Giữ hệ thống cơ quan “gác cửa” cho Đảng thực sự trong sạch

20/11/2023 10:46

(Pháp lý) - Bước vào giai đoạn phát triển mới, trong điều kiện của nền kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, tham nhũng, tiêu cực được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, tinh vi. Công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC) theo đó sẽ đứng trước khó khăn, thách thức mới. Để công cuộc PCTN, TC hiệu quả và quyết liệt hơn nữa, điều quan trọng là chúng ta phải giữ hệ thống cơ quan “gác cửa” cho Đảng thực sự trong sạch, kiểm soát tốt quyền lực của các cơ quan này.

 

1-1700451896.jpg

Một phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNT, TC

Quy định 131: Nhận diện và chỉ rõ 22 hành vi TN, TC trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và hoạt động thanh tra, kiểm toán

Báo chí và dư luận xã hội thời gian qua không còn xa lạ khi có thông tin đây đó có cán bộ của cơ quan bảo vệ pháp luật bị kỷ luật, truy tố. Họ có thể là cán bộ Thanh tra, kiểm sát viên, thẩm phán, cán bộ, sĩ quan, thậm chí là tướng lĩnh trong lực lượng Công an, Quân đội… nhận tiền “chạy án” để giúp các đối tượng vi phạm thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật hoặc chỉ chấp hành hình phạt nhẹ hơn.

Tại phiên họp lần thứ 24 (16/8/2023), Báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC cho biết: Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay có hơn hơn 590 trường hợp là cán bộ, đảng viên trong các cơ quan PCTN, TC mắc sai phạm đã bị phát hiện và xử lý, trong đó có hơn 200 trường hợp bị xử lý hình sự. Trong đó riêng 6 tháng đầu năm 2023, có hơn 120 trường hợp cán bộ, đảng viên bị phát hiện và xử lý; trong đó, có hơn 60 trường hợp phải xử lý hình sự…

 Những con số nhức nhối đó càng khiến quyết tâm của Đảng tăng cao, chống tham nhũng tới cùng, không vùng cấm. Với Quy định số 131- QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, PCTC, TN trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán được ban hành, một lần nữa (trước đó ngày 11/7/2023, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Quy định 114-QĐ/TW năm 2023 về kiểm soát quyền lực và PCTN, TC trong công tác cán bộ) cho thấy cuộc đấu tranh PCTN, TC của Đảng không có vùng cấm, không có ngoại lệ, kiên quyết loại bỏ “sâu mọt” ra khỏi bộ máy.

Không có người nhận “chạy án” để bẻ cong pháp luật, ắt sẽ không có người dám chi nhiều tiền để “chạy án”. Mục tiêu xuyên suốt của Quy định 131- QĐ/TW, đó là phải “chặt đứt”, “triệt tiêu” mối quan hệ “dây mơ rễ má”, đường dây “móc ngoặc” giữa các cán bộ làm việc trong các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán với “thế giới bên ngoài”.

Theo đó tại Điều 4 Quy định 131 đã nhận diện và chỉ rõ 22 hành vi TN, TC trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và hoạt động thanh tra, kiểm toán. Trong đó, có hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ, mua chuộc người có trách nhiệm, chức vụ, quyền hạn hoặc người có liên quan nhằm giảm nhẹ, trốn tránh trách nhiệm cho đối tượng vi phạm; Cung cấp, tiết lộ thông tin, tài liệu, hồ sơ của đối tượng kiểm tra cho tổ chức và cá nhân không có thẩm quyền, trách nhiệm, nhất là thông tin, tài liệu, hồ sơ đang trong quá trình kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng hoặc thanh tra, kiểm toán; Nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác hoặc lợi ích phi vật chất, tham gia hoạt động vui chơi, giải trí của đối tượng kiểm tra hoặc người có liên quan đến đối tượng kiểm tra; Lợi dụng các mối quan hệ thân quen hoặc sử dụng lợi thế, vị trí công tác, uy tín của mình, người khác để tác động, tranh thủ, gây sức ép với đối tượng kiểm tra hoặc tổ chức, cá nhân có liên quan nhằm trục lợi hoặc động cơ cá nhân khác..Gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi không đúng quy định với đối tượng kiểm tra; sử dụng các tài liệu thẩm tra, xác minh không đúng mục đích...Trực tiếp hoặc gián tiếp hỗ trợ đối tượng kiểm tra thực hiện các hành vi nhằm trốn tránh, giảm nhẹ trách nhiệm...

Quy định cũng chỉ rõ về trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu, thành viên cấp ủy, tổ chức đảng và trách nhiệm của lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan, tổ chức kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, cá nhân có liên quan... Nghiêm cấm giữ lại để xử lý hành chính hoặc nội bộ

Bình luận về các nội dung trong Quy định số 131 của Bộ Chính trị, nhiều chuyên gia cho rằng, đó là lời cảnh tỉnh đối với các cơ quan làm nhiệm vụ PCTN, TC trong việc tự giác chấn chỉnh nội bộ, ngăn chặn không để “vòi bạch tuộc” TN, TC tìm cách can thiệp vào hoạt động của cơ quan mình, làm sai lệch kết quả kiểm tra, giám sát, kỷ luật của cơ quan chức năng. Chưa ngăn chặn được tiêu cực trong chính các cơ quan PCTN, TC tức là những cơ quan này vẫn còn “hé cửa” cho người khác “chạy” mình. Phải giữ hệ thống cơ quan “gác cửa” cho Đảng thực sự trong sạch, đáng tin cậy mới nâng cao được hiệu quả công tác PCTN, TC nói chung và sự trong sạch của các cơ quan PCTN, TC nói riêng.

2-1700451903.jpg

Cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cục, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta trọng sạch, vững mạnh”.

Quy định 132: Chỉ rõ 27 hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án bị cấm

Đã có nhiều văn bản của Đảng và Nhà nước đề cập đến vấn đề kiểm soát quyền lực, PCTN, TC trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, tuy nhiên chưa có quy định cụ thể. Mới đây nhất, ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, PCTN, TC trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Trong đó có nhiều nội dung “điểm huyệt” chuẩn xác vào mặt trái của các cơ quan thực hiện tố tụng. Cụ thể là:

+ Nhận diện hành vi bao phủ và gắn liền chế tài cụ thể: Tại Điều 6 Quy định 132 đã liệt kê cụ thể 27 hành vi lợi dụng lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án và một số các hành vi khác theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Không những nhận diện và điều chỉnh hành vi bao phủ mà Quy định còn gắn liền với chế tài rất cụ thể. Bên cạnh đó, một "khoản quét" là với các hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực khác trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Về 27 hành vi, trong đó có lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu, ban hành các văn bản trái chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan.

Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy chế làm việc, quy định, quy trình nghiệp vụ, chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử, nhiệm vụ, công vụ trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan....Bao che, dung túng, tiếp tay, xử lý không đúng quy định đối với hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan...

Chỉ đạo, ép buộc cấp dưới che giấu, không báo cáo, báo cáo sai sự thật, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định, quy trình nghiệp vụ dẫn đến sai lệch kết quả thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan. Che giấu, làm sai lệch, sót, lọt nguồn tin về tội phạm hoặc làm sai lệch hồ sơ, tài liệu, tiêu hủy chứng cứ, vật chứng trái pháp luật.

Ngoài ra ban hành quyết định khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án, quyết định khởi tố bị can hoặc không ban hành quyết định khởi tố bị can, quyết định phê chuẩn hoặc quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can trái pháp luật. Không truy tố người có tội hoặc truy tố người không có tội hoặc ban hành bản án, quyết định trái pháp luật...Nhục hình, bức cung, mớm cung hoặc chỉ đạo, tổ chức thông cung đối với người bị buộc tội; truy ép, gợi ý cho đương sự, người tham gia tố tụng khác cung cấp tài liệu, khai báo, trình bày không khách quan, trung thực.

Đề nghị, quyết định hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù, miễn, giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù, tha tù trước thời hạn có điều kiện, rút ngắn thời gian thử thách của người được hưởng án treo, xét và đề nghị đặc xá trái pháp luật...

Quy định chỉ rõ việc xử lý hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực. Nghiêm cấm giữ lại để xử lý nội bộ

+ Quyền hạn đến đâu, quy trách nhiệm đến đó: Tại các Điều 7, Điều 8, Điều 9 và Điều 10 Quy định 132 đã cụ thể hóa trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền theo; đồng thời chỉ rõ mọi quyền lực được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, được ràng buộc bằng trách nhiệm, quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền hạn càng cao trách nhiệm càng lớn. Đối với người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về những hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi quản lý, phụ trách; chịu trách nhiệm liên đới trong trường hợp đã giao cấp phó, thành viên cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý, phụ trách; chịu trách nhiệm trực tiếp đối với hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực xảy ra trong đơn vị được phân công trực tiếp quản lý, phụ trách… Như vậy, việc trốn tránh, đùn đẩy trách nhiệm sẽ rất khó xảy ra.

+ Mở rộng đối tượng giám sát: Tại Điều 7 Quy định 132, quy định hoạt động tố tụng, thi hành án không chỉ nằm dưới sự lãnh đạo, giám sát của Đảng mà còn được giám sát bởi các cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan hành pháp, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân. Có thể thấy, không chỉ Nhà nước mà cả nhân dân cũng có thể tham gia giám sát các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực tố tụng, thi hành án. Theo đó, việc phát giác, phát hiện và xử lý được hành vi tham nhũng, tiêu cực sẽ trở nên dễ dàng, hiệu quả hơn. Tại khoản 5 Quy định 132 còn quy định bảo vệ người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại và người tham gia tố tụng khác. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng, vững chắc để cơ quan chức năng bảo vệ người tố giác và những người khác, để họ yên tâm hơn, vững tin hơn trong công cuộc đấu tranh phòng, chống các tệ nạn xã hội vì không có gì có thể “qua mắt” được nhân dân.

3-1700451904.png

Nghị quyết 168: “Thanh bảo kiếm” PCTN, TC mang tầm quốc gia đến năm 2030

Trước bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tham nhũng diễn biến ngày càng phức tạp, tinh vi. Trong bối cảnh đó, Nghị quyết 168/NQ-CP ngày 11/10/2023 của Chính phủ về Chiến lược quốc gia PCTN, TC đến năm 2030, với 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp căn cơ, được kỳ vọng sẽ là “thanh bảo kiếm” sắc bén ngăn chặn, đẩy lùi vấn nạn TN, TC, góp phần xây dựng xã hội dân chủ, kỷ cương, liêm chính; giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội.

Trả lời phỏng vấn Tạp chí Pháp lý mới đây, Thiếu tướng, PGS.TS Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an), đã so sánh: “Chiến lược quốc gia PCTN, TC năm 2023 so với năm 2009 thể hiện quyết tâm chính trị cao hơn. Từ quyết tâm chính trị của Đảng đến quyết tâm chính trị của cơ quan hành pháp, tư pháp như Chính phủ và các bộ ngành có liên quan thể hiện rất rõ ràng ở các mục tiêu, giải pháp và lộ trình thực hiện Chiến lược. Đấy là một cái khác biệt. Thứ hai, so với Chiến lược năm 2009, Chiến lược lần này đưa ra các giải pháp cụ thể hơn, đồng bộ hơn, khả thi hơn và xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị. Đấy là điểm mới thứ hai”.

Có thể nhìn thấy nội dung xuyên suốt và bao trùm của Chiến lược đó, qua 2 nội dung cốt lõi:

+ Nhận diện thách thức mới, ưu tiên đề cao phòng ngừa:

Chiến lược nêu rõ bước vào giai đoạn phát triển mới, công cuộc PCTN, tiêu cực đứng trước những khó khăn, thách thức mới. Cụ thể là TN, TC sẽ còn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp trên nhiều lĩnh vực, nhất là tổ chức cán bộ; quản lý tài chính, ngân sách, tài sản công, quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, đầu tư, xây dựng, đấu thầu, đấu giá; đất đai, tài nguyên, khoáng sản; tín dụng, ngân hàng; thuế, hải quan và các lĩnh vực thực thi pháp luật liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp

Tuy nhiên công tác PCTN, TC không thể thực hiện nóng vội mà cần phải có lộ trình cụ thể, có giải pháp căn cơ phù hợp với tình hình thực tiễn của từng giai đoạn. Theo đó, Nghị quyết chia làm 2 giai đoạn: (i) Từ năm 2023 đến năm 2026, tập trung nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung khắc phục những sơ hở bất cập của pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội và PCTN, TC để đề xuất các nhiệm vụ cụ thể trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XV, khóa XVI; chú trọng nâng cao năng lực, hiệu quả trong phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi TN, TC; (ii) Giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030, trên cơ sở phát huy những kết quả đã đạt được trong giai đoạn thứ nhất, xây dựng kế hoạch PCTN, TC cụ thể phù hợp với tình hình thực tế và đẩy mạnh thực hiện toàn diện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm hoàn thành các mục tiêu của chiến lược.

+ Đề cao quyền lợi gắn với trách nhiệm và chế tài:

Để thực hiện có hiệu quả, Chiến lược đề ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó nhấn mạnh đến việc thực hiện cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; chấn chỉnh, khắc phục ngay những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Chỉ có như vậy mới có thể lựa chọn được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực sự chuyên nghiệp, kỷ cương và liêm chính. Đồng thời, chấn chỉnh, khắc phục ngay những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Bên cạnh đó, đổi mới chính sách tiền lương đối với công chức, viên chức, chế độ công vụ, đảm bảo cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có thu nhập hợp lý, ổn định cuộc sống, yên tâm công tác. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát và xử lý nghiêm đối với người vi phạm trong việc thực thi nhiệm vụ, công vụ, đạo đức lối sống của cán bộ công chức, viên chức. Kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy nhà nước những cán bộ, công chức, viên chức suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, không hoàn thành nhiệm vụ công vụ. Cùng với đó, đẩy mạnh công khai và minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định của pháp luật, nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh TN, TC, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khi tham gia vào quy trình ra quyết định và giám sát hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước.

***

Thực tiễn trước mắt và lâu dài cho thấy, công cuộc PCTN, TC sẽ còn nhiều gian nan, khi với tác động của mặt trái kinh tế thị trường, các tổ chức, cá nhân, cán bộ, đảng viên suy thoái sẽ có nhiều thủ đoạn tinh vi hơn hòng qua mặt cơ quan chức. Song, với việc nhanh nhạy nhận diện chính xác, có giải pháp kịp thời và tiến công mạnh mẽ, đúng, trúng những “điểm nóng” TN, TC, chúng ta tin tưởng và kỳ vọng Đảng và Nhà nước sẽ chặn đứng “ giặc nội xâm”, kiên quyết không để chúng tàn phá, làm suy yếu đất nước.

Vũ Lê Minh
Bạn đang đọc bài viết "Giữ hệ thống cơ quan “gác cửa” cho Đảng thực sự trong sạch" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin