Gian nan giải pháp xử lý nợ bảo hiểm xã hội

01/10/2022 15:38

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam tại phiên họp lần thứ 7 của Ủy ban Xã hội Quốc hội tháng 9/2022, tính đến cuối năm 2021 tổng số nợ BHXH bắt buộc là hơn 10.200 tỷ đồng. Trong đó, gần 30.000 doanh nghiệp mất tích, phá sản, giải thể, chủ là người nước ngoài bỏ trốn, nợ tồn từ nhiều năm "rất khó đòi" với số tiền hơn 3.200 tỷ đồng, ảnh hưởng đến chế độ, quyền lợi của hơn 206.000 lao động. Trong 4 năm, cơ quan BHXH kiến nghị khởi tố 382 vụ, nhưng chưa vụ nào bị xử lý. 186 vụ đã bị cơ quan điều tra xác định không khởi tố vì chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

bhxh-anh-1-1665563957.jpg
 

Gần 600 công nhân Công ty TNHH Nam Phương bị treo quyền lợi và chế độ do Công ty nợ BHXH 27 tỉ đồng từ năm 2018 đến nay

 

Doanh nghiệp nợ hàng nghìn tỷ đồng BHXH

Tính đến thời điểm cuối tháng 7/2022, toàn thành phố ………..còn gần 76.000 đơn vị, doanh nghiệp nợ đóng với số tiền hơn 4.905 tỷ đồng, bằng 8,68% tổng số tiền phải thu, tăng hơn 142 tỷ đồng, tương ứng với 2,99% so với cùng kỳ năm trước. 

Số tiền nợ của các đơn vị ngừng, dừng giao dịch, thuộc diện không thể thu hồi lên tới gần 1.367 tỷ đồng, chiếm 27,9% tổng số nợ; số tiền nợ kéo dài, từ 12 tháng trở lên là gần 1.873 tỷ đồng, chiếm 38,18% tổng số nợ…

Theo BHXH TP. Hải Phòng tổng số tiền chậm đóng là 817,9 tỉ đồng (chiếm 6,6% kế hoạch giao), trong đó nợ khó thu hồi rất lớn, lên tới gần 800 tỉ đồng. Tại Quảng Bình, dù cơ quan BHXH tỉnh đã có nhiều biện pháp như thông tin những đơn vị nợ BHXH trên phương tiện truyền thông, mời các đơn vị đến bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn, cam kết trả nợ, thanh tra đột xuất, củng cố hồ sơ chuyển cơ quan công an đề nghị điều tra, song đến hết tháng 7/2022, toàn tỉnh vẫn còn 160 tỉ đồng tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN.

Giám đốc BHXH tỉnh Bắc Giang Nguyễn Thị Thu Huyền cho biết: nguyên nhân khiến tình trạng nợ BHXH tăng cao tại địa phương là do trong những tháng đầu năm 2022, một số DN trên địa bàn gặp khó khăn vì không có thêm đơn hàng hoặc giải thể, phá sản. Đến hết tháng 7/2022, tổng số tiền thu BHXH, BHYT của tỉnh là 4.242 tỉ đồng, (đạt 53,56% kế hoạch giao). Trong đó, tổng số tiền chậm đóng là 243,6 tỉ đồng, chiếm 3,07% số phải thu. Toàn tỉnh Bắc Giang có 154 đơn vị dừng hoạt động sản xuất - kinh doanh, giải thể với số tiền nợ bảo hiểm hơn 54,1 tỉ đồng (chiếm 0,68% tổng số phải thu), không có khả năng thu hồi.

Lãnh đạo BHXH nhiều tỉnh, thành phố cũng nêu thực trạng chung: Từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, các DN gặp nhiều khó khăn trong sản xuất - kinh doanh nên việc chuyển nộp tiền đóng bảo hiểm không kịp thời, dẫn đến nợ đọng. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều DN cố tình trốn đóng, thường xuyên nợ đọng, chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm dẫn đến nợ kéo dài, số tiền nợ lớn.

TP. Hồ Chí Minh số nợ của các đơn vị, doanh nghiệp ngừng, dừng giao dịch, thuộc diện không thể thu hồi lên tới gần 1.367 tỷ đồng, chiếm 27,9% tổng số nợ. Tương tự như vậy, nhiều năm qua Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cũng luôn "đau đầu" trong việc giải quyết gần 400 tỷ đồng nợ bảo hiểm xã hội của khoảng 7.500 đơn vị sử dụng lao động có chủ bỏ trốn, mất tích, giải thể, phá sản, dừng hoạt động.

Không chỉ ở các thành phố lớn, mà các món nợ bảo hiểm xã hội không có khả năng thu hồi cũng đang bị "treo" ở hầu khắp các địa phương trong cả nước. Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, đến cuối năm 2021, tổng số nợ bảo hiểm xã hội bắt buộc trong cả nước là hơn 10.200 tỷ đồng, trong đó khoảng 1/3 (hơn 3.200 tỷ đồng, gồm gần 2.300 tỷ đồng nợ gốc và khoảng 930 tỷ đồng lãi chậm nộp phát sinh) là khoản nợ "rất khó đòi", thuộc về 30.000 doanh nghiệp đã "mất tích", phá sản, giải thể hay chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn… Dù không thể thu hồi, nhưng thời gian qua, những món nợ đó vẫn bị "treo", gây nhiều khó khăn cho cơ quan bảo hiểm xã hội và quyền lợi hợp pháp, chính đáng của hơn 200.000 người lao động từng làm việc ở các đơn vị đã không còn tồn tại này bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Cần có  giải pháp nào khả thi … bảo đảm quyền lợi cho người lao động

Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Hòa phản ánh, việc người sử dụng lao động nợ đóng, trốn đóng hoặc đóng thiếu bảo hiểm xã hội cho người lao động là hành vi nghiêm cấm trong các quy định pháp luật hiện hành. Dù vậy, chế tài xử phạt đối với hành vi này chưa đủ mạnh, lại chồng chéo, nên các cơ quan chức năng khó xử lý những đơn vị, doanh nghiệp vi phạm. Đó là nguyên nhân chính khiến một số doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của pháp luật để cố tình nợ đóng, trốn đóng hoặc chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội của người lao động. “Đến cuối tháng 8-2022, tổng số nợ bảo hiểm xã hội trên địa bàn Hà Nội là hơn 5.068 tỷ đồng, chiếm 8,97% tổng số tiền cần thu, làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi chính đáng của hàng vạn người lao động”, ông Nguyễn Đức Hòa trăn trở. 

Pháp luật BHXH quy định việc giải quyết các chế độ BHXH phải căn cứ trên cơ sở đóng góp vào quỹ BHXH (bao gồm mức đóng và thời gian đóng). Do đó đồng nghĩa với việc chỉ những ai thực hiện đóng góp vào quỹ theo luật định mới thuộc đối tượng thụ hưởng chế độ BHXH. Trên thực tế, trong rất nhiều trường hợp, doanh nghiệp không những không thực hiện nghĩa vụ đóng góp các khoản bảo hiểm thuộc phần trách nhiệm của mình cho người lao động theo quy định, mà các doanh nghiệp còn không nộp phần kinh phí mà người lao động đã đóng (khoản tiền này các doanh nghiệp đã trích trừ hằng tháng từ tiền lương của người lao động) cho cơ quan bảo hiểm xã hội. Chính vì vậy, khi doanh nghiệp "mất tích", phá sản, giải thể hay chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn…, người lao động bị rơi vào cảnh "thiệt đơn, thiệt kép". Đây cũng là một trong những nguyên do khiến cho việc việc tìm kiếm những giải pháp phù hợp “bù đắp” cho món nợ này vẫn còn nhiều nan giải.

Nhiều ý kiến cho rằng, tương tự như xóa nợ thuế, Nhà nước có thể "xóa" những khoản nợ bảo hiểm xã hội không thể thu hồi - đồng nghĩa với việc thời gian người lao động bị nợ bảo hiểm xã hội không được ghi nhận. Tuy nhiên, giải pháp này sẽ không bảo đảm được quyền lợi của người lao động. Bên cạnh đó, một số giải pháp khác cũng được đưa ra như dùng ngân sách hoặc sử dụng kết dư các quỹ bảo hiểm xã hội để giải quyết. Nhiều ý kiến cho rằng những phương án này cũng có không ít bất cập…

Vừa qua, tại phiên họp lần thứ 7 Ủy ban xã hội Quốc hội,  bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng Nghị quyết 05 của Hội đồng thẩm phán hướng dẫn áp dụng Bộ luật Hình sự về các tội danh trốn đóng, gian lận, nợ BHXH giải thích rất rõ từ ngữ còn nhiều tranh cãi trong thời gian qua. Đặc biệt Nghị quyết đã xác định cơ quan BHXH là bên bị hại nên có quyền đề nghị cơ quan công an điều tra, khởi tố. Công đoàn cũng có thể đề nghị cơ quan thẩm quyền khởi kiện các vụ nợ bảo hiểm.

Theo bà Thúy Anh qua làm việc với cơ quan chức năng, mục tiêu cuối năm nay hoặc đầu năm 2023 phải có một vài vụ nợ BHXH bị khởi tố, đưa tòa xét xử. Việc này sẽ giúp thu hồi nợ, đảm bảo quyền lợi người lao động và răn đe những trường hợp để nợ khác.

Ông Trần Văn Sáu, thành viên Ủy ban Xã hội Quốc hội, đề xuất nên xem xét xử lý dứt điểm các khoản nợ BHXH gần như không thể thu hồi, trong đó có thể tính đến phương án xóa nợ để không dây dưa kéo dài.

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung rất khó để đòi hơn 3.200 tỷ đồng khoản nợ BHXH kéo dài nhiều năm, do đó phải tính toán để có hướng xử lý dứt điểm. Các cơ quan cần đặt hơn 2.300 tỷ đồng nợ gốc trong tổng số một triệu tỷ đồng kết dư các quỹ BHXH và Quốc hội, Chính phủ xem xét, nhìn vấn đề này ra sao ? Việc xử lý nợ phải đảm bảo được quyền lợi cho người đóng,  cơ quan BHXH cần phân loại cụ thể khoản nợ hơn 3.200 tỷ đồng báo cáo Ủy ban Xã hội trình Quốc hội xem xét. Nguyên tắc nhà nước không thể lấy ngân sách để xóa mà phải sử dụng phần kết dư của các quỹ để bù đắp. Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề nghị nên tính đến phương án phong tỏa tài khoản của doanh nghiệp để nợ BHXH. Theo kinh nghiệm của Trung Quốc, việc này hiệu quả hơn nhiều tuyên truyền, vận động, thanh tra, kiểm tra, xử phạt hành chính hay khởi kiện ra tòa.

Có thể thấy, xử lý vấn đề doanh nghiệp "nợ" bảo hiểm xã hội là chuyện không hề đơn giản. Mặc dù vậy, bảo đảm quyền lợi cho hàng trăm nghìn người lao động vẫn là yêu cầu quan trọng nhất và không thể tiếp tục kéo dài. Ðiều đó đòi hỏi các cơ quan chức năng cần phải tích cực hơn nữa trong việc tìm kiếm những giải pháp khả thi, phù hợp nhất để sớm trình cấp có thẩm quyền quyết định. Về lâu dài, các cơ chế, quy định liên quan công tác thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cũng cần tiếp tục được hoàn thiện nhằm ngăn ngừa nợ đọng, tránh xảy ra tình trạng tương tự trong tương lai.

Trước thực trạng trên, để đảm bảo việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực BHXH, hạn chế thấp nhất hậu quả, gây ra thiệt hại cho người lao động trong thời gian tới, một chuyên gia đề xuất cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực BHXH, pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH, đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất; đẩy mạnh cải cách hành chính theo cơ chế “một cửa” trong việc kê khai, thu, nộp BHXH; giảm tối đa thủ tục và chi phí cho người sử dụng lao động trong việc kê khai và nộp BHXH cho người lao động; xây dựng cơ chế để người dân giám sát hoạt động thu, chi và quản lý quỹ BHXH.

Thành Chung
Bạn đang đọc bài viết "Gian nan giải pháp xử lý nợ bảo hiểm xã hội" tại chuyên mục Pháp lý và Kinh doanh. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin