Đề xuất đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) tiếp tục là vấn đề gây tranh cãi với nhiều câu hỏi đặt ra nhưng chưa được trả lời thích đáng.
Sở hữu 3 cửa hàng kinh doanh quần áo, chị Hà Trang (Phố Chùa Bộc, Hà Nội), lo ngại nếu đưa hộ kinh doanh của mình vào Luật Doanh nghiệp, chị phải đóng thuế nhiều hơn, sổ sách kế toán khai báo phức tạp hơn.
Không phải để làm đẹp sổ sách
Chị Trang chia sẻ: "Đợt dịch Covid-19 vừa qua, các cửa hàng kinh doanh của tôi đều phải đóng cửa nhưng không được thụ hưởng nhiều chính sách hỗ trợ như doanh nghiệp. Tôi cũng không biết than vãn với ai. Rõ ràng làm hộ kinh doanh thiệt hơn doanh nghiệp".
Tuy nhiên, giờ khi Quốc hội họp bàn việc đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp, chị Trang thừa nhận, bản thân chị khá băn khoăn việc mình có nên "lên đời" thành doanh nghiệp hay không.
Nỗi lòng của chị Hà Trang cũng là lo ngại mà hàng triệu hộ kinh doanh trên cả nước gặp phải. Vấn đề này cũng đang làm nóng Nghị trường Quốc hội trong những ngày qua.
Theo dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), sẽ có một chương riêng về hộ kinh doanh bên cạnh các thành phần kinh tế khác như công ty cổ phần, doanh nghiệp Nhà nước.
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, thay vì phải mất tới 3 năm mới tạo ra được một luật mới, trước mắt nên quy định thành một chương trong dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) lần này, sau này có luật riêng sẽ chuyển toàn bộ phần quy định của hộ kinh doanh sang luật mới, vẫn nối tiếp, kế thừa.
Thực tế, 5 triệu hộ kinh doanh trên cả nước chiếm tới 1/3 GDP, nhưng chỉ đóng góp khoảng 1,5% cho ngân sách, vậy nên đây được cho là khu vực chưa quan sát được của nền kinh tế. Cơ chế pháp lý cho 5 triệu hộ kinh doanh này vẫn chưa rõ ràng, bởi đến nay mới chỉ có một nghị định điều chỉnh.
Trong khoảng 5 triệu hộ kinh doanh, chỉ gần 1,7 triệu hộ đăng ký kinh doanh và nộp thuế theo hình thức khoán.Trong khi đó, 3,3 triệu hộ còn lại chưa đăng ký, gần như nằm ngoài kiểm soát của các cơ quan thuế.
Đồng tình với đề xuất của cơ quan soạn thảo, tuy nhiên ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra nhiều phương án để các hộ kinh doanh có nhiều lợi ích hơn.
Theo Chủ tịch VCCI, bản chất kinh tế và pháp lý của hộ kinh doanh là một loại hình doanh nghiệp, nên phương án đột phá là Luật Doanh nghiệp quy định luôn hộ kinh doanh là loại hình doanh nghiệp một chủ không có tư cách pháp nhân (được đăng ký bởi cá nhân chủ hộ hoặc người đại diện) tương tự như doanh nghiệp tư nhân trong Luật Doanh nghiệp hiện hành, nhưng vẫn giữ nguyên tên gọi là “hộ kinh doanh” và chủ hộ kinh doanh không phải sau một đêm bừng tỉnh bỗng trở thành giám đốc.
Hộ kinh doanh được áp dụng các quy định đặc thù về cơ bản giữ nguyên ở mức sơ khai như hiện nay về quản lý nhà nước, về quản trị, về kê khai, nộp thuế… để không phát sinh thêm các chi phí và thủ tục hành chính phiền hà mà vẫn tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động kinh doanh của hộ.
Còn nếu thận trọng hơn, ông Lộc đồng ý với phương án của Chính phủ, quy định về hộ kinh doanh như một loại hình kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp. Đây là giải pháp quá độ và an toàn để tiến tới Bộ Luật Doanh nghiệp coi hộ kinh doanh là doanh nghiệp một chủ theo chuẩn mực quốc tế cùng với quá trình hội nhập của nền kinh tế nước ta.
Ông Lộc cho rằng: "Dù là theo phương án nào, thì cần phải nhấn mạnh rằng, việc đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp, không phải là Quốc hội hay Chính phủ ép buộc các hộ kinh doanh phải chuyển đổi thành doanh nghiệp, cũng không phải là để áp đặt các nghĩa vụ quản trị và thủ tục hành chính nặng nề lên các hộ kinh doanh, càng không phải là để tăng số lượng doanh nghiệp cho đẹp sổ sách, báo cáo".
Lo phải 'ký sinh' trong môi trường không phải là của mình
Theo Chủ tịch VCCI, đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp chính là bước đệm để hộ kinh doanh được pháp luật bảo vệ một cách chính danh như các doanh nghiệp, được thụ hưởng các quyền lợi như các doanh nghiệp, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng vẫn được ưu tiên về mặt nghĩa vụ thuế, kế toán, quản trị phù hợp với quy mô nhỏ và siêu nhỏ.
Trong khi đó, Ts. Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, bày tỏ quan điểm hiện nay hộ kinh doanh đang hoạt động khá ổn định. Chúng ta thấy họ rất ít kêu ca phàn nàn về chính sách quản lý. Vì vậy, điều quan trọng nhất hiện nay không phải là quản lý hộ kinh doanh thế nào, mà cần phải hỗ trợ để hộ kinh doanh phát triển, chịu lớn mạnh thành doanh nghiệp.
Hơn nữa, ông Cung cho rằng, việc đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp với một số điều quản lý ít ỏi, chưa xác định được hộ kinh doanh là gì như hiện nay thì có lẽ chúng ta không nên đưa vào. Nếu ép buộc đưa vào giống với việc bắt hộ kinh doanh phải sống ký sinh trong một môi trường không phải là của họ.
Theo ông, việc cần làm của chúng ta là tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, khi đó hộ kinh doanh nhìn thấy lợi ích của việc là doanh nghiệp. Họ sẽ tự động đăng ký trở thành doanh nghiệp.
Trả lời câu hỏi đây đã là thời điểm chín muồi đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp? Ts. Lê Đăng Doanh nói rằng, muốn hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp, cơ quan quản lý trước hết phải trả lời các câu hỏi "Những chủ hộ kinh doanh đã sẵn sàng thực hiện việc đăng ký hay chưa? Những bà bán bún ốc, phở… ngoài vỉa hè có muốn đăng ký và có khả năng đăng ký không? Chi phí tuân thủ của việc đưa kinh tế hộ vào Luật Doanh nghiệp đã được tính toán đầy đủ chưa?… "Quốc hội cần phải thảo luận kỹ hơn về vấn đề này", ông Doanh nói.
Theo thoibaokinhdoanh.vn
Nguồn bài viết: https://thoibaokinhdoanh.vn/viet-nam/ho-kinh-doanh-va-doanh-nghiep-co-nen-ngoi-cung-mam-1069091.html