Hành vi mạo danh logo, nhãn hiệu T&T Group có thể bị phạt tù

Trên mạng xã hội facebook thời gian gần đây xuất hiện một số tài khoản facebook sử dụng nhãn hiệu và logo hình đầu hổ của Tập đoàn T&T Group làm tên đại diện nhóm và nội dung quảng bá, lôi kéo, kêu gọi người tham gia các sàn giao dịch tiền ảo có tên Deniex, Binamex… 

Đại diện Tập đoàn T&T Group cho biết, đây là hành vi giả mạo, sử dụng trái phép nhãn hiệu và logo, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, uy tín của Tập đoàn. 

 

21-1626187135.jpg
Một số tài khoản mạng xã hội có dấu hiệu giả mạo logo và nhãn hiệu của T&T Group.    
22-1626187167.jpg

 T&T Group có dấu hiệu bị mạo danh để kêu gọi tham gia các sàn giao dịch tiền ảo

Ngay sau khi phát hiện ra vụ việc, đại diện Tập đoàn T&T Group đã liên hệ và yêu cầu các tài khoản mạng xã hội có hành vi giả mạo, sử dụng trái phép nhãn hiệu và logo gỡ bỏ hình ảnh, hastag có liên quan đến T&T Group.

Nhãn hiệu chính thức của Tập đoàn T&T Group:

image003-1626187208.png
Chú thích ảnh


  
Hành vi của một số tài khoản mạng xã hội có dấu hiệu xâm phạm nhãn hiệu đã được bảo hộ của T&T Group

Vi phạm nhãn hiệu, thương hiệu được hiểu là việc thiết kế, chế biến, đóng gói, vận chuyển, tàng trữ, chào hàng, mua bán hàng hóa, dịch vụ mang dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, thương hiệu đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Điểm c, Khoản 1, Điều 129 Luật sở hữu trí tuệ (SHTT) quy định hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu: “Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ”

Khoản 3 Điều 11 Nghị định 105/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ đã hướng dẫn cách xác định dấu hiệu bị nghi ngờ có phải là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu hay không, cần phải so sánh dấu hiệu đó với nhãn hiệu, đồng thời phải so sánh sản phẩm, dịch vụ mang dấu hiệu đó với sản phẩm, dịch vụ thuộc phạm vi bảo hộ. Chỉ có thể khẳng định có yếu tố xâm phạm khi đáp ứng cả hai điều kiện sau đây:

“a) Dấu hiệu bị nghi ngờ trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu thuộc phạm vi bảo hộ; trong đó một dấu hiệu bị coi là trùng với nhãn hiệu thuộc phạm vi bảo hộ nếu có cùng cấu tạo, cách trình bày (kể cả màu sắc); một dấu hiệu bị coi là tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu thuộc phạm vi bảo hộ nếu có một số đặc điểm hoàn toàn trùng nhau hoặc tương tự đến mức không dễ dàng phân biệt với nhau về cấu tạo, cách phát âm, phiên âm đối với dấu hiệu, chữ, ý nghĩa, cách trình bày, màu sắc và gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu;

b) Hàng hóa, dịch vụ mang dấu hiệu bị nghi ngờ trùng hoặc tương tự về bản chất hoặc có liên hệ về chức năng, công dụng và có cùng kênh tiêu thụ với hàng hóa, dịch vụ thuộc phạm vi bảo hộ.”

Đối chiếu với quy định pháp luật bên trên, có thể thấy Hành vi của một số tài khoản mạng xã hội bên trên có dấu hiệu xâm phạm nhãn hiệu đã được bảo hộ của T&T Group:

Thứ nhất, thành phần chữ “T&T Group” mà nhóm tài khoản mạng xã hội sử dụng trong các bài viết và nhóm chát dù thể hiện dưới bất kỳ hình thức nào vẫn được coi là giống về cấu tạo, phát âm, ngữ nghĩa và tương tự với nhãn hiệu “T&T Group”, đã được bảo hộ và đang sử dụng hợp pháp bởi Tập đoàn T&T Group. 

Thứ hai, hình “đầu con hổ” mà nhóm tài khoản mạng xã hội sử dụng, tuy có chút khác biệt về màu sắc, nhưng các đường nét, cách trình bày, bố trí vẫn tạo thành tổng thể có khả năng gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được bảo hộ tổng thể cả phần hình và chữ của Tập đoàn T&T Group. 

    Do đó, có dấu hiệu cho thấy nhóm tài khoản mạng xã hội xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu của Tập đoàn T&T Group theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 129 Luật SHTT.

Với tư cách là chủ sở hữu logo và nhãn hiệu, theo Điều 125 Luật SHTT, Tập đoàn T&T Group có quyền ngăn cấm, buộc các cá nhân có hành vi sử dụng trái phép chấm dứt hành vi xâm phạm.

Quyền ngăn cấm người khác xâm phạm nhãn hiệu của chủ sở hữu được pháp luật thừa nhận nhằm bảo hộ quyền sở hữu hợp pháp của chủ nhãn hiệu, đồng thời bảo vệ người tiêu dùng và xã hội không bị nhầm lẫn khi lựa chọn sản phẩm, dịch vụ. 

T&T Group cần làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?

Lập vi bằng để ghi nhận lại hành vi vi phạm

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 36 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại thì vi bằng là nguồn chứng cứ để tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc.

T&T Group cần lập tức yêu cầu Thừa phát lại lập vi bằng ghi lại những chứng cứ thể hiện việc sử dụng trái phép logo, nhãn hiệu đã được bảo hộ của Tập đoàn để làm căn cứ yêu cầu cơ quan chức năng xử lý.

Yêu cầu Giám định sở hữu trí tuệ

Giám định sở hữu trí tuệ là bước không bắt buộc, nhưng kết luận giám định lại là tài liệu quan trọng trong quá trình xử lý vi phạm và được coi là nguồn chứng cứ để các cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ việc. Kết quả giám định là cơ sở quan trọng trong quá trình xử lý vi phạm và đây cũng chính là tài liệu, chứng cứ để cơ quan chức năng giải quyết vụ việc.

Chính vì vậy, T&T Group cần Đề nghị Viện Khoa học sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học công nghệ giám định dấu hiệu chứa nhãn hiệu và logo của Tập đoàn được sử dụng bất hợp pháp trên mạng xã hội để củng cố chứng cứ xử lý hành vi xâm phạm.

Gửi thông báo đến cá nhân có hành vi xâm phạm nhãn hiệu

Sau khi phát hiện hành vi sử dụng nhãn hiệu trái phép và có kết luận giám định sở hữu trí tuệ, T&T Group có thể gửi thông báo yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm đến tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm. 

Việc thông báo này phải được thể hiện bằng văn bản. Trong văn bản phải có các thông tin như: Chỉ dẫn về căn cứ phát sinh, văn bằng bảo hộ, phạm vi, thời hạn bảo hộ và phải ấn định một thời hạn hợp lý để người xâm phạm chấm dứt hành vi xâm phạm. 

Lưu ý: Gửi thông báo đến cá nhân có hành vi xâm phạm nhãn hiệu, tuy không phải là biện pháp bắt buộc theo quy định pháp luật hiện hành, nhưng lại có ý nghĩa quan trọng trong việc hạn chế thiệt hại cho chủ sở hữu.

Yêu cầu sự can thiệp của cơ quan chức năng

Trong trường hợp đã gửi thông báo đến cá nhân, tổ chức có hành vi xâm phạm nhãn hiệu nhưng họ vẫn cố tình vi phạm, T&T Group có quyền yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tham gia giải quyết và xử phạt. Cụ thể, tùy theo tính chất của vụ việc, T&T Group có thể lựa chọn các biện pháp sau đây:

*   Biện pháp dân sự 

Theo qui định tại Điều 202 Luật SHTT, các biện pháp dân sự mà Toà án có thể áp dụng để xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm bao gồm: 

    Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm; 

    Buộc xin lỗi cải chính công khai; 

    Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự theo quy định của pháp luật; 

    Buộc bồi thường thiệt hại; 

    Buộc tiêu hủy hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.

Với tình trạng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp diễn ra tương đối phổ biến, đặc biệt là nhãn hiệu như hiện nay, biện pháp dân sự có thể là một trong những biện pháp xử lý hiệu quả hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền sở hữu công nghiệp nói riêng. Điều này xuất phát từ tính chất mềm dẻo và thiết thực của biện pháp này. Với đặc điểm của các vụ tranh chấp liên quan đến sở hữu công nghiệp có mức độ tổn thất thường lớn hoặc rất lớn thì việc thực hiện các yêu cầu bồi thường thiệt hại như vậy thực sự rất quan trọng. 

*    Biện pháp hành chính

Biện pháp hành chính được các cơ quan có thẩm quyền áp dụng để xử lý những hành vi xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu của cá nhân, tổ chức mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ưu điểm của biện pháp này là khi một hành vi xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu bị xử phạt hành chính, chủ thể bị vi phạm cũng đồng thời phải chấm dứt hành vi xâm phạm và buộc áp dụng một trong các hình thức xử phạt là cảnh cáo hoặc phạt tiền.

Căn cứ Điều 11 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, với hành vi có dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, logo của tập đoàn T&T Group bên trên, tùy thuộc tính chất và mức độ vi phạm, cá nhân (tổ chức) vi phạm có thể bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Bên cạnh đó, cá nhân (tổ chức) xâm phạm có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức phạt bổ sung như: tịch thu phương tiện được sử dụng để kinh doanh dịch vụ xâm phạm nhãn hiệu, đình chỉ hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đã xảy ra vi phạm trong một thời gian nhất định ,…

*    Biện pháp hình sự

Bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp nói chung và nhãn hiệu nói riêng bằng biện pháp hình sự có thể được hiểu là sự ghi nhận và bảo vệ bằng các chế tài pháp lý hình sự của quốc gia đối với quyền sở hữu công nghiệp khi các quyền này bị hành vi phạm tội gây ra (hoặc đe dọa gây ra) thiệt hại. 

Điều 212 Luật SHTT quy định: "Cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự".

Căn cứ Điều 226 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì cá nhân nào cố ý xâm phạm quyền Sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam có thể bị phạt tù đến 03 năm

Tuy nhiên, một trong những yếu tố cấu thành tội phạm trong lĩnh vực này là hành vi đó phải là hành vi xâm phạm trên quy mô lớn và phải mang mục đích thương mại. Quy mô thương mại là đặc điểm mang tính bắt buộc của các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Đặc điểm này đòi hỏi mức độ lớn, tầm cỡ và tính chất kinh tế của hành vi.

Được biết, T&T Group đã có đơn tố giác và làm việc với cơ quan chức năng (Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao C50 – Bộ Công an) để tố cáo hành vi sử dụng trái phép tên nhãn hiệu và logo T&T Group trên mạng xã hội, đề nghị xem xét dấu hiệu vi phạm hình sự của các hành vi này và có biện pháp can thiệp với các đối tượng liên quan một cách sớm nhất. 

Tài sản trí tuệ là tài sản vô giá của doanh nghiệp, bởi chúng được tạo nên không chỉ đơn giản từ giá trị của sản phẩm (dịch vụ), mà còn thể hiện chất lượng, uy tín của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng. Trong cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0, kinh tế tri thức đang là vấn đề ngày càng được quan tâm và chú trọng, vì vậy các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cần phải được xử phạt nghiêm khắc, góp phần thúc đẩy hoạt động sáng tạo, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh giữa các chủ thể và đầu tư nước ngoài.

Kỳ Anh
 

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin