Khủng hoảng COVID-19 “tô xám” bức tranh kinh tế toàn cầu trong nửa đầu năm 2020

Kinh tế thế giới đã khép lại nửa đầu năm 2020 đầy biến động với không ít quan ngại, và nhân tố tác động được nhắc đến nhiều nhất có lẽ là COVID-19.

Các cửa hàng đóng cửa do dịch COVID-19 tại Potsdam, Đức ngày 4/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Cuộc khủng hoảng dịch bệnh toàn cầu này đã đẩy hàng trăm triệu người vào cảnh mất việc làm, hàng nghìn doanh nghiệp bị phá sản, toàn bộ hoạt động thương mại, sản xuất trên thế giới đều trở nên đình trệ và khiến nhiều nền kinh tế phải chứng kiến mức suy giảm mạnh chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ qua.

Khoảng tối hiếm thấy của nền kinh tế

Khởi phát tại Trung Quốc vào cuối năm 2019, virus SARS-CoV-2 đã lây lan nhanh ra các quốc gia khác và bùng phát mạnh mẽ trên toàn cầu vào đầu năm nay, đặc biệt là tại Mỹ và châu Âu.

Các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn đại dịch đã làm tê liệt gần như mọi lĩnh vực kinh tế. Bởi vậy, nền kinh tế toàn cầu trong nửa đầu năm 2020 đối diện với tình trạng sụt giảm trên diện rộng.

Số liệu thống kê tăng trưởng kinh tế quý I/2020 của nhóm các nền kinh tế phát triển cũng như nhóm các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi đều sụt giảm mạnh.

Trong đó, hầu hết các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Anh, EU, Nhật Bản đều rơi vào tình trạng tăng trưởng âm.

Trong khi đó, tại các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi chủ chốt như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, các nước thuộc khu vực Đông Nam Á, tốc độ tăng trưởng đều sụt giảm đáng kể so với ước tính ban đầu.

Chính phủ Mỹ ngày 30/7 công bố số liệu cho thấy, nền kinh tế lớn nhất thế giới này trong quý II/2020 đã suy giảm 33%, ghi dấu số liệu kém nhất kể từ năm 1947, chủ yếu do chi tiêu tiêu dùng - chiếm tới 70% nền kinh tế Mỹ - giảm 34%.

Trước đó, kinh tế Mỹ đã giảm 5% trong quý I/2020 và chính thức rơi vào suy thoái do dịch COVID-19, chấm dứt chuỗi tăng trưởng kéo dài 11 năm liên tiếp - giai đoạn tăng trưởng dài nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Do tác động của lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan, các doanh nghiệp ở Mỹ đã cắt giảm 20,8 triệu việc làm trong tháng 4/2020 và mới chỉ khôi phục khoảng 7,5 triệu việc làm trong hai tháng 5-6/2020, khi nhiều bang ở nước này bắt đầu mở cửa trở lại nền kinh tế.

Tuy nhiên, khi diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện và Mỹ đang là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch COVID-19 với 4.705.889 ca nhiễm và 156.747 ca tử vong (tính tới ngày 1/8/2020) thì triển vọng phục hồi kinh tế nước này vẫn còn bị hoài nghi.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng đại dịch COVID-19 chính là mối đe dọa lớn nhất của nền kinh tế Mỹ hiện nay, bất chấp Cục Dự trữ Liên bang (Fed) liên tục có những nỗ lực chưa từng thấy nhằm hỗ trợ và cung cấp các gói kích cầu kinh tế.

Mới đây nhất, Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch đã hạ mức đánh giá về triển vọng trả nợ vốn vay ngoại tệ dài hạn (LTFC IDR) của Mỹ từ “ổn định” xuống “tiêu cực”, đồng thời cảnh báo rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ phải đối mặt với tình trạng nợ công cao và thâm hụt ngân sách tồi tệ hơn do cuộc khủng hoảng COVID-19.

Tại châu Âu, tình hình cũng không kém phần ảm đạm khi Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho biết, trong quý II/2020, kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã bị tác động mạnh bởi cuộc khủng hoảng COVID-19 với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm 12,1%, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1995.

Một số nền kinh tế lớn thuộc Eurozone như Đức, Pháp, Italy và Tây Ban Nha đều thông báo tốc độ tăng trưởng sụt giảm mạnh trong quý II/2020.

Người dân mua hàng trong siêu thị tại Jena, Đức ngày 6/4/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh: THX/ TTXVN

Đức thông báo GDP sụt 10,1%, trong khi GDP của Pháp hạ 13,8%, GDP của Italy giảm 12,4%, GDP của Bồ Đào Nha giảm 14,1% và Tây Ban Nha – một trong số quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh – ghi nhận GDP giảm tới 18,5%. Kinh tế Áo suy giảm 10,7% và Bỉ giảm 12,2%.

Riêng đối với Đức -“đầu tàu” kinh tế của châu Âu- mức sụt giảm GDP trong quý II/2020 là mức sụt giảm mạnh nhất kể từ khi nước này bắt đầu thống kê GDP theo quý từ năm 1970.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng nền kinh tế Đức sẽ dần tăng trưởng trở lại trong nửa cuối năm nay, với điều kiện số ca mắc COVID-19 không tăng mạnh trở lại.

Theo Viện Nghiên cứu kinh tế Đức (DIW) dự báo, GDP trong cả năm 2020 của Đức sẽ sụt giảm 6,3%, trước khi tăng trở lại mức 5,2% vào năm 2021.

Kinh tế Nhật Bản cũng lần đầu tiên rơi vào suy thoái kể từ năm 2015 do nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này tăng trưởng âm hai quý liên tiếp do tác động của đại dịch COVID-19.

So với cùng kỳ năm 2019, GDP của Nhật Bản suy giảm tới 3,4% trong quý I tài khóa 2020 (kết thúc vào tháng 6/2020) khi cả tiêu dùng tư nhân, chi tiêu vốn và xuất khẩu đều sụt giảm.

Trước đó, trong quý IV/2019, kinh tế Nhật Bản đã ghi nhận mức giảm 7,3%. Văn phòng Nội các Nhật Bản mới đây đã hạ dự báo về triển vọng kinh tế của nước này trong tài khóa 2020, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang tác động tiêu cực tới các hoạt động của nền kinh tế lớn thứu ba thế giới.

Trong khi đó, Trung Quốc, nơi được xem là nguồn lây nhiễm COVID-19, lại có triển vọng sáng hơn khi số liệu chính thức do Cục Thống kê Quốc gia (NBS) công bố cách đây ít lâu cho thấy, nền kinh tế nước này đã tăng trưởng 3,2% trong quý II/2020, sau khi giảm 6,8% trong quý I/2020.

Tuy vậy, nhu cầu toàn cầu yếu và căng thẳng gia tăng trong quan hệ Mỹ-Trung Quốc là những rủi ro chính đối với sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tính chung trong sáu tháng đầu năm nay, kinh tế Trung Quốc đã giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2019, qua đó nhấn mạnh tác động sâu rộng của cuộc khủng hoảng COVID-19 lên nền kinh tế nước này.

Nỗ lực vực dậy dù kỳ vọng mong manh

Giữa bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đã “thấm đòn” vì đại dịch, một loạt biện pháp từ các chính phủ đã được đưa ra nhằm cứu nền kinh tế đất nước khỏi hố đen suy thoái.

Bên cạnh việc Chính phủ Mỹ chi cho nền kinh tế số tiền cứu trợ chưa từng có lên tới hàng nghìn tỷ USD để kích thích tiêu dùng và bảo đảm việc làm, thời gian qua, Fed cũng đã thực hiện một loạt các chính sách như giữ nguyên lãi suất ở mức thấp kỷ lục, bơm vốn vào các thị trường tài chính, mua lại trái phiếu của doanh nghiệp, cho vay để hỗ trợ phát hành trái phiếu mới của các doanh nghiệp lớn, thúc đẩy sự hấp dẫn của chứng khoán nhằm hỗ trợ các thị trường tài chính trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ lao đao vì đại dịch.

Thậm chí các nghị sỹ đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ còn vừa đề xuất gói kích thích kinh tế trị giá 1.000 tỷ USD, mở đường cho các cuộc đàm phán với đảng Dân chủ về các biện pháp trợ giúp người dân Mỹ vượt qua khủng hoảng.

Công nhân làm việc tại dây chuyền sản xuất xe tải hạng nặng của Tập đoàn sản xuất ô tô Thiểm Tây, Trung Quốc ngày 23/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Tại cuộc họp mới nhất, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã quyết định duy trì các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp với tổng trị giá 110.000 tỷ yen (1.000 tỷ USD) bao gồm các chương trình cho vay không lãi suất cho các công ty, mua trái phiếu doanh nghiệp và thương phiếu.

EU cũng đã chứng tỏ có khả năng đối phó với các tình huống khó khăn khi đạt được thỏa thuận về Quỹ Phục hồi trị giá 750 tỷ euro (860 tỷ USD) cùng với kế hoạch ngân sách giai đoạn 2021-2027 của khối trị giá 1.074 tỷ euro sau bốn ngày đêm đàm phán gay cấn.

Thỏa thuận của EU về Quỹ Phục hồi vừa được thông qua mới đây có lẽ chưa làm thỏa mãn mọi nhu cầu của các nước châu Âu, nhưng là điều mà khối này cần hiện nay.

Thay vì mỗi nước phải tự huy động vốn như thường lệ, EU lần này sẽ đứng ra vay tiền trên các thị trường để hỗ trợ các thành viên.

Tuy nhiên, đánh giá về triển vọng kinh tế toàn cầu, hầu hết các tổ chức quốc tế như IMF, Ngân hàng Thế giới (WB), Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) đều có sự đồng thuận về nhận định kinh tế toàn cầu khó có thể phục hồi trong ngắn hạn.

Để có thể đưa ra một dự đoán chính xác về thời điểm kinh tế toàn cầu có thể lấy lại đà phục hồi là một điều rất khó vì còn phụ thuộc vào thời gian kéo dài của cuộc khủng hoảng COVID-19 và hiệu quả của các biện pháp can thiệp chính sách của các quốc gia nhằm giảm thiểu hậu quả kinh tế của đại dịch.

Báo cáo của WB cũng cho rằng hoạt động kinh tế của các nền kinh tế phát triển sẽ giảm 7% vào năm 2020 do cung cầu, thương mại và tài chính trong nước đã bị gián đoạn nghiêm trọng.

Các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi dự kiến sẽ giảm 2,5% trong năm nay - sự sụt giảm lần đầu tiên của nhóm này trong vòng ít nhất 60 năm qua.

Tại cuộc họp trực tuyến mới nhất ở Florence, người đứng đầu IMF Kristalina Georgieva nói rằng, những số liệu kinh tế xấu đi tại nhiều quốc gia có thế sẽ khiến IMF buộc phải cân nhắc lại về mức dự báo kinh tế vốn đã kém lạc quan trong năm nay.

Dấu ấn kinh tế mang tên Việt Nam

Công nhân Xí nghiệp may 1, Công ty Cổ phần May Chiến Thắng sản xuất khẩu trang vải dệt kim kháng khuẩn. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Tình hình khó khăn kinh tế do tác động của khủng hoảng COVID-19 không loại trừ bất cứ quốc gia nào.

Song với nỗ lực kiểm soát dịch bệnh và duy trì phát triển kinh tế, giới phân tích nhận định Việt Nam là một trong những nền kinh tế có triển vọng "sáng nhất" của châu Á, bất chấp thách thức và tác động từ đại dịch.

Chuyên gia S D Pradhan, Phó Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ, dẫn đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), cho rằng sự trỗi dậy của kinh tế Việt Nam là nhờ Việt Nam đã đẩy mạnh tự do hóa thương mại, thực hiện cải cách cũng như đầu tư mạnh vào vốn, nhân lực và vật lực, chủ yếu thông qua các khoản đầu tư công.

Ông S D Pradhan cho biết, Việt Nam đã áp dụng các biện pháp cần thiết để đối phó với khủng hoảng thương mại do đại dịch COVID-19 gây ra, làm ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh trong nước.

Việt Nam đã tung ra gói hỗ trợ tín dụng 250 nghìn tỷ đồng 10,8 tỷ USD (bằng khoảng 0,4% GDP) vào đầu tháng 3/2020, bao gồm các chính sách cơ cấu lại điều khoản cho vay, giảm lãi suất và phí.

Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam cũng đã cung cấp 2 gói hỗ trợ ngân sách trị giá 1,3 tỷ USD, bao gồm giảm thuế và phí cho các công ty bị ảnh hưởng và kéo dài thời hạn nộp thuế, giúp các công ty vượt qua khủng hoảng.

Bà Stefanie Stallmeister -Quyền Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam- trong phiên thảo luận trực tiếp nhằm công bố Báo cáo Điểm lại cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam tháng 7/2020 của WB dự đoán Việt Nam sẽ là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới trong năm 2020 và có cơ hội đặc biệt để nâng tầm dấu ấn của mình trong nền kinh tế toàn cầu cả về thương mại và đầu tư.

Trong khi đó, báo cáo của Oxford Economics, một trong những hãng dự báo và phân tích định lượng hàng đầu thế giới có trụ sở chính tại Oxford (Anh), dự báo kinh tế Việt Nam sẽ bắt đầu phục hồi trong 6 tháng cuối năm, do đó tăng trưởng cả năm có thể đạt 2,3%, giảm so với mức 7% của năm 2019. Bước sang năm 2021, kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 8%.

Tuy nhiên, ông S D Pradhan cho rằng, Việt Nam sẽ phải giải quyết một số thách thức và cần thực hiện những nỗ lực khẩn cấp để phát triển thành một trung tâm sản xuất.

Theo ông, Việt Nam cần đến 3 yếu tố để tiếp thêm đà phát triển gồm đầu tư, lao động lành nghề, cơ sở hạ tầng và kết nối được cải thiện với các thị trường.

Một rủi ro lớn đối với Việt Nam là làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai và nguy cơ tái áp dụng biện pháp phong toả tại nhiều nơi trên thế giới.

Trong kịch bản này, Oxford Economics dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2020 có thể chỉ đạt 1,5% và năm 2021 sẽ ở mức 7,8%./.

Theo bnews.vn

Nguồn bài viết: https://bnews.vn/khung-hoang-covid-19-to-xam-buc-tranh-kinh-te-toan-cau-trong-nua-dau-nam-2020/164695.html

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin