Giá mua điện mặt trời: Bộ Công thương nên giữ nguyên, chia theo nhiều vùng bức xạ như trước đây

(Pháp lý) - Để tạo cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam - ông Trần Viết Ngãi đã có đề xuất kiến nghị như trên gửi Thủ tướng Chính phủ trước thông tin Bộ Công thương sẽ đề xuất với Chính phủ giá điện mặt trời thống nhất trên tất cả vùng thay vì chia theo nhiều vùng bức xạ như trước đây.

Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam
Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam)

Vì sao giá điện mặt trời nên chia theo nhiều vùng bức xạ ?

Ông Trần Viết Ngãi lý giải: Cường độ bức xạ của việt Nam thay đổi nhiều theo các vùng, các tỉnh miền Bắc có mức bức xạ thấp nhất, bình quân khoảng 3,7 kwh/m2/ngày, trong khí các tỉnh phía Nam, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên có bức xạ bình quân lên đến 4,8- 5,1kwh/m2/ngày (gấp gần 1,4 lần); dẫn đến các dự án điện mặt trời nối lưới đang phát triển tập trung tại một số địa phương có cường độ bức xạ lớn, gây quá tải cục bộ, ảnh hưởng đến an toàn cung cấp điện của hệ thống.

Giải pháp thiết thực nhất để khắc phục tình trạng này là cần thực hiện giá mua điện mặt trời theo nhiều vùng. Bởi lẽ, giá điện mặt trời phải dựa vào 2 yếu tố, yếu tố thứ nhất là bức xạ mặt trời của từng vùng miền là khác nhau. Ví dụ, miền Trung từ Đà Nẵng trở ra, cao nhất chỉ 3,8 kwh/m2/ngày, từ Đà Nẵng trở vào cao nhất có thể lên tới 5,5 kwh/m2/ ngày. Như vậy, có các vùng bức xạ mặt trời khác nhau, đầu tư dự án điện mặt trời tại địa phương nào bức xạ mặt trời cao sẽ hiệu quả hơn đầu tư nơi bức xạ thấp. Yếu tố thứ 2 là lượng mặt trời bức xạ được trong ngày, trong tháng, trong năm. Trong ngày, nơi đón mặt trời sớm là miền Nam vì Đông Nam mặt trời mọc trước; từ mũi Cà Mau trở vào miền Đông, miền Tây Nam Bộ trở vào Nha Trang, Khánh Hòa… thường 6-7 giờ sáng đã có nắng rồi, bức xạ mặt trời có rồi. Trong khi đó, miền Trung tới 9 giờ, miền Bắc 10 giờ sáng bức xạ mặt trời mới đón được dòng điện. Thế nên thời gian tính bức xạ cũng khác nhau.

Văn bản đề xuất, kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam
Văn bản đề xuất, kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam)

Dựa trên cơ sở các tiêu chí về bức xạ mặt trời, thời gian mặt trời trong ngày, tháng, năm, nếu áp dụng chung một mức giá thì không hợp lý, nảy sinh nhiều bất cập, nhất là không khuyến khích được phát triển các dự án điện mặt trời. Vì thực tế, nơi nào hiệu ứng mặt trời, thời gian mặt trời ít hơn thì giá điện mặt trời phải cao hơn, sẽ khuyến khích được doanh nghiệp đầu tư vào dự án nơi này.

Cùng đó,việc phân bổ được hệ thống đầu tư vào năng lượng tái tạo đi đôi với hệ thống truyền tải, kết nối lưới điện để phân bố dòng điện đi hợp lý hơn. Nếu dồn một giá thì các doanh nghiệp sẽ đầu tư hết vào miền Nam và miền Trung, còn miền Bắc chẳng doanh nghiệp nào muốn đầu tư cả, sẽ không có dự án điện mặt trời. Điều này dẫn tới nơi mật độ đầu tư dự án quá dày, nơi không có dự án, tạo bất cập, thiếu cân bằng trong phân bổ dự án. Do vậy, cần chia ra nhiều giá phù hợp với các vùng, miền: nơi nào bức xạ cao hơn, thời lượng nhiều hơn, giá cần thấp hơn, còn ngược lại, những nơi bức xạ thấp hơn, thời lượng ít hơn thì giá phải cao hơn.

Cũng theo ông Ngãi, miền Bắc có bức xạ mặt trời thấp nhất nhưng về mùa hè nắng nóng kinh khủng, tận dụng những tháng nóng này để phát triển điện mặt trời rất tốt. Quan trọng là muốn phát triển dự án điện mặt trời ở miền Bắc phải có mức giá mua điện thế nào cho hợp lý. Không thể đánh đồng một giá chung giữa miền Bắc với các vùng được, rất vô lý.

Còn đại diện một số doanh nghiệp trong lĩnh vực thủy điện đều khẳng định, đề xuất mức giá chung các vùng là không hợp lý, không phát huy được hết nguồn tài nguyên, thế mạnh của đất nước, đặc biệt là thiếu công bằng với các nhà đầu tư. Bộ Công Thương nên kiến nghị Chính phủ giữ nguyên phương án chia các vùng phát triển điện mặt trời với các mức giá tương ứng loại hình đầu tư (điện mặt trời mặt đất, áp mái, nổi...) nhằm khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển điện mặt trời tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung. Nếu các dự án điện mặt trời vẫn lặp lại tồn tại là tập trung nhiều ở các khu vực bức xạ tốt (Bình Thuận, Ninh Thuận...), gây nguy cơ quá tải lưới truyền và khả năng vận hành điều độ hệ thống sẽ khó khăn hơn. Hiện các đường truyền tải của phía Bắc vẫn còn dư thừa năng lực vận tải, chưa sử dụng hết công suất nên các dự án điện mặt trời ở phía Bắc sẽ tận dụng được tối đa, không lãng phí để truyển tải.

Ảnh minh họa điện năng lượng mặt trời
Ảnh minh họa điện năng lượng mặt trời)

“Hà Nội dân cư vốn đông đúc, vậy mà các chung cư cao tầng vẫn mọc lên nhan nhản khiến mật độ dân số ngày càng tăng, nạn tắc đường, ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng. Trước thực trạng đó, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ các dự án khu chung cư cao tầng trong nội đô nhằm tháo gỡ. Việc áp chung giá mua điện mặt trời trong cả nước, khiến nơi thu hút rất nhiều dự án, nơi thì không cũng tương tự như vậy, sẽ nảy sinh nhiều tồn tại, bất cập, rất cần Chính phủ xem xét, điều chỉnh hợp lý”, đại diện một doanh nghiệp ví von.

Được biết, phương án một giá điện mặt trời, chính Bộ Công Thương cũng đánh giá khó khuyến khích phát triển tại miền Bắc, miền Trung, chưa kể việc tập trung nhiều dự án điện mặt trời tại khu vực bức xạ tốt dẫn tới nguy cơ quá tải lưới truyền tải. Hiện nhiều Nhà máy điện mặt trời ở khu vực miền Trung chỉ phát được 50% công suất, gây lãng phí. Vậy phương án này có khả thi?

Kinh nghiệm thế giới

Trên thế giới, quá trình phát triển điện mặt trời luôn đi kèm với các nhà máy thủy điện phòng những khi những nhà máy điện mặt trời gặp sự cố thì thủy điện nhanh chóng bù vào để không bị sập mạng, gây tốn kém... Ví như ở Dubai phần lớn sử dụng điện mặt trời, tuy nhiên giữa sa mạc họ vẫn đầu tư xây dựng nhà máy thủy điện nhằm điều phối cho nhau, một phần để chống rã mạng. Ban ngày khi điện mặt trời thừa thì thủy điện sẽ bơm nước lên tháp cao, vào ban đêm không có ánh nắng mặt trời, không có điện họ sẽ sử dụng thủy điện nhân tạo vận hành xả xuống.

“ Nhiều quốc gia phát triển cũng áp dụng giá mua điện mặt trời theo nhiều vùng trên cơ sở bức xạ mặt trời, lưu lượng mặt trời trong ngày, tháng, năm , chúng ta nên áp dụng như vậy vì họ đã tính toán rất kỹ rồi”, ông Ngãi khẳng định.

Trong khi đó Việt Nam, đặc biệt miền Bắc có nhiều nhà máy thủy điện lớn như Sơn La, Hòa Bình, Lai Châu tại sao không áp dụng mô hình như thế, không chia vùng ra để tận dụng lợi thế phát triển các nguồn điện đã có.

Cần thực hiện giá mua điện mặt trời nối lưới theo nhiều vùng (2- 4 vùng) thay cho giá mua điện chung trong cả nước, tránh tình trạng mất cân đối, nơi thì tập trung nhiều dự án, nơi không có doanh nghiệp đầu tư, gây quá tải cục bộ, ảnh hưởng đến an toàn cung cấp điện của hệ thống. Ngoài ra, việc áp dụng giá mua điện theo nhiều vùng sẽ tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý, các đơn vị vận hành hệ thống điện có nhiều lựa chọn trong việc tích hợp nguồn điện mặt trời với các loại hình nhà máy điện khác trong khu vực nhằm mang lại hiệu quả cao nhất.

(Trích kiến nghị của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam gửi Thủ tướng Chính phủ)


Được biết, phương án một giá điện mặt trời, chính Bộ Công Thương cũng đánh giá khó khuyến khích phát triển tại miền Bắc, miền Trung, chưa kể việc tập trung nhiều dự án điện mặt trời tại khu vực bức xạ tốt dẫn tới nguy cơ quá tải lưới truyền tải. Hiện nhiều Nhà máy điện mặt trời ở khu vực miền Trung chỉ phát được 50% công suất, gây lãng phí./.

 

Hà Trang

 

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin