Hạn chế trong quá trình xây dựng chính sách pháp luật: Hệ lụy không nhỏ với đời sống!

11/07/2019 08:41

(Pháp lý) - Thời gian qua, có một số chính sách pháp luật bị người dân – đối tượng bị tác động phản đối. Bên cạnh đó, một số vấn đề dân sinh bức xúc do lỗ hổng, khuyết thiếu của văn bản quy phạm pháp luật, nhưng chậm được cơ quan chức năng sửa đổi, bổ sung… Đó là những tồn tại, hạn chế cần sớm có giải pháp khắc phục, bởi những hạn chế này để lại hệ lụy không nhỏ trong đời sống.

Luật khó đi vào cuộc sống do chậm, thiếu văn bản hướng dẫn

Luật Quy hoạch đã được chuẩn bị từ Quốc hội khóa 13, chuyển sang Quốc hội khóa 14 và phải qua 3 kỳ họp, đến cuối năm 2017 mới thông qua được, sau rất nhiều tranh luận. Tuy nhiên Luật có hiệu lực 5 tháng, nhiều nơi đã kêu trời vì những hạn chế của Luật khiến Chính phủ đề nghị... sửa. Vì vậy nên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã phải họp một phiên bất thường để thẩm tra dự thảo "Nghị quyết thi hành luật Quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch". Theo thống kê và đề nghị của một ĐBQH thì có đến 93 Luật liên quan đến Luật Quy hoạch cần sửa đổi.

Luật Quy hoạch có hiệu lực nhưng chưa thể thi hành trên thực tế…
Luật Quy hoạch có hiệu lực nhưng chưa thể thi hành trên thực tế…)

Các vướng mắc được Chính phủ liệt kê là hiện có một số quy hoạch đã được lập, thẩm định nhưng chưa được phê duyệt, nay sẽ phải làm theo trình tự của Luật Quy hoạch, dẫn đến mất nhiều thời gian; Quy định của luật hiện hành không cho phép điều chỉnh quy hoạch cục bộ, dẫn đến không bảo đảm sự linh hoạt trong quá trình điều hành của các địa phương; Kể từ thời điểm luật có hiệu lực, quy định có liên quan đến các quy hoạch tại các luật chuyên ngành cũng đồng thời hết hiệu lực, khiến không còn căn cứ pháp lý để thực hiện các quy hoạch này. Do đó, Chính phủ đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết trên để hướng dẫn chuyển tiếp, không hồi tố quy định với các quy hoạch đã thẩm định trước và cho kéo dài thời hạn áp dụng quy hoạch được quy định tại các luật chuyên ngành…

Những hạn chế của Luật tác động đến nhiều vấn đề của đời sống, khiến các cơ quan thực hiện pháp luật phải kêu trời. Bà Nguyễn Thị Phương Hoa, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, cho biết: “Triển khai thực tế mới thấy vướng” và “chúng tôi trực tiếp làm chúng tôi mới lo”. Theo bà Hoa, luật quy định các quy hoạch dưới phải tuân thủ quy hoạch tổng thể quốc gia, mà quy hoạch tổng thể quốc gia lại chưa có, nên không lấy đâu ra căn cứ để xây dựng quy hoạch dưới, cụ thể ở đây là quy hoạch sử dụng đất quốc gia. Hiện có 5 địa phương chưa phê duyệt được quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, và nếu dừng lại thì 5 tỉnh này từ giờ đến 2020 “không thu hồi đất, không giao đất, không làm gì được cả”.

Nói về nguyên nhân của tình trạng trên, đại biểu Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng nguyên nhân “căn cốt” của việc vướng mắc là vì Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn chậm. Luật đã được ban hành từ 2017, nhưng đến tháng 5 vừa qua mới có Nghị định hướng dẫn. Thêm vào đó, đại biểu Sinh cũng cho rằng, hồ sơ dự án chưa đủ thuyết phục khi mới có ý kiến của 5 trong số 47 Bộ, ngành T.Ư; 63 tỉnh thành, các doanh nghiệp, các hiệp hội đều không có ý kiến. “Đây không phải lần đầu tiên Chính phủ làm chậm. Tôi cho rằng Chính phủ phải nhận trách nhiệm trước Quốc hội về chậm trễ này”, Đại biểu Sinh nói.

Chính vì ý kiến như trên nên nhiều đại biểu không đồng tình với việc thông qua đề nghị ban hành Nghị quyết điều chỉnh... 93 Luật liên quan đến quy hoạch. Tiếp thu ý kiến của đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đồng ý ban hành Nghị quyết này, vì Nghị quyết có phạm vi ảnh hưởng quá lớn mà chưa được đánh giá tác động đầy đủ, có khả năng sẽ "dựng lại" hàng loạt quy hoạch "đã chết". Nguyên nhân Chính phủ đã có Nghị quyết giao các Bộ, ngành tổ chức triển khai thực hiện luật, (nhưng các Bộ, ngành) không tổ chức triển khai gì cả. Đến mãi ngày 7/5/2019 mới ban hành Nghị định hướng dẫn, chậm 14 tháng; danh mục quy hoạch để tích hợp vào hệ thống quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh cũng chưa có. Bây giờ cho kéo dài, cho chuyển tiếp thì kể cả các quy hoạch dừng thực hiện rồi cũng sẽ "sống" lại, tức là có hai hệ thống pháp luật về quy hoạch song song tồn tại. Việc tồn tại song song hai hệ thống luật có quy định khác nhau nhưng cùng điều chỉnh một nội dung sẽ khiến cho việc lập quy hoạch nói riêng và hoạt động quản lý nhà nước sẽ rất khó khăn, thiếu sự thống nhất và chồng chéo, làm phức tạp quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư dẫn đến những hậu quả không thể lường trước được, theo cơ quan thẩm tra.

Về giải pháp tháo gỡ, theo các chuyên gia, thì các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội đang tìm cách gom lại những vấn đề gì thực sự bất cập, thực sự cần thiết và quyết liệt đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các văn bản hướng dẫn Luật Quy hoạch và kiến nghị xử lý trách nhiệm của những người làm chậm trễ việc này.

Sơ sài, sai sót khi lấy ý kiến của đối tượng bị tác động

Khi tiếp nhận thông tin (chủ yếu qua báo chí) về việc tăng tuổi nghỉ hưu được quy định trong dự thảo Bộ luật Lao động rất nhiều người đã lên tiếng phản đối. Báo Thanh Niên đã “ví von” về sự vô cảm khi quy định này được đưa vào Luật như sau: Những người soạn thảo luật hẳn không phải là cô giáo mầm non đã ngoài 50 vẫn phải múa hát, chăm sóc trẻ em; không phải chị công nhân dệt may 37 tuổi ngồi còng lưng bên máy một ngày 10 tiếng; không phải anh công nhân điện tử mắt đã mờ vẫn phải cố đến ngày về hưu, nên không thể biết, việc tăng thêm 2 năm, 5 năm tuổi hưu là gánh nặng với họ đến mức nào.

Trước đây vấn đề tương tự với người lao động là công nhân được quy định tại Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 (không cho người lao động lấy bảo hiểm xã hội một lần) phải sửa ngay trước khi có hiệu lực, vì bị hàng loạt công nhân phản đối. Nguyên do cũng là bởi những người thiết kế luật nghĩ là nó tốt cho công nhân, nhưng công nhân lại không nghĩ vậy.

Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thì quy trình xây dựng luật phải có khâu “Tham gia góp ý kiến xây dựng văn bản quy phạm pháp luật”. Theo đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các tổ chức thành viên khác của Mặt trận và các cơ quan, tổ chức khác, cá nhân có quyền và được tạo điều kiện góp ý kiến về đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; Trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo và cơ quan, tổ chức có liên quan có trách nhiệm tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia góp ý kiến về đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản quy phạm pháp luật. Và ý kiến tham gia về đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật phải được nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình chỉnh lý dự thảo văn bản. Quy định như vậy nhưng, cơ quan soạn thảo luật lại có những cách hiểu khác nhau về đối tượng chịu sự tác động. Trường hợp các dự án BOT, Bộ GTVT đã lấy ý kiến góp ý của người dân, nhưng vẫn bị người dân phản đối. Cũng như trường hợp Bộ luật Lao động kể trên, Tổng Liên đoàn Lao động VN đã được lấy ý kiến góp ý, nhưng ý kiến của Tổng Liên đoàn không thể đại diện cho tất cả người lao động.

Dự thảo qui định về tăng tuổi nghỉ hưu cần phải xem xét lại
Dự thảo qui định về tăng tuổi nghỉ hưu cần phải xem xét lại)

Luật quy định phải lấy ý kiến tác động trực tiếp, nhưng nhiều nơi lại lấy ý kiến tác động gián tiếp, đồng thời chỉ lấy ý kiến hình thức dẫn đến việc “lọt” ý kiến của chính người bị tác động. Để giải quyết vấn đề trên, thiết nghĩ cơ quan soạn thảo Luật phải cải thiện việc lấy ý kiến, tránh việc hình thức, cho có.

Lùi thời hạn sửa luật khi lĩnh vực có nhiều vấn đề nóng bỏng

Những vấn đề tồn tại trong lĩnh vực đất đai là vấn đề nóng là nguyên nhân chính của khiếu kiện kéo dài và phức tạp. Các vấn đề phải kể đến như giá đất, quản lý đất công, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng an ninh, quốc gia công cộng… Các vấn đề nóng được báo chí và các chuyên gia pháp luật chỉ ra trong thời gian thi hành Luật Đất đai 2013 rất cần thiết phải sửa đổi để đáp ứng được yêu cầu quản lý đất đai thời gian tới.

Tuy nhiên, Chính phủ lại đề nghị điều chỉnh chương trình năm 2019 đối với 10 dự Luật, dự thảo Nghị quyết; trong đó, rút dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai và trình trong thời điểm thích hợp. Theo Chương trình xây dựng Luật năm 2019 của Quốc hội, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai sẽ được trình Quốc hội trong năm 2019, nhưng Chính phủ xin lùi đến sau năm 2020.

Tiêu cực, tham nhũng, khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai rất nóng bỏng do lỗ hổng, khuyết thiếu của luật, nhưng Luật Đất đai chưa được sửa đổi kịp thời.
Tiêu cực, tham nhũng, khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai rất nóng bỏng do lỗ hổng, khuyết thiếu của luật, nhưng Luật Đất đai chưa được sửa đổi kịp thời.)

Nhiều ý kiến cho rằng, việc xin lùi lại quả thật là rất đáng tiếc bởi trước đó, cũng phải rất khó khăn khi Quốc hội đồng ý sắp xếp sửa Luật Đất đai vào Chương trình xây dựng Luật của năm nay. Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành từ 1/7/2014, tính đến nay chưa được 5 năm, "tuổi thọ" còn khá ngắn, muốn được Quốc hội cho sửa không phải điều dễ dàng. Nhiều đại biểu cho rằng dự án Luật Đất đai cần sớm được sửa đổi để giải quyết các vấn đề "nóng" trong thực tiễn.

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, Chính phủ đề nghị rút dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai ra khỏi chương trình năm 2019 và sẽ trình Quốc hội vào thời điểm thích hợp. Tuy nhiên, qua xem xét, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, đây là dự án Luật đã được đưa vào chương trình năm 2019 nhằm kịp thời thể chế hóa Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Bên cạnh đó, Bộ Chính trị cũng đã ban hành kết luận số 36 về đẩy mạnh thực hiện nghị quyết Trung ương 6 (khóa XI) về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai. "Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không rút dự án Luật này ra khỏi chương trình như Chính phủ đề nghị mà lùi thời gian trình Quốc hội sang cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 9 vào tháng 5/2020", ông Định nói.

Việc lùi thời hạn sửa Luật Đất đai khiến nhiều đại biểu băn khoăn. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý - Thường trực Uỷ ban các vấn đề xã hội không tán thành việc lùi thời gian trình một số dự án luật có tính cấp bách như Luật Đất đai. Theo bà Thuý, để phát triển kinh tế, ổn định xã hội, Quốc hội cần tập trung rà soát, sửa đổi ngay những vấn đề bức thiết trong thực tiễn, đơn cử như tình trạng người nước ngoài mua nhà ở gắn liền với đất ở; đất xây dựng khu du lịch tâm linh tới gần 1.500 ha, lớn hơn diện tích xây dựng sân bay Long Thành. Bàn về giải pháp cho vấn đề tồn tại trên, đại biểu Trần Thị Hoa Ry - Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bạc Liêu nói: "Nếu quá khó khăn, phức tạp, tôi đề nghị Quốc hội có thể xem xét thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại 3 kỳ họp, nhưng với tâm thế quyết tâm làm trong nhiệm kỳ này".

Minh Hải (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết "Hạn chế trong quá trình xây dựng chính sách pháp luật: Hệ lụy không nhỏ với đời sống!" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin