Hàng loạt những vướng mắc trong các dự án thua lỗ của Bộ Công Thương

Theo báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tính đến nay 12 dự án yếu kém, thua lỗ của ngành công thương đang trong giai đoạn xử lý các vướng mắc.

Đáng chú ý, đến tháng 9/2019 đã có hai nhà máy hoạt động sản xuất, kinh doanh có lãi: Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng lãi sau thuế đạt 7,3 tỷ đồng và Nhà máy thép Việt-Trung lãi sau thuế đạt 270,7 tỷ đồng. Riêng Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng được xem xét để đưa ra khỏi danh sách các dự án thua lỗ.

Tuy nhiên, ủy ban này cũng cho hay vẫn còn những khó khăn, vướng mắc đã được tập trung giải quyết nhưng chưa có kết quả.

Theo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, hiện có bảy dự án, doanh nghiệp phát sinh vướng mắc, tranh chấp đối với hợp đồng tổng thầu EPC (hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình). Đến nay, vướng mắc này vẫn chưa giải quyết được theo tiến độ đã đề ra. Một số trường hợp không dàn xếp được và phải đưa ra trọng tài quốc tế phân xử (gồm đạm Ninh Bình, Hà Bắc, DAP Lào Cai).

Nhà máy đạm Ninh Bình đang tranh chấp hợp đồng với tổng thầu EPC phải đưa ra trọng tài quốc tế phân xử. Ảnh: Vinachem
Nhà máy đạm Ninh Bình đang tranh chấp hợp đồng với tổng thầu EPC phải đưa ra trọng tài quốc tế phân xử. Ảnh: Vinachem)

Chiều 6/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo của Chính phủ về xử lý tồn tại, yếu kém của 12 dự án, nhà máy ngành Công Thương đã chủ trì cuộc họp đánh giá tiến độ công việc của các bộ, ngành thành và các Tập đoàn, Tổng công ty liên quan.

Theo báo cáo, hiện có 7 dự án vướng mắc tranh chấp hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị và thi công (EPC) chưa được giải quyết, một số dự án không dàn xếp được, phải đưa ra trọng tài quốc tế phân xử trong thời gian tới.

Lãnh đạo Tập đoàn Hoá chất cho biết với 3 nhà máy sản xuất phân bón (Đạm Ninh Bình, Dự án mở rộng sản xuất đạm Hà Bắc, dự án DAP2 Lào Cai), Tập đoàn đã chuẩn bị hồ sơ pháp lý, khi có ý kiến của Chính phủ thì sẽ khởi kiện tổng thầu ra toà hoặc đưa ra Trung tâm Trọng tài quốc tế phân xử.

Bên cạnh giải quyết tranh chấp hợp đồng EPC, các dự án này đang gặp khó về vấn đề tài chính. Theo đó, với quan điểm của Chính phủ là bảo đảm nguyên tắc Nhà nước không cấp thêm vốn vào các dự án, doanh nghiệp, cổ đông phía nhà nước còn lúng túng trong việc quyết định chủ trương góp thêm vốn cho các dự án. Một số dự án, đặc biệt là các dự án sản xuất phân bón của Tập đoàn Công nghiệp hóa chất Việt Nam (Vinachem) gặp khó khăn về vay vốn lưu động để phục vụ cho sản xuất, dẫn đến thiếu vốn cho sản xuất, kinh doanh.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết ngoại trừ số ít dự án đang có lãi, các dự án, doanh nghiệp còn lại đều thua lỗ hoặc dừng hoạt động nên không nhiều nhà đầu tư quan tâm. Bên cạnh đó, các dự án, doanh nghiệp còn tranh chấp hợp đồng EPC nên chưa quyết toán được toàn bộ dự án, chưa có cơ sở để xác định giá trị dự án, doanh nghiệp thoái vốn.

Theo doisongphapluat.com

Nguồn bài viết: https://www.doisongphapluat.com/kinh-doanh/hang-loat-nhung-vuong-mac-trong-cac-du-an-thua-lo-cua-bo-cong-thuong-a296806.html

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin