Hậu Formosa và những câu hỏi đang chờ lời giải

22/07/2016 11:29

(Pháp lý) - Công ty TNHH gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã cúi đầu nhận tội và xin lỗi nhân dân Việt Nam trong vụ xả thải gây ô nhiễm môi trường bốn tỉnh miền Trung. Lỗi trực tiếp do Formosa gây ra đã rõ. Nhưng các cơ quan quản lý, cơ quan chức năng của Việt Nam và những người có trách nhiệm cụ thể đã làm gì để Formosa có thể gây ra hậu quả kinh hoàng như thế? Liệu tới đây, sau Formosa, có ai phải cúi đầu xin lỗi nhân dân, những cá nhân nào phải chịu trách nhiệm trực tiếp trước dân? Đó là những câu hỏi đang chờ lời giải đáp.

Sự cố cá chết hàng loạt ở miền Trung do Công ty TNHH gang thép Hưng nghiệp Formosa gây ra không chỉ thiệt hại đối với nguồn lợi cá ven bờ mà ngư dân nuôi trồng thủy sản ven bờ cũng điêu đứng. Cá đánh bắt xa bờ cũng bị ảnh hưởng khi sức tiêu thụ hải sản trên thị trường rất khó khăn. Hệ sinh thái biển bị hủy hoại, nước biển nhiễm độc còn để lại hậu quả về nhiều mặt, không chỉ du lịch, kinh tế mà cả an ninh, quốc phòng. Hậu quả có thể nói là đặc biệt nghiêm trọng, để khắc phục được cần cả nhiều chục năm.

[caption id="attachment_144805" align="aligncenter" width="410"]Họp báo Chính phủ công bố nguyên nhân gây ra sự cố môi trường, làm hải sản chết hàng loạt xảy ra tại 4 tỉnh  miền Trung vào tháng 4 vừa qua  Họp báo Chính phủ công bố nguyên nhân gây ra sự cố môi trường, làm hải sản chết hàng loạt xảy ra tại 4 tỉnh miền Trung vào tháng 4 vừa qua[/caption]

Nhìn lại quá trình phê duyệt, đầu tư, xây dựng dự án này, đáng chú ý là ngay từ đầu việc thẩm định, cấp phép đã có nhiều vấn đề sai phạm từng bị Thanh tra Chính phủ chỉ rõ trong kết luận thanh tra số 1538/KL-TTCP ngày 3/7/2014.

Theo như kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP), dự án Formosa đã được Ban Quản lý Khu kinh tế Vũng Áng cấp phép đầu tư với thời hạn 70 năm. Việc cấp phép với thời hạn này theo TTCP là sai quy định, vì Điều 52 của Luật Đầu tư quy định thời hạn hoạt động của dự án nước ngoài phải phù hợp với yêu cầu hoạt động của dự án và không quá 50 năm. Trong trường hợp cần thiết, Chính phủ ra quyết định về thời hạn dài hơn nhưng không được quá 70 năm. Đối chiếu với hồ sơ tại thời điểm thanh tra, TTCP cho biết Chính phủ chưa có ý kiến cho phép thời hạn hoạt động của dự án trên 50 năm.

Đặc biệt, TTCP chỉ rõ đây là dự án nằm trong khu vực khá nhạy cảm (cảng biển khu vực liên quan đến An ninh - Quốc phòng). Bởi vậy, việc Hà Tĩnh vượt quyền Chính phủ để cho thuê đất lên đến thời hạn 70 năm là một sai phạm rất nghiêm trọng. TTCP đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, xem xét, xử lý việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Formosa 70 năm sai quy định tại Điều 52 và các quy định của pháp luật liên quan.

Tuy nhiên, ông Võ Kim Cự - nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh – hiện nay đang là Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam, người gắn bó với dự án Formosa từ những ngày đầu từng cho rằng việc này UBND tỉnh đã xin ý kiến của Chính phủ, Bộ KHĐT đã có ý kiến đồng ý cấp phép 70 năm. Không đồng tình với ông Cự, Phó Tổng TTCP đã nhấn mạnh, việc Chính phủ và Bộ KHĐT có ý kiến đồng ý cho thuê đất 70 năm là sau khi có kết luận của TTCP. Và TTCP kết luận việc Hà Tĩnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư với thời hạn 70 năm cho nhà đầu tư khi chưa được Chính phủ đồng ý là vi phạm.

Có vi phạm thì phải chịu trách nhiệm và cúi đầu xin lỗi, tuy nhiên cho đến nay người vi phạm vẫn như vô can.

[caption id="attachment_144806" align="aligncenter" width="410"]Một phần đoạn đường ống xả thải nổi trên mặt đất của Formosa Một phần đoạn đường ống xả thải nổi trên mặt đất của Formosa[/caption]

Có chuyên gia cho rằng việc thiếu thẩm định các dự án ở nước ngoài của Formosa là thiếu sót nghiêm trọng. Được thành lập năm 1954, Formosa Plastics Group là một trong những tập đoàn lớn trên thế giới, nhưng cũng “khét tiếng” với các cáo buộc hủy hoại môi trường. Ngay tại Đài Loan, Formosa là một trong 10 doanh nghiệp gây ô nhiễm nhất. Khoảng 25% lượng khí nhà kính của Đài Loan được cho là do các nhà máy của Formosa thải ra. Theo BBC, tập đoàn này từng đưa khoảng 3.000 tấn chất thải độc hại đến thành phố cảng Sihanoukville của Campuchia vào cuối năm 1998. Vụ việc chỉ được phát giác sau khi một công nhân ở cảng tham gia xử lý đống chất thải đột ngột qua đời. Cuộc điều tra sau đó cho thấy “thủ phạm” là lô chất thải độc hại của Formosa. Kết quả xét nghiệm sau đó cho thấy chất thải của Formosa có nồng độ thủy ngân vượt mức giới hạn an toàn tới 20.000 lần, theo tờ The Phnom Penh Post. Bất chấp quy định chặt chẽ về môi trường tại Mỹ, Formosa cũng đã “xé rào” xả khí độc ra không khí và nguồn nước tại đây. Theo thông tin đăng trên trang web của Bộ Tư pháp Mỹ, cơ quan này cùng Cơ quan Bảo vệ môi sinh Mỹ (EPA) hồi tháng 9.2009 đã buộc Formosa đóng phạt tới khoảng 13 triệu USD vì xả khí độc hại vào môi trường. Do những hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường toàn cầu nên trong năm 2009, Formosa bị Quỹ kinh tế và đạo lý (Ethecon) - một tổ chức về môi trường tại Đức - trao giải Hành tinh đen.

Câu hỏi lại được đặt ra, trách nhiệm thẩm định các dự án ở nước ngoài của Formosa thuộc về ai? Nếu họ làm tốt công đoạn này thì có lẽ hậu quả nghiêm trọng đã được ngăn chặn.

Tại phiên họp UBTVQ thứ 50, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết qua kiểm tra đã phát hiện Formosa khi chạy thử nghiệm có 6 nhà thầu nước ngoài. Trong đó, liên quan đến việc chuyển giao công nghệ, lắp ráp thiết bị và vận hành hệ thống xử lý nước thải thì hầu hết là nhà thầu của Trung Quốc. Qua kiểm tra phát hiện Formosa có 53 hành vi vi phạm về hành chính, trong đó liên quan đến thiết kế, vận hành, xây dựng, thi công... Quan trọng nhất là tự ý thay đổi từ công nghệ xử lý cốc khô sang công nghệ xử lý cốc ướt có rất nhiều chất thải. “Công nghệ này hoàn toàn do họ tự ý điều chỉnh, đây là bằng chứng rõ ràng về mặt pháp lý” - ông Hà nhấn mạnh.

Vậy là công tác quản lý, giám sát hoạt động thi công xây dựng, xả thải của Formosa bị buông lỏng nên 59 sai phạm diễn ra mà không bị phát hiện để ngăn chặn kịp thời. Lỗi do ai, ai sẽ phải cúi đầu nhận lỗi? Cho đến giờ chưa rõ.

Mới đây, phát biểu tại cuộc họp Chính phủ ngày 1/7, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu phải thanh tra, kiểm tra quá trình cấp phép cho Formosa với nội dung phải xem trong quá trình thẩm định, phê duyệt, quy hoạch có tiêu cực hay không để xử lý nghiêm trước pháp luật. Ngày 4/7, Bộ Công an và Công an tỉnh Hà Tĩnh cũng đã vào cuộc và có những buổi làm việc đầu tiên đối với những cơ quan liên quan để tìm hiểu quá trình cấp phép, giám sát xả thải tại Formosa.

Formosa là một nỗi đau đối với những ngư dân ven biển miền Trung, Formosa đã đẩy hàng vạn hộ gia đình vào cảnh thất nghiệp, thiếu ăn ngay trên bờ biển bạc quê hương hàng ngàn năm qua đã nuôi sống họ; là nỗi đau của cả dân tộc Việt Nam khi nhìn thấy biển bị đầu độc, phát hiện thì đã quá muộn, muốn biển trở lại trong lành như xưa có lẽ vượt quá sức của chúng ta… Lỗi trực tiếp do Formosa gây ra đã rõ. Nhưng các cơ quan quản lý, cơ quan chức năng của Việt Nam và những người có trách nhiệm cụ thể đã làm gì để Formosa có thể gây ra hậu quả kinh hoàng như thế? Liệu tới đây, sau Formosa, có ai phải cúi đầu xin lỗi nhân dân, những cá nhân nào phải chịu trách nhiệm trực tiếp trước dân? Đó là những câu hỏi đang chờ lời giải đáp.

  Thái Bảo

Bạn đang đọc bài viết "Hậu Formosa và những câu hỏi đang chờ lời giải" tại chuyên mục Lăng kính Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin