Hàng loạt lãnh đạo kiểm lâm Tiền Giang tiếp tay cho gỗ lậu

Từ tố cáo của người dân, Thanh tra tỉnh Tiền Giang vào cuộc và phát hiện nhiều sai phạm tại Chi cục Kiểm lâm (CCKL) Tiền Giang có tính hệ thống, diễn ra nhiều năm, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng. Có đến 11/13 cán bộ bị phát hiện tiếp tay cho gỗ lậu...

Tha bổng gỗ lậu

 

 Gỗ lậu bị bắt giữ tại Chi cục Kiểm lâm Tiền Giang.
Gỗ lậu bị bắt giữ tại Chi cục Kiểm lâm Tiền Giang.)

Theo kết luận của Thanh tra, giai đoạn 2013-2016, CCKL Tiền Giang đã ban hành 63 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 1,534 tỷ đồng, tịch thu 129,835m3 gỗ các loại. Nhưng qua kiểm tra có 7 hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính với tổng số gỗ sai phạm là 228,533m3, nhưng CCKL Tiền Giang chỉ xử lý 37,559m3 (bằng 16,9%), gây thiệt hại cho ngân sách số tiền 1,687 tỷ đồng.

Như Dân Việt đã thông tin, khi bắt giữ 35m3 gỗ lậu do xe 63C-023.28 vận chuyển vào năm 2013, CCKL Tiền Giang vẫn cứ hợp thức hóa số gỗ lậu trên bằng cách mời… 3 tài xế và phụ xế tới kiểm tra và kết luận chỉ có 3,971m3 gỗ sai phạm để xử lý hành chính, bỏ lọt 28,617m3 gỗ lậu!

Trước đó, công an phối hợp với kiểm lâm kiểm tra xe 63L-7710 chở 46 hộp gỗ bằng lăng với khối lượng 12,507m3 và xe 63L-9806 chở 90 hộp gỗ bằng lăng với khối lượng 30,141m3. Tài xế 2 xe này xuất trình hóa đơn do ông Nguyễn Văn Năm (xã Nhị Quý, TX.Cai Lậy) xuất bán cho bà Nguyễn Thị Lệ (xã Tân Trung, TX.Gò Công). Tiếp tục kiểm tra cơ sở cưa xẻ gỗ của ông Năm, CSKT phát hiện thêm 95 hộp gỗ bằng lăng, khối lượng 23,516m3 (tổng cộng 66,163m3) cũng không chứng minh được nguồn gốc.

Sau khi bị lập biên bản, một người tên Hoàng Xuân Trung xuất hiện và cung cấp hồ sơ số gỗ trên mua của Công ty TNHH TMDV Quang Thái (tỉnh Bình Định). Qua xem xét, CCKL Tiền Giang xác định có 12,137m3 gỗ không hợp pháp, đồng thời báo cáo đề xuất Sở NN-PTNT Tiền Giang trình UBND tỉnh ra quyết định xử phạt hành chính ông Trung 75 triệu đồng và tịch thu toàn bộ 12,137m3 gỗ. Trong phi vụ này, kết luận thanh tra xác định ông Cao Văn Thật - Chi cục trưởng CCKL Tiền Giang và Kiểm lâm viên Nguyễn Thanh Trúc “đã không xử lý 54,207m3 gỗ bằng lăng vi phạm với giá trị 542 triệu đồng”.

Cũng năm 2013, công an phát hiện tài xế Lê Tấn Linh (TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai) điều khiển xe 81C-023.77 vận chuyển 170 hộp với khối lượng 62,355m3 gỗ bằng lăng không có hồ sơ phù hợp nên đã lập biên bản tạm giữ phương tiện và tang vật, chuyển hồ sơ cho CCKL Tiền Giang xử lý. Sau đó CCKL Tiền Giang có văn bản đề xuất UBND tỉnh ra quyết định xử phạt 75 triệu đồng và tịch thu 9,060m3 gỗ. Nhưng theo kết luận thanh tra, toàn bộ số gỗ nói trên không thể hiện số hiệu đầu lóng, không dấu búa kiểm lâm. CCKL Tiền Giang đã tự quy định phương pháp đo, kiểm tra quy cách và loại ra các hộp gỗ vi phạm từ 62,355m3 chỉ còn 9,060m3. Sai phạm này của ông Cao Văn Thật và các nhân viên đã gây thiệt hại cho nhà nước hơn 332 triệu đồng.

Nhắm mắt ký bậy

 

 Gỗ không có dấu hiệu đầu lóng được vận chuyển về Tiền Giang.
Gỗ không có dấu hiệu đầu lóng được vận chuyển về Tiền Giang.)

Ngày 2.4.2015, Công ty TNHH Đăng Hưng (TP.Mỹ Tho) tới CCKL Tiền Giang làm thủ tục cấp sổ theo dõi nhập xuất lâm sản. Theo đó, bà Nguyễn Thị Ngọc Hân và ông Lê Xuân Tùng được phân công tiến hành đo đạc, kiểm tra lần đầu 99 hộp (48,636m3) và 20 hộp (7,244m3) đã được phía công ty cắt ra bán lẻ. Qua kiểm tra, bà Phan Ngọc Như Minh phát hiện những hộp gỗ đã bị cắt ngắn không đủ cơ sở để xác nhận. Do vậy, CCKL Tiền Giang đã hủy biên bản kiểm tra trước đó, đồng thời phân công bà Minh và ông Tùng thực hiện kiểm tra, đo đạc lại lần 2. Nhưng lần này, bà Minh và ông Tùng lại lập biên bản xác nhận 94 hộp gỗ với khối lượng 43,087m3 còn nguyên…

Theo kết luận thanh tra, qua kiểm tra có 119 hộp gỗ (55,88m3) không có số hiệu ở 2 đầu hộp gỗ bằng sơn và không ký hiệu, số hiệu búa kiểm lâm, nhưng CCKL Tiền Giang vẫn xác nhận và kết luận gỗ có nguồn gốc trong nước. Tương tự, ngày 20.9.2016, 2 cán bộ của CCKL Tiền Giang là ông Nguyễn Thượng Vũ và bà Nguyễn Thị Ngọc Hân lập biên bản xác nhận cơ sở Đặng Linh Thảo (xã Phước Lập, H.Tân Phước) nhập vào 29,399m3 gỗ căm xe với số lượng 1.168 thanh, có nguồn gốc trong nước. Nhưng qua kiểm tra cho thấy có 361 thanh gỗ (14,819m3) không có đóng búa kiểm lâm và ghi số hiệu tại mặt cắt ngang 2 đầu thanh gỗ… Thế nhưng cán bộ kiểm tra vẫn xác nhận “gỗ có nguồn gốc hợp pháp”!

Theo kết luận thanh tra, trong hàng loạt sai phạm nói trên có 5 vụ vượt quá thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính nhưng CCKL Tiền Giang đã không khởi tố, điều tra theo thẩm quyền, không chuyển sang cơ quan điều tra theo quy định; có dấu hiệu lợi dụng chức vụ quyền hạn làm trái quy định pháp luật…

Do vậy, Chánh thanh tra tỉnh Tiền Giang quyết định chuyển sang Cơ quan CSĐT Công an Tiền Giang để tiến hành điều tra và xử lý theo quy định pháp luật đối với 6 vụ việc, gây thất thoát cho nhà nước tổng cộng 3,072 tỷ đồng.

Ngoài 11/13 cán bộ của CCKL bị đề nghị xử lý (chỉ có 2 nhân viên không có chức quyền không sai phạm), Thanh tra tỉnh còn yêu cầu xử lý các cán bộ lãnh đạo của Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang

Ông Nguyễn Thanh Cẩn (Giám đốc vừa nghỉ hưu)

Ông Cao Văn Hóa (quyền Giám đốc Sở NNPTNT)

Ông Phạm Văn Chiến (Chánh Thanh tra)

Ông Đào Văn Châu (Phó Chánh Thanh tra)

Theo Danviet

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin