(Pháp lý) - Hồ sơ Panama và Paradise là những nguồn dữ liệu khổng lồ về các tổ chức, cá nhân có mở tài khoản hay hoạt động tại các “thiên đường thuế” có dấu hiệu của việc né thuế, chuyển giá. Trong các hồ sơ này cũng đã gọi tên nhiều cá nhân và tổ chức ở Việt Nam…
Từ hồ sơ Panama
Hồ sơ Panama được công bố lần đầu tiên vào tháng 4/2016, do một nguồn tin ẩn danh tự xưng là “John Doe” đã chuyển khoảng 11,5 triệu dữ liệu về những khoản trốn thuế khổng lồ của nhiều nhân vật tiếng tăm trên thế giới cho tờ báo Đức Süeddeutsche Zeitung. Sau đó dữ liệu này được chia sẻ với Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ). Hồ sơ này hé lộ những tài khoản trốn thuế của hàng trăm chính trị gia, quan chức, các cựu lãnh đạo và lãnh đạo đương nhiệm của các quốc gia, tổ chức và các ngôi sao thể thao.
Ngay lập tức sau khi hồ sơ bị phác lộ, nhiều nước kiên quyết đấu tranh với nạn tham nhũng, trốn thuế đã có động thái trước thông tin mà bộ hồ sơ này đưa ra. Chính phủ Đan Mạch, Singapore, Pháp, Úc, New Zealand, Áo, Thụy Điển, Hà Lan và Pakistan, Mỹđều tuyên bố sẽ xem xét và điều tra kho tài liệu vừa bị rò rỉ. Thậm chí, Bộ trưởng Bộ Thuế vụ Đan Mạch Karsten Lauritzen tuyên bố nước này sẽ mua các dữ liệu bị rò rỉ từ hồ sơ Panama - để điều tra 600 công dân nước này nghi trốn thuế. Phát ngôn của những lãnh đạo cấp cao nước này còn khẳng định: Đan Mạch đã mất hàng tỉ USD tiền thuế từ những người trốn thuế. Đây là cơ hội vàng để chứng minh rằng chúng ta thật sự có thể làm những gì sau khi bị lừa dối.
Ngay sau thông tin về danh tính các tổ chức, cá nhân Việt Nam được Hiệp hội Các nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) công bố, hàng loạt các tổ chức, cá nhân có liên quan thông tin trong hồ sơ Panama đã lên tiếng khẳng định việc lọt vào danh sách này là hoàn toàn bình thường. Lọt vào Hồ sơ Panama không có nghĩa là vi phạm pháp luật. Các hoạt động đầu tư ra nước ngoài của họ hoàn toàn tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, luật pháp quốc tế và luật pháp của nước nơi các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động đầu tư và không có bất kỳ hoạt động nào liên quan đến các hành vi trốn thuế, rửa tiền hay bất kỳ hành vi vi phạm pháp luật nào khác. Các công ty trên cho rằng họ đã thực hiện đầy đủ các các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước Việt Nam…Việc xuất hiện trong danh sách Hồ sơ Panama không đồng nghĩa với việc công ty và các đại diện pháp lý đã có hành vi liên quan đến trốn thuế hay rửa tiền…
Phản ứng của các cơ quan chức năng trước hồ sơ trên khá dè dặt. Ông Bùi Văn Nam, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế cho rằng, đây là vụ việc liên quan trách nhiệmquản lý ở nhiều cơ quan và ngành thuế chỉ là một trong số này. Chưa nói cụ thể nhưng lãnh đạo ngành thuế khẳng định sẽ cho cơ quan chức năng kiểm tra thông tin trên và sẽ có báo cáo. Ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục chống tham nhũng thuộc Thanh tra Chính phủ khi ấy chia sẻ: Cục vẫn theo dõi và nắm bắt tình hình. Tuy nhiên, việc có kiểm tra hay không thì đến nay Cục vẫn chưa làm vì phải có chỉ đạo của Chính phủ và của Trung ương thì mới làm. Ông Đạt cũng cho biết, đây là thông tin chưa chính thống, vì vậy không thể điều tra chỉ căn cứ vào nguồn tin này. Cần phải xác định độ tin cậy và chính xác của nguồn tin này. Khi nào có chỉ đạo điều tra, liên quan đến tổ chức, cá nhân nào thì Cục sẽ điều tra cụ thể. Khi đó sẽ phải phối hợp với nhiều cơ quan cũng như các đơn vị quốc tế để cùng vào cuộc, chứ không thể chỉ dựa trên những tài liệu đó được.
Đến Hồ sơ Paradise
Năm 2017, một Hồ sơ khác có tên Paradise với 13,4 triệu tài liệu tiếp tục phơi bày những khu vực trên thế giới đang "dung túng" những người trốn thuếvà cả những chiêu trò tinh vi, phức tạp của các tập đoàn đa quốc gia giàu có nhất để có thể lách luật, bảo vệ tài sản của họ.Toàn bộ những hồ sơ thuế bị rò rỉ được tập hợp trong Hồ sơ Paradise là thành quả điều tra của báo Đức Süddeutsche Zeitung cùng Liên đoàn nhà báo điều tra quốc tế, hợp tác với các báo Guardian, BBC và New York Times.
Hồ sơ Paradise tiếp tục phanh phui về những tài khoản giữ tiền tại nước ngoài của những người giàu có nhất thế giớimà hầu hết Chính phủ các nước không thể "can thiệp" .Điểm "sơ qua" Hồ sơ Paradise, người ta thấy có những tên tuổi lớn như: Nữ hoàng Anh Elizabeth II, Bộ trưởng thương mại Mỹ Wilbur Ross cùng các quan chức cấp cao trong nội các của ông Trump… Các tài liệu rò rỉ trong Hồ sơ Paradise cũng phanh phui về tình trạng trốn thuế của các công ty đa quốc gia như Nike và Apple .
Có 13 pháp nhân, 25 cá nhân liên quan đến Việt Nam có tên trong Hồ sơ Paradise (theo Liên đoàn nhà báo điều tra quốc tế). Theo thông tin tra cứu trên cơ sở dữ liệu của Liên đoàn nhà báo điều tra quốc tế, có thể thấy nhiều cái tên quen thuộc trong giới đầu tư Việt Nam. Báo Tuổi Trẻ Online từng phỏng vấn những cá nhân có tên trong hồ sơ Paradise. Họ đều đã và đang làm việc tại các quỹ đầu tư tại Việt Nam. Những người lọt vào danh sách này cho rằng "không khẳng định điều gì", các quỹ được thành lập ở đâu thì sẽ tuân thủ theo pháp luật thuế được áp dụng tại nước đó.Không chỉ các quỹ hoạt động tại Việt Nam mà nhiều quỹ khác trên thế giới cũng vậy nhằm tận dụng các ưu đãi về thuế…
Nghiên cứu gần đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), hàng năm, các quốc gia đang phát triển bị mất khoảng 213 tỷ USD do tình trạng trốn thuế của các công ty đa quốc gia. Tại Việt Nam, điều tra toàn quốc của Tổng cục Thuế năm 2013 về tình trạng trốn thuế cho biết 83% DN nước ngoài đang sử dụng nhiều mánh khóe khác nhau để giảm thiểu số tiền thuế phải nộp.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Nguyễn Đại Trí, cho biết cơ quan này sẽ đối chiếu các dữ liệu của ngành thuế xem các cá nhân và tổ chức tại Việt Nam mà hồ sơ này nêu tên có thuộc đối tượng kê khai và nộp thuế hay không.Ông Trí cho rằng vụ việc này là rất phức tạp, liên quan đến nhiều bộ ngành như Công an, Ngân hàng… Do đó, sau khi nghiên cứu, Tổng cục thuế sẽ chuyển thông tin cho các cơ quan chức năng để cùng phối hợp xem xét, đánh giá. Trước đó, ngành thuế cũng đã từng thông tin, sẽ kiểm tra và báo cáo về hồ sơ Panama tuy nhiên đến nay, vẫn chưa có thông tin gì về việc các cá nhân và tổ chức tại Việt Nam có tên trong "Tài liệu Panama" được rò rỉ trước đó.
Điều tra vi phạm khó do vướng rào cản về pháp luật
Từ những vụ việc trên, có thểnhận thấy những phản ứng khác nhau từ những cá nhân, tổ chức có tên trong các hồ sơ trên và cũng như từ các cơ quan chức năng tại Việt Nam.Nhiều luật sư khi trao đổi với Phóng viên Pháp lý cho rằng: Với hệ thống pháp luật hiện nay khó xử lý cũng như khó điều tra các vi phạm thuế (nếu có) của các cá nhân và tổ chức trong hồ sơ Panama và Hồ sơ Paradise vì rào cản về pháp luật.
Luật sư Nguyễn Quang Ngọc (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) cho rằng: Việc có những nguồn tiền của những cá nhân và tổ chức ở Việt Nam đầu tư sang các địa điểm là thiên đường thuế ở đó thuế suất 0%, lách thuế tốt không còn là mới. Lợi thế của các thiên đường thuế là mức thuế suất cho hoạt động của doanh nghiệp và hoạt động đầu tư gần như bằng không. Các tổ chức, cá nhân sẽ chuyển tài sản và thu nhập của họ đến đây trên cơ sở đầu tư sau đó chuyển về để tối thiểu hóa số thuế phải nộp. Bởi ở các thiên đường thuế thường không có những yêu cầu về báo cáo tài chính cũng như tình hình hoạt động của công ty. Sau khi đóng mức phí thành lập ban đầu thì doanh nghiệp hằng năm chỉ cần đóng một mức phí nhất định để duy trì hoạt động. Ở các thiên đường thuế, còn có những quy định bảo mật tốt cho các cổ đông của công ty nên nó được những công ty lớn, những gia đình giàu có, những chính trị gia ưa chuộng chọn là điểm cất giấu, đầu tư, rửa tiền.
Có thể có những quỹ đầu tư thực, cũng không loại trừ những quỹ đầu tư lập ra nhằm trốn thuế, rửa tiền hay chuyển giá. Tuy nhiên việc chứng minh hành vi đầu tư có kèm hành vi trốn thuế, rửa tiền, chuyển giá hay không rất khó khăn. Cơ quan chức năng cần chứng minh hành vi đầu tư có được xin phép không? Việc đầu tư có nhằm mục đích bị cấm không? Từ có thông tin đến có hành vi vi phạm là một khoảng cách rất lớn đòi hỏi phải có điều tra xuyên quốc gia về thuế.
Để có thể tiến hành điều tra xuyên quốc gia, thì ta phải có hiệp định tương trợ tư pháp với các quốc gia liên quan. Hiện nay có thực tế, khi ta đặt vấn đề kí với các nước những hiệp định tương trợ tư pháp thì có sự“chênh lệch pháp luật” (Nhiều nước của Liên minh Châu Âu, các nước Mỹ thì không có án tử hình nhưng pháp luật nước ta lại quy định mức án tử hình) nên họ cân nhắc không kí hiệp định tư pháp với chúng ta. Chính vì vậy, nó làm cản trở quá trình hợp tác tư pháp trong đó có điều tra các hành vi vi phạm pháp luật khi có yếu tố nước ngoài.
Gần đây, báo chí có phản ánh hiện tượng giới nhà giàu chuyển tiền ra nước ngoài hay hiện tượng nhiều tổ chức, cá nhân tại Việt Nam chọn đầu tư ở các thiên đường thuế để lách thuế. Sự am hiểu pháp luật đã giúp họ lách những kẽ hở pháp luật để thu lợi. Kẽ hở ở đây là việc chuyển tiền và đầu tư ra nước ngoài quá dễ dàng, thiếu kiểm soát. Chúng ta chưa có cơ chế kiểm soát những dòng tiền này. Bởi vậy,cần siết lại các quy định về chuyển tiền ra nước ngoài. Mối quan hệ đa quốc gia dựa trên cơ sở có đi có lại, nếu không có các hiệp định tương trợ tư pháp thì không thể tiến hành hợp tác điều tra được. Bởi vậy ta cần thường xuyên có những trao đổi quốc tế, có đi có lại để có những hiệp định tương trợ tư pháp, phối hợp điều tra khi có hành vi vi phạm thực tế xảy ra.
Phan Minh