Giải pháp tăng cường áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại trong bối cảnh thực hiện EVFTA

(Pháp lý) - Với mức độ cắt giảm thuế quan rất cao như EVFTA thì áp lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp Việt Nam sẽ vô cùng lớn. Các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) được cho là một công cụ hợp pháp, hiệu quả nhằm bảo vệ các ngành sản xuất trong nước. Việc áp dụng các biện pháp PVTM là “quyền” của các nước thành viên để ngăn chặn những tác động tiêu cực của hàng nhập khẩu ồ ạt, cạnh tranh không lành mạnh với hàng hóa trong nước. Song, cho đến nay, “quyền” này vẫn chưa được coi trọng ở Việt Nam. Nguyên nhân là do đâu, giải pháp nào để cộng đồng doanh nghiệp thực hiện hiệu quả “quyền” này sẽ được Phóng viên Pháp lý phân tích trong bài viết sau:

Các biện pháp phòng vệ thương mại có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp (ảnh minh họa)

Doanh nghiệp Việt Nam chưa coi trọng áp dụng các biện pháp PVTM

Ngày 8/6 vừa qua, Quốc Hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định EVFTA, dự kiến sẽ có hiệu lực từ tháng 7 tới. Đây là một FTA thế hệ mới với kỳ vọng không chỉ giảm thuế mà cả phát triển đầu tư, dịch vụ và khoa học công nghệ là một động lực kinh tế quan trọng thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam.

Với EVFTA, gần như 100% số dòng thuế và kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của hai bên sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau lộ trình tương đối ngắn. Theo đó, cơ hội gia tăng xuất khẩu cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như: Dệt may, da giày, đồ gỗ, nông sản, thủy sản… là rất lớn.

Tuy nhiên, theo đại diện Cục PVTM (Bộ Công thương) nhận định, với mức độ cắt giảm thuế quan rất cao như EVFTA thì áp lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp Việt Nam và nhiều doanh nghiệp EU trong một số lĩnh vực cũng sẽ cao hơn. Đặc biệt là đối với các ngành hàng nhập khẩu vào thị trường trong nước.

Do vậy, việc quan tâm đến các biện pháp PVTM như chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ… có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp. Bởi, đây được cho là một công cụ hợp pháp, hiệu quả hỗ trợ các ngành sản xuất trong nước, ngăn chặn những tác động tiêu cực của hàng nhập khẩu ồ ạt, cạnh tranh không lành mạnh với hàng hóa trong nước và đảm bảo giữ vững sản xuất trong nước cũng như năng lực cạnh tranh.

Tuy nhiên, thực tế thời qua cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự coi trọng việc sử dụng các biện pháp PVTM so với các biện pháp phi thuế quan, rào cản kỹ thuật… trong việc bảo vệ ngành hàng trong nước trước sự cạnh tranh thiếu lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu.

Bởi, nếu so sánh với số vụ kiện hàng xuất khẩu của Việt Nam bị điều tra ở các thị trường nước ngoài, chúng ta không khó để đưa ra đánh giá rằng việc sử dụng biện pháp PVTM ở trong nước để đối phó với những hành vi cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu thực sự quá ít ỏi.

Theo số liệu do Cục PVTM công bố, tính đến hết năm 2019, đã có 158 vụ việc PVTM do nước ngoài khởi xướng điều tra, áp dụng các biện PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam (trong đó đã có 15 vụ việc mới được khởi xướng năm 2019). Trong số 158 vụ việc điều tra PVTM, có 88 vụ việc về chống bán phá giá, 32 vụ việc tự vệ, 18 vụ việc trợ cấp và 20 vụ việc chống lẩn tránh thuế.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, Việt Nam mới chỉ khởi xướng điều tra 16 vụ việc PVTM, trong đó có 09 vụ việc chống bán phá giá, 06 vụ việc tự vệ và 01 vụ việc lẩn tránh biện pháp tự vệ.

….Vì sao các biện pháp PVTM ít được áp dụng tại Việt Nam?

Theo nhận định của nhiều chuyên gia thì có nhiều lý do dẫn đến sự chênh lệch rất lớn như trên. Chẳng hạn như, nhiều doanh nghiệp chưa biết tới công cụ này để tận dụng, bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình. Hoặc, nếu có biết chưa chắc doanh nghiệp đã sử dụng được do nhiều bất cập về cơ chế và năng lực…

Ví dụ để kiện chống bán phá giá với một mặt hàng nhập khẩu nào đó, từ một thị trường nào đó, ngoài những thông tin về thiệt hại mà mình phải chịu, doanh nghiệp phải có thông tin về việc bán phá giá của hàng nhập khẩu (lượng nhập, giá nhập khẩu, doanh nghiệp xuất khẩu nước ngoài… của các lô hàng trong ít nhất là 1 năm liền trước đơn kiện).

Ở Việt Nam, doanh nghiệp của chúng ta rất khó tiếp cận được những thông tin như vậy. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn phải có thông tin về giá bán của sản phẩm đó tại thị trường nước xuất khẩu, để chứng minh giá đó thấp hơn giá xuất khẩu sang Việt Nam, từ đó xác định là có phá giá hay không.

Và để có được những thông tin đó, doanh nghiệp phải có tiền để thuê chuyên gia nghiên cứu thị trường, điều tra các số liệu liên quan… trong khi doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là nhỏ, siêu nhỏ với nguồn lực tài chính rất hạn chế.

Thêm vào đó, quá trình điều tra thường kéo dài từ 6 - 9 tháng trong khi kết quả điều tra thường khó được đảm bảo có lợi cho doanh nghiệp khởi kiện. Tất cả các yếu tố này đặt ra nhiều áp lực lên các doanh nghiệp khi họ nghĩ về việc sử dụng các biện pháp PVTM.
Cùng với những trở ngại trong việc sử dụng các biện pháp PVTM, các hạn chế trong quy định của Việt Nam về PVTM cũng là nguyên nhân gây ra khó khăn cho việc sử dụng các công cụ này.

Ngoài ra, chính hạn chế trong năng lực quản lý và điều tra của các cơ quan Nhà nước là nguyên nhân quan trọng trong việc sử dụng kém hiệu quả các biện pháp này ở Việt Nam. Thực tế điều tra các vụ kiện chống bán phá giá và tự vệ thương mại cho thấy, các điều tra viên đều có đủ kiến thức luật và các kỹ năng cần thiết.

Tuy nhiên, số lượng các điều tra viên về PVTM của Cục Quản lý Cạnh tranh không nhiều, trong khi các điều tra viên có kinh nghiệm thì lại càng hiếm, bởi có quá ít các vụ điều tra. Nếu so với các cơ quan quản lý của châu Âu hay châu Mỹ thì năng lực thể hiện trong kỹ năng và kinh nghiệm giải quyết các vụ kiện PVTM của Việt Nam vẫn còn hạn chế, trong khi năng lực pháp lý là một trong những yêu cầu bắt buộc để có thể xử lý được các vụ điều tra về PVTM.

EVFTA bổ sung các quy định giới hạn việc sử dụng các công cụ PVTM để tránh lạm dụng và đảm bảo công bằng, minh bạch

EVFTA bổ sung các quy định giới hạn việc sử dụng các công cụ PVTM để tránh lạm dụng và đảm bảo công bằng, minh bạch

Nghiên cứu các quy định của Hiệp định EVFTA, có thể thấy, ngay trong Hiệp định cũng đã có hẳn một chương về các biện pháp PVTM. Theo đó, cơ bản nội dung PVTM quy định của Hiệp định EVFTA bao gồm các điều khoản liên quan đến việc sử dụng các công cụ PVTM truyền thống trong WTO. Tuy nhiên, so với các quy định về PVTM trong WTO thì EVFTA bổ sung nhiều quy định mới như:

Thứ nhất, bổ sung các quy định giới hạn việc sử dụng các công cụ này để tránh lạm dụng và đảm bảo công bằng, minh bạch. Các quy định này tạo ra môi trường kinh doanh ổn định và thuận lợi hơn cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Thứ hai, EVFTA quy định nguyên tắc áp dụng mức thuế thấp hơn, tức là thuế chống bán phá giá hoặc chống trợ cấp chỉ ở mức đủ để loại bỏ thiệt hại (trong khi WTO không bắt buộc sử dụng quy tắc này). Một điểm đáng lưu ý là theo cam kết EVFTA, hai bên sẽ không áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp nếu việc này không phù hợp với lợi ích chung (tức là bên cạnh việc xem xét tình hình của ngành sản xuất trong nước thì nước điều tra cũng cần xem xét tình hình, quan điểm của nhà nhập khẩu, hiệp hội ngành hàng, tổ chức đại diện người tiêu dùng và các doanh nghiệp hạ nguồn).

Ngoài ra, EVFTA cũng quy định về cơ chế tự vệ song phương, để đảm bảo việc cắt giảm thuế quan theo Hiệp định không gây ra các cú “sốc” đối với các ngành sản xuất trong nước, Hiệp định EVFTA quy định cơ chế tự vệ song phương trong thời gian chuyển đổi là 10 năm, tạo cơ sở pháp lý đảm bảo được quyền lợi của các bên được sử dụng công cụ tự vệ chính đáng trong việc bảo vệ ngành sản xuất trong nước nếu có thiệt hại hoặc đe doạ thiệt hại do việc cắt giảm thuế quan từ Hiệp định.

Theo đánh giá của Cục PVTM, những quy định này là rất tiến bộ, phù hợp với hệ thống pháp luật về PVTM của ta, giúp cho nền kinh tế, các ngành sản xuất trong nước có công cụ “phòng vệ” hợp pháp, tiến bộ, đảm bảo hiệu quả của việc tham gia Hiệp định.

Một số khuyến nghị

Các biện pháp PVTM là một công cụ nhằm duy trì trật tự thương mại một cách công bằng, hợp lý cho các nước thành viên. Tuy nhiên, việc áp dụng các biện pháp PVTM là “quyền” chứ không phải là nghĩa vụ của các nước thành viên. Để thực hiện “quyền” này, nghĩa vụ của các nước thành viên là phải đảm bảo tuân thủ theo thỏa thuận về các biện pháp PVTM tương ứng với quyền này theo tiêu chí chung.

Do đó, để tận dụng tối đa các điều kiện thuận lợi EVFTA mang lại và đồng thời chủ động nâng cao năng lực PVTM trong bối cảnh thực hiện Hiệp định EVFTA nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước, ngăn chặn những tác động tiêu cực của hàng nhập khẩu ồ ạt, cạnh tranh không lành mạnh với hàng hóa trong nước… Việt Nam cần và thực hiện một số giải pháp tăng cường áp dụng các biện pháp PVTM như:

Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt Bộ Công thương cần tiếp tục rà soát sửa đổi quy định pháp luật về PVTM của pháp luật trong nước cho phù hợp với quy định trong EVFTA nói riêng cũng như trong các hiệp định thương mại khác.

Xây dựng kế hoạch hoạt động tuyên truyền, đào tạo và tư vấn hỗ trợ pháp lý đối với các doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực sử dụng và ứng phó với biện pháp PVTM; Xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành, liên Bộ nhằm tăng cường hiệu quả điều tra và ứng phó với các biện pháp PVTM.

Chủ động công bố thông tin kịp thời của cơ quan quản lý nhà nước về xuất, nhập khẩu về số lượng, xuất xứ và giá cả các mặt hàng nhập khẩu để xác định bán phá giá và các dữ liệu kinh tế của ngành sản xuất trong nước cho phép đánh giá thiệt hại theo các tiêu chí đã đề ra.

Mặt khác, tăng cường quản lý Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ trong thương mại quốc tế. Kết hợp xây dựng cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin giữa cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và EU trong các vụ việc PVTM liên quan.
Về phía cộng đồng doanh nghiệp và các Hiệp hội ngành nghề sản xuất trong nước, cần chủ động tìm hiểu kiến thức về PVTM. Tăng cường nhận thức và khả năng tham gia các vụ kiện chống bán phá giá của doanh nghiệp, tập huấn, tuyên truyền những kiến thức về PVTM.

Các doanh nghiệp trong cùng ngành cần phải đoàn kết, sát cánh bên nhau trong việc khởi kiện các vụ PVTM đảm bảo lợi ích hợp pháp của mình trước hiện tượng hàng nhập khẩu có hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

So với cam kết WTO, Hiệp định EVFTA bổ sung các quy định giới hạn việc sử dụng các công cụ PVTM để tránh lạm dụng và đảm bảo công bằng, minh bạch. Các quy định này tạo ra môi trường kinh doanh ổn định và thuận lợi hơn cho doanh nghiệp xuất khẩu.

-------

Hiệp định EVFTA quy định một cơ chế tự vệ song phương trong thời gian chuyển đổi là 10 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực. Cụ thể, trong trường hợp có sự gia tăng hàng nhập khẩu do cắt giảm thuế quan theo hiệp định và gây ra hoặc có nguy cơ gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước, quốc gia nhập khẩu được phép áp dụng tự vệ bằng cách tạm ngừng áp dụng cam kết cắt giảm thuế quan theo hiệp định đối với hàng hóa liên quan, hoặc tạm tăng thuế nhập khẩu trở lại mức thuế MFN (áp dụng cho các thành viên WTO) hiện hành hay mức thuế cơ sở ban đầu cho đàm phán (tùy theo mức thuế nào thấp hơn). Thời hạn áp dụng tự vệ được phép là 2 năm, có thể gia hạn thêm nhưng tối đa không quá 2 năm.

Đinh Chiến

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin