Góp ý sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai ( kỳ 3 - bài 7)

(Pháp lý) - LTS: Nếu lĩnh vực đất đai vốn là lĩnh vực luôn “nóng”, còn không ít tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý và thực thi pháp luật, dân khiếu kiện nhiều, tiêu cực tham nhũng từ nguồn lợi đất đai không hề ít… thì hoạt động thu hồi, bồi thường, đền bù đất đai được cho là hoạt động có nhiều hạn chế hơn cả.

Thu hồi đất tại các dự án trả tiền dân quá thấp nhưng sau đó phân lô, bán nền với giá cao, khiến dân bức xúc (Ảnh minh họa)
Thu hồi đất tại các dự án trả tiền dân quá thấp nhưng sau đó phân lô, bán nền với giá cao, khiến dân bức xúc (Ảnh minh họa))

Kỳ này, Pháp lý tiếp tục đăng tải một số nghịch lý, bất cập, hạn chế trong công tác thu hồi, bồi thường đất. Đồng thời ghi nhận một số ý kiến của các chuyên gia pháp luật đất đai, luật sư kiến nghị “bít” các kẽ hở của Luật trong công tác này.

Bài 7: Nghịch lý trong thu hồi và bồi thường đất

Thu hồi, bồi thường cho dân vài chục nghìn/1m2 đất, nhưng sau đó lại chuyển nhượng giá cao ngất ngưởng. Trên cùng một lô đất, áp mức giá bồi thường khác nhau…vv… đó là những nghịch lý và bất thường của hoạt động thu hồi, đền bù đất hiện nay.

Thu đất, đền bù giá rẻ… sau đó bán giá cao

Mặc dù Luật đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định rất cụ thể về các trường hợp thu hồi và bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất. Tuy nhiên trong thực tế thực hiện còn không ít những kẽ hở đã “giúp” doanh nghiệp, thậm chí là cả chính quyền lợi dụng, dồn đẩy “thế khó” gây thiệt thòi về cho dân, khiến người dân bức xúc.

Chủ đầu tư dự án khu đô thị An Bình Tân ở tỉnh Khánh Hòa thu hồi đất và chỉ hỗ trợ 34.000 đồng/m2, nhưng sau đó bán lại cho người dân tới 4,4 triệu đồng/m2. Trước đó, UBND tỉnh Khánh Hòa thống nhất với Sở Tài nguyên và Môi trường áp dụng đơn giá hỗ trợ là 34.000 đồng/m2 để thu hồi đất thực hiện dự án KĐT An Bình Tân.

Ngày 5/1, UBND phường Phước Long, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đã cưỡng chế nhằm thi hành quyết định thu hồi khoảng 8,7 ha đất đối với 4 hộ dân ở khu vực Đồng Muối 2, phường Phước Long để thực hiện dự án khu đô thị (KĐT) An Bình Tân. Một số hộ dân có diện tích lớn bị đền bù giá thấp là bà Trần Thị Muộn với diện tích gần 34.700 m2, Nguyễn Thị Kim Anh trên 43.600 m2, Đặng Thị Thu Hồng gần 3.500 m2 và Hoàng Văn Hải gần 5.800 m2. Theo đó, bà Muộn chỉ được hỗ trợ gần 982 triệu đồng cho gần 34.700 m2 đất bị thu hồi. Chủ đầu tư đồng ý hỗ trợ thêm trên 294 triệu đồng cho gia đình bà Muộn, hỗ trợ chuyển nhượng 1 lô đất diện tích 100 m2 với giá 440 triệu đồng tại dự án và hỗ trợ 60 triệu đồng tiền thuê nhà trong 1 năm.

UBND TP Nha Trang khẳng định số đất các hộ đang sử dụng là của nhà nước giao cho tổ chức quản lý nên theo quy định thì không được bồi thường, hỗ trợ về đất. Nếu người dân không chấp nhận sẽ bị cưỡng chế, trừ tiền bồi thường để trả chi phí thực hiện cưỡng chế. Gia đình bà Muộn cho rằng giá bồi thường, hỗ trợ mà chủ đầu tư đưa ra là không phù hợp. Thời điểm định giá là năm 2012 nhưng nay vẫn áp mức đó. Số diện tích cũng chưa đúng với diện tích thật mà gia đình đang sử dụng nên bà Muộn không chấp nhận phương án đền bù, hỗ trợ và giao mặt bằng. Sau đó việc UBND phường Phước Long thực hiện cưỡng chế khi thời điểm Tết cận kề khiến họ lo lắng, bất bình.

Ở nhiều nơi, chính quyền sốt sắng hỗ trợ doanh nghiệp trong thu hồi, bồi thường, cưỡng chế đất của dân (Ảnh minh họa)
Ở nhiều nơi, chính quyền sốt sắng hỗ trợ doanh nghiệp trong thu hồi, bồi thường, cưỡng chế đất của dân (Ảnh minh họa))

Điều đáng nói và cũng là nghịch lý là ngay sau khi thu hồi đất của dân, đất này đã được chủ đầu tư dự án thông tin mở bán trên sàn giao dịch bất động sản ở TP Nha Trang. Theo đó, một nhân viên cho biết giá đất ở đây từ 8,2 triệu đến 9 triệu đồng/m2. Chỉ chuyển tay qua doanh nghiệp, giá đất đã tăng thêm rất nhiều lần. Người dân bức xúc cũng là điều dễ hiểu.

Một ví dụ khác ở Thái Bình. Lấy “lý do” cần thiết để thu hút đầu tư, nhiều cấp chính quyền ở địa phương đã nhiệt tình thái quá trong việc hỗ trợ doanh nghiệp thu hồi đất của dân. Đó là chuyện đã và đang diễn ra ở Thái Bình. Trước đó, UBND tỉnh Thái Bình có Quyết định số 878/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu đô thị phía Nam - New City Thái Bình với tổng diện tích 51,6ha. Tiếp đó, ngày 13/02/2015, UBND tỉnh Thái Bình có Công văn số 476/UBND-MCLT chấp thuận cho Công ty CP Tập đoàn Đại Cường (Cty Đại Cường) tiến hành thực hiện Dự án trên diện tích 26,3ha với tổng mức đầu tư 1.489,7 tỷ đồng.

Để tiến hành thu hồi đất cho doanh nghiệp, ngày 24/6/2016, UBND TP Thái Bình ra Quyết định số 2816/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng của Dự án. Đến ngày 29/6/2016, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Thái Bình có Thông báo số 92/TB-PTQĐ về việc thực hiện bồi thường hỗ trợ GPMP đợt 1 của 239 hộ gia đình cá nhân phường Trần Lãm thuộc khu A của Dự án. Theo đó, bồi thường về đất nông nghiệp ở mức 42.000đ/m2 với hệ số 1,2; hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm là 42.000đ/m2 nhân hệ số 1,5; hỗ trợ khác ở mức 105.000đ/m2. Ngoài ra, có 555 triệu đồng hỗ trợ hoa màu, cây cối trồng trên đất cho cả khu vực 16,6ha Dự án.

Cho rằng mức bồi thường quá thấp, lại không có đất tái định cư nên người dân không đồng ý và chưa nhận tiền đền bù.

Người dân có đất bị thu hồi còn cho rằng, diện tích đất nông nghiệp của họ bị thu hồi sau đó sẽ được phân lô, bán nền nên đây là dự án thương mại. Vì vậy, theo Luật họ phải được thỏa thuận với chủ đầu tư, chứ không phải thành phố áp giá, thu của dân giá rẻ rồi bán để thu lời. Việc người dân chưa đồng ý với mức bồi thường, nhưng TP Thái Bình vẫn “tạo điều kiện” cho doanh nghiệp này tiến hành quây tôn kín khu ruộng đã gây cản trở việc canh tác của người dân khiến họ vô cùng búc xúc và liên tục kiến nghị với ngành chức năng.

Việc chính quyền quá ưu ái cho doanh nghiệp trong thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng hiện nay khá phổ biến. Dư luận đặt câu hỏi, liệu có phải chỉ vì địa phương cần thu hút đầu tư? Chính quyền sao không đứng ra bảo vệ người dân mà lại chủ yếu bảo vệ doanh nghiệp? Chính quyền được lợi những gì mà quá sốt sắng hỗ trợ doanh nghiệp?

Trên cùng một lô đất, chính sách đền bù khác nhau ?

Việc thu hồi, đền bù đất đai cho dân là việc hệ trọng vì nó ảnh hưởng trực tiếp cuộc sống người dân. Nếu các cấp chính quyền, các ngành chức năng địa phương làm không đúng, không tốt sẽ gây mâu thuẫn, bức xúc trong nhân dân và xã hội.

Tuy nhiên, có hiện tượng áp dụng chính sách đền bù bất bình đẳng khiến người dân bức xúc. Vợ chồng chị Phạm Thị Vân (ngụ tại bản Khe Thơi, xã Lạng Khê) được bố chồng cho thừa kế thửa đất nông nghiệp rộng 779 m2 và đã được UBND huyện Con Cuông cấp giấy chứng nhận quyền sử sụng đất (bìa đỏ) từ năm 1998. Sắp tới, khi dự án xây dựng Thủy điện Chi Khê tích nước, thửa đất của gia đình chị Vân sẽ nằm trong khu vực lòng hồ của thủy điện, nhưng theo chị Vân, sáng 20/4/2016, Hội đồng giải phóng mặt bằng (HĐGPMB) huyện Con Cuông đến đo đạc, áp giá bồi thường cho 436,3 m2 với giá 11.000 đồng/m2. Chiều cùng ngày, HĐGPMB lại đo để lấy 257 m2 và áp giá bồi thường 20.000 đồng/m2. Trước sự bất nhất này, vợ chồng chị Vân lên UBND huyện Con Cuông thắc mắc thì được cán bộ huyện trả lời do HĐGPMB nhầm lẫn 2 mảnh đất (thực tế là một thửa - PV) bị thu hồi đó nằm ở 2 bản khác nhau, nên mới có giá chênh lệch như trên.

Việc thu hồi đất của các dự án treo còn chưa được thực hiện nghiêm túc ở nhiều tỉnh thành (ảnh minh họa)
Việc thu hồi đất của các dự án treo còn chưa được thực hiện nghiêm túc ở nhiều tỉnh thành (ảnh minh họa))

Tương tự, gia đình anh La Văn Hợi có 749 m2 đất sản xuất nông nghiệp dọc khe Thơi (bản Khe Thơi, xã Lạng Khê) đã được cấp sổ đỏ. Theo anh Hợi, mặc dù thửa ruộng này bằng phẳng, khi thủy điện tích nước sẽ bị ngập hoàn toàn, nhưng anh chỉ được bồi thường 391,8 m2 với giá 10.000 đồng/m2. Kỳ lạ hơn, trong khi anh Hợi đang khiếu nại diện tích và giá bồi thường, thì trong hồ sơ bồi thường đất đã có chữ ký của anh đồng ý nhận mức bồi thường trên. Gia đình ông Vi Văn Vĩnh (bản Khe Thơi) cũng bị thu hồi 140 m2 đất vườn liền kề với đất ở đã được cấp bìa đỏ, được bồi thường với giá 11.000 đồng/m2. Cộng với các khoản hỗ trợ khác, gia đình ông chỉ nhận được 6,8 triệu đồng cho cả mảnh đất. Ngoài các hộ trên, hiện ở bản Khe Thơi đang có 23 hộ dân gửi đơn khiếu nại, bởi đất nông nghiệp của bà con đã được cấp bìa đỏ từ năm 1998, nhưng khi thu hồi làm lòng hồ thủy điện Chi Khê, HĐGPMB huyện Con Cuông lại từ chối đền bù.

Kết mở

Đền bù 1m2 đất ở nhiều vùng thôn quê có giá thấp hơn 1 kg thịt ở thành phố. Xót xa và nghịch lý hơn khi cũng chính mảnh đất đó vào tay doanh nghiệp, giá trị sẽ được đẩy lên bán giá gấp hàng chục lần. Có hiện tượng, dân hiểu biết, khiếu kiện thì được bồi thường nhiều, người dân không hiểu biết chính quyền đưa bao nhiêu cũng phải nhận. Áp dụng chính sách đất đai như vậy làm người dân bất bình, khiếu kiện. Hiện nay, có quá nhiều quy định về bồi thường, giải phóng mặt bằng trao cho công chức địa phương quyền quyết định, điều này có thể tạo điều kiện cho cán bộ dễ dàng trục lợi.

Nếu lĩnh vực đất đai vốn là lĩnh vực có nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập, dân khiếu kiện nhiều, tiêu cực tham nhũng từ nguồn lợi đất đai không hề ít, thì hoạt động thu hồi, bồi thường, đền bù đất đai được cho là hoạt động có nhiều hạn chế hơn cả.

Những nghịch lý còn tồn tại trên một phần do bất cập của pháp luật, một phần do hạn chế của những “công bộc” được giao nhiệm vụ thực thi pháp luật trong lĩnh vực này. Pháp lý sẽ phân tích ở hai bài viết tiếp sau.

Minh Hải (tổng hợp)

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin