoản thu nhập này phải chịu thuế TNDN theo quy định. Thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng chứng khoán trong kỳ là tổng lãi lỗ vị thế ròng, doanh nghiệp kê khai vào thu nhập chịu thuế khi tính thuế TNDN trong kỳ.

Đối với tổ chức nước ngoài sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam không theo Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp (nhà thầu nước ngoài), căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 13 Thông tư số 103/2014/TT-BTC ngày 06/8/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam thì nhà thầu nước ngoài có thu nhập từ chuyển nhượng HĐTL trên thị trường chứng khoán phái sinh áp dụng tỷ lệ thuế 0, 1% trên giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần.

Tuy nhiên riêng đối với thuế GTGT được quy định cụ thể tại khoản 8, Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn Luật thuế giá trị gia tăng và Nghị định 209/2013/NĐ-CP. Theo đó, các giao dịch chuyển nhượng chứng khoán phái sinh, Công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ môi giới, tự doanh, dịch vụ tư vấn đầu tư chứng khoán phái sinh, quản lý danh mục chứng khoán phái sinh thuộc diện không chịu thuế GTGT.

Kiến nghị hoàn thiện sắc thuế riêng với chứng khoán phái sinh

Từ thực tế vụ việc của Yến Sào Hubnest, dễ dàng nhận thấy đặc điểm của hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh là thông qua sàn giao dịch chứng khoán, bên mua và bên bán không có thông tin với nhau, nên bên bán sẽ không có thông tin của bên mua chứng khoán khi lập hóa đơn điện tử để giao cho người mua và hoạt động chuyển nhượng chứng khoán thuộc đối tượng không chịu thuế VAT.

Tuy nhiên theo quy định tại Điều 4 Nghị định 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hóa đơn chứng từ, khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua trừ trường hợp hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất hoặc hàng hóa cho vay, cho mượn.

Trong khi đó, đặc trưng đối với hoạt động chứng khoán phái sinh là tỉ lệ đòn bẩy rất lớn và có thể mua/bán ngay lập tức, nhiều lần trong ngày. Điều đó dẫn đến giá trị giao dịch của thị trường phái sinh rất lớn.

Chính điều này dẫn đến trường hợp một doanh nghiệp chỉ mới thành lập có số vốn điều lệ 2.5 tỷ đồng, phát sinh doanh thu, xuất hóa đơn hơn 34,000 tỷ đồng từ giao dịch phái sinh trên thị trường chứng khoán, trong khi hoạt động chuyển nhượng chứng khoán thuộc đối tượng không chịu thuế VAT. Từ đây gây không ít khó khăn đối với công tác quản lý thuế.

3-1691573035.jpg

Các quy định chính sách thuế đối với hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh đang bộc lộ bất cập gây khó khăn cho công tác quản lý

Mặc dù cơ quan chức năng đã khẳng định Hubnest không vi phạm về hóa đơn thuế, hoạt động giao dịch chứng khoán của Hubnest là hoạt động bình thường. Tuy nhiên, qua sự việc này cho thấy chính sách thuế đối với chứng khoán phái sinh đã bộc lộ bất cập khiến công tác quản lý thuế nói chung, quản lý đối với hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh nói riêng gặp không ít khó khăn, lúng túng.

Do đó, cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát chặt chẽ, thường xuyên đối với trường hợp người nộp thuế xuất hóa đơn điện tử có hình thức và giá trị lớn tương tự.

Đồng thời, sớm nghiên cứu, sửa đổi bổ sung các quy định liên quan đến chính sách thuế đối với hoạt động này. Trong đó, cần sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định số 123/2020/NĐ-CP theo hướng: quy định khi chuyển nhượng chứng khoán phái sinh thông qua sàn giao dịch của các công ty chứng khoán thì không phải lập hóa đơn điện tử; không kê khai doanh thu chuyển nhượng chứng khoán phái sinh thông qua sàn giao dịch của các công ty chứng khoán vào chỉ tiêu hàng hóa, dịch vụ bán ra không chịu thuế VAT.

Về lâu dài, theo chúng tôi cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu hoàn thiện sắc thuế riêng đối với hoạt động chứng khoán phái sinh.

Với hoạt động chuyển nhượng chứng khoán, thu nhập chịu thuế hiện nay được xác định là giá chuyển nhượng từng lần với thuế suất 0,1%. Luật Chứng khoán 2019 quy định chứng khoán bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, chứng khoán phái sinh và các loại chứng khoán khác. Tuy nhiên, có sự khác biệt về bản chất giữa chứng khoán cơ sở và chứng khoán phái sinh.

Giá trị của chứng khoán phái sinh phụ thuộc vào giá trị của một hoặc nhiều loại tài sản cơ sở, do đó, chứng khoán phái sinh không có đầy đủ giá trị nội tại như chứng khoán cơ sở. Nhà đầu tư nắm giữ chứng khoán phái sinh không được hưởng các quyền cổ đông nắm giữ chứng khoán cơ sở, ví dụ, không có quyền tham dự đại hội đồng cổ đông; không có quyền nhận cổ tức.

Thị trường phái sinh cũng không diễn ra các giao dịch chuyển nhượng toàn bộ giá trị giao dịch và chuyển giao tài sản từ bên bán cho bên mua như thị trường cơ sở (trừ hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ chuyển giao vật chất giữ đến ngày đáo hạn). Giá trị của chứng khoán phái sinh được khuếch đại lên nhiều lần do hệ số nhân hợp đồng khi thiết kế các sản phẩm. Việc thanh toán chuyển giao giữa các nhà đầu tư chỉ là giá trị chênh lệch giá (lãi hoặc lỗ).

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy các nền kinh tế đều dần chuyển sang đánh thuế dựa trên thu nhập thực đối với chứng khoán phái sinh (Anh, Pháp, Đức, Lucxembourg, Mỹ, Australia, Nhật Bản, Canada, Thái Lan). Nếu áp dụng phương pháp tính thuế trên giá trị giao dịch thì thuế suất phải linh hoạt đối với từng sản phẩm chứng khoán phái sinh (Ấn Độ, Đài Loan), mức thuế suất cũng thấp hơn nhiều lần so với thị trường chứng khoán cơ sở.

Tại Đài Loan, thuế suất trên thị trường phái sinh thấp hơn 150-600 lần so với thuế suất trên thị trường cơ sở. Ấn Độ áp dụng thuế suất 0,01% đối với hợp đồng tương lai, 0,05% với phí quyền chọn, 0,125% khi thực hiện quyền.

Từ những phân tích trên, chúng tôi cho rằng cần thiết sớm có quy định riêng về thuế đối với chứng khoán phái sinh để phù hợp với bản chất hoạt động kinh doanh, phân biệt với chứng khoán cơ sở, qua đó góp phần tăng thu ngân sách nhà nước.

Xuân Trường – Phúc Dương
Bạn đang đọc bài viết "Kiến nghị hoàn thiện chính sách thuế riêng với hoạt động chứng khoán phái sinh" tại chuyên mục Pháp lý và Kinh doanh. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin