EVN NPC không mua cổ phần phát hành thêm tại Công ty CP Xây lắp Điện lực 1, lợi ích sẽ về tay ai?

(Pháp lý) - Với việc Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc không mua cổ phần của Công ty CP Xây lắp Điện lực 1, dẫn đến Nhà nước có khả năng mất kiểm soát tại doanh nghiệp này. Câu hỏi đặt ra là, tài sản là bất động sản của doanh nghiệp này tại ven hồ Tây sẽ vào tay ai?

Không góp thêm vốn vì ngoài ngành?

Theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty CP Xây lắp Điện lực 1 tiền thân là Xí nghiệp Xây lắp điện trực thuộc Công ty Điện lực 1 (hiện nay Công ty Điện lực 1 được đổi tên thành Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc – EVN NPC)

Năm 2005, Xí nghiệp Xây lắp điện được cổ phần hóa và chuyển thành Công ty CP Xây lắp Điện lực 1 với số vốn điều lệ là 8 tỷ đồng, trong đó, Nhà nước là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu 48,31% bao gồm EVN NPC chiếm 29,21% và Công đoàn EVN NPC nắm giữ 19,1%.

Khu đất “vàng” số 3 đường An Dương hiện nay đang là trụ sở chính của Cty CP Xây lắp Điện lực 1
Khu đất “vàng” số 3 đường An Dương hiện nay đang là trụ sở chính của Cty CP Xây lắp Điện lực 1)

 

Đến năm 2016, Công ty CP Xây lắp Điện lực 1 có tờ trình ĐHĐCĐ thường niên 2016 về chủ trương thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 8 tỷ đồng lên 40 tỷ đồng nhằm bổ sung nguồn vốn cho công tác sản xuất kinh doanh của công ty. Theo đó, EVN NPC được quyền góp thêm 9,372 tỷ đồng và Công đoàn EVN NPC được quyền góp thêm 6,112 tỷ đồng nhằm đảm bảo quyền lợi cũng như “tiếng nói” tại đơn vị này.
Tuy nhiên, thật bất ngờ, EVN NPC lại quyết định không mua cổ phần phát hành thêm tại Cty CP Xây lắp điện lực 1. Theo đó, với việc tăng vốn lên 40 tỷ đồng, thì tỷ lệ vốn của EVN NPC tại đây sẽ bị giảm từ mức 48,31% xuống chỉ còn 9,7%, tính riêng vốn Nhà nước sẽ chỉ còn 5,8%.

Theo giải thích của EVN NPC: Theo Nghị định số 91/2015/CP của Chính phủ về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg ngày 18/6/2014 về ban hành tiêu chí danh mục phân loại doanh nghiệp Nhà nước cho thấy, ngành nghề xây lắp điện không phải là ngành nghề chính của EVN NPC nên sẽ thực hiện thoái vốn theo lộ trình. Nhưng để “cứu” Cán bộ công nhân viên và người lao động cũng như doanh nghiệp, cổ đông EVN NPC đã ưu tiên hỗ trợ cho Công ty CP Xây lắp Điện lực 1 bằng giải pháp huy động vốn góp từ Cán bộ công nhân viên của Tổng Công ty, bổ sung theo tỷ lệ tương ứng do EVN NPC không tham gia góp vốn.

Về 19,1% vốn góp Công đoàn được quyền mua thêm, Chủ tịch Công đoàn EVN NPC Nguyễn Văn Tiệp ngày 06/5/2016 có công văn số 69/TB-CĐNPC về việc giới hạn thời hạn đăng ký góp vốn tới ngày 16/5/2016. Quá thời hạn trên coi như cán bộ, công nhân viên không có nhu cầu tham gia góp vốn. Điều đáng nói, các nhân viên thuộc diện “ưu đãi” cũng chỉ có đúng …10 ngày để chuẩn bị tiền nếu muốn thành cổ đông của Công ty CP Xây lắp Điện lực 1.

Làm việc với Phóng viên Pháp lý, ông Phan Thế Huấn, Giám đốc Công ty CP Xây lắp Điện lực 1 cho biết, hiện nay lĩnh vực hoạt động chính của Công ty là xây lắp đường dây điện và khách hàng chủ yếu của Công ty chính là EVN NPC và các thành viên khác của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Trong doanh thu khoảng 80 tỷ đồng năm 2016 của doanh nghiệp này, hơn 90% là tiền thu được từ EVN NPC các thành viên khác của EVN. Còn khoảng 10% doanh thu còn lại đến từ việc thi công xây lắp đường điện cho các doanh nghiệp tư nhân.

Với doanh thu chiếm tới 90% là thi công xây lắp đường điện cho các thành viên EVN, Công ty CP Xây lắp Điện lực 1 đang hoạt động hiệu quả và cũng không trái với ngành nghề hiện nay của EVN NPC cũng như EVN?

Hàng chục tỷ đồng có thể “trôi” cùng EVN NPC?

Vì sao sự việc EVN NPC không mua cổ phần tại Công ty CP Xây lắp Điện lực 1 lại được quan tâm đến như vậy? Câu trả lời nằm ở việc Công ty CP Xây lắp Điện lực 1 hiện đang sở hữu 2 khu đất có diện tích rất lớn ở quận Tây Hồ.

Theo đó, mảnh thứ nhất có diện tích 3.350 m2 tại địa chỉ số 3, An Dương (hiện nay là trụ sở chính của Công ty CP Xây lắp Điện lực 1) được UBND TP. Hà Nội cho Công ty CP Xây lắp Điện lực 1 thuê có thời hạn 50 năm kể từ ngày 15/10/1993, trả tiền thuê đất hàng năm.

Khu đất thứ 2 có diện tích hơn 8000 m2 tại số 10 ngõ 32, An Dương được UBND TP. Hà Nội cho thuê theo Hợp đồng dành cho các tổ chức chưa có giấy tờ sử dụng đất hợp pháp với thời hạn 10 năm kể từ ngày 1/1/1996, trả tiền thuê đất hàng năm. Đến năm 2016, khu đất này vẫn được sử dụng làm kho bãi, nhà xưởng sản xuất của Công ty CP Xây lắp Điện lực 1 và một phần làm trụ sở Văn phòng và Đội xe của EVN NPC nhưng đã hết hạn được thuê, doanh nghiệp này đang đề nghị thành phố Hà Nội tiếp tục cho thuê.

Phân tích, bình luận với Phóng viên Pháp lý về vấn đề, liệu nhà nước có thất thoát hàng chục tỷ khi EVN NPC không mua thêm cổ phần của Công ty CP Xây lắp Điện lực 1 trong đợt tăng vốn vừa qua?

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam cho rằng: Việc giảm tỉ lệ nắm giữ chủ sở hữu Nhà nước tại Công ty CP Xây lắp Điện lực 1 từ gần 50% (có quyền quyết định) xuống còn chưa tới 10% đồng nghĩa với việc quyền quyết định đối với hai mảnh đất nêu trên thuộc về cổ đông tư nhân. Do đó, việc e ngại quyền lợi của Nhà nước (về đất đai) ở đây được chuyển giao cho cổ đông tư nhân mà Ngân sách Nhà nước không thu được một đồng nào là có cơ sở.

Hiện tại 2 khu đất Nhà nước giao cho Công ty CP Xây lắp Điện lực 1 sử dụng làm trụ sở và kho bãi không chỉ là những khu đất ‘sạch’ rộng rãi hiếm hoi còn sót lại ở khu vực quận Tây Hồ, có vị trí khá đắc địa giáp hai hồ điều hòa lớn nhất Thủ đô là hồ Tây và hồ Trúc Bạch. Với giá đất hiện nay ở khu vực này rất cao, câu hỏi đặt ra là EVN NPC không mua cổ phần phát hành thêm, lợi ích sẽ về tay ai?

Văn Don

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin