Thông tin 114 thí sinh được “phù phép” điểm thi THPT quốc gia 2018 xảy ra tại Hà Giang gây rúng động dư luận trong những ngày gần đây.
Nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, đây là sự việc đặc biệt nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến các học sinh ở Hà Giang mà còn ảnh hưởng đến tâm lý của nhiều thí sinh ở địa phương khác, làm mất niềm tin vào hệ thống giáo dục. Tuy nhiên, vụ việc có dấu hiệu hình sự hay không thì cơ quan Công an phải khởi tố vụ án để điều tra một cách toàn diện.
Sửa hơn 330 bài thi trắc nghiệm của 114 thí sinh
Sau nhiều ngày kiểm tra quy trình trông thi, chấm thi và xử lý dữ liệu điểm thi tại Hà Giang, chiều 17/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng UBND tỉnh Hà Giang tổ chức họp báo thông tin những sai phạm liên quan đến điểm thi cao bất thường tại tỉnh này.
Tại cuộc họp báo, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết có một số bài chấm thẩm định điểm thấp hơn so với điểm công bố. Đồng thời xác định 114 thí sinh với hơn 330 bài thi trắc nghiệm có tổng điểm công bố chênh lệch điểm so với chấm thẩm định. Cá biệt có thí sinh tổng điểm các môn được làm tăng lên đến 26,8, thậm chí 29,95 so với chấm thẩm định.
Cụ thể, môn Toán có 102 bài chênh từ 1 đến 8 điểm (chấm thẩm định là 1; công bố là 9). Môn Vật lý có 85 bài chênh từ 1 đến 7,75 điểm. Môn Hóa có 56 bài chênh 1-8,75 điểm. Môn Sinh có 8 bài chênh 1-4,25 điểm (chấm thẩm định là 4,75; công bố là 9).
Ở tổ hợp Khoa học xã hội, có 9 bài thi Lịch sử chênh 1-7,25 điểm (chấm thẩm định là 2,5; công bố 9,75). 3 bài thi Địa lý chênh 1,25-3 điểm. 3 bài Giáo dục công dân có điểm chấm thẩm định cao hơn 5,75 so với công bố.
Với môn tiếng Anh, có 52 bài chênh từ 1,4 đến 7,8 điểm (chấm thẩm định là 1,2; công bố là 9).
Ông Mai Văn Trinh cho biết thêm, Tổ công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định người trực tiếp sửa hơn 330 bài thi trắc nghiệm của 114 thí sinh là ông Vũ Trọng Lương, Phó phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang. Trong nhiều năm được giao xử lý máy quét phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh thi THPT quốc gia và gửi về Bộ, ông Lương được sử dụng máy tính có kết nối mạng để thao tác công việc của cơ quan và cá nhân.
Cũng tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Cao Khương - Phó trưởng phòng 4, A83 Bộ Công An cho biết, quá trình xác minh ban đầu, phát hiện trong điện thoại của ông Lương có rất nhiều tin nhắn được chuyển đến, lưu số báo danh thí sinh.
Theo ông Khương, qua kiểm tra dữ liệu camera ở Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang, Công an phát hiện ngày 27/6, ông Vũ Trọng Lương đã chuyển toàn bộ hòm chứa bài thi trắc nghiệm và máy tính từ khu vực bảo mật đến phòng Khảo thí thuộc Sở. Trong hơn 2 tiếng, từ 12h đến 14h38, ông Lương mở ổ khoá niêm phong, rút bài ở các túi, tẩy xóa và sửa theo đáp án đã chuẩn bị trước. Khi thực hiện lại các hành vi gian lận cho tổ công tác, ông Lương chỉ mất 6 giây để sửa kết quả cho một bài thi.
Điều đáng nói, quy trình chấm thi THPT quốc gia được đánh giá là rất chặt chẽ, thế nhưng không hiểu vì lý do gì, ông Lương lại qua mặt được tất các thành viên ban giám sát chấm thi.
Có dấu hiệu tội phạm nghiêm trọng
Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý về những gian lận trong thi cử ở Hà Giang, nhiều chuyên gia pháp lý khẳng định, đây là vụ việc có dấu hiệu hình sự, bởi vậy cơ quan Công an cần thiết phải khởi tố vụ án để điều tra, làm rõ trách nhiệm của người trực tiếp can thiệp vào kết quả kỳ thi, làm động cơ mục đích, do một đối tượng phạm gây ra hay phạm tội có tổ chức để đảm bảo sự công bằng cho tất cả cá thí sinh.
Thạc sỹ, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nêu quan điểm, theo quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT (ban hành kèm theo Thông tư số 04/2017/TT-BGDĐT ngày 25.1.2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) thì người tham gia tổ chức thi là công chức, viên chức có hành vi vi phạm quy chế thi (bị phát hiện trong kỳ thi hoặc sau kỳ thi), sẽ bị đình chỉ làm công tác thi và đề nghị cơ quan quản lý cán bộ áp dụng quy định của pháp luật về công chức, viên chức để xử lý kỷ luật.
Đặc biệt, các cán bộ có thể bị đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có các hành vi sai phạm như đưa đề thi ra ngoài khu vực thi hoặc đưa bài giải từ ngoài vào phòng thi trong lúc đang thi; Làm lộ đề thi, mua, bán đề thi; Làm lộ số phách bài thi; Sửa chữa, thêm, bớt vào bài làm của thí sinh; Cố ý chữa điểm trên bài thi, trên biên bản chấm thi hoặc trong bảng điểm; Đánh tráo bài thi, số phách hoặc điểm thi của thí sinh…
“Sau khi rà soát kết quả thi của các học sinh ở cụm thi Hà Giang, cơ quan chức năng đã xác định có sai phạm trong khâu chấm thi. Do đó, sai phạm này sẽ căn cứ vào Quy chế thi THPT quốc gia 2018 và các quy định của pháp luật để xử lý” - luật sư Cường nhấn mạnh.
Ngoài ra, trường hợp phát hiện cán bộ liên quan đến kỳ thi có chức vụ mà có những hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức do người có chức vụ thực hiện trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ; vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì có thể bị xử lý hình sự về Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự hiện hành.
Đồng tình với quan điểm phải khởi tố vụ án để điều tra, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư TP Hà Nội) đánh giá đây là sự việc đặc biệt nghiêm trọng, là hồi chuông cảnh báo về tình trạng tiêu cực trong kỳ thi THPT và xét tuyển Đại học, làm mất đi niềm tin của nhân dân cả nước vào nền giáo dục nước nhà. Đặc biệt là quyền lợi chính đáng của các thí sinh không những ở Hà Giang và trên địa bàn cả nước sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo luật sư Thơm, cơ quan Công an cần phải khởi tố vụ án để điều tra một các toàn diện. Nếu trong quá trình điều tra có căn cứ xác định ông Vũ Trọng Lương (Phó phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang) đã có động cơ tư lợi, nhận tiền hoặc lợi ích vật chất để thực hiện việc sửa điểm thi thì sẽ có dấu hiệu phạm Tội nhận hối lộ. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 354 BLHS 2015. Trong trường hợp phát hiện có hiện tượng đưa nhận hối lộ để mua điểm, mua chuộc các cán bộ liên quan đến kỳ thi sửa chữa đáp án trong bài thi của thí sinh, thì những cá nhân liên quan có thể bị xử lý hình sự về tội Nhận hối lộ (Điều 354 BLHS) và tội Đưa hối lộ (Điều 364 BLHS).
1 cán bộ không thể sửa điểm cho hàng trăm thí sinh
Đó là ý kiến của ĐBQH Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về những bất thường khi 114 thí sinh được "phù phép" điểm thi ở Hà Giang
Trả lời báo chí ĐBQH Lê Như Tiến cho biết, sau cơ quan chức năng công bố một cán bộ của Sở GD&ĐT Hà Giang là ông Vũ Trọng Lương, Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng đã can thiệp sửa 330 bài thi của thí sinh, bản thân ông cảm thấy rất bất bình.
Ông Lê Như Tiến cho rằng, trong vụ việc này, một cán bộ không thể sửa điểm cho hàng trăm thí sinh như vậy được bởi quy trình thi THPT, chấm thi rất chặt chẽ. “Cần làm rõ động cơ, mục đích của việc sửa điểm thi THPT tại Hà Giang là gì? Đằng sau có phải là vì lợi ích không? Đằng sau cán bộ đã bị phát hiện có hành vi sửa điểm là những ai, nhóm người nào? - ông Lê Như Tiến nói.
Theo Đỗ Việt (congly.vn)
Nguồn bài viết: https://congly.vn/phap-luat/tu-van-phap-luat/gian-lan-diem-thi-o-ha-giang-can-khoi-to-vu-an-hinh-su-261232.html