(Pháp lý) - Thống kê từ năm 2012 đến tháng 6/2017, trên địa bàn cả nước có 520.617 vụ việc vi phạm pháp luật, trong đó các vụ việc vi phạm pháp luật liên quan tới hình sự, kinh tế, ma tuý chiếm 35,7%; trật tự công cộng là 91.055 vụ, chiếm 17,5%; vi phạm hành chính là 180.184 vụ, chiếm 34,6%. Trong tổng số 184.841 vụ việc vi phạm hành chính về trật tự an toàn xã hội thì số vụ việc liên quan đến vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng chiếm số lượng lớn nhất là 97.780 vụ, chiếm 52,9%; tệ nạn xã hội là 34.935 vụ, chiếm 19% và trong các lĩnh vực khác là 52.126 vụ, chiếm 28,3%.
Nhìn chung công tác xử lý vi phạm hành chính của lực lượng cảnh sát nhân dân (CSND) được thực hiện một cách nghiêm túc, đảm bảo đúng quy trình, thẩm quyền, đối tượng, thời hiệu và thủ tục theo quy định. Tuy nhiên, quá trình thực hiện theo các quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính và các Nghị định có liên quan, lực lượng CSND hiện nay gặp một số khó khăn vướng mắc, cụ thể như sau:
Khó khăn vướng mắc trong các quy định của pháp luật
Quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức bằng 02 lần tiền đối với cá nhân song trên thực tế, khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính, việc xác định cá nhân hay tổ chức vi phạm là rất khó khăn do chưa có văn bản nào quy định cụ thể như thế nào là tổ chức, cá nhân vi phạm.
Khoản 2 Điều 129 Luật XLVPHC quy định trong trường hợp khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện là chỗ ở thì phải được sự đồng ý của Chủ tịch UBND cấp huyện. Quy định này không khả thi và gây khó khăn cho việc khám xét vì để có được sự đồng ý của Chủ tịch UBND cấp huyện thì thông thường phải mất từ 1 - 2 ngày (đối với những đồn Công an ở vùng sâu, vùng xa, giao thông không thuận tiện).
Về thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính: Khoản 3 Điều 58 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định: “Biên bản vi phạm hành chính lập xong phải giao cho cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính 01 bản, trường hợp vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền hoặc vượt quá thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản thì biên bản phải chuyển ngay đến người có thẩm quyền xử phạt để tiến hành xử phạt”. Tuy nhiên, tại khoản 1, Điều 66 lại quy định: “Người có thẩm quyền phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính”. Quy định này dẫn đến tình trạng, khi biên bản vi phạm hành chính đến với người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt thì đã hết thời hạn để ra quyết định xử phạt (thời hạn và thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính vượt quá thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản).
Về thời hạn phải báo cáo thủ trưởng của mình ra quyết định tạm giữ phương tiện đảm bảo cho việc xử lý vi phạm hành chính: Khoản 4 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định: “Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi lập biên bản, người lập biên bản phải báo cáo thủ trưởng của mình là người có thẩm quyền tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 Điều này để xem xét, ra quyết định tạm giữ...”. Quy định này đã gây khó khăn cho việc thực hiện, đặc biệt là đối với các lực lượng chức năng được giao nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát lưu động, xa trung tâm, đơn vị công tác.
Điều 70 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: “Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản, người có thẩm quyền đã ra quyết định xử phạt phải gửi cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt, cơ quan thu tiền phạt và cơ quan liên quan khác (nếu có) để thi hành”. Quy định này là quá ngắn, khó thực hiện nhất là đối với các trường hợp người vi phạm ở xa, vụ việc có nhiều đối tượng và ở các địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn.
Khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa thực sự phát huy hiệu quả cao nhất, chưa thấm sâu vào nhận thức của đông đảo cá nhân, cơ quan, tổ chức. Ý thức chấp hành pháp luật của một số tổ chức, cá nhân chưa cao dẫn đến có những hành vi vi phạm hành chính vi phạm nhiều lần, cố tình tìm cách trì hoãn hoặc trốn tránh không thực hiện quyết định xử phạt hành chính, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
Việc tổ chức cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC chưa được thực hiện do có nhiều vướng mắc, nhất là đối với trường hợp vi phạm nhưng không bị tạm giữ tài sản có giá trị để đảm bảo việc thi hành quyết định. Một số trường hợp khó khăn thực sự nhưng không thuộc các trường hợp miễn giảm theo quy định nên không thực hiện được việc thi hành quyết định xử phạt VPHC. Nguồn nhân lực, cán bộ trực tiếp làm công tác theo dõi, tổng hợp việc xử lý vi phạm hành chính ở các đơn vị, địa phương còn thiếu, năng lực còn hạn chế, không có cán bộ chuyên trách theo dõi chuyên đề này.
Điều kiện về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu thống kê thường xuyên và đột xuất, cơ sở dữ liệu về xử phạt VPHC chưa đầy đủ, chưa xây dựng được phần mềm thống kê về xử phạt VPHC thống nhất, kết nối và cung cấp thông tin về xử phạt VPHC còn hạn chế, chủ yếu thực hiện bằng phương pháp thủ công. Vì vậy, đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả công tác quản lý, theo dõi công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Công tác báo cáo thống kê hiện nay còn gặp một số khó khăn như: còn phân tán, chưa tập trung, thống nhất về một đầu mối mà chủ yếu phục vụ yêu cầu quản lý. Hiện nay, việc thực hiện các biểu mẫu thống kê về xử phạt VPHC chưa được thống nhất, các chỉ tiêu thống kê về công tác này còn chưa đầy đủ, ở mỗi đơn vị, địa phương còn có sự khác nhau trong công tác thống kê.
Những khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính theo chức năng của Lực lượng CSND bắt nguồn từ một số nguyên nhân sau đây: Các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành xử lý vi phạm hành chính chưa được ban hành kịp thời, đồng bộ, làm cho các đơn vị thực hiện lúng túng trong áp dụng pháp luật vào thực tiễn. Kinh phí để thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế trong việc triển khai thực hiện. Công tác xử lý vi phạm hành chính có phạm vi rộng liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều cơ quan, tổ chức thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, trong khi đó cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan chưa được xây dựng nên rất khó khăn trong việc đánh giá, tổng hợp đầy đủ công tác xử lý vi phạm hành chính. Công tác xử lý vi phạm có nơi, có lúc chưa thật nghiêm, triệt để cùng với chế tài xử phạt đối với một số hành vi chưa đủ mạnh để răn đe, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật của người vi phạm pháp luật.
Đề xuất một số giải pháp
Thứ nhất, đẩy mạnh phối hợp với các Bộ, Ban ngành, Công an các đơn vị, địa phương trong công tác quản lý, theo dõi tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Đề nghị bổ sung, sửa đổi các vướng mắc, bất cập từ các quy dịnh của pháp luật. Trong đó, có các hành vi quy định về xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 và Nghị định 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013. Quy định cụ thể về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của lực lượng Công an, trong đó có thẩm quyền xử phạt của lực lượng CSND đối với các hành vi quy định tại các nghị định khác của Chính phủ.
Thứ hai, tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc việc áp dụng pháp luật về xử phạt VPHC, bảo đảm thực hiện đúng quy trình công tác theo quy định của pháp luật, nâng cao tinh thần trách nhiệm, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm; xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc thi hành biện pháp xử lý hành chính.
Thứ ba, kiện toàn bộ máy tổ chức, cán bộ và đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ cho việc thi hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đáp ứng yêu cầu thực tế. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan trong kiểm tra, đánh giá thực hiện Luật xử lý vi phạm hành chính và sớm có bổ sung nguồn kinh phí phục vụ cho công tác này... nhằm đưa công tác này vào nề nếp, có chất lượng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác hiện nay.
Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về áp dụng các quy định của pháp luật về xử phạt VPHC; thường xuyên mở các lớp tập huấn chuyên sâu về công tác này cho cán bộ trực tiếp thực hiện xử phạt VPHC được tiếp cận, nắm bắt kịp thời những quy định của pháp luật có liên quan để công tác xử phạt VPHC được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đạt hiệu quả cao, hạn chế thấp nhất những sai sót trong quá trình xử lý.
Thứ năm, nghiên cứu, xây dựng hệ thống các chỉ tiêu thống kê về xử phạt VPHC đầy đủ, chính xác để thực hiện thống nhất; xây dựng phần mềm thống kê về xử phạt VPHC trong lĩnh vực an ninh, trật tự và cơ sở dữ liệu về xử phạt VPHC để phục vụ kịp thời, chính xác, hiệu quả nhiệm vụ quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC.
Nguyễn Duy Hiệu và Nguyễn Xuân Thủy (Giảng viên, NCS, Học viện CSND)